LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG THÁNG 12/2024

THỪA TÁC VIÊN NGOẠI THƯỜNG THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, và theo chương trình mục vụ năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần XII, sẽ nói đến Thừa tác viên Ngoại thường Tham gia, được tra cứu trong các Tự điển Công giáo, Bộ Giáo Luật, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, Hiến Chế về Giáo Hội và Huấn thị Bí Tích Cứu Độ.

Phẩm trật ơn gọi và dấn thân trong Giáo Hội

Công đồng Vatican II, khi nhắc lại rằng: “Giáo Hội được thiết lập nhằm mở rộng nước Đức Ki-tô trên khắp địa cầu” và làm cho mọi người được tham dự vào công trình cứu rỗi. Điều đó nhấn mạnh nghĩa vụ tông đồ thuộc về mọi thành viên của Giáo hội, không có ngoại lệ; bởi vì nhờ phép Rửa, tất cả mọi người đã trở thành những người tham gia vào “chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô” (“chức tư tế phổ quát” của các Kitô hữu); “Hơn nữa, các chi thể của thân thể này nối kết và liên hệ với nhau (x. Ep 4,16) đến độ chi thể nào không hoạt động theo chức năng của mình cho sự lớn mạnh của thân thể phải bị xem là vô dụng đối với Giáo Hội cũng như với chính mình” (x. Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, số 2).

Điều đó nói lên rằng, nếu có sự thống nhất về sứ mệnh trong Giáo hội và sự bình đẳng về phẩm giá trong Giáo hội (“bởi sự tái sinh trong Chúa Kitô”), thì đồng thời cũng có sự đa dạng cần thiết về các nhiệm vụ và chức năng (x. Hiến Chế về Giáo hội, số 32).

Trên thực tế, các chức năng rất nhiều và ngày càng đa dạng với sự phức tạp ngày càng tăng của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tất cả các chức năng nầy đều tiếp tục định vị vào công việc này hoặc công việc khác trong ba công việc chính được Giáo hội mở ra kể từ khi thành lập:

1. Các thừa tác vụ được phong chức để phục vụ Giáo hội, nhằm bảo đảm trách nhiệm mục vụ của Giáo hội trong khuôn khổ cơ cấu phẩm trật của Giáo hội: các Giám mục, Linh mục, Phó tế;

2. Bậc tu trì – hay đời sống thánh hiến (các dòng chiêm niệm, các tu viện, v.v.), không loại trừ việc truyền chức cho nam tu sĩ;

3. Vô số nhiệm vụ được giao cho giáo dân, cả trong Giáo hội lẫn trong đời sống xã hội.

Tất nhiên, tùy mỗi người ý thức được mình được mời gọi để làm gì, nghĩa là ơn gọi riêng của mình, tùy theo năng khiếu cá nhân, tùy theo ơn gọi nội tâm mà người đó có thể nhận thức được điều mà nhu cầu của Giáo hội muốn nói với anh ta.

Thừa tác viên ngoại thường là ai?

Từ ngữ thừa tác viên tiếng Latinh: “tôi tớ”, “người phục vụ”. Theo Chúa Kitô, “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20, 28), Giáo hội, khi cử hành phụng vụ, thiết lập một loạt các thừa tác vụ hoặc các tổ chức nhằm mưu ích cho toàn thể cộng đoàn của Chúa. Chúng ta gọi “thừa tác viên”, trong các chức năng phụng vụ, là người có thể thực hiện một trong các chức năng đó, để phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn. Các thừa tác viên được phong chức là các Giám mục, Linh mục và Phó tế; các thừa tác viên được trao ban các tác vụ là những người giúp lễ và những người đọc sách. Có rất nhiều thừa tác viên không được phong chức cũng không được trao ban các tác vụ. Đó là các thừa tác viên ngoại thường phân phát Thánh Thể, các thừa tác viên được giao gửi thánh giá, nến, sách lễ, bánh và rượu, hương và lư hương, người giải thích, chịu trách nhiệm về các hướng dẫn, v.v. Trong trường hợp nguy tử, bất kỳ người nào cũng có thể làm thừa tác viên ngoại thường: chỉ cần họ muốn làm những gì mà Giáo hội muốn làm là đủ: chẳng hạn, Rửa tội cho người nguy tử.

Thừa tác viên ngoại thường tham gia thế nào ?

Thí dụ cụ thể trong việc cho Rước lễ. Thừa tác viên nói chung là dành việc cho linh mục (phó tế giúp phân phát máu của Chúa Kitô). Đây là những gì Bộ Giáo luật điều 910, 1983 nói: – §l. Những thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám Mục, Linh Mục và Phó tế (LG 29). §2. Những thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ là người đã nhận thừa tác vụ giúp lễ và bất cứ Kitô hữu nào đã được uỷ quyền chiếu theo quy tắc của điều 230 §3 (CIS 845 ; CIO 709). Trong thực tế, các người giúp lễ được đào tạo phụng vụ và được tôn trọng. Để giáo dân hoặc người giúp lễ trưởng thành cho rước lễ thường xuyên, người đó phải là người được chỉ định tên theo sự đồng ý của Giám mục. Người được cha xứ đề cử này phải nổi tiếng về đạo đức và gương mẫu về đức tin. Thỏa thuận này là cần thiết thậm chí còn liên quan đến các nữ tu được giao sứ mạng hợp tác với Giáo xứ.

Chiếu theo Giáo luật và khi cần thiết, giáo dân có thể được Giám mục hoặc Linh mục chỉ định cho rước lễ. Những người này có danh hiệu thừa tác viên ngoại thường của việc cho Rước lễ.

Thừa Tác Viên Trao Mình Thánh Chúa là các tín hữu được uỷ nhiệm để phụ giúp Linh mục chủ tế trao Mình Thành Chúa cho anh chị em giáo dân. Họ là những người gương mẫu trong đời sống đức tin và luân lý, được tuyển chọn để phục vụ cộng đoàn.

Theo Huấn thị “Bí Tích Cứu Độ” số 154 thì “Các thầy giúp lễ, bởi việc lãnh nhận thừa tác vụ, cũng như giáo dân, theo các quy tắc của giáo luật, đã lãnh nhiệm vụ trao Mình Thánh Chúa, được gọi là thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, kể cả ngoài lúc cử hành Thánh Lễ. Số 156 còn trình bày thêm: “Chức vụ này (Thừa tác viên ngoại thường) phải được hiểu, theo nghĩa hẹp của nó, có tên gọi là ‘thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa’, chứ không phải ‘thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ’, cũng không phải là ‘thừa tác viên ngoại thường của Thánh Thể’, hoặc là ‘thừa tác viên đặc biệt của Thánh Thể’. Quả nhiên, các tên gọi đó có tác dụng nới rộng nghĩa của chức vụ đó một cách vừa không đúng phép vừa không thích hợp”.

Các thừa tác viên ngoại thường cung cấp sự giúp đỡ quan trọng cho thừa tác viên thông thường trong các buổi cử hành phụng vụ và bằng cách mang Mình Thánh Chúa đến cho người bệnh tại nơi cư trú hoặc trong bệnh viện. Họ thực hiện công việc trong phạm vi tâm linh thay thế cho những vùng đất còn thiếu Linh mục phụ trách.

Kết luận

Tông huấn Kitô Hữu Giáo Dân của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, Chương II, số 6 nhấn mạnh: “Sứ vụ cứu độ của Giáo Hội trong thế giới được thực hiện không những nhờ các thừa tác viên đã lãnh bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng còn nhờ tất cả mọi giáo dân : thực vậy, nhờ đã được chịu phép thánh tẩy và nhờ ơn gọi chuyên biệt của mình, các giáo dân, mỗi người theo mức độ của mình, tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô”. Trên thế giới chúng ta đang sống còn rất nhiều nơi thiếu vắng linh mục, cho nên chúng ta rất cần những thừa tác viên ngoại thường để truyền bá và củng cố đức tin Kitô giáo cho những nơi thiếu vắng đó. Xin Chúa sai thợ đến gặt lúa của Người (x. Lc 10, 2). Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta trở thành những thợ gặt với tư cách là những thừa tác viên ngoại thường.

Vĩnh Long, ngày 20 ngày 11 tháng 2024.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

Nguồn: giaophanvinhlong.net(20.11.2024)