Khai mở mộ Đức cha François Pallu (1626-1684)

Linh mục An-tôn Trần Văn Phú

WGPHN (21.07.2023) – Thể theo thỉnh nguyện thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, về việc xin một phần hài cốt của Đức cha François Pallu về đặt tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Paris và Cha Bề trên nhà M.E.P đã đồng ý thư thỉnh nguyện và quyết định khai mở phần mộ của Đức cha Pallu vào ngày 10/7/2023 vừa qua.

Trong tiến trình điều tra vụ án phong chân phước và phong thánh của Đức cha François Pallu, Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, được Toà Thánh chấp thuận, trong bức thư ngày 15 tháng 9 năm 2021, cho việc mở án phong Chân phước và phong Thánh của Đức cha Pallu ở cấp giáo phận.

Ngày 14 tháng 3 năm 2023, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã viết thư thỉnh nguyện tới Đức cha Laurent Ulrich, Tổng Giám mục Paris và Cha Vincent Sénéchal, Bề trên nhà M.E.P. về việc xin một phần hài cốt của Đức cha Pallu về đặt tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội. Sau thời gian bàn hỏi với Ban Cố vấn, Đức Tổng Giám mục Paris và Cha Bề trên nhà M.E.P đã đồng ý thư thỉnh nguyện và quyết định khai mở phần mộ của Đức cha Pallu.

Ngày 10 tháng 7 năm 2023 vừa qua, trước sự chứng kiến của Cha Michel Esposito, Kinh sĩ Nhà thờ Chính toà Paris, Cha Vincent Sénéchal, Bề trên nhà M.E.P. và một số người khác, phần mộ của Đức cha Pallu đã được khai mở.

Theo như Cha Vincent cho biết phần hài cốt của Đức cha Pallu không còn nhiều. Thế nên, Nhà M.E.P. quyết định chuyển về Hà Nội một chiếc răng hàm của Đức cha Pallu.

Theo như dự kiến đã được đệ trình lên Bộ Phong thánh và Hội đồng Giám mục Việt Nam, để dân Chúa dễ đến sùng kính hài cốt của Đức cha François Pallu, một phần hài cốt của ngài sẽ được chuyển về Hà Nội và được đặt tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội vào ngày 29 tháng 10 năm 2023. Cũng theo như dự kiến, lễ mở án phong Chân phước và phong Thánh cấp giáo phận của Đức cha Pallu sẽ được cử hành vào lúc 10h00, Chúa nhật, ngày 29 tháng 10 năm 2023 tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội. Đây cũng là ngày kỷ niệm 339 năm ngày Đức cha Pallu qua đời (29/10/1684).

Sơ lược tiểu sử và hành trình truyền giáo của Đức cha Franҫois Pallu

Đức Cha François Pallu, Đại diện Tông tòa tiên khởi của Đàng Ngoài nhưng chưa một ngày được đặt chân tới mảnh đất được ủy thác cho mình. Ngài trút hơi thở âm thầm trên mảnh đất truyền giáo Phúc Kiến – Trung Hoa, vào Chúa nhật ngày 29 tháng 10 năm 1684[1].

Đức cha Franҫois Pallu chào đời tại giáo xứ Saint-Saturnin, thành phố Tours, nước Pháp vào cuối tháng 8 năm 1626, được rửa tội ngày 31 tháng 8 năm 1626. Ngài thuộc về dòng tộc giàu sang, quyền quý và đạo đức. Thân phụ là lãnh chúa vùng Périers. Mẹ là ái nữ của thị trưởng thành Tours. Gia đình có 18 người con, trong đó có bốn người con trai gia nhập dòng tu và ba người con gái là nữ tu.

Từ nhỏ, người ta đã thấy nơi Pallu hướng chiều về sự thiện, có tinh thần ôn hòa, khôn ngoan, khiêm tốn và tràn đầy đạo đức. Từ thời niên thiếu Pallu đã gia nhập bậc giáo sĩ, lớn lên theo học thần học tại Paris. Tại kinh đô ánh sáng, vị Đại diện Tông tòa tương lai rất được mọi người mến mộ về đời sống cầu nguyện và tinh thần hòa đồng.

Có lẽ ngài được thụ phong linh mục vào ngày 24 tháng 9 năm 1650. Ngày 29 tháng 7 năm 1658, Đức Thánh Cha ban đoản sắc bổ nhiệm Cha Pallu làm Giám mục hiệu tòa Héliopolis. Ngày 17 tháng 8 năm 1658, Thánh bộ Truyền bá Đức tin công bố sắc lệnh: bổ nhiệm Đức cha Pallu làm Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài và nhận thêm trách nhiệm cai quản các tỉnh liền kề là Vân Nam, Quý Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên và nước Lào. Ngày 17 tháng 11 cùng năm, ngài được tấn phong giám mục tại Rô-ma.

Ngày 03 tháng 01 năm 1662, Đức cha Pallu cùng với một đoàn gồm bảy giáo sĩ và hai giáo dân rời cảng Marseille để lên đường đến Viễn Đông. Trong chuyến hành trình đầy gian khổ này, năm người trong đoàn đã ngã bệnh và qua đời. Bản thân Đức cha cũng lâm bệnh. Cuối cùng, ngày 27 tháng 01 năm 1664, họ đến Ayuthia, sau hai năm và 24 ngày kể từ khi họ xuống tàu ở Marseille.

Ở Siam chưa đầy một năm, trước những tin tức về cuộc bách đạo tàn khốc ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, cùng với tình hình truyền giáo tại Viễn Đông và công nghị Ayuthia ngày 29 tháng 02 năm 1664 (các ngài đã soạn Huấn dụ Monita ad missionarios), hai vị Đại diện Tông tòa cùng với những người cộng sự của mình đã đồng ý cử Đức cha Pallu trở về Rô-ma để trực tiếp báo cáo tình hình cho Tòa Thánh. Ngài trở lại giáo đô, được yết kiến tân Giáo hoàng Clêmentê IX. Kết quả là một loạt sắc lệnh và tài liệu mang tính bước ngoặt liên quan tới vùng truyền giáo Á Đông ra đời.

Vào ngày 11 tháng 4 năm 1670, Đức cha Pallu xuống tàu trở lại Viễn Đông. Ngày 27 tháng 5 năm 1673, đoàn đã đến Ayuthia sau hơn ba năm hành trình gian khổ và chết chóc, dưới biển trên bộ, nhưng cũng nhờ đó mà người ta thấy rõ được đức tin kiên vững, lòng nhiệt thành truyền giáo, đức dũng cảm, lòng trung thành với Rô-ma và óc tổ chức khôn ngoan của ngài.

Trở lại kinh đô của vua Siam, Đức cha Pallu đã xin được hộ chiếu đi Đàng Ngoài. Vị Đại diện Tông tòa ra khơi vào ngày 21 tháng 8 năm 1674. Sau gần hai tháng lênh đênh trên biển, với tất cả nỗ lực bất chấp nguy hiểm, bão tố, thiếu lương thực, thiếu nước uống, nhưng ngài vẫn không thể đặt chân tới Đàng Ngoài. Tầu bị dạt vào Philippin và vì nhiều lý do khác nhau, Đức cha Pallu bị giải đi Tây Ban Nha qua ngả Mêhicô. Tại Tây Ban Nha, ngài được tuyên bố vô tội.

Ngày 15 tháng 4 năm 1680, Đức Thánh Cha giải nhiệm Đức cha Pallu khỏi chức vụ Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài và đặt ngài làm Đại diện Tông tòa Phúc Kiến cùng với quyền quản trị các tỉnh Giang Tây, Quảng Đông, Chiết Giang, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Quý Châu, Vân Nam cũng như các đảo Đài Loan, Hải Nam và các đảo trong biển Trung Hoa.

Ngày 29 tháng 01 năm 1681, Đức Cha Pallu đã từ biệt Paris lần cuối cùng. Ngày 04 tháng 7 năm 1682 ngài đặt chân đến Ayuthia lần cuối. Ngày 02 tháng 7 năm 1683, Đức cha Pallu từ Siam đi Trung Hoa. Ngày 14 tháng 01 năm 1684, lần đầu tiên, một Giám mục Đại diện Tông tòa đặt chân lên đất Trung Hoa. Mặc dù sức khỏe suy yếu, nhân sự thiếu thốn và chưa có cơ sở vật chất nhưng ngài vẫn miệt mài với các hoạt động tông đồ, với mối bận tâm về vùng truyền giáo cho Trung Hoa. Trên đường đến Mục Dương thăm cộng sự của mình, vị Giám mục bị kiệt sức. Sau đó cơn sốt xuất hiện và dần tăng lên.

Đức cha qua đời vào ngày Chúa nhật 29 tháng 10 năm 1684. Kết thúc một hành trình sứ vụ tông đồ đúng như ngài đã cam kết ngay trước khi lãnh nhận: “Bậc Giám mục mà tôi thấy mình sắp được nâng lên, là một bậc hoàn thiện, và không tự bằng lòng với những hành động thông thường… Bậc đó không đơn giản xét xem điều gì buộc phải làm…, mà chỉ chuyên tâm đến điều gì là hoàn hảo nhất…”. Ngay từ khi còn sống, Đức cha đã được một số thừa sai dưới quyền xem như một “vị thánh làm phép lạ”.

Ngài được an táng ở Mục Dương, Phúc Kiến. Di cốt của ngài được chuyển tới trụ sở Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris vào tháng 8 năm 1912. Tháng 02 năm 1954, hài cốt của Đức cha Pallu được đem về an táng trong tầng hầm của nhà nguyện của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, số 128, rue du Bac, quận 7, Paris và được tôn kính lưu giữ đến tận ngày hôm nay.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (21.07.2023)

[1] Tóm lược dựa trên công trình nghiên cứu của tiến sĩ Louis Baudiment xuất bản 1934, Văn khố Hội Thừa Sai Paris bản dịch của Cao Kỳ Hương, được HĐGMVN ấn hành 2022.

Trả lời