Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong tâm hồn chúng ta, dù Ngài thường bị cho là trừu tượng, không thể đến gần được.
Hơi thở của sự sống, Đấng an ủi, Đấng bào chữa: Chúa Thánh Thần cần thiết cho sự tồn tại của người tín hữu kitô. Một số lời khuyên giúp chúng ta duy trì tình bằng hữu với Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong tâm hồn chúng ta, dù Ngài thường bị cho là trừu tượng, không thể đến gần được. Nhưng duy trì tình bằng hữu với Ngài là điều cần thiết để chúng ta tiến bước trên con đường nên thánh.
Ngoài vấn đề “sự sống hay cái chết thiêng liêng”, kết tình bằng hữu với Chúa Thánh Thần còn biến đổi sâu sắc mọi khía cạnh trong cuộc sống con người, kể cả sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày để chúng ta đến gần Chúa hơn. Quyển sách mới nhất của tác giả Thomas Belleil: Sự hiện diện của Thần Khí. Hướng dẫn ngắn gọn để sống tình bằng hữu với Chúa Thánh Thần (Présence d’Esprit. Petit guide pour vivre l’amitié avec le Saint-Esprit) giải thích cho chúng ta hiểu.
Nhận ra Ngài như một Con người
Để yêu người nào, chúng ta phải biết họ là ai. Theo tác giả Thomas Belleil, muốn gặp Chúa Thánh Thần, bước đầu tiên chúng ta phải “nhận biết Ngài là một con người”. Chúng ta dễ hình dung hình ảnh của Chúa Cha và Chúa Con, nhưng với Chúa Thánh Thần thì khó hình dung hơn. Trong tiếng do thái, Ngài là hơi thở. Như thế Ngài không trừu tượng, Ngài là hơi thở “ban sự sống cho vật chất, cho những gì không nổi trội”. Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu Ngài là một Ngôi vị”. Ngài có cảm xúc, suy nghĩ, trí thông minh và ý chí. Ngài hướng dẫn, dạy dỗ, an ủi chúng ta.
Nhận ra Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta
Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn Chúa Thánh Thần qua ngày Lễ Hiện Xuống, nhưng ơn này là một thực tế với tín hữu kitô khi họ nhận bí tích thêm sức. Tác giả Thomas Belleil giải thích: “Tôi không tìm Ngài trong các vì sao. Ngài hiện diện trong tôi, trong thánh đường nội tâm của tôi; mỗi giây phút tôi sống, mỗi nơi tôi ở đều có Chúa Thánh Thần. Vì thế quan trọng là chúng ta phải kết nối với sự hiện diện nội tâm này. Về cơ bản, điều này đến từ ước muốn, chúng ta phải khao khát Chúa Thánh Thần.”
Cầu xin Ngài thể hiện cho chúng ta
Theo tác giả: “Ngài là hơi thở của sự sống, Đấng an ủi, Đấng bào chữa, Ngài là nhân vật có thật. Nếu chúng ta gặp khó khăn với Chúa Thánh Thần, chúng ta nên hỏi thẳng Ngài, Ngài là ai! Chúng ta xin Ngài tỏ lộ Ngài cho chúng ta, vì thế đầu tiên chúng ta đơn sơ hỏi Ngài: Ngài là ai?”
Chú ý đến sự hiện diện của Ngài
Sự hiện diện của Ngài rất kín đáo, giống như một “cơn gió nhẹ”. Nếu chúng ta muốn nghe tiếng Ngài, chúng ta phải học học cách nhận ra âm thanh tiếng nói của Ngài qua Kinh thánh, qua Giáo hội, qua ước muốn của chính chúng ta, qua cảm xúc nội tâm.
Dành thì giờ quý báu bên Ngài
Tình bạn được nuôi dưỡng bằng những khoảnh khắc quý giá bên nhau. Với Chúa Thánh Thần cũng vậy: “Đó là đọc Kinh thánh, cầu nguyện. Điều thiết yếu là phải nghe tiếng Ngài, hiểu cách Ngài hiện diện và cách Ngài nói với chúng ta. Là giây phút ơn sủng, được chuẩn bị kỹ để bước vào mối quan hệ với Ngài. Là thời gian cầu nguyện và tĩnh tâm lâu dài. Nhưng chúng ta có thể cầu nguyện mỗi tối với Ngài, làm phút hồi tâm với Ngài.”
Đưa Ngài đi khắp nơi với mình
Theo tác giả Belleil: “Chúa Thánh Thần quan tâm đến từng chi tiết trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đôi khi chúng ta nghĩ chúng ta chỉ xin Ngài những chuyện lớn lao… Nhưng Chúa Thánh Thần là sự hiện diện của Thiên Chúa để thánh hóa chúng ta, nên chính những điều nhỏ bé là những điều chúng ta nên quan tâm: chúng ta sống từng giây phút với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Vì thế bất cứ lúc nào, nơi nào chúng ta đều có thể nói chuyện với Chúa Thánh Thần như với một người bạn. Đi đâu tôi cũng mang Ngài theo. Khi tôi mở lòng với Ngài, Ngài sẽ biến đổi mọi chuyện dù đó là những chuyện nhỏ bé nhất.”
Xin ơn khao khát
Theo tác giả: “Để sống tình bằng hữu tốt đẹp với Chúa Thánh Thần, chúng ta cần thay đổi sâu sắc quan điểm và thói quen của mình, mọi điều tôi đã làm mà không có Chúa Thánh Thần, tôi sẽ bắt đầu làm lại với Ngài, tuân phục Ngài hoàn toàn, Đấng biết chúng ta và yêu thương chúng ta. Chúng ta càng sống trong mối quan hệ với Ngài, chúng ta sẽ càng phát triển hơn, Ngài càng biến đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhiều hơn”. Cụ thể, trước một quyết định, một hành động trong cuộc sống hàng ngày, một cuộc họp ở sở, chúng ta dừng lại một phút để cầu nguyện với Ngài, xin Ngài hướng dẫn chúng ta.
Marta An Nguyễn dịch(phanxico.vn)