Mục Vụ Tháng 8. 2022: Mỗi Người Là Vô Giá

“Mỗi người là vô giá!”. Thử hỏi trên trần gian này, làm sao có thể tìm ra một người giống bạn, dẫu chỉ là dấu vân tay! Những điều thấy được đã không thể thay thế, phương chi là linh hồn mỗi người. Vậy mà, Thiên Chúa không lẫn lộn, Ngài chăm bẵm sự sống đời này và đời sau của từng người. Chúng ta đang sống trong thời điểm khoa học tân tiến, đang thụ hưởng những điều tốt đẹp hơn cả! Một thế giới của toàn cầu hóa… tạo những bước nhảy hiện đại phục vụ cho con người. Thế nhưng, cũng trong bức tranh tổng thể ấy, trong cái vượt bậc của thời đại công nghệ, của hiện đại, của hưởng thụ… chúng ta không khỏi đau lòng khi nhận ra giá trị đạo đức ngày càng suy yếu, tôn trọng chủ nghĩa cá nhân và lẫn lộn trong nhận thức về phẩm giá con người.

Thời gian gần đây, ai trong chúng ta cũng nghe và thấy rất nhiều trên các trang mạng thông tin. Về tình trạng tham nhũng từ những giới chức lãnh đạo, lùm xùm của những nghệ sĩ về vụ sao kê, thầy giáo đánh học trò, bạo lực học đường, vợ chồng giết hại nhau, con cái chém cha mẹ, ….và còn biết bao tranh chấp, tệ nạn xã hội vẫn đang tiếp diễn ngày ngày. Vậy để đo được phẩm giá con người trong thời đại này cần dựa trên những tiêu chuẩn nào, vì cách chung, nhất là giới trẻ hôm nay chỉ đánh giá dựa theo dáng vẻ bên ngoài: đi xe đời mới, áo quần hàng hiệu, điện thoại xịn xò, ăn quán nổi tiếng,….. thì mới được coi trọng.

Theo từ điển Tiếng Việt: Phẩm giá là giá trị riêng của con người. Phẩm giá con người thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mang giá trị về mặt văn hoá đạo đức trong lối sống của mỗi người.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần, được mời gọi để sống hiệp thông với Ngài, có khả năng lắng nghe và đáp lại lời Ngài (Youcat 56,58; GLHTCG 357). Đó chính là phẩm giá của con người. Đây còn là nền tảng của sự bình đẳng cơ bản và tình huynh đệ giữa mọi người, bất luận chủng tộc, quốc gia, phái tính, nguồn gốc, văn hóa và giai cấp xã hội. Đây là lý do tại sao không một người nào có thể sử dụng người khác như là những đồ vật. Ngược lại, mọi người phải được tôn trọng và đối xử như một người với đầy đủ phẩm giá, nhân vị và tự do (GLHTCG 361). Đồng thời, mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính mình, về những chọn lựa và hành vi của chính mình.

Tôn trọng phẩm giá con người là “nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác, đồng thời cũng là nội dung của HTXHCG”. Để sống đúng với nguyên tắc nhân phẩm đòi hỏi chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Chúa của muôn loài để gắn bó với Thiên Chúa và tương quan với người khác, với vũ trụ vạn vật. Vì được gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, nên con người không thể cho phép mình có những hành động bất xứng với Thiên Chúa, Đấng đang ở trong họ, như suy nghĩ những điều xấu xa, ước muốn những điều dâm đãng, có những cảm xúc, cảm tình tiêu cực… dù đó chỉ là hành động trong tâm trí chứ chưa thể hiện ra bên ngoài. Do đó, chúng ta hiểu Đức Giêsu yêu cầu sự trong sạch cả trong tâm trí khi dạy: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28).

Con người cũng không thể nhân danh bản năng để thực hiện những hành động gây thiệt hại cho mình hay cho người khác. Thí dụ: thủ dâm để tự thỏa mãn những dồn nén sinh lý, uống bia rượu quá mức, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác, xem những phim ảnh đồi trụy… vì những bản năng này của con người phải được điều khiển bởi lý trí và ý chí con người qua lương tâm mách bảo và cả ơn Chúa giúp. Vì thế, con người không thể biện minh là vô tội khi thực hiện các hành động chiều theo bản năng của mình.

Mang hình ảnh Thiên Chúa còn là một trách nhiệm! Chúng ta phải sống xứng với phẩm giá của mình; đồng thời, cũng phải biết yêu thương, quan tâm, tôn trọng người khác dù đang sống trong bậc sống nào. Vì mối quan hệ thân tình với người khác như anh chị em ruột có chung một người Cha Trên Trời, nên con người phải tôn trọng người khác: sự sống, danh dự và mọi thứ thuộc quyền sở hữu của họ, nhất là “mạng sống con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm” vì chỉ Thiên Chúa mới là chủ tể của sự sống và sự chết. Chúng ta cũng có trách nhiệm với cả “những người bé mọn”; “bé mọn” vì tuổi tác, vì mới mẻ, chưa trưởng thành trong đời sống Kitô hữu, hoặc ngay cả “bé mọn” do yếu đuối hoặc những khó khăn. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về việc có thể cản đường, một khi hành vi của chúng ta khiến họ nghi ngờ hoặc chán nản việc sống đức tin. Vì lẽ, mỗi người trong họ cũng có “một phẩm giá vô giá”. Mặt khác, phần thưởng lớn lao đang chờ đợi những ai nêu gương tốt cho “những người bé mọn” này! Vì khi làm những hành động tốt đẹp cho những người hèn kém nhất là họ làm cho chính Đức Kitô (x. Mt 25,40).

Trong mối quan hệ với vũ trụ vạn vật, con người cũng thấy mình hiện diện với tất cả các thụ tạo khác được Chúa giao phó cho con người (Laudato Si’,90) con người được quyền hưởng dùng chúng nhưng không được tùy tiện khai thác thế giới cách ích kỷ.

Thí dụ cụ thể một người bán bắp ở một chợ hiểu rằng họ phải nấu bắp bằng cách nào đó cho an toàn, một người bán rau muống không được phép dùng những hóa chất độc hại tưới vào rau; hoặc một nhà chăn nuôi không được dùng các hóa chất tăng trưởng độc hại. Nếu họ biết hàng hóa mình không an toàn mà vẫn cứ bán ra thị trường là họ đã phạm tội nặng nề với Chúa, với anh em, với vạn vật dù pháp luật không truy tố họ. Những nhà sản xuất các phim ảnh đồi trụy, thông tin sai lạc cũng vi phạm nguyên tắc nhân phẩm khi làm thiệt hại tinh thần của con người. Mức độ tội lỗi nặng nề hơn khi có nhiều người bị ảnh hưởng bởi hành động của họ.

Là người con trong gia đình Giáo hội, Thượng Hội đồng Giám Mục mời gọi chúng ta có thể hiện thực hóa ước vọng hòa giải và hòa bình trong đời sống Giáo hội và thế giới hôm nay, thì hiệp hành chính là con đường mà mỗi người chúng ta phải bước đi. Chỉ khi sống tinh thần hiệp hành, nghĩa là khi chúng ta biết cùng nhau lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện, biết tôn trọng và bình đẳng với nhau, biết cùng chia sẻ và cảm thông những mối ưu tư của nhau, cùng nhau dấn thân tham gia phục vụ trong tình bác ái yêu thương, con người chúng ta mới có thể gắn bó với Chúa và liên đới chặt chẽ với nhau hơn. Và đó là nền tảng cho một tiến trình hòa giải để đi đến hòa hợp và phát triển.

“Mỗi người là vô giá”. Để bảo vệ, nâng cao và sống đúng phẩm giá con người, người Kitô hữu được mời gọi. Trước tiên, luôn ý thức mình và người khác đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Là người Kitô hữu, luôn ý thức mình là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Như vậy, mỗi người phải luôn rèn luyện, học hỏi, trau rồi kiến thức về phẩm giá, về con người, về ước mơ của Thiên Chúa cho con người, để sống hoàn thiện hơn mỗi ngày, sống đúng với phẩm giá của mình. Đồng thời cũng phải giới thiệu Giáo huấn của Giáo hội cho thế giới hôm nay, để giúp người khác sống đúng với phẩm giá của mình. Món quà quý giá nhất dành cho yêu thương không phải là món quà đắc tiền mà là sự thấu hiểu và tôn trọng. Trong đường đời, tôn trọng chính là khóa học bắt buộc của mỗi người, tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Ban VH – TT Mến Thánh Giá Cái Mơn

Để lại một bình luận