Lời Giới Thiệu

LỜI GIỚI THIỆU
LỜI NGỎ
PHẦN MỞ ĐẦU
PHẦN I TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
PHẦN II PHỤNG VỤ và BÍ TÍCH
PHẦN III ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
PHẦN IV KINH NGUYỆN TÍN HỮU

LỜI GIỚI THIỆU

“Không ai lên trời, ngoại trừ Đấng từ trời xuống, tức là Con người, vốn ở trên trời” (Ga 3,13)
Lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô không nhằm làm cho chúng ta thất vọng, nhưng cho thấy khoảng cách giữa Thiên Chúa hằng sống với con người quá lớn, vượt quá tầm vóc sức lực chúng ta, hơn nữa, tội lỗi càng đẩy chúng ta ra xa Chúa nhiều hơn. Thế nhưng con người còn có hy vọng, vì : “Thiên Chúa yêu thương thế gian (nhân loại tội lỗi), đến nổi đã ban Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin vào Người, thì không phải chết, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16)
Đạo siêu việt, là Ơn Chúa; không do con người, nhưng là biết đón nhận Ơn Chúa, nên cần phải Cầu Xin. Đạo Duy nhất, “Ta là Đàng, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không nhờ Ta” (Ga 14,6)
Bởi vậy, HỌC ĐẠO trước tiên là học biết Chúa Giêsu, tin theo Người, rồi mới nói đến những điều Người dạy (các Tín điều), những phương thế Người trao cho (Hội Thánh, các Bí Tích), sau cùng thực hành lệnh truyền của Người (các Giới răn). Trong khi chờ đợi sách Giáo Lý Dự Tòng do Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận, Giáo Phận Vĩnh Long cho ấn hành Tập Sách nầy, để phục vụ các Linh mục, Tu Sĩ, Giáo Lý viên trong sứ mạng truyền giảng Phúc âm cho lương dân.

Vĩnh Long, ngày 11.11.2002

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long

LỜI NGỎ


– Tập Giáo lý Dự Tòng được biên soạn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách Dạy Giáo lý cho người Dự Tòng, chia sẻ cách dạy cho người bình dân đơn sơ, chất phác, với mong muốn cố gắng trình bày Giáo lý giản lược, ngắn gọn, dễ học, dễ hiểu và giúp ghi nhớ.
– Tập Giáo lý Dự Tòng gởi đến các Giáo lý viên (GLV) như những “gợi ý giảng dạy”, gởi đến các Dự Tòng như “bạn đồng hành”, giúp nhớ bài giảng trong giờ giáo lý.
– Tập Giáo lý Dự Tòng được biên soạn từ những sách Giáo lý Dự Tòng đang hiện hành tại các Giáo phận (Cần thơ, Xuân lộc, Saigon … ), nhưng trình bày theo sát bố cục của Sách GLGHCG (1992) : Tuyên xưng Đức tin, Bí tích Đức tin, Đời sống Đức tin, Kinh nguyện tín hữu.

  1. CẤU TRÚC
    Nội Dung chương trình Giáo lý Dự Tòng gồm có 4 PHẦN trong 38 bài, mỗi bài có một chủ đề, được trình bày qua 5 đề mục :

Mục 1: Ghi nhớ:
“Giáo lý là lý lẽ của Đạo”. Mỗi bài học cần được ghi nhớ bằng 1 hoặc 2 câu giáo lý Hỏi – Thưa ngắn gọn, để nêu ý nghĩa và giúp nhớ chủ đề bài học. Nếu học viên hiểu và thuộc các câu nầy, là đã thuộc phân nửa bài học rồi. Mục 2:Thánh Kinh:
“Giáo lý là làm vang dội Lời Chúa trong lòng người nghe, giúp họ hoán cải”. Vì nguồn mạch của Giáo Lý là Thánh Kinh, nên mục này nêu lên một vài câu Thánh Kinh liên quan tới bài học để làm nền tảng cho chủ đề và giúp học viên gặp gỡ Chúa qua Lời Chúa.
Mục 3: Giải thích:
Mục nầy dựa vào Lời Chúa và các câu Hỏi – Thưa để gợi ý cho GLV tuỳ nghi tham khảo và giảng dạy. Mục này cũng để cho học viên có giờ xem trước hoặc sau khi nghe GLV giảng dạy, để hiểu rỏ hơn đề tài và còn lưu lại trong trí nhớ chút gì đã được nghe giảng.
Mục 4: Thực hành:
Học để Hiểu và Nhớ Giáo lý là cần thiết, nhưng quan trọng hơn, chính là thực hành trong cuộc sống. Mục nầy đề nghị vài việc cụ thể để giúp học viên thực hành điều đã học, cũng giúp GLV đánh giá mức độ tăng trưởng đức tin của học viên.
Mục 5: Cầu nguyện:
“Giáo lý dẫn đến gặp gỡ và hiệp thông thân mật với Chúa Kitô”. Mục này gợi lên vài tâm tình nhằm giúp học viên hướng ý cầu nguyện, cảm tạ và xin ơn Chúa.

  1. GỢI Ý SƯ PHẠM
    A. CHUẨN BỊ

    Dù mỗi bài đã có phần giải thích sẳn, nhưng GLV cần phải dọn bài trước, đọc kỹ, thuộc bài và nhất là có thể làm một dàn bài riêng cho mình, thêm vài ví dụ, chọn vài câu chuyện để minh hoạ.
    Khi giảng bài, GLV cần chú ý đến từ ngữ và cách diễn đạt cho đơn sơ, dễ hiểu, vừa tầm tuổi tác và trình độ văn hoá của học viên.
  2. TIẾN TRÌNH GIẢNG DẠY
    1. Vào lớp giáo lý
    GLV chào hỏi, mời mọi người đứng lên và hướng dẫn học viên cầu nguyện đầu giờ. Mỗi giờ giáo lý là giờ gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, nên GLV cần dạy về Cầu nguyện ngay những giờ đầu tiên. Lời nguyện cần đơn sơ, chân thành, được soạn sẳn cho phù hợp với đề tài. Nếu đọc kinh, cần giải nghĩa kinh trước và đọc chậm, với ý thức cao, để tránh lệ thói, đọc vô hồn.
    2. Kế đến
    GLV dành ít phút ôn lại bài củ và công bố đề tài của bài mới. Cần giới thiệu bài mới, nêu vài nét ý nghĩa và tầm quan trọng của bài, vị trí của bài học trong toàn bộ Giáo lý.
    3. Mục Ghi nhớ
    Nếu học viên đông, có thể chia 2 bên Hỏi-Thưa, đọc 2 hoặc 3 lần cho thuộc tạm, nhớ được ý chính của bài học, nhờ đó học viên sẽ dễ tiếp thu bài hơn.
    4. Mục Thánh Kinh:
    Có thể đứng lên, đọc cách long trọng, do một người hay nhiều người tuỳ ý. Có thể đọc 2 lần.
    5. Mục Giải thích:
    Cho học viên ngồi, GLV tuỳ ý mà giảng dạy. Cần diễn đạt hấp dẫn, vui tươi, sống động; giọng điệu cần sắc bén, thuyết phục. Giải thích xong, có thể đặt vài câu hỏi gợi ý suy nghĩ, kiểm tra mức tiếp thu của học viên. GLV cần nhẩn nại giải thích, minh hoạ cho dễ hiểu.
    Ở mục này, nếu dạy cho các em nhỏ, GLV có thể tập bài hát có nội dung phù hợp đề tài, hoặc trò chơi, băng reo, kể chuyện …
    Trước khi sang mục Thực hành, GLV cho ôn lại vài lần câu giáo lý Hỏi-Thưa để giúp nhớ đề tài.
    6. Mục thực hành
    Tuy có đề nghị vài việc cụ thể, nhưng GLV tuỳ hoàn cảnh uyển chuyển, có thể đề nghị việc khác.
    7. Cầu nguyện kết thúc.
    GLV mời mọi người đứng lên, rồi cùng nhau đọc lời nguyện đã dọn sẳn, hoặc GLV soạn lời nguyện khác, mọi người kết thúc bằng AMEN.
  3. SAU GIỜ DẠY

Nên lưu ý 3 mục tiêu của việc Dạy Giáo lý Dự tòng là: 
Dạy chân lý đức tin (Tín lý)
Trình bày Giới luật (Luân lý)
Tập sống đời Kitô hữu (Bí tích, Cầu nguyện)
Vì thế, GLV cần giúp cho học viên hiểu và nhớ bài học, nhưng quan trọng hơn, đó là mời gọi học viên Hoán cải và Tập sống đời Kitô hữu. Nhờ gương sáng đời sống của GLV và cộng đoàn tín hữu, người Dự tòng thực hành quen dần nếp sống Kitô giáo. GLV cũng cần khích lệ, hướng dẫn người Dự tòng tham dự các cuộc cử hành Phụng vụ, để họ hiểu và cảm nghiệm được điều họ đã học hỏi và cũng được hưởng nhờ những ân phúc do các cuộc cử hành mang lại. GLV đừng quên mời gọi người Dự tòng tập làm gương sáng và làm Tông đồ, vì đây cũng là điều quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Chúc Bạn thành công trong Sứ mạng Rao giảng Tin mừng.
Ban Giáo Lý Giáo Phận

HỌC ĐẠO
Tiền huấn giáo

  1. Học Đạo để TRỞ THÀNH NGƯỜI KITÔ HỮU.
    Không chỉ là gia nhập một đoàn thể, không chỉ là chấp nhận một số lý thuyết hay một số lề luật. Nhưng trước hết là để gặp Chúa, để Tin Chúa và khám phá tình yêu vô tận của Chúa trong cuộc sống của bạn.
  2. Đạo không chỉ là một lý thuyết.
    Nhưng là một lối sống. Học Đạo không chỉ là để hiểu biết, nhưng còn là để thay đổi lối sống, hoán cải bản thân, sống cuộc đời mới theo tinh thần của Chúa Giêsu.
  3. Theo Đạo
    Thiên Chúa không hứa ban cho bạn một cuộc đời dễ dãi, những lợi lộc vật chất hay tinh thần. Theo Chúa thường tràn ngập chông gai, cần phấn đấu vượt qua. Cuộc đời của những người theo Chúa thường gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc, vì biết mình được Chúa yêu thương, dẫn dắt và nâng đỡ.
  4. Thiên Chúa yêu thương bạn.
    Ngài hiện diện trong đời bạn từ lâu, Ngài luôn tìm kiếm bạn, nhưng hôm nay bạn mới nhận ra. Hãy đón nhận Ngài với lòng tri ân, cảm tạ. Cùng với Ngài, bạn hãy học Đạo và bắt đầu một đời sống mới trong tình yêu Chúa.
  5. Bạn hãy cầu nguyện ngay hôm nay.
    Dù bạn chưa biết nhiều về Chúa, nhưng bạn có thể làm quen và nói chuyện với Ngài. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa trong tâm hồn, là tâm sự với Chúa, là nói với Chúa và nghe Chúa nói trong bạn. Cầu nguyện để có niềm tin. Nhờ cầu nguyện, bạn sẽ hiểu sâu hơn và Chúa sẽ từng bước biến đổi đời bạn.

BẠN HIỂU GÌ VỀ ĐẠO? TẠI SAO BẠN THEO ĐẠO?
“Đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay, ở lành”. Nhiều người hiểu Đạo chỉ dạy cách ăn ngay ở lành là đủ ! Hiểu như thế rất thiếu sót! Chủ đích của Tôn giáo là đưa tới chân lý cuộc đời, là tìm về cội nguồn Tình yêu và Hạnh phúc. Người ta có thể ăn ngay ở lành mà chưa tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Đối với con người có suy nghĩ, sống không quan trọng cho bằng ý nghĩa của cuộc sống : Tại sao ta sống ? Sống để làm gì ? Cuộc sống rồi sẽ đi về đâu? Một Tôn giáo đúng nghĩa sẽ mang đến cho con người một niềm tin, một chân lý cho cuộc sống, để sống có ý nghĩa và đạt hạnh phúc thật.

Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Ông Bà … là do con người sáng lập, do lòng hiếu thảo hình thành. Đức Phật, Đức Khổng là những con người, có thể ví như là bậc thánh hiền, những vị sứ giả mà Chúa sai đến để dạy dỗ loài người làm lành lánh dữ. Đạo Ông Bà là Đạo hiếu, dạy ta cần phải thảo hiếu, biết ơn ông bà tổ tiên, những người có công sinh thành, dưỡng dục. Đạo Tin Lành cũng dạy tin thờ Chúa, nhưng chỉ là nhánh tách ra từ gốc là Kitô giáo (thế kỷ 16). Đạo Hồi…

Đạo Thiên Chúa : nghĩa là Đạo từ trời xuống. Đạo này không do con người sáng lập, mà là do Thiên Chúa truyền dạy. Đạo tôn thờ Thiên Chúa và dẫn tới gặp Chúa là hạnh phúc thật. Thuở xưa, Chúa chọn một Dân riêng là Dân Israel để tỏ cho con người biết Chúa. Đến thời Tân ước, cách đây hơn 2000 năm, Chúa sai Con Một Chúa là ĐỨC GIÊSU KITÔ xuống thế làm người để giảng Đạo và Đạo ấy lưu truyền cho đến ngày nay, tên gọi là Kitô giáo hay là Đạo Công giáo.

Đạo Công giáo dạy: Cuộc sống của ta là do Chúa yêu thương ban tặng. Ta sống để nhận biết, tin thờ Thiên Chúa là Cha chúng ta, và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được về hưởng hạnh phúc với Chúa. Luật của Đạo Chúa là Mến Chúa Yêu người và Yêu Thương là giữ trọn Luật Đạo.

Theo Đạo chính là theo Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu độ duy nhất, Đấng đã phán: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Hãy bước đi Con đường của Ngài,
Hãy tìm đến Sự Thật của Ngài,
Hãy đón nhận Sự Sống của Ngài.

Ước mong mỗi ngày Bạn hiểu được ĐẠO, khám phá ra Tình yêu Chúa trong đời Bạn, Bạn TRỞ THÀNH KITÔ HỮU tốt, thành Chứng nhân Tình yêu, nhờ đó, Bạn được sự bình an và hạnh phúc thật nơi Chúa.  

Để lại một bình luận