Mục Vụ Tháng 01. 2023: Hiệp Hành Là Gì?

HIỆP HÀNH

Synod 2021-2023: Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành, Hiệp Thông, Tham Gia, Sứ Vụ. Chắc có lẽ những ai sống đời sống Ki-tô hữu sẽ không xa lạ với ý hướng của Mẹ Giáo Hội đã đề ra và đã sống trong năm qua.

Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi toàn thể Hội Thánh suy tư về một chủ đề mang tính quyết định đối với đời sống và sứ vụ của mình: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba” (Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, 17.10.2015). Vậy chúng ta hiểu thế nào về từ ngữ Hiệp Hành?

Hiệp Hành là cùng đi trên một con đường, con đường Giêsu, Đấng tự giới thiệu chính Ngài là “con đường, sự thật và sự sống” (Ga 14, 6). Cùng đi trên con đường Giêsu bằng cách nào? Những ai lãnh nhận bí tích Rửa tội được chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi, họ có bổn phận phải nối kết với nhau để cùng nhau tiến bước, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và Lời Chúa trong Kinh Thánh, và truyền thống sống động của Giáo hội, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập.

Hiệp hành là cùng nhau tìm hiểu Thánh Ý Thiên Chúa và giúp nhau thực hiện những điều Chúa dạy, nhằm làm cho đời sống gia đình trở thành mái ấm tình thương, đời sống cộng đoàn tu trì, đời sống cộng đoàn giáo xứ thêm sống động, thêm thánh thiện, và làm cho thế giới ngày thêm phát triển tốt đẹp, thêm lành mạnh.

Chính vì cùng nhau đi trên một con đường, nên chúng ta cần có sự hiệp thông, không phải mạnh ai nấy đi, mà đòi hỏi chúng ta biết quan tâm, biết nghĩ đến nhau, dìu nhau, nương nhau bước đi trên con đường đó. Muốn đi được đường dài, buộc chúng ta phải bước đi cùng nhau.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, và sự hướng dẫn của Hội Thánh, chúng ta một chút thẩm định, một chút dừng lại soi xét lòng mình về sự hiệp thông trong đời sống, phải chăng lắm khi có nhiều bất cập, và có vẻ nó có sự phân cực, phân mảnh vô hình nào đó, mà chúng ta âm thầm nhìn ngắm. Và chúng ta tưởng chừng ranh giới của sự Hiệp Thông cũng rất mong manh và giới hạn.

Trước hết,

  • Hiệp Thông với Chúa: là một người Ki-tô hữu, một người sống đời dâng hiến, chắc hẳn chúng ta tự hào rằng chúng ta sống xứng danh là người Ki-tô hữu khi giữ được những ngày Chúa Nhật hoặc dăm ba việc lành phúc đức, hay là một người tu sĩ, chúng ta sống khấn giữ ba lời Khấn Dòng thì chúng ta cho là đã đủ sống tương tác, sống liên kết, hiệp thông với Chúa?
  • Hiệp Thông với anh chị em: Trong đời sống của con người bình thường, và đời sống người ki-tô cũng không ngoại lệ, ai ai cũng muốn phấn đấu cho mình đạt được, có gì đó trong tầm tay của mình, muốn trổi vượt hơn người khác, tài, tình và tiền… một cách đầy đủ nhất. Thế nhưng, đó cũng là nguy cơ làm cho chúng ta quên đi tính hiệp nhất, hiệp thông đối với nhau. Đôi khi, vô tình hay cố ý, ít hay nhiều chúng ta loại trừ nhau, gạt anh chị em ra bên lề, không có trách nhiệm trên nhau, độc quyền, coi thường vai trò của người khác, và co cụm theo nhóm… vì một suy nghĩ, một tư lợi cá nhân nào đó mà đánh mất bản chất hiệp thông mà Thiên Chúa và Hội Thánh đã mời gọi, mong muốn chúng ta.

Vì chỉ khi chúng ta sống tinh thần hiệp thông, chúng ta mới có thể tham gia, sứ vụ cho những công cuộc Thiên Chúa muốn, Hội Thánh muốn. Nếu chúng ta không sống hiệp thông chúng ta khó mà cùng nhau tham gia thi hành sứ vụ, và làm cho Hội Thánh suy yếu do không huy động được tổng lực cho công cuộc phúc âm hóa thế giới (ĐTGM Giu-se Nguyễn Năng). Và Không thể cứ mãi an phận với thứ “mục vụ bảo tồn” lâu đời mà không dám “hoán cải mục vụ” (Niềm vui Tin Mừng, ss. 25- 27) để nhiệt tình dấn thân cho sứ vụ. Không thể cứ khư khư bảo vệ cơ chế và duy trì não trạng cũ kỹ để dửng dưng đứng ngoài cuộc.

Nếu Hội Thánh không sống lối sống hiệp hành, thì gương mặt, uy tín của Hội Thánh sẽ suy giảm. Nghĩa là chúng ta chưa diễn tả được Hội Thánh là nhà, không tìm thấy nơi mẹ Hội Thánh là nơi cảm thông, đỡ nâng, một bàn tay ôm ấp của mẹ hiền cho những anh chị em ngoài kia đang đau khổ, những anh chị em thấp cổ bé miệng, những anh chị em đang đi trong đêm đen của cuộc đời. Và anh chị em ấy thất vọng nên xa lìa Hội Thánh, Hội Thánh sẽ không còn là nơi đáng tin cậy nữa.

Lạy Chúa Giê-su Hài Nhi, Hội Thánh chúng con đang phải đối diện với những đau thương không thể tránh trong việc loan báo Tin Mừng. Xin cho chúng con dám nhìn vào sự thật, dám nghe sự thật. Đừng vội biện minh để làm giảm sự thật, nhất là những sự thật đau lòng về cách hành xử, lối sống của các thừa tác viên. Nhờ đó, người tông đồ của Chúa mới được biến đổi và hăng say làm lan rộng nước Chúa ở mọi nơi.

M. Nhị Thơ

Trả lời