Mục Vụ Tháng 10. 2022: Sống Tình Liên Đới Giữa Người Với Nhau

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

(Ca dao Việt Nam)

Người Việt Nam coi gia đình là một đơn vị xã hội, trong đó các phần tử được gắn liền với nhau, không những bằng quan hệ huyết thống, mà còn được ràng buộc với nhau bằng những sợi dây tinh thần, tình cảm, xuất phát từ tâm con người.

Thiên Chúa đã dựng nên con người có tri giác và cảm giác. Chúng ta luôn luôn được mời gọi sống chung, sống cùng và sống với nhau. Ông bà ta có những câu nói để đời như: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, hay “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” … Thế nhưng khi nghĩ đến tình liên đới giữa người với người chúng ta lại thấy có điều gì đó trong một tập thể, một hội đoàn, hay một cộng đoàn mà người ta lại thiếu sự quan tâm, hơn thua nhau… Vì thế, con người muốn tồn tại thì phải liên đới, san sẻ và yêu thương nhau; liên đới để giúp nhau thăng tiến, liên đới để sống cảm thông chia sẻ với nhau; tình liên đới sẽ giúp con người chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp.

Người ta kể về Thị trưởng đầu tiên của thành phố New York với giai thoại như sau: Một ngày kia trong một mùa đông lạnh buốt, ông Thị trưởng phải chủ tọa một phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẫu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: “Gia đình tôi đang chết đói”.

Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la”. Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho người đàn ông khốn khổ.

Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: “Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp”. Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão. Khi chiếc mũ đã được trao một vòng trong tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được 47 đô và 50 xu.

Nếu con người biết sống có tình liên đới thì cuộc đời tốt đẹp biết bao “lá lành đùm lá rách; chị ngã em nâng”. Nếu mỗi người ai cũng có trách nhiệm liên đới với người nghèo, người bệnh tật, người bất hạnh thì cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn biết mấy. Bởi lẽ khi con người không có thái độ dửng dưng với nhau nhưng biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, thì chắc chắn sẽ không có những phận người cô đơn buồn tủi.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp gỡ rất nhiều người. Đối tượng mà chúng ta gặp gỡ rất đa dạng và khác biệt nhau. Có người dễ thương, người khó thương, có người khôn ngoan, nhanh nhẹn; có người lâu hiểu, chậm chạp. Có người dư giả điều kiện kinh tế và cũng có người phải đối diện với những bấp bênh, thiếu thốn trong cuộc sống. Cho dù họ là ai, có tương quan với chúng ta như thế nào, thì không phải chỉ những người giàu sang, có nhiều tiền của mới được lưu lại trong trí nhớ chúng ta lâu dài, mà những người trao gửi cho chúng ta những tình cảm chân thành và ấm áp mới là người ở mãi trong ký ức của chúng ta.

Trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Tình liên đới nằm ở chỗ: chia sẻ cái chút ít mình có với những người không có gì, để không ai phải đau khổ”. Trong xã hội chúng ta đang sống luôn có rất nhiều người nghèo. Họ là những người nghèo về tiền bạc, không có tiền thuốc thang chạy chữa bệnh tật và phải lo bươn chải kiếm sống từng ngày; họ cũng là những người nghèo lòng quan tâm, và thiếu khả năng chia sẻ với người khác.

Đức Giêsu sống liên đới với mọi người, Ngài là mẫu mực để chúng ta noi theo. Ngài liên đới với tội nhân để thay họ dâng hy lễ đền tội với Chúa Cha. Ngài liên đới với những mảnh đời lao động vất vả khi chính Ngài đã sống ẩn dật tại mái nhà Nadaret. Nơi đó, Ngài sống như người nghèo khi kiếm sống bằng đôi bàn tay lao động. Ngài liên đới với mọi cảnh cơ hàn của con người khi Ngài dùng đôi tay để xoa dịu mọi nỗi đau của con người. Đôi chân trần của Ngài đã đến với mọi hạng người để nâng đỡ và ủi an họ.

Liên đới đòi chúng ta nhận lấy trách nhiệm, không phủi tay thoái thác cho người khác. Liên đới là đóng góp phần mình, dù chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng đó lại là tất cả khả năng và sự cố gắng của chúng ta, Chúa chỉ chờ đợi có thế thôi, để Ngài làm nên phép lạ. Nếu cuộc đời ai cũng cảm thấy có trách nhiệm với cả những lỗi lầm của người khác thì xã hội sẽ thăng tiến biết bao. Vì ai cũng nỗ lực sống chu toàn bổn phận của mình, sống gương mẫu và chắc chắn sẽ không làm gì để gây gương mù gương xấu cho nhau và tha nhân.

Đức Giêsu đã hiến tế cuộc đời mình bằng cái chết trên thâp giá để cho cho nhân loại được sống, ước gì cuộc đời của chúng ta cũng hiến tế cho nhau. Một cuộc hiến tế không bằng máu mà bằng hy sinh từ bỏ thói hư tật xấu, hy sinh hãm dẹp tính xác thịt, hy sinh để sống làm gương sáng cho tha nhân. Mỗi người biết sống có trách nhiệm, quan tâm, nâng đỡ nhau, hiệp nhất yêu thương để tình người mãi gắn kết và cùng nhau xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

A. Hồng Loan

Trả lời