Ngôi nhà của Đức Mẹ Maria ở gần thành phố cổ Êphêsô, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Chúng ta mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời; nhiều lần các Đức Thánh Cha đã viếng thăm ngôi nhà của Đức Mẹ ở Êphêsô bên nước Thổ-nhĩ-kỳ. Có phải đây là nơi mà Đức Mẹ lìa đời không?
Lịch Phụng vụ đặt tên cho lễ mừng vào ngày 15/8 là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nói đúng ra, tên của ngày lễ được lấy từ tín điều của Giáo hội công giáo, mà nếu dịch đúng ra phải nói “Đức Mẹ được cất về trời” (In Assumptione Beatae Mariae Virginis). Bên các giáo hội Đông phương, nơi xuất phát của lễ này, thì danh xưng là “Đức Mẹ an giấc” (Dormitio sanctae Mariae), hay là “ngủ yên”. Chung quanh ngày lễ này có rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà tôi không thể nào trả lời trong vòng 10 phút được, mặc dù chỉ muốn giới hạn vào phạm vi lịch sử chứ không đi vào khía cạnh thần học. Những câu hỏi chính mang tính cách lịch sử có thể tóm lại như thế này: Đức Mẹ ly trần lúc nào, ở đâu? Dựa vào tài liệu nào mà biết được? Từ hồi nào phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ an giấc?
Đức Mẹ ly trần lúc nào? Câu hỏi này dễ trả lời hơn cả phải không?
Không có câu hỏi nào dễ hết, bởi vì tất cả đều liên hệ với nhau, và móc nối với câu hỏi căn bản là: dựa vào tài liệu nào mà biết được những chi tiết về cuộc đời của Đức Mẹ Maria? Tài liệu lịch sử quan trọng nhất của đức tin Kitô giáo là Tân ước. Thế nhưng Tân ước chỉ cho thấy sự xuất hiện của Đức Maria trong cuộc đời của Chúa Giêsu, kể từ khi Truyền tin, Giáng sinh, cho đến lúc Chúa chết trên thập giá. Đức Maria còn được nhắc đến một lần nữa nơi sách Tông đồ công vụ (1,14), kể lại sự hiện diện của Người với các môn đệ ở Giêrusalem cầu nguyện trong thời gian chuẩn bị lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Từ đó trở đi, không ai biết Người sống chết ra sao. Một cách tương tự như vậy, không ai biết được cuộc đời của Đức Maria trước lúc được Truyền tin như thế nào, thân thế ra sao.
Lịch phụng vụ cho chúng ta biết quý danh của song thân Đức Maria là thánh Gioakim và thánh Anna đấy chứ.
Đúng rồi, nhưng dựa vào chứng tích nào. Tân ước không có nói gì hết. Trước sự im lặng của Tân ước, các thế hệ Kitô hữu tiên khởi đã tìm cách lấp đầy các lỗ hổng về cuộc đời Đức Maria bằng những tài liệu mà ngày nay chúng ta gọi là “ngụy Phúc âm”. Thoạt nghe nói đến “ngụy thư”, có lẽ nhiều người nổi da gà. Thực ra ở đây, “ngụy” chỉ có nghĩa là không được Giáo hội nhìn nhận như là “được ơn linh hứng”, chứ không hẳn là sai lầm. Bằng cớ là quý danh song thân của Đức Maria, cũng như việc đức Maria dâng mình vào đền thờ đều dựa theo một ngụy thư mang tên là “Tiền Phúc âm thánh Giacôbê”. Các ngụy thư về đức Maria tựu trung vào những điểm sau đây: 1/ Gia thế và tuổi xuân của Đức Maria cho đến lúc đính hôn với thánh Giuse. 2/ Đức Maria trong thời niên thiếu của Đức Giêsu, nghĩa là lúc lánh nạn bên Ai-cập. 3/ Đức Maria vào lúc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. 4/ Đức Maria ly trần. Như đã nói trước đây, chúng ta chỉ dừng lại ở điểm chót này.
Tân ước không nói gì về thời gian và địa điểm Đức Maria lìa đời. Như vậy là tất cả đều dựa theo ngụy thư hay sao?
Đúng như vậy. Tuy nhiên, như vừa nói, ngụy thư không có nghĩa “sách lừa bịp”. Mặt khác, chúng ta đang chỉ nói đến khía cạnh lịch sử chứ không bàn đến khía cạnh tín lý. Vì thế các tài liệu gọi là “ngụy thư” có thể coi như chứng tích của các lưu truyền dân gian, và cần được đánh giá theo thể văn đó. Đi vào vấn đề cụ thể, nghĩa là về chuyện Đức Mẹ lìa đời (Transitus Virginis), chúng ta có hai nguồn truyền khẩu. Một nguồn cho rằng Đức Mẹ đã an giấc tại Giêrusalem vào khoảng một năm sau khi Chúa Giêsu lên trời; các thánh tông đồ đã tiễn đưa Người ra mộ trước khi chia tay nhau đi giảng đạo. Một nguồn khác cho rằng Đức Mẹ đã sống thêm một thời gian nữa với thánh Gioan, và đi theo vị tông đồ này sang Êphêsô; dĩ nhiên, theo lưu truyền này thì Đức Mẹ an giấc tại Êphêsô.
Lưu truyền nào đáng tin hơn?
Tôi không phải là nhà chuyên môn về sử học, cho nên chỉ kể lại những điều đọc thấy trong sách vở thôi. Xét về mặt lịch sử, lưu truyền về việc Đức Mẹ an giấc tại Giêrusalem xem ra đáng tin hơn, theo nghĩa là lễ phụng vụ kính Đức Mẹ an giấc bắt đầu từ đây, tại ngôi đền thờ được cất ở trên ngôi mộ của Người.
Như vậy Đức Mẹ an giấc hay là chết?
Trong tiếng Việt cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác, người ta kiêng nói đến “chết, tử”, và thay bằng những từ ngữ như là “qua đời, an nghỉ, tạ thế, lìa đời, vv”. Có lẽ không phải chỉ vì muốn dùng từ ngữ thanh tao hơn, nhưng còn muốn nói rằng sau cuộc sống ở dương gian này, còn có cuộc sống khác nữa. Đối với đức tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng sau cái chết, linh hồn bất tử vẫn tồn tại bên Chúa. Riêng với Đức Maria, thì không những là linh hồn mà cả thân xác cũng được ở bên Chúa; nhưng thử hỏi: Mẹ có phải trải qua cái chết trước khi được hồn xác được đưa lên trời hay không? Các nhà thần học không nhất trí. Chúng ta tạm gác qua chuyện thần học sang một bên, và trở về với các nguồn truyền khẩu. Dựa theo những ngụy thư mang tên là sự an giấc của Đức Maria, thì không lâu sau khi Chúa lên trời, một thiên sứ đến báo tin cho Mẹ biết rằng sắp đến ngày ra đi. Mẹ liền mời các thân nhân đến để ở gần bên cạnh vào lúc kết thúc cuộc đời. Các thánh tông đồ cũng được triệu tập đến. Một buổi canh thức và cầu nguyện đã diễn ra vào đêm cuối cùng, và sáng hôm sau, Chúa Giêsu đã đến đem linh hồn Mẹ về trời. Các thánh tông đồ chôn cất thân xác Mẹ trong một ngôi mộ mới cất. Ba ngày sau, Chúa Giêsu và các thiên sứ đến đưa thân xác Mẹ về thiên đàng và được kết hiệp với linh hồn. Đó là những đại cương, bởi vì xét về chi tiết thì có nhiều dị biệt giữa các phiên bản, thí dụ như về thời gian (1 năm, hay lâu hơn sau khi Chúa lên trời), về địa điểm (Bêlem hay là Giêrusalem?).
Lúc nãy cha nói rằng lưu truyền về Đức Mẹ an giấc ở Giêrusalem thì cổ xưa hơn lưu truyền về an giấc ở Êphêsô, cho nên đáng tin hơn phải không?
Tôi nói là lễ kính Đức Mẹ an giấc bắt nguồn từ Giêrusalem, chứ không phải từ Êphêsô. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các lưu truyền về Đức Mẹ an giấc đều có giá trị lịch sử. Lý do là vì xem ra các tài liệu này ra đời muộn, nghĩa là vào thế kỷ V. Thật vậy, vào khoảng năm 377 (nghĩa là cuối thế kỷ IV), đức cha Êpiphaniô giám mục Salamina (+403), đã từng sống lâu năm ở Giêrusalem đã viết rằng Kinh thánh không nói gì về việc Đức Mẹ kết thúc cuộc đời như thế nào, và vì thế đã có ít là ba giả thuyết: thứ nhất, Đức Mẹ được Chúa đưa lên trời; thứ hai, Đức Mẹ được tử đạo; thứ ba, Đức Mẹ chết như bao nhiêu sinh linh khác. Tác giả không biết nên theo ý kiến nào, tuy xác tín rằng cuộc đời của Đức Mẹ kết liễu cách khác thường (Panarion 78,11.24). Dù sao cũng nên biết là từ cuối thế kỷ VI (khoảng giữa các năm 540 và 570), có lễ kính Đức Mẹ an giấc được mừng vào ngày 15 tháng 8, và bành trướng sang Tây phương vào thế kỷ VII. Không thiếu sử gia đã nêu lên câu hỏi: phải chăng lễ phụng vụ bắt nguồn từ các ngụy thư, hay nguỵ thư bắt nguồn từ lễ phụng vụ? Tôi xin miễn đi sâu vào vấn đề này.
Còn lưu truyền về việc Đức Mẹ an giấc tại Êphêsô ra đời từ hồi nào?
Theo Phúc âm thứ bốn, Chúa Giêsu từ trên thập giá đã ký thác thánh Gioan cho Đức Mẹ và ký thác Đức Mẹ cho thánh Gioan, rồi từ đó, môn đệ Gioan đưa Mẹ về nhà mình (Ga 19,27), và Mẹ cũng theo Gioan trên đưỡng truyền giáo. Theo một lưu truyền, thánh Gioan đã hoạt động ở Êphêsô, vì thế Đức Mẹ cũng đi theo thánh Gioan và qua đời tại đây. Hồi tháng 11 năm ngoái, đức thánh cha Bênêđictô XVI (theo gương của hai vị tiền nhiệm Phaolô VI và Gioan Phaolô II), trong chuyến du hành sang Thổ nhĩ kỳ, có đến thăm ngôi nhà này, được người địa phương đặt lên là nhà của Mẹ Maria (Meryem Ana Evi). Các nhà khảo cổ cho rằng nền của ngôi nhà này mang vết tích của thế kỷ I của Công nguyên. Nhưng làm sao chứng căn nhà này là của đức Maria được, cũng như chị biết là tại Loreto ở bên nước Ý, cũng có một ngôi nhà tục truyền là của đức Maria ở Nazareth.
Lưu truyền Êphêsô có giá trị lịch sử đến mức nào?
Trên đây tôi đã nói rằng lưu truyền Giêrusalem ra đời trước, vào khoảng thế kỷ VI. Lưu truyền Êphêsô ra đời muộn hơn, và gặp thấy khá nhiều vấn nạn. Thứ nhất là cần kiểm chứng xem thánh Gioan có sang Êphêsô không. Thứ hai, cần kiểm chứng xem Đức Mẹ có đi theo thánh Gioan hay không. Tuy nhiên, dưới một mặt khác, chúng ta đừng nên quên rằng lòng tôn kính Đức Mẹ trong Hội thánh đã tăng trưởng kể từ sau công đồng họp tại Êphêsô năm 431. Biến cố này là nguồn gốc của các bài giảng và các lưu truyền về cuộc đời Đức Maria. Vì thế xét về giá trị lịch sử, thì khó nói được lưu truyền nào hơn lưu truyền nào, bởi vì chính công đồng Êphêsô là khởi điểm cho sự phát triển lòng tôn kính Đức Mẹ, kể cả lễ phụng vụ cử hành tại Giêrusalem. Như đã nói ngay từ đầu, tôi chỉ bàn đến khía cạnh lịch sử chứ không đi vào khía cạnh tín lý, bởi vì tín điều về Đức Maria hồn xác lên trời dựa trên các chứng cứ mặc khải và thần học, chứ không dựa trên các truyền kỳ dân gian.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.