(Trích từ Lịch Sử Hd Mến Thánh Giá Thủ Thiêm – 2005)
- Dòng Mến Thánh Giá chào đời:
Ngay từ thời cha Đắc Lộ ở Đàng Ngoài (1627-1630), đã có nhiều thiếu nữ dâng mình cho Chúa bằng cách hứa sống tiết dục và khiết tịnh. Năm 1640, khi Chúa Trịnh Tráng ra sắc chỉ cấm đạo, có ba cô trinh nữ xứ Đông: Monica, Nympha và Vitta, tự nguyện lên kinh thành để tuyên xưng đức tin và được chết vì Chúa. Sắc chỉ đã rút lại, nhưng vì có cơ hội trải qua cảm nghiệm đau khổ khác vì đức tin: ba cô trinh nữ họp nhau, sống chung một nhà; sau có thêm 5, 6 cô khác đến xin gia nhập, làm thành một cộng đoàn trinh nữ, sống “đời sống các Thiên Thần” (Đỗ Quang Chính, Dòng tên trong xã hội Đại Việt, 1998, tr. 561).
Cha Deydier đã hướng dẫn họ trong đời sống thiêng liêng và tháng 8 -1669, cha đã giới thiệu các nhóm trinh nữ này cho Đức Cha Lambert.
Lễ Tro 19-02-1670, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte đã chính thức nhận lời khấn của hai chị Anê và Paula tại Phố Hiến Đàng Ngoài, đồng thời trao cho các chị bản luật tiên khởi mà chính người đã soạn, và xác định rõ tên gọi “một tu hội đặc biệt mang danh hiệu Dòng Nữ Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô”. Đó là ngày Khai Sinh Dòng Tu đầu tiên trên đất Á Châu.
Năm 1671 Ngài lại lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ – Đàng Trong, với 10 nữ tu.
Năm 1672, Đức Cha lập Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan. Sau này, Dòng lan tỏa sang Campuchia (1772), Nhật bản (1878) và Lào (1887). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều Hội Dòng Mến Thánh Giá đã bị mai một, nhưng lại nảy sinh nhiều Hội Dòng mới.
- Nguồn gốc tên gọi Mến Thánh Giá:
Năm 1633, lúc lên 9 tuổi, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte nhận được ơn linh hứng: những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu nên quy tụ lại thành một hội mang tên Mến Thánh Giá, ba từ này lấy từ đầu đề chương 11, quyển 2 của sách Gương Phúc mà ngài say mê đọc và suy niệm hằng ngày. Chính điều này làm nền tảng cho châm ngôn mà gài đã chọn cho chính mình và cho nữ tu Mến Thánh Giá: “Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta” (Tiểu sử ĐC Phêrô-Lambert de la Motte).
- Dòng Mến Thánh Giá hình thành và lớn lên trong bách hại và chiến tranh:
Quá trình hình thành Dòng Mến Thánh Giá thật phức tạp nhưng phong phú đa dạng. Hơn hai thế kỷ đầu, Dòng Mến Thánh Giá đã đồng chia sẻ số phận thương đau của Giáo Hội Việt Nam. Đặc biệt thời Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, người Công Giáo nói chung, và nữ tu Mến Thánh Giá nói riêng, bị sát hại một cách tàn nhẫn, khủng khiếp, chịu bao nỗi gian truân, khốn khổ. Sau này, người ta không chỉ thù ghét tôn giáo mà có những thời điểm cáo buộc người Công Giáo vào tội phản quốc. Vì thế, những cuộc bách hại liên tiếp tái diễn.
Có thể nói rằng Dòng Mến Thánh Giá khai sinh và lớn lên dưới bóng Thánh Giá vì không chỉ chính quyền mà cả giáo quyền, cũng tạo cho các chị biết bao khó khăn. Có một điều không thể lý giải được là chính trong những cơn bách đạo triền miên ấy, ơn gọi Mến Thánh Giá vẫn gia tăng, các tu viện vẫn phát triển.
Dù trong hoàn cảnh nào, chị em Mến Thánh Giá vẫn luôn dấn thân phục vụ Tin Mừng. Đặc biệt trong cơn bách hại, nhà cửa các chị thường là nơi ẩn náu cho những người bị bách hại; các chị đã lén lút vào các trại giam đem lương thực, nhất là Mình Thánh Chúa cho các Đấng anh hùng tuyên xưng đức tin; an ủi kẻ đau khổ, cứu giúp người yếu đuối, nâng dậy các kẻ đã chối đạo. Những nơi mà linh mục không thể vào được, thì các chị mạnh dạn đi tới.
a – Đàng Ngoài
Từ hạt giống đầu tiên Đức Cha Lambert đã gieo tại Đàng Ngoài, dòng Mến Thánh Giá bắt đầu phát triển, có thể nói là rất nhanh. Chỉ sau 7 năm, 1670-1677, con số chị em lên đến 100, sống trong nhiều cộng đoàn.
a.1 – Đông Ký:
Các nhà Kiên Lao, Trung Linh, Bùi Chu đều phát triển nhanh ngay sau khi thành lập. Ngoài ra còn có các nhà Bát Trạch, Hạ Linh và Ke He.
Đến năm 1838, sau chiếu chỉ bắt đạo lần ba của Vua Minh Mạng, ba nhà Mến Thánh Giá còn lại cũng bị phá hủy hoàn toàn.
a.2 – Tây Ký
Năm 1701 có tới 20 nhà; năm 1751 tăng thành 25 nhà. Nhưng những cuộc bách hại trong thế kỷ 18 đã phá hủy toàn bộ các nhà trên.
Trong thời bình an (1802-1830), các cộng đoàn dần dần hồi sinh, với sự nâng đỡ tối đa của các vị Đại Diện Tông Tòa. Sau cuộc bách hại 1838 thời Minh Mạng, 40 nhà bị phân tán. Thời Thiệu Trị (1841-1847), mặc dù cũng có cấm đạo, nhưng trong những hoàn cảnh có thể, các Vị Đại Diện Tông Tòa và các Vị Thừa Sai tái lập các nhà Mến Thánh Giá, họ đã lập lại được 50 nhà. Thế rồi trong thời kỳ phân sáp (1857-1861), ở Đàng Ngoài các nhà dòng bị tàn phá, các nữ tu bị phân tán, hàng trăm nữ tu hy sinh vì đức tin. Thời Văn Thân 1874, có 10 nhà Mến Thánh Giá bị cướp bóc và đốt cháy. Cũng năm đó ở sở Kẻ Trầu (Lưu Mỹ), ba chị Mến Thánh Giá Vinh bị bắt tại Nhà Dòng và bị giết.
b – Đàng Trong:
b.1 – Đông Đàng Trong:
Bốn năm sau khi lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ, Đức Cha Lambert có dịp trở lại Đàng Trong, Ngài được an ủi khi thấy các nữ tu không hề giảm sút lòng sốt sắng buổi ban đầu và chị em vẫn giữ luật rất cặn kẽ.
Sau đó, có thêm các nhà Mến Thánh Giá Diêm Điền (1674), Bo Tay (1674), Lâm Tuyền (1676), Nha Ru, Hội An (1678), Thợ Đúc (1719).
Từ 1780-1812, đời sống tôn giáo tương đối yên ổn. Cha Labartette (sau làm Giám mục), đã lập thêm các tu viện : Di Loan, Phủ Cam, Nhu Lý, Bố Liêu, Kẻ Bàng, Trung Quán, Mỹ Hương, Sáo Bùn. Về sau còn nảy sinh thêm các tu viện khác: Dương Sơn (1828), Kim Long, Cổ Vưu, Tam Tòa …
Theo bản thống kê năm 1795 của Louvet, giáo phận Đàng Trong (lúc ấy bao gồm cả Campuchia và Nam Lào) có khoảng 250 nữ tu bản địa, con số này riêng vùng Thượng Đàng Trong, từ sông Gianh đến Bình Thuận có tới 6 tu viện, mỗi nhà trung bình từ 35 tới 40 nữ tu, và tại Campuchia có 1 tu viện với 6 nữ tu.
Năm 1806, có 8 cộng đoàn ở Cocincina và 1 ở Cambodia.
Năm 1822, có đến 16 nhà với khoảng 400 nữ tu. Đến cuộc bách hại 1833, đã tăng lên tới 20 nhà. Cũng theo thống kê năm 1884 của Louvet, giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế) có 7 tu viện với 420 nữ tu , giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) 12 tu viện với 440 nữ tu.
Thế nhưng đồng số phận với các chị Đàng Ngoài, những lệnh cấm đạo thường xuyên làm cho 20 nhà bị phân tán vào năm 1838. Tháng 7-1885 đến 7-1886, trong 6 tỉnh thuộc giáo phận Quy Nhơn, 270 nữ tu trong số 450 bị chết vì nhục hình, 10 nhà dòng trong số 12 bị triệt hạ.
Các cuộc bách hại lâu dài đã phá hủy toàn bộ các nhà phước Mến Thánh Giá Đông Đàng Trong. Đến nửa cuối thế kỷ thứ 18, ở Đàng Trong không còn dấu vết gì Mến Thánh Giá, kể cả Bản Luật. Sau này, Đức Cha Piguel phải xin một bản sao luật Mến Thánh Giá từ vị Đại Diện Tông Tòa Đàng Ngoài.
b.2 – Tây Đàng Trong:
Các nhà Mến Thánh Giá ở vùng này có thể đã hiện diện từ trước năm 1778, nhưng đã bị hủy diệt hoàn toàn qua các cuộc bách hại như ở phía Đông. Đến năm 1830, các nhà Mến Thánh Giá giáo phận Tây Đàng Trong bắt đầu được tái lập, và trải qua một tiến trình phát triển, giải tán và tồn tại một cách khá rõ ràng:
- Mến Thánh Giá Tân Triều và Lái Thiêu được thành lập năm 1830.
- Năm 1843, một số nữ tu Tân Triều, Lái Thiêu chạy loạn họp thành hai nhóm, nhóm thứ nhất đến lập nhà Cái Nhum, nhóm thứ hai về tái lập nhà Lái Thiêu.
- Năm 1844, Đức Cha Lefevre gửi 4 chị của tu viện cái Nhum sang lập tu viện Cái Mơn.
- Sau khi Đức Cha Lefevre bị bắt tại Cái Nhum 31/ 10/ 1844, các chị nữ tu của họ đạo này đến cư ngụ tại Cái Mơn.
- Năm 1846, Đức Cha J. Miche nhận thấy các chị ở Cái Mơn không được an toàn, nên ra lệnh cho các chị trở về Cái Nhum, cư ngụ gần kênh Cái Chanh.
- Năm 1847, sau khi thoát cảnh lưu đầy, Đức Cha Lefevre gửi 4 chị của tu viện Lái Thiêu lập tu viện Cái Mơn.
- Năm 1852, Cái Mơn gửi 5 chị đi lập một tu viện ở Chợ Quán.
- Năm 1853, các chị Cái Mơn đi lập lại tu viện Tân Triều và tu viện Đầu Nước, ngày nay là Cù Lao Giêng, nhưng tu viện này bị phân tán ngày 8 tháng giêng âm lịch năm 1859.
- Cũng năm 1853, tu viện Mặc Bắc được thành lập, nhưng rồi lại bị giải tán sau khi Cha Minh bị bắt. Ba bốn năm sau, 2 chị của tu viện Cái Nhum tái lập lại tu viện Mặc Bắc.
- Năm 1855, hai chị của tu viện cái Mơn lập tu viện Bãi Xan.
- Năm 1856, tu viện Chợ Quán lập tu viện Bà Rịa. Khi Pháp chiếm Sàigòn (1859-1862) thì 2 tu viện Tân Triều và Bà Rịa họp lại về cư ngụ tại Thủ Thiêm. Đồng thời tu viện Chợ Quán chuyển về Xóm Chiếu.
Khi Mỹ Tho bị Pháp chiếm ngày 12/ 04/ 1861, cha Nhơn đem các chị từ tu viện Bãi Xan và một số nữ tu thuộc tu viện Mặc Bắc về ở Mỹ Tho.Vài năm sau các chị ở Mỹ Tho lập một nhà ở Vĩnh Long. Nhưng năm 1872 tu viện Vĩnh Long và năm 1874 tu viện Mỹ Tho được nhập lại, một số về tu viện Cái Mơn, một số về Cái Nhum.
Năm 1906, Cha Ernest Hay (thuộc Hội Thừa Sai Paris, sáng lập Dòng Kitô Vua) làm Bề Trên Cái Nhum, cho rằng tính tình phụ nữ Việt Nam chưa đủ điều kiện để sống đời thánh hiến, nên csha ra lệnh giải tán. Chị em lại ra đi, nhóm đôi ba người sống tại một nơi nào đó, một số trở về gia đình , một số liều lĩnh ở lại tu viện. Nhờ vậy mà Hội Dòng còn tồn tại đến hôm nay.
Từ ngày ấy chỉ còn 295 nữ tu tại 4 tu viện thuộc địa phận Tây Đàng Trong (Sàigòn): 2 tu viện ở vùng ngoại ô Sàigòn là Chợ Quán và Thủ Thiêm, hai tu viện ở miền Tây là Cái Mơn và cái Nhum; địa phận Campuchia (Nam Vang) 3 tu viện với 45 nữ tu.
Không chỉ tại Việt Nam mà cả ở Thái Lan, các chị Mến Thánh Giá cũng bị bách hại và chịu chết vì đức tin. Hai chị Agnes Phila và Lucia Khambang đã được phong chân phước vào ngày 22/ 10/ 1989.
- Dòng Mến Thánh Giá trong thời cải cách và phục hưng:
a – Nguyên nhân:
Một nhà nghiên cứu nhận định: “Ngoài việc sống chung và một bản luật rất giản dị, các chị Mến Thánh Giá không có vẻ gì là nữ tu cả: các chị không có y phục khác với y phục phụ nữ, các chị không có lời khấn. Điều mà chủ yếu duy trì cảnh sống của chị em suốt hai thế kỷ rưỡi (1670-1925) lại chính là việc cấm đạo (Đinh Thực, sdd, tr. 114).
Khi tìm hiểu về chị em Mến Thánh Giá trước đây, hầu hết các thừa sai và các nhà nghiên cứu đều nhất trí với 3 điểm nổi bật sau đây:
- Các nữ tu Mến Thánh Giá có đời sống chung,
- Giữ một luật lệ rất nghiêm ngặt.
- Thực hiện những nhân đức khiết tịnh, vâng phục và khó nghèo mặc dù chưa thành lời khấn.
Năm 1678 mặc dù Tòa Thánh ban ân xá cho những thành viên dòng nữ Mến Thánh Giá, nhưng như một hiệp hội hoặc hội đạo đức. Thời bấy giờ, luật Giáo Hội buộc đời tu gắn liền với Lơi Khấn Trọng Thể và sống trong đan viện. Mãi đến ngày 8 tháng 12 năm 1900, lời khấn đơn mới được nhìn nhận là lời khấn dòng. Về phương diện Giáo Luật, đến năm này, dòng Mến Thánh Giá mới được nhìn nhận là một dòng tu đúng nghĩa, và những nữ tu tuyên lời khấn đơn mới trở thành những tu sĩ thực thụ.
Một phần vì chưa được công nhận, một phần vì cuộc sống bấp bênh, tạm bợ, các vị Thừa Sai quá ít, không thể hướng dẫn các chị cụ thể trong mọi chiều kích của đời thánh hiến, chị em Mến Thánh Giá không khấn công khai là điều dễ hiểu.
Đó là tình trạng chung của tất cả các Hội Dòng Mến Thánh Giá trong hai thế kỷ đầu
b – Cải cách:
Nhờ sự giúp đỡ của các cha Thừa sai, các Hội Dòng Mến Thánh Giá lần lượt được cải cách theo đúng tinh thần của Giáo Luật năm 1917. Có nhiều giai đoạn cải cách khác nhau cho các hội dòng :
Cuộc cải tổ đầu tiên do cha Gernot thực hiện tại tu viện Mến Thánh Giá Cái Mơn năm 1864, thuộc miền truyền giáo Tây Đàng Trong. Đặc điểm của cuộc cải tổ này là cho chị em mặc tu phục và tuyên lời khấn đơn tạm từng năm (quy chế này có hiệu lực cho 4 Hội dòng Nam Bộ : Cái Mơn, Cái Nhum, Chợ Quán, Thủ Thiêm – đến năm 1970).
Cuộc cải tổ thứ hai do Đức Cha Louis de Cooman Hành (làm Giám mục năm 1917) thực hiện năm 1925 tại Phát Diệm thừa lệnh của Đức Cha Alexandre Marcou Thành. Đặc điểm là chị em làm năm Tập theo Giáo Luật, mặc tu phục và tuyên lời khấn đơn, trước tạm thời sau vĩnh viễn.
Năm 1929, Hội Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn, và sau đó là nhiều Hội Dòng Mến Thánh Giá khác lần lượt được cải tổ giống như Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.
Công Đồng Đông Dương năm 1934 đã khen ngợi cuộc cải tổ triệt để này và khuyến khích các Đấng Bản Quyền Sở Tại cải tổ các cộng đoàn Mến Thánh Giá trong miền truyền giáo của mình, bằng cách thống nhất các cộng đoàn biệt lập thành một Hội Dòng Giáo phận, có một tập viện duy nhất, có lời khấn, trước tạm thời, sau vĩnh viễn theo Giáo Luật. Dần dần với thời gian, tất cả các Hội Dòng đều được cải tổ và trở thành những Hội Dòng Giáo Phận, theo đúng quy định của Giáo Luật hiện hành, với các đặc điểm sau:
- Các thành viên tuyên lời khấn công (x. GL 607§2)
- Tuân giữ triệt để ba lời khuyên Phúc Am (x. GL 574§1 ; 598-601)
- Sống thành cộng đoàn (x. GL 602 ; 607§2)
- Có một Bề Trên Tổng Quyền (được gọi là Tổng Phụ Trách) (x. GL 616; 620; 622; 625§1-2)
- Có cơ cấu quản trị riêng (x. GL 586)
- Thuộc quyền Đức Giám Mục giáo phận nơi có Nhà Mẹ (x.GL 589; 594-595); và các Đức Giám mục giáo phận nơi có cộng đoàn của Hội Dòng (x.GL 595)