Đức Maria Trong Tân Ước VII

 
  ĐỨC MARIA VÀ “NGƯỜI BẠN TRĂM NĂM” THÁNH GIUSE
Các bạn thân mến,
Cứ cho là mọi sự bắt đầu, sau khi Maria hoàn tất việc đi thăm bà chị họ Elizabeth tại ngôi làng có tên Ein-Kerem trở về. Chắc hẳn, không cần ai nói cho biết, Giuse khi gặp lại Maria, đã nhận ra ngay là vợ mình đang mang thai (lúc đó đã hơn ba tháng, nên biết là Mẹ đã ở lại phục vụ bà Elisabet đến ba tháng, nghĩa là cho đến khi sinh nở xong). Giuse không thể không vô cùng sửng sốt và bối rối. Một bí ẩn hẳn đã đè nặng trên tâm hồn người chồng ngay thẳng và đạo đức mà Mát-thêu gọi là “người công chính”. Làm sao Giuse bình tĩnh cho được, vì ông đâu có mặt lúc thiên thần truyền tin cho Maria (hẳn là đến lúc đó, Mẹ Maria chưa hề nói gì  với thánh Giuse về biến cố Truyền tin) để nhờ đó mà biết được bào thai trong bụng vợ mình là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà ông mới định lìa bỏ bà cách kín đáo. Sở dĩ tôi nói là “cứ cho là” Giuse chỉ biết được Maria mang thai, khi bà trở về từ làng Ein-Kerem, vì giả thiết này không thực tế lắm. Bởi lẽ, theo suy luận thông thường, việc phải đi thăm người chị bà con ở một làng xa xôi ở miền núi (nếu đi bộ phải mất 30  tiếng đồng hồ, vì Ein Kerem cách đó khoảng 90 dặm tức hơn 100 cây số)  rồi dự định ở lại một thời gian dài như vậy, thì lẽ nào mà Maria lại không bàn định trước với Giuse? Khi được biết nguyên do của sự thụ thai nơi Maria và mục đích của chuyến viếng thăm bà chị họ son sẻ Elizabeth, Giuse không thể không đồng ý để Maria lên đường. Sau chuyến đi, mọi sự rồi sẽ sáng tỏ: tất cả đều đúng–như lời Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria-, hay tất cả đều sai.
Mat-thêu giải thích : “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1:19). “Người công chính” mà  Mat-thêu nói đến ở đây nghĩa là gì ?– Chỉ có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của lối nói này, khi dựa vào truyền thống Kinh Thánh. “Công chính”, tiên vàn, có nghĩa là “công chính trước mặt Thiên Chúa”. Thuật ngữ này, chúng ta cũng đã từng gặp, như trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Ông đại đội trưởng Co-nê-li-ô, một người công chính, kính sợ Thiên Chúa..” (Cv 10:22), vv. Như vậy, người“công chính” là người kính cẩn rút lui trước sự can thiệp của Thiên Chúa. Phản ứng này cũng là phản ứng của những “người công chính” của Cựu Ước: phản ứng của Môsê, lúc xảy ra sự thần hiện trên núi Sinai; phản ứng của ngôn sứ Isaia, lúc thị kiến Đức Chúa ở Đền Thờ, và còn của nhiều người khác nữa.
 Khi Thiên Chúa tỏ hiện và can thiệp vào trong lịch sử của con người, thì  “người công chính” rút lui với lòng kính sợ, người đó kính cẩn lùi lại  trước sự uy nghi của Thiên Chúa. Trong trường hợp này, “người công chính” Giuse biết Thiên Chúa đang can thiệp vào cuộc đời vợ mình. Maria từ nay được chính Thiên Chúa chiếu cố, quan tâm: có gì đáng ước mong hơn thế nữa! Giuse định tâm “bỏ” bà cách kín đáo, nghĩa là ông ý thức  được rằng mình chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa, vì thế, nên lặng lẽ rút lui để Thiên Chúa được rảnh tay, toàn quyền thực hiện chương trình của Người.
Phân tích bản văn 1:18-25, chúng ta thấy Mat-thêu xác tín sự được thụ thai ngoại thường của Đức Giêsu, nhưng giải thích điều đó cách cụ thể cho độc giả là một khó khăn thực sự đối với vị thánh sử này. Phải chứng minh làm sao tính thiên sai của Đức Giêsu từ chính dòng họ của Giuse? Làm sao Con của Đức Maria lại có thể là Đấng Thiên Sai, nếu  Người đã không được sinh ra bởi Giuse, con cháu trực tiếp của Đavít và Abraham? Vậy là Mat-thêu mặc dù không lý giải được sự thụ thai đồng trinh, đã tìm ra cách để chứng tỏ Đức Giêsu chính là ĐấngThiên sai: tính Thiên Sai phải – qua dòng họ nam (Đây là trường hợp ngoại lệ của truyền thống người Do Thái, chỉ căn cứ trên người cha chứ không phải trên  người  mẹ, và đây là chủ ý cho một trường hợp khác thường của sự Đồng trinh sinh con)- truyền đến Giuse và qua ông, đến Đức Giêsu. Đây là điều khả thể, cho dù Giuse không phải là cha đẻ của Đức Giêsu.
Các bạn thân mến,
Thiết tưởng chúng ta nên lược qua các ý kiến khác nhau giải thích hoàn cảnh và tâm trạng của Giuse, khi ông nhận từ Thiên Chúa–qua sự báo mộng của Thiên Thần- lệnh phải đón Maria về nhà mình.
1/ Ý kiến thứ nhất cho rằng Giuse đã tin là vợ mình không chung thủy, ông nghi ngờ bà ngoại tình. Ý kiến này khá phổ biến trong Giáo Hội xưa (Justinô, Ambrôsiô; Gioan Kim Khẩu, Augustino), kể cả nơi một vài tác giả hiện đại (J. Schmid, A.Descamps, R. Brown). Một trong những đại diện chính của ý kiến này là thánh Gioan Kim Khẩu.Theo thánh nhân, Giuse đinh ninh Maria đã phạm tội; nhưng ông thông cảm và đối xử tốt đối với vợ mình; chính vì thế mà ông tỏ ra là “công chính”.Thật ra, khi phân tích cặn kẽ từ “công chính” (dikaios, từ Hy lạp này thường được  dịch là công chính, liêm khiết hoặc ngay thẳng) ta thấy khó có thể bảo vệ ý kiến này về mặt ngữ học.
2/ Ý kiến thứ hai, theo cách chú giải Thánh Kinh của thánh Giêrônimô. Ý kiến này cho rằng Giuse chắc chắn Maria vô tội, nhưng không biết phải làm sao truớc cái thai không thể chối cãi của Maria nên mới định tâm kín đáo bỏ bà. Theo nhà chú giải Kinh Thánh người Pháp Léon-Dufour thì một giải thích tâm lý như thế, chắc làm vui lòng nhiều Kitô hữu thời đó cũng như hôm nay; vì nó “làm thỏa mãn những đòi hỏi của họ về sự tế nhị đối với Đức Trinh Nữ, và sự rạng rỡ của tư cách Mẹ đồng trinh tác động trở lại trên chính người bạn trăm năm của Mẹ”.Thế nhưng, chính Léon-Dufour đã kết luận : “Chẳng may cũng như giải pháp truớc, giải đáp này thiếu chỗ dựa!”.
3/ Ý kiến thứ ba – do thánh Bênađô trình bày vào thời Trung cổ –  được loan truyền rộng rãi, và đựợc xem như “tiếng vọng” của truyền thống chú giải Kinh Thánh của các Giáo phụ. Theo ý kiến này, thánh Giuse đã biết rõ sự thụ thai đồng trinh, bởi đó ngài muốn lẩn tránh cách kín đáo  trước sự cao cả nhiệm mầu của hành động Thiên Chúa nơi Đức Maria. Chắc chắn giải thích này không chỉ nằm ở phương diện đạo đức học và giải nghi học (casuistic) nữa, mà còn ở phương diện lịch sử cứu độ, thần học và tu đức. Thánh Bênađô, trong một bài giảng, sau khi nhắc lại việc Giuse (theo Matthêu 1:18) là người “công chính”, nên định tâm rời bỏ Đức Maria, đã lập luận : “Tại sao ông muốn rời bỏ bà ? Hãy lắng nghe, bây giờ đây, không phải là ý kiến của tôi mà là ý kiến của các Giáo phụ. Lý do Giuse muốn rời bỏ Maria cũng là lý do mà Phêrô đã xin Chúa tránh xa ông: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! ” (Lc 5:8). Đó cũng là lý do viên đại đội trưởng không dám mời Đức Giêsu vào nhà : “Thưa thầy tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi”(Lc 7:6). Như vậy, vì tự coi mình không xứng đáng và là người tội lỗi, nên Giuse tự nhủ rằng mình chẳng là gì hết để có thể sống chung với một con người vĩ đại như Đức Maria – người mà ông cảm phục phẩm cách tuyệt vời và cao cả. Giuse ngỡ ngàng trước sự can thiệp của Thiên Chúa trên vợ mình qua những dấu hiệu khác thường của bà; và vì không thể hiểu được mầu nhiệm này nên ông muốn rời bỏ bà. Phêrô đã sợ hãi sự cao cả của quyền năng, viên đại đội trƣởng đã e sợ sự hiện diện uy nghi, Giuse cũng thế, ông sợ hãi trước sự mới lạ, trước chiều sâu của một mầu nhiệm lớn lao, nên muốn rời bỏ bà cách kín đáo. Phải chăng bạn ngạc nhiên khi thấy Giuse tự xét mình là không xứng đáng làm chồng của Đức Trinh nữ mang thai? Nhưng nếu chú ý, bạn sẽ thấy thánh nữ Êlisabét cũng đã đón nhận sự hiện diện của Đức Maria trong sự ngạc nhiên và kính sợ: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:43). Lý do khiến Giuse muốn rời bỏ Maria là thế đó”.
(con tiếp bài VIII)

Trả lời