Khi có các tín hữu hành hương, Thánh Địa bình yên hơn

Cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa cho biết mặc dù trong thời gian qua, tình hình tại Thánh Địa có nhiều căng thẳng, nhưng các tín hữu vẫn hành hương đến Thánh Địa để tham dự các cử hành Tuần Thánh; khi có các tín hữu hành hương, Giêrusalem bình yên hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, đề cập đến những bạo lực gần đây, cha Francesco Patton nói điều quan trọng là chúng ta phải củng cố đức tin. Kitô hữu phải luôn ghi nhớ trong tâm trí lời Chúa Giêsu: “Đừng sợ”. Cần phải luôn nhớ rằng sức mạnh của chúng ta đến từ Thánh Thần và từ tương quan với Chúa Giêsu, chứ không phải từ sức mạnh con người.

Theo Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, khi có các tín hữu hành hương thì bạo lực giảm, vì thế những người hành hương rất quan trọng, làm cho tình hình được ổn định hơn. Khi không có khách hành hương, những kẻ cuồng tín sẽ rảnh tay hơn. Ví dụ, trong thời gian qua, vào cuối tháng Giêng đã có nhiều hành vi bạo lực xảy ra, thời điểm đó ít khách hành hương. Cha Patton xác nhận: “Vào Chúa nhật Lễ Lá vừa qua, cuộc rước lá đã diễn ra rất bình yên, không có vấn đề gì xảy ra. Buổi đi Chặng Đàng Thánh Giá tuần trước cũng vậy, và tôi cho rằng thứ Sáu Tuần Thánh này cũng thế. Khi có nhiều người hành hương, tình hình, tôi có thể nói là dễ dàng hơn cho chúng tôi. Những người hành hương là một yếu tố ổn định và ngăn chặn bạo lực”.

Cha cho biết thêm, vào thời điểm này, các tín hữu hành hương đã trở lại đông đảo như trước đại dịch, và so với năm 2018 đông gấp đôi. Vào Chúa nhật vừa qua, có hơn 20.000 người tham dự cuộc rước lá.

Về các biện pháp để bảo đảm an toàn cho các tín hữu, cha Patton giải thích: “Tất nhiên, đối với chúng tôi, trước các hành vi bạo lực và phá hoại, điều quan trọng và cần thiết là yêu cầu tăng cường an ninh. Dĩ nhiên, không thể thấy trước tất cả những điều này và chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn. Nhưng khi điều gì đó xảy ra với chúng tôi, điều quan trọng là phải tố giác và yêu cầu bảo mật. Vào thời điểm này, chúng tôi có thể nói rằng Giêrusalem thực sự là ngôi nhà cầu nguyện cho tất cả các quốc gia”.

Ngọc Yến – Vatican News

Trả lời