Mẹ Maria và Ơn gọi Thánh Hiến (Mary and Religious Consecration) mang tính suy tư thần học về Mẹ Maria trong bối cảnh Mẹ được thánh hiến; đồng thời, liên hệ đến sự thánh hiến của người tu sĩ theo gương Mẹ. Trích đoạn này gồm hai phần:
A. Sự thánh hiến của Mẹ Maria
B. Tu sĩ – sống thánh hiến như Mẹ
Ước mong độc giả, nhất là những người sống đời thánh hiến, trong bài suy tư này, sẽ tìm được liên hệ ý nghĩa như một gợi hứng cho hành trình bước theo Chúa, theo gương Mẹ Maria.
A. SỰ THÁNH HIẾN CỦA MẸ MARIA
Theo truyền thống, Mẹ Maria đã được thánh hiến ngay từ trong bào thai tinh tuyền. Chúa tách riêng Mẹ cho sứ vụ đặc biệt của Ngài, và cho Mẹ một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ. Mẹ đã được thánh hiến lại một lần nữa ngay lúc khởi đầu sứ vụ khi Mẹ nhận lời làm Mẹ Thiên Chúa. Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ, và dẫn đưa Mẹ vào tình yêu và sự bảo bọc trọn vẹn của Thiên Chúa; đồng thời Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ân sủng trên Mẹ. Sau lời thưa Xin Vâng, Mẹ hoàn toàn dâng hiến đời Mẹ cho Thiên Chúa, và đoan hứa trung thành với kế hoạch cứu độ của Ngài. Mẹ bắt đầu hành trình tự huỷ, mà đỉnh cao là đồng hành cùng cái chết Con của Mẹ. Và như một hệ quả, sự tự huỷ của Con Mẹ dẫn đến sự Phục Sinh, thì sự “tự huỷ” của Mẹ Maria cũng dẫn Mẹ về trời.
1. Mẹ Maria và dân Israel
Ơn gọi thánh hiến đặc biệt của Đức Mẹ tự bản chất liên hệ đến Giao Ước giữa Thiên Chúa với dân Israel, một dân được tuyển chọn và thánh hiến. Kinh Thánh nhắc đi nhắc lại cho chúng ta về câu chuyện Giao Ước bao nhiêu lần bị phá vỡ và được làm mới lại. Mỗi lần nhắc lại là một lần Thiên Chúa khẳng định tình yêu, sự trung tín, và lời mời gọi trở về không ngừng trong tương giao với Người. Hơn nữa, bên cạnh đó, Người cũng kêu gọi những con người đặc biệt, để qua đó Thiên Chúa cho dân của Người biết kế hoạch cứu độ. Trong trường hợp đặc biệt của Mẹ, Mẹ cũng nối gót những con người trong lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong chương trình cứu chuộc dân Israel như Sarah, Hannah, Judith, Esther, và Elizabeth. Vì thế, ơn gọi đặc biệt của Mẹ nằm trong ơn gọi thánh hiến của dân tộc Mẹ, một dân được Thiên Chúa gọi và thánh hiến. Mẹ được gọi góp phần hoàn thành lời hứa cứu độ của Thiên Chúa cho dân Israel và cho mọi người trên trái đất này.
2. Mẹ “được đẹp lòng Thiên Chúa”
Mẹ nhận sự thánh hiến đặc biệt để trở thành Mẹ của Thiên Chúa. Trong mạch nối kết này, Mẹ được gọi là “Đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Để được “đẹp lòng” (Lc 1, 28), Mẹ được bảo đảm rằng “Thiên Chúa ở cùng Mẹ” (Lc 1, 28). Thật sự, Thiên Chúa luôn ở với Mẹ trong suốt đời Mẹ. Ngài ở đó, khi Mẹ đươc hạ sinh. Thiên Chúa ở cùng Mẹ khi Mẹ được hỏi ý kiến làm Mẹ Chúa Giêsu. Thiên Chúa ở đó khi Mẹ sinh hạ một hài nhi nơi máng cỏ. Thiên Chúa ở đó khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, chứng kiến cái chết đau thương của Con Mẹ. Thiên Chúa cũng đã ở với Mẹ khi Mẹ cùng với các tông đồ trong căn phòng tầng trên của căn nhà ở tầng trên (Cv 1, 12-14); và trong cuộc tụ họp sau ngày phục sinh của Giêsu Con Mẹ; Thiên Chúa luôn ở đó với Mẹ cho đến khi Mẹ được cất lên trời, nơi ngự trị của Thiên Chúa.
Công bố Mẹ là người “được đẹp lòng Thiên Chúa” cho thấy rằng Mẹ đã được thánh hoá trong ân sủng của Thiên Chúa. Lời xin vâng của Mẹ quả là một ân ban. Sự sẵn sàng trở thành một phần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa là một lời đáp trả hồng ân, bởi vì Chúa Thánh Thần luôn ở với Mẹ. Đức Mẹ đã được dựng nên thánh thiện vì thế Mẹ có thể sinh hạ một Đấng Thánh của Thiên Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa luôn đồng hành cùng Mẹ qua cuộc sống trần thế bí nhiệm của Con Mẹ. Sự đồng hành này đã biến đổi Mẹ trở thành nữ tì của Thiên Chúa Cha và là người môn đệ trung thành nhất của Chúa Con.
3. Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Mẹ
Sự bối rối và nỗi sợ hãi khi hỏi sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Thiên sứ đáp lại: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Chúa Thánh Thần đã được mạc khải trong Kinh Thánh như là sức mạnh của sự sống. Ngay từ khởi nguyên, Thánh Thần đã hiện diện mang sức sống và tái sinh mọi thế hệ. Qua sự biến đổi và gia tăng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ trở nên Mẹ của Thiên Chúa. Qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người Con của Thiên Chúa đã được hạ sinh. Nhờ sự hiệp thông sáng tạo trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sau biến cố Phục sinh, Đức Mẹ, các Tông Đồ và các môn đệ tụ họp, làm mới lại niềm tin và cam kết một lần nữa theo Đức Giêsu và sứ vụ của Ngài.
Từ Episkiasei trong tiếng Hy Lạp được hiểu “sẽ rợp bóng”. Episkiasei nguyên gốc là episkiazo, nghĩa là: “ném bóng trên” hoặc “phủ bóng”. Theo Alejandro Gobrin, từ này được hiểu theo nghĩa “tĩnh lặng”, “định rõ nơi chốn” hoặc “sự hiện diện bao trùm”. Hơn nữa, Gobrin nói rằng: cách sử dụng của từ episkiazo trong bản văn truyền tin có thể liên quan đến Thánh vịnh chương 91: “Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng : “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.” (câu1-2). Skepe tou Theou (áng mây của Đấng Tối Cao) ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, cụ thể một Thiên Chúa bảo vệ dân người. Vì thế, Thánh Thần sẽ rợp bóng trên Mẹ nghĩa là Mẹ được chọn, Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ và Mẹ ở trong sự quan phòng bảo bọc của Chúa. Vì vậy, Mẹ không hề sợ hãi. Thiên Chúa yêu thương luôn ở cùng, chăm sóc, và tuôn đổ trên Mẹ tặng phẩm của tình mẫu tử. Tặng phẩm này tăng sức cho Mẹ chịu đựng hệ luỵ của lời thưa Xin Vâng trên đường lên núi Sọ và khi đứng dưới chân Thánh giá. Thật sự, Chúa Thánh Thần luôn ở với Mẹ cho đến ngày Mẹ được đưa lên trời.
4. Lời thưa xin vâng của Mẹ
Đức Mẹ thưa “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền” (Lc 1,38). Như một người phụ nữ thông minh, Đức Mẹ đã ý thức được tầm cỡ của trách nhiệm đang được trao cho. Mẹ vẫn xin vâng dẫu cho bất cứ hệ quả nào sẽ xảy đến, và những khó khăn nghiêm trọng chắc chắn Mẹ có thể gặp trên đường đời: Mẹ đã đính hôn với thánh Giuse (chưa về chung sống như vợ chồng). Nhưng tin tưởng vào lời của sứ thần Mẹ chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa cho Mẹ và cho dân tộc của Mẹ. Lời thưa xin vâng của này đã làm cho Mẹ được đồng hoá với dân của Thiên Chúa và mở ra hoàn toàn cho sự hướng dẫn của Thần Khí, hầu có thể thay đổi lịch sử dân tộc của Mẹ.
Lời đáp trả của Mẹ là hoàn toàn tự do với tình yêu và sự tin tưởng. Lời xin vâng này trở nên một phương tiện cho tình yêu của Thiên Chúa trên loài người và trên mọi tạo vật. Và đây cũng là một lời đáp trả yêu thương đối với tình yêu của Thiên Chúa ban cho Mẹ và cho loài người. Tình yêu được đáp trả bằng tình yêu. Lời đáp trả của Mẹ là lời đáp trả hoàn toàn trong tin tưởng. Đức Mẹ hoàn toàn phó thác bản thân cho Thiên Chúa, sứ mệnh cao cả và cho ơn gọi của Mẹ, mặc dù Mẹ không hiểu hết được thánh ý của Ngài. Bởi thái độ tuỳ thuộc vào Lời Thiên Chúa, Mẹ trở nên Hòm Bia Của Giao Ước; là Toà của Đấng Thương Xót; Mẹ là Shekina, nơi Thiên Chúa ngự trị. Với lời đáp trả đầy hồng ân, Chúa Thánh Thần ngự trong Mẹ và làm cho Mẹ trở nên thánh thiện. Nhờ đó Mẹ trở thành Mẹ của Giêsu, Đấng Thánh, Con của Thiên Chúa, Người có thể dẫn mọi người đến sự thánh thiện.
5. Sứ vụ của Mẹ trong vai trò người được thánh hiến
Sự thánh hiến của Mẹ có sự liên hệ với dân của Thiên Chúa trong Giao Ước của Người với dân Isarel. Thiên Chúa muốn giải phóng Israel và đem lại cho họ hạnh phúc. Ơn gọi của Đức Maria được đặt trong bối cảnh dân Israel mong chờ Đấng Cứu Thế, Đấng Giải Phóng dân Israel như Người đã hứa. Như một sự liên hệ với sự chờ đợi này, chắc hẳn Mẹ đã cảm nhận được tầm quan trọng tại biến cố truyền tin. Mẹ nhận ra tình cảnh của đất nước, của dân tộc Mẹ. Một đất nước dưới sức mạnh của dân ngoại bang đang cần một người giúp họ giải phóng khỏi nô lệ. Mẹ nhận ra một dân tộc đang mong chờ đấng Messiah, Đấng có thể cứu họ. Điều này thôi thúc Mẹ chấp nhận sự thánh hiến.
Vì thế, lời thưa Xin Vâng của Mẹ là lời thưa trong sự đồng hoá nên một với dân tộc Mẹ. Lời thưa này là một lời thưa mang tính sứ vụ, mang tính cứu độ, không chỉ dành riêng cho Israel, nhưng cho toàn thể nhân loại và cho mọi tạo vật nữa.
6. Mẹ là người môn đệ đầu tiên.
Chấp nhận sự thánh hiến trong thân phận con người với lòng tin và hy vọng, Mẹ Maria thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1, 38). Như người “tôi tớ Chúa”, Mẹ Maria hoàn toàn tín thác mở ra cho Lời của Thiên Chúa soi dẫn, biến đổi và sinh hoa trái trong cuộc đời Mẹ. Vì thế, thánh sử Luca đã trình bày Mẹ Maria như một người làm rõ nét diện mạo Tin Mừng trong vai trò là người môn đệ thực thụ, người lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành (Lc 8, 21). Như một người “tôi tớ”, Mẹ Maria khiêm nhường trong lòng như lời chúc phúc của Đức Giê su trong bài giảng trên núi. Trở nên nghèo khó trong lòng, nghĩa là làm cho lòng chúng ta trở nên sẵn sàng, và chú tâm hết lòng với sự hiện diện của Chúa nơi chính bản thân, nơi những người xung quanh và nơi mọi tạo vật. Mẹ Maria là người làm tròn đầy diện mạo của sự nghèo khó Tin Mừng.
B. TU SĨ – SỐNG THÁNH HIẾN NHƯ MẸ
1. Lắng nghe Lời Chúa với tất cả tự do
Để sống tròn đầy hơn ơn gọi thánh hiến, chúng ta có Mẹ là mẫu gương thực và đáng tin cậy để noi theo.
Đầu tiên, người tu sĩ được mời gọi mở lòng đón nhận Lời Chúa như Mẹ. Điều này yêu cầu chúng ta cởi mở từ nơi sâu thẳm của cõi lòng, dám buông bỏ tất cả những gì đang cản trở hành trình biến đổi nhờ Lời Chúa. Những cản trở đó có thể là nỗi sợ hãi mất đi tiền của, sự chú ý, tham vọng, danh dự, ích kỉ và thiếu tin tưởng vào lời Chúa hứa.
Thứ đến, người tu sĩ cần trở nên nhạy bén và chú tâm vào Lời được nói trong Kinh Thánh, qua chính những câu chuyện cứu độ của Ngài, qua những kinh nghiệm của con người, đặc biệt của những người nghèo, người đau ốm, người bị áp bức bóc lột, và cả những con người bên lề xã hội. Ngoài ra, người tu sĩ cũng cần đọc ra dấu chỉ của Thiên Chúa qua sự xuất hiện cùng với những thách thức của những “ngôn sứ thời đại” (họ có thể là những người lãnh đạo công nhân chân chính, các nhà môi sinh, các nhà báo, nhà xã hội học, lãnh đạo tôn giáo, linh mục, nhà thần học…), qua những mong ước và hy vọng của những người tin tưởng vào lời hứa của Tin Mừng.
Hơn nữa, người tu sĩ cần có thái độ sẵn sáng đáp lại Lời Chúa như Mẹ. Thật vậy, lắng nghe Lời Chúa đòi hỏi một thái độ chủ động và thực sự sẵn sàng hành động trước lời mời gọi đó. Để được vâng phục trong tự do, chúng ta nên buông bỏ tất cả những chướng ngại bên trong nội tâm, để có thể loan báo Lời Chúa qua chứng tá cuộc sống, trở nên chân thực, sáng tạo và trung thành với ơn gọi – linh đạo – và sứ vụ của mình. Sống vâng phục tự do là chúng ta sống và trở nên một với người nghèo, với người túng thiếu, làm việc cho hoà bình, công lí và cho sự hoà hợp với muôn tạo vật; tham gia vào việc cổ võ cho sự đối thoại và nối kết giữa con người với con người. Như Mẹ, người sống thánh hiến được mời gọi dâng hiến toàn thân, chấp nhận hệ quả của lời thưa Xin Vâng, và luôn mong chờ Nước Chúa hiển trị.
Cuối cùng, sự vâng phục của người được thánh hiến phải thật sự là hoa trái của sự tự do và sự biện phân. Sự vâng phục này phải được thuyết phục, được gợi hứng từ niềm tin, và được thúc đẩy từ trách nhiệm và kinh nghiệm nên một với anh chị em như Mẹ. Nó phải được chỉ dẫn bởi linh đạo của Dòng, và hoàn thành trong sự hiệp nhất với Giáo Hội. Sự vâng phục là sự biến đổi nhờ đối thoại với Chúa. Tính năng động của đối thoại thánh hiến được diễn ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đối thoại với Chúa sẽ làm cho chúng ta được biến đổi biến đổi sâu xa bên trong nội tâm, sống và hành động theo Lời Ngài. Ví dụ, cảm thức liên luỵ với những người sống trong khu ổ chuột mời gọi chúng ta sống lối sống đơn giản. Nó dạy chúng ta giá trị của sự đồng hoá, làm cho chúng ta thêm tin tưởng hơn vào sự quan phòng của Thiên Chúa, khiến chúng ta gần Đức Kitô hơn- Đấng đồng hoá mình với những người bé mọn. Cuộc đối thoại này không hề là một cuộc đối thoại một chiều, phẳng lặng. Nó là một cuộc đối thoại, mà về phía chúng ta, có thể luôn đặt ra những câu hỏi, những than phiền, những mặc cả, những trì hoãn hay cả những từ chối với Chúa. Trong cuộc đối thoại này, có khi chúng ta cũng cần cả những lần khiển trách, trừng phạt, và thúc ép từ Thiên Chúa. Nhưng trên hết, chỉ cần mở lòng cho Lời Chúa, cuộc đối thoại này sẽ tiếp tục; và sứ vụ của Chúa nơi ta sẽ dần được hoàn thành.
2. Chấp nhận hệ luỵ của lời thưa Xin Vâng
Thưa lời xin vâng là một bước nhảy của niềm tin, là lối ngõ có thể dẫn chúng ta vào sự mờ tối và vô định. Thông thường, nó sẽ đẩy người tu sĩ vào tình trạng mà trong đó chúng ta có thể kinh nghiệm về nỗi đau, sự mất an toàn và tình trạng bơ vơ. Những kinh nghiệm Mẹ đã trải qua cho thấy rằng lời thưa xin vâng của chúng ta đôi khi sẽ mang lại sự đau đớn trong đời. Tuy nhiên, như Mẹ, chúng ta không nên lưỡng lự thưa lời xin vâng, nhưng tiếp tục tin tưởng nơi Chúa; nhất là khi trải qua những sóng gió trong ơn gọi và sứ vụ.
3. Vui vì được thánh hiến.
“Kính chào Bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,27). Đây là lời chào của sứ thần Gaprien dành cho Mẹ. Trong tiếng Hy Lạp, từ “kính chào” thực sự mang nghĩa “mừng vui lên”. Trong truyền thống của các giáo phụ và Bazantine phụng vụ, lời chào này được hiểu như là lời mời gọi sống niềm vui. Như vậy, lời chào của thiên sứ mang đến cho Mẹ là thông điệp của niềm vui. Sự thánh hiến của Mẹ mang đến cho Mẹ một sự hân hoan sâu xa, trọn vẹn.
Vậy, niềm vui của Tin Mừng được hiểu theo nghĩa nào? Mặc dù từ “niềm vui” được hiểu đơn giản như nghĩa của từ hạnh phúc; nhưng thông thường, nó mang một nghĩa sâu sắc hơn. Niềm vui này là cảm thức của sự tròn đầy và sung mãn. Nó là cảm giác sâu xa của sự được yêu. Đó là sự bình an nội tâm. Niềm vui là hoa trái của Thần Khí. Cho dù một lưỡi gươm sẽ đâm thấu trái tim Mẹ (Lc 2,35), nhưng niềm vui của Mẹ, hoa trái của Thánh Thần sẽ không bao giờ bị phá huỷ. Niềm vui của Mẹ đã tuôn chảy từ việc nhận thức rằng Mẹ được chọn, được thánh hiến, được yêu, được bảo vệ, được làm Mẹ của Thiên Chúa, và từ sự hoàn thành lời hứa cứu độ cho dân của Chúa.
Tương tự, sự thánh hiến của người tu sĩ là một hình ảnh sống động của Niềm Vui. Như Mẹ, nguồn vui sâu xa nơi tu sĩ là việc nhận biết rằng chúng ta được gọi trở nên giống Giêsu, được tham gia cách đặc biệt vào sứ vụ của Người, được nhận lãnh ơn biến đổi của Chúa Thánh Thần, và được mời gọi dự phần vào sự sống của Ba Ngôi Thần Linh. Niềm vui được khơi nguồn từ sự nhận biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ chết, ngay giữa những khó khăn, thách thức, đau khổ và thất bại. Một cuộc sống ý nghĩa là một cuộc sống vui tươi và hân hoan. Khó khăn và đau khổ là những điều ý nghĩa, mang lại cho ta niềm vui. Thật vậy, người cảm nghiệm được ánh sáng của phục sinh chiếu toả bên cạnh thánh giá u tối là người thủ đắc được niềm vui sâu xa trong trái tim của mình.
Niềm vui tuôn tràn từ sự thánh hiến của người tu sĩ được nuôi dưỡng qua nguyện cầu, qua những lời kinh, và qua những cử hành Thánh Thể. Một cuộc sống cho đi, và phục vụ trong yêu thương cũng góp phần không nhỏ nuôi dưỡng niềm vui này. Thật vậy, đó là niềm vui của người tu sĩ được gọi để làm chứng tá cho thế giới ngày hôm nay. Có một sự khao khát niềm vui sâu thẳm bên trong chúng ta, nhưng không phải ai cũng khám phá ra được. Qua chứng tá cuộc sống, người tu sĩ có thể cho mọi người thấy rằng niềm vui không hệ tại ở quyền lực, danh tiếng, sự giàu có, hay sự khoái lạc thể xác. Nó cũng không hệ tại ở việc sở hữu những người đầy tớ, trở nên nổi tiếng hay có bất cứ thứ gì chúng ta muốn; trong cuộc sống không hề lo lắng bởi tiền bạc. Người tu sĩ có thể cho mọi người thấy một hình tượng của niềm vui sâu xa trong trái tim họ, trong sâu thẳm của nội tâm, nơi mà Chúa Thánh Thần cư ngụ, trao ban niềm vui đich thực và viên mãn. Hơn nữa, người tu sĩ có thể dẫn mọi người đến một cuộc sống vui qua những tương quan lành mạnh, phục vụ mọi người, và trên tất cả là đặt nền trên tương quan thân thiết đối với Chúa.
4. Hoa trái của Đời Sống Thánh Hiến.
Mẹ Maria là “trinh nữ trung thành”. Sự trinh khiết của Mẹ tự bản chất có nghĩa là trung tín hoàn toàn, đặt trọn tình yêu và hy vọng vào Chúa, dâng hiến trọn con người của Mẹ cho Ngài và cho nhân loại. Mẹ dâng hiến bản thân vô điều kiện, để Thiên Chúa có thể thực hiện công trình cứu chuộc của Ngài cho tất cả loài người. Vì vậy, sự trinh khiết của Mẹ thật sự sinh hoa trái. Sự sinh hoa kết trái này đặt nền tảng trên việc Mẹ dâng hiến bản thân vì tình yêu vâng phục Chúa và vì lợi ích của nhân loại.
Sự sinh hoa kết trái trong Tin Mừng được diễn tả qua những lời của Đức Giêsu “Quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. (Ga 20,24); và “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. (Lc 8,15). Mẹ Maria, như Con của Mẹ, là một “hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi”, để sinh ra nhiều hoa trái cho công trình cứu độ. Sự hiến tế của Đức Ki tô được đồng hành bởi sự hiến tế của Mẹ. Như Giê su đã hiến dâng đến cùng qua cái chết treo trên thập giá, thì Mẹ Maria cũng hiến dâng đến cùng, khi đứng dưới chân thập giá.
Tương tự, Mẹ cũng là một “hạt giống tốt”, là người nghe Lời Chúa và sinh hoa kết trái. Mẹ tin và hy vọng vào lời mà sứ thần đã loan báo cho Mẹ trong ngày truyền tin. Mẹ cũng giữ những điều mà ngôn sứ Simeon và ngôn sứ Anna đã nói với Mẹ trong ngày dâng con trong đền thánh. Mẹ đã để cho Lời của Chúa biến đổi thành người nữ tì trung tín và được sủng ái. Và Mẹ cũng dâng hiến trọn cuộc đời Mẹ cho niềm hy vọng của chương trình cứu chuộc.
Tất cả mọi tín hữu được kêu mời đón nhận Tin Mừng như mảnh đất tốt. Chúng ta hãy nuôi dưỡng, và để cho cuộc sống cho đi và sức mạnh biến đổi được thực hiện trên mảnh đất đó. Nói cách khác, mỗi người tín hữu phải biết sinh hoa trái. Hình ảnh này có thể liên tưởng đến hình ảnh của một người phụ nữ mang thai. Chúng ta có thể liên tưởng rằng, sau khi nghe Lời Chúa là thời kì “thai nghén”, kiên nhẫn chờ đợi…, và sẵn sàng chờ ngày “hạ sinh” nhân đức cụ thể trong từng cử chỉ, phong cách sống và trong công việc hằng ngày của chúng ta. Cộng đoàn sống đời thánh hiến cũng vậy, chúng ta có linh đạo là hạt giống Lời Chúa. “Hạt giống linh đạo” này được nghiền gẫm, chăm sóc và sinh hoa trái cụ thể thích hợp với từng cảnh huống và từng con người mà chúng ta được sai đến. Linh đạo này phải được gìn giữ và bảo tồn một cách sống động: nghĩa là có khả năng biến đổi và lớn lên. Nói cách khác, linh đạo cần không ngừng được làm mới lại, và trưởng thành phù hợp với nhu cầu của thời đại. Cộng đoàn những người sống đời thánh hiến cần nuôi dưỡng linh đạo đặc thù của chúng ta. Chúng ta cần nhạy bén với nhu cầu của nhân loại cùng với những thách đố mà thế giới đang gặp phải. Chúng ta cần có khả năng biện phân tiếng gọi của Thần Khí, và có khả năng mở ra với những gợi hứng của Ngài, là nguồn mạch của sự sáng tạo trung thành với Lời của Thiên Chúa.
Thật vậy, sống thánh hiến như Mẹ là để cho Lời Chúa biến đổi cuộc đời, sẵn sàng vâng theo hệ luỵ của lời thưa Xin Vâng, sống hân hoan và sinh hoa trái trong đời sống dâng hiến.
Nt. Lê Linh NVHB chuyển ngữ