Đức Maria Trong Tân Ước V

TRINH NỮ MARIA VÀ NGUỒN GỐC ĐỨC GIÊSU

Các bạn thân mến,
Mẹ Maria là nhân vật có thật trong lịch sử. Cả bốn tác giả Tin Mừng đều nói đến Mẹ. Lạ lùng hơn nữa, chính thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại người chưa từng gặp Chúa Giêsu khi Người còn tại thế, lại đề cập sớm nhất vai trò độc nhất vô nhị của Mẹ Maria, dù thánh nhân không nêu đích danh Mẹ.
Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh sáng Muôn Dân, chương 8, khi trình bày về Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm của Đức Kitô và của Giáo Hội, đã bắt đầu bằng trích đoạn thư Ga-lát 4:4-5 của thánh Phaolô : “Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên “khi đến thời viên mãn, Người đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ…để chúng ta được nhận làm nghĩa tử”. Rõ ràng các nghị phụ đã tin chắc chỉ câu này thôi cũng đủ để khẳng định tất cả những gì liên quan đến nhân tính của Chúa Giêsu, và vai trò không thể phủ nhận của Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ.
Cha Stefano De Fiores, nhà Thánh Mẫu Học đương đại, trong cuốn Maria Nuovissimo dizionario, đã chú giải thư Galát 4:4 như sau :
“Thánh Phaolô đã phá vỡ sự thinh lặng về Mẹ Maria khi đưa ra Thư Galát 4:4 như văn bản đầu tiên về Mẹ Maria của Tân Ước…Mẹ Maria là người phụ nữ đưa Con Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại, trong một hoàn cảnh khiêm hạ, thấp hèn, nhưng Mẹ cũng đã tham dự vào thời viên mãn và trong lịch sử của kế hoạch cứu độ, biến đổi nhân loại thành con cái Thiên Chúa”
Điều thú vị là khi nói đến sự sinh hạ của Chúa Giêsu, thánh Phaolô không dùng từ ngữ thông thường để diễn tả sự sinh hạ của con người bình  thường, đến từ sự kết hợp phu phụ. Từ ngữ Hy lạp “gennáo” (sinh ra hoặc tạo thành), thường được sử dụng sự sinh ra bình thường của mọi con  người, cho bạn và tôi chẳng hạn; nhưng khi nói đến sự sinh ra của Chúa Giêsu vào thế gian này, thánh Phaolô lại dùng một từ ngữ khác:“gínomai”, đến từ động từ gennáo. Trong thư gởi tín hữu Galát, thánh Phaolô ba lần dùng chữ gennao để diễn tả sự sinh ra của Ishmael và của Giacóp, nhưng cả bốn lần, khi diễn tả về sự sinh ra Chúa Giêsu, ngài không dùng chữ gennáo, mà dùng chữ gínomai, có nghĩa là trở thành (“to come into existence, hay là “to become”), bởi vì sự sinh ra của Chúa là sự hạ sinh trinh khiết (“virgin birth”) có một không hai trên thế gian này.
Thánh Phaolô đã không dùng nhóm từ “sinh bởi một trinh nữ, nhưng lại dùng “sinh bởi người nữ”, bởi vì ngài muốn triển khai qua lối “phát triển song đối” trong tương quan Chúa Cha/Chúa Con và tiếp tục với  tương quan Chúa Con/người nữ. Từ “người nữ” (woman) là danh xưng  được dùng nhiều lần để ám chỉ Mẹ Maria trong cả Cựu lẫn Tân Ước: lần đầu ở trong vườn địa đàng, khi Evà phạm tội (St 3:15); tại tiệc cưới Cana (Ga 2:4) ; dưới chân Thập Giá (Ga 19:26) ; và trong sách Khải Huyền,  chương 12. Hơn nữa, việc sử dụng đại từ nhân xưng “người nữ” là yêu cầu của bối cảnh luận chứng. Nó không chỉ là biểu hiện nhằm truyền đạt thông tin, nhưng là để khẳng định một thực tế đã được biết đến, và cũng bởi vì nó có một nội dung đạo lý. Dĩ nhiên, đức tin của Giáo Hội đối với sự thụ thai Đấng Cứu Thế (cách hoàn toàn trinh khiết của Mẹ Maria), không chỉ dựa vào cách trình bày của thánh Phaolô trong thư Galát 4:4. Giáo Hội còn dựa vào những trình thuật rõ ràng hơn của hai thánh sử Mát-thêu và Luca.
Các bạn thân mến,
Trở lại vai trò của Mẹ Maria trong lịch sử cứu độ mà thư Galát 4:4 trình bày, chúng ta thấy dù vẫn tồn tại những giải thích tối thiểu, vẫn luôn có những bằng chứng mạnh mẽ về tương quan Chúa Cha/Chúa Con, Chúa Con/người nữ và cuối cùng là những nghĩa tử/Chúa Cha. Nếu cách thức thụ thai và hạ sinh Chúa Kitô đã không được biểu lộ cách rõ ràng, thì ít ra nó cũng nói lên một sự thật quan trọng: chúng ta trở nên nghĩa tử Thiên Chúa là nhờ sự ra đời của Con Thiên Chúa từ “người nữ”. Điều này kéo theo sự can dự của người phụ nữ vào kế hoạch cứu độ được thực hiện bởi Thiên Chúa để cứu thoát nhân loại tội lỗi. Chúng ta có được ơn làm nghĩa tử là nhờ hệ quả của việc Chúa Con được sinh ra bởi người nữ.
Nếu lưu ý, chúng ta sẽ nhận ra cấu trúc trái ngược của đoạn Thánh Kinh này. “Sinh làm con một người đàn bà” liên hệ đến câu “hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”; trong lúc “sinh dưới Lề Luật” thì liên quan đến “để chuộc những ai sống dưới Lề Luật”. Vậy chúng ta là “con” Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là “Cha” vì Chúa Con đã được sinh ra bởi người phụ nữ. Như thế, việc làm mẹ của Đức Maria, không chỉ được nhìn thấy ở mức độ tự nhiên, mà còn ở mức độ siêu nhiên, bởi vì trong thực tế vai trò mẹ “tự nhiên” của Đức Maria trong tương quan với Chúa Giêsu, cũng là nguồn gốc ơn làm nghĩa tử của tất cả nhân loại trong mọi thời.
Qua những phân tích trên, chúng ta thấy rõ vai trò của Mẹ Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Chúa Cha là căn nguyên của kế hoạch cứu độ, Chúa Kitô là trung tâm, còn Mẹ Maria được gọi dự phần. Mẹ là người đầu tiên tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô. Căn cứ vào sự khẳng định rõ ràng của thư Galát 4:4, chúng ta không thấy có điều gì vô lý khi đứng trước cách trình bày của thánh Phaolô trong các thư của ngài, thí dụ Ephêsô 1:3; 5:21-32; Roma 5:12-21; 8:28-30; Philiphê 2:5-11; Do thái10:5-10 và Titô 3:4-7. Cũng không phải là bất hợp lý để nói rằng chính tiên đề tín lý về Thánh Mẫu học của thánh Phaolô có liên hệ đến thời ấu thơ của Chúa Giêsu. Và ai cũng biết, người y sĩ Luca, tác giả Tin mừng thời thơ ấu, vừa là môn đệ, vừa là bạn thân của thánh Phaolô.
Tóm lại, mặc dù thánh Phaolô chỉ viết một câu đơn giản thôi (Gl 4:4), nhưng cũng đủ để giới thiệu Đức Maria cách rõ ràng trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thực vậy, Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu khi đến “thời viên mãn”, và “thời viên mãn” đã được Chúa Cha định từ trước muôn đời để cứu độ nhân loại. Và sự cứu độ được bắt đầu bằng việc Con Thiên Chúa Nhập Thể, theo đúng kế hoạch của Chúa Cha. Trong kế hoạch này, Mẹ Maria tỏ ra hết sức gắn bó vừa với Con Thiên Chúa theo bản tính, và với những người con Thiên Chúa đuợc Người nhận làm nghĩa tử, vừa với Đấng Cứu Thế và với nhân loại đã được cứu độ, và cuối cùng vừa với Chúa Kitô và với Giáo Hội”. Chúng ta có thể thấy nơi thần học thánh Phaolô “một cái khung tham chiếu để hiểu đúng kế hoạch của Thiên Chúa và vị trí của Đức Maria trong lịch sử cứu độ”. Một từ ngữ khác được dành cho Đức Maria : “Đấng Trung Gian” (Mediatrix) – một lối nói của Truyền thống Giáo hội.
Cuối cùng, bên cạnh sự sinh ra bằng huyết nhục, chúng ta còn thấy nơi Mẹ Maria, sự sinh ra Con Thiên Chúa bởi đức tin và tình yêu. Nhờ lòng tin kiên vững và tình mến nồng nàn, Mẹ đã là thành viên đầu tiên và đặc biệt của Giáo Hội mà Chúa Kitô là Đầu; và như thế, Mẹ trở nên Mẹ của tất cả chúng ta, của mọi nghĩa tử của Thiên Chúa.
(còn tiếp bài VI)

Để lại một bình luận