Mục Vụ Tháng 6. 2022: Một Góc Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội

Nhân cách và phẩm giá là hai yếu tố quan trọng làm nên giá trị con người. Thật vậy từ xa xưa con người đã chú ý đến việc rèn luyện nhân cách và đạo đức để có một phẩm giá cao đẹp. Đối với con người trong xã hội hiện đại, việc trau dồi, rèn luyện nhân cách, phẩm chất càng quan trọng hơn. Chỉ khi nào nhìn nhận phẩm giá con người, cá nhân mới có thể phát triển riêng cho mình và chung với người khác (x. Gc 2,1-9). Mục đích của Giáo Hội không phải tạo ra một xã hội con người hoàn hảo, nhưng để hướng dẫn con người đã được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, sống Tin Mừng một cách cụ thể giữa xã hội trần thế. Để thúc đẩy điều này, cần đặc biệt giúp đỡ những người yếu kém nhất, bảo đảm cho cả nam lẫn nữ có những điều kiện phát triển đồng đều, cũng như sự bình đẳng khách quan giữa các giai cấp xã hội khác nhau trước luật pháp. Giáo huấn Xã hội của Giáo hội giới thiệu quan điểm của Công giáo về con người, về gia đình, các nền văn hóa, cuộc sống xã hội, cơ cấu chính trị, hệ thống kinh tế, vấn đề phát triển, tình liên đới giữa các tầng lớp xã hội cũng như giữa các quốc gia và đặc biệt đề cao phẩm giá con người.

Xã hội hiện đại có đủ mọi điều kiện cho con người phát triển, ai ai cũng được bình đẳng, tuy nhiên lại phân thành người giàu kẻ nghèo, người đáng được tôn trọng và kẻ đáng khinh. Sự thật như vậy là bởi vì mỗi người khác nhau ở cách suy nghĩ và hành động của họ, mỗi người đều có một nhân cách và phẩm giá khác nhau làm nên sự khác nhau trong giá trị bản thân họ. Như vậy nhân cách và phẩm giá đóng vai trò rất lớn trong việc khẳng định nên giá trị con người. Nếu nhân cách là những đức tính tốt đẹp của con người phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội như lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, thì phẩm giá là giá trị tinh thần cao quý riêng của một con người, phẩm giá do bản thân của mỗi người tạo nên và được công nhận bởi người khác. Và nếu nhân cách được biểu hiện qua hành động và việc làm thì phẩm giá thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mang giá trị về mặt văn hóa đạo đức trong lối sống của mỗi người và phẩm giá này mang những đặc tính “phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng”.

Thật vậy, nhân cách và phẩm giá là một trong những yếu tố làm nên thành công lớn trong cuộc đời mỗi con người. Nhân cách và phẩm giá được hình thành từ môi trường sống và học tập của con người. Một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống của chúng. Nếu một người trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn thì họ sẽ biết trân trọng những gì đang có và có tinh thần vươn lên để đạt được mơ ước, ngược lại người được nuông chiều, sống trong cảnh sung túc từ khi sinh ra sẽ không biết đến khó khăn, không biết đến cái gọi là cảm thông chia sẻ. Mọi thứ đều dễ dàng và thuận lợi sẽ khiến chúng mất đi tính tự lập, dễ dàng bỏ cuộc để rồi sa vào thói hư tật xấu của xã hội. Tuy nhiên môi trường sống không phải là tất cả để hình thành nên nhân cách mà còn bao gồm cả sự giáo dục. Trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, một nền giáo dục tốt sẽ giúp cho chúng phát triển một cách toàn diện hơn. Được dạy dỗ, được giáo dục đâu là đúng sai sẽ giúp cho chúng phát triển về nhân cách, qua thời gian chúng rèn luyện được những đức tính tốt đẹp ấy sẽ dần trở thành nếp sống, thói quen và rồi tạo nên phẩm giá của bản thân. Không có đức trẻ nào yếu kém, không có trẻ em hư hỏng nếu như chúng được nuôi dạy trong một môi trường giáo dục đúng. Tình yêu và sự chân thành sẽ là cầu nối cho con người đến với nhau, tạo nên một môi trường tốt đẹp để cùng nhau phát triển.

Giáo huấn Xã hội của Giáo hội không phải là những tín điều hay những luật lệ khô khan, cứng ngắt nhưng Giáo huấn Xã hội của Giáo hội là một tập hợp các chân lý đạo đức và tôn giáo, một tập hợp các nguyên tắc và tập hợp các giá trị, một hệ thống các giá trị được tin tưởng, tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những giá trị này là yếu tố cơ bản của con người đã được Thiên Chúa dựng nên, theo hình ảnh và hoàn toàn giống Ngài. Do đó, con người và những gì trong xã hội liên quan đến con người là trọng tâm chính của Giáo huấn Xã hội của Giáo hội.

                                                                                                                              Ban VH – TT Mến Thánh Giá Cái Mơn

Trả lời