TRINH NỮ MARIA VÀ NGUỒN GỐC ĐỨC GIÊSU
Các bạn thân mến,
Đấng Cứu Thế của chúng ta có hai nguồn gốc, nguồn gốc đầu tiên là thần linh. Từ thuở đời đời, Người là Lời của Chúa Cha: ”Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5:1). Thánh sử Gioan cũng đã xác định điều này ngay câu đầu tiên của lời tựa: “Đầu tiên đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vốn có ở nơi Chúa Trời. Chúa Trời cũng chínhNgôi Lời, ban đầu Thánh Tử ở nơi Chúa Trời” (Ga 1:1). Nguồn gốc thứ hai là nhân loại : Người là con của Đức Trinh Nữ Maria, qua biến cố Nhập Thể. Nói cách khác, Người đã hiện hữu từ thuở đời đời nơi Cha, và khi vào trong thời gian, đã khởi đầu sự hiện hữu trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.
Thiết nghĩ, trước khi tìm hiểu Mẹ Maria trong Tin Mừng thời thơ ấu theo Mat-thêu và Luca, truớc nhất, chúng ta nên phân tích một câu trong Tự Ngôn của Tin mừng thánh Gioan, do mối liên hệ của nó với sự hiện hữu từ thuở đời đởi và nguồn gốc nhân loại của Ngôi Lời Nhập thể. Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu đoạn văn Ga-lát 4,4 của thánh Phaolô – đề cập đến kế hoạch của Thiên Chúa liên can đến Mẹ Maria. Mối liên hệ độc đáo giữa Mẹ Maria với Ngôi Lời tiền hữu, và vị trí duy nhất của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, là nền tảng cho Thánh Mẫu Học của Giáo Hội Công Giáo. Vì thế, hai bản văn này có tầm quan trọng đặc biệt trong Tân Uớc. Nền tảng này không chỉ là sự thật về mặt tín lý được tiềm ẩn trong những xác nhận về Đức Maria trong Thánh Kinh, nhưng còn đuợc thánh sử Gioan khẳng định rõ ràng : “Họ [những ai tin vào danh Người] được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1:13).
Các bạn thân mến,
Trong những câu đầu tiên của Tin Mừng thứ tư, thánh sử Gioan đã long trọng mô tả bản tính và sứ vụ của Ngôi Lời. Theo nhiều nhà chú giải có uy tín cả cổ xưa lẫn đương đại-, thì thánh sử-thần học gia Gioan đã thêm vào trong trình thuật này một ám chỉ ngắn, liên quan đến việc Mẹ thụ thai trinh khiết Chúa Giêsu. Đây là đoạn văn đầu tiên của Tin Mừng Gioan can hệ đến Mẹ Maria, đặc biệt đến việc Ngôi Lời Nhập Thể trong cung lòng khiết trinh của Mẹ. Điểm thú vị nằm ở chỗ : nếu động từ “được sinh ra” (ghennéte =has been begotten) mà đọc theo nghĩa số ít, thì ám chỉ Chúa Giêsu, còn nếu đọc theo nghĩa số nhiều (eghennéatesan =have been begotten), thì lại ám chỉ những người tin theo Chúa Kitô – những kẻ được tái sinh trong bí tích Rửa tội.
Bản dịch chúng ta thường sử dụng ngày nay theo nghĩa số ít. Bản dịch từ cuốn Kinh thánh Giêrusalem (Jerusalem Bible) mà người thời xưa rất ưa thích cũng theo nghĩa số ít. Các thánh Giáo phụ trong thế kỷ thứ hai cũng ưa thích nghĩa số ít. Còn nghĩa số nhiều, thì được những người theo Ngộ đạo thuyết (gnosticism) vào thế kỷ thứ hai sử dụng. Về sau, chính Giáo Hội lại dùng theo nghĩa số nhiều để chống lại Ảo thân thuyết (docetism), (xin mở ngoặc giải thích về thuyết ngộ đạo: vì lạc thuyết Ngộ Đạo, thế kỷ đầu, là một phong trào tư tưởng hổn hợp gồm nhiều yếu tố Đông phương, Hy lạp, Do Thái và Kitô giáo rất khác nhau, mâu thuẫn nhau, nhưng cùng chung một nguyên tắc là chủ thuyết nhị nguyên. Thuyết này cho rằng vật chất và tinh thần đối nghịch nhau. Tự bản chất, vật chất là xấu. Vũ trụ do một “Thiên Chúa xấu” hoặc “một tiểu thần” Hóa công dựng nên.
Nơi con người thì thể xác đối nghịch linh hồn. Được chia làm 3 hạng : người vật chất, nguời tâm lý và người thiêng liêng. Chỉ loại thứ ba mới được rỗi, cốt tại ở việc thoát ly khỏi thể xác (vật chất). Họ mong chờ vị cứu tinh đến soi sáng giúp họ “giác ngộ”. Ai đã giác ngộ thì không còn phạm tội, nên trong Ngộ đạo có phe rất khắc khổ, có phe phóng khoáng. Những nhân vật nổi tiếng là Basilides, Valentinus và Marcion. Ngộ đạo gây rất nhiều khó khăn cho Kitô giáo. Sau thế kỷ III, Ngộ Đạo dần biến mất.
Còn Ảo thân thuyết (docetism), đầu thế kỷ II, lạc giáo thứ nhất và đáng kể nhất phát sinh từ Ngộ Đạo. Nếu vật chất là xấu, thì Thiên Chúa tốt không thể nào trở thành con người thật được. Ngôi Lời là Thiên Chúa, thế nên Người chỉ làm ra vẻ như là con người mà thôi. Những người theo thuyết này không đồng ý việc Đức Kitô chịu đóng đinh. Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt, bất biến, thì không thể có chuyện Người trở thành con người. Vì vậy thân xác của Đức Kitô và cuộc đời trần thế của Người chỉ là ảo ảnh, là hình bóng biểu kiến bên ngoài, chứ không phải có thật. Ảo thân thuyết giảm thiểu tầm quan trọng của nhân tính Đức Kitô.)
Lạc thuyết Ảo thân thuyết này phủ nhận nhân tính của Chúa Giêsu. Nhiều học giả Thánh Kinh đương đại đồng ý với nghĩa số ít của câu 1:13. Trong số đó, phải kể đến thần học gia nổi tiếng về Thánh Mẫu Học, cha Stefano M. Manelli, tác giả cuốn All Generations Shall Call Me Blessed (Muôn Thế Hệ Sẽ Khen Tôi có Phúc). Cùng chung lập trường là nhà chú giải Thánh Kinh lỗi lạc của Giáo Hội, cha Ignace de la Potterie, với tác phẩm lừng danh : Mary in the Mystery of the Covenant (Mẹ Maria trong Mầu Nhiệm Giao Ước). Cha S. Manelli trình bày vấn đề như sau: Đoạn Tin mừng Gioan, Ga 1:13-14) chứa đựng những vấn đề đức tin liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngài minh họa như sau:
1/ Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa, sinh bởi Bà Maria, được sinh ra “do bởi Thiên Chúa” (câu 13), “Con Một” của Thiên Chúa Cha (câu 14). Đây là một khẳng định về xuất xứ độc đáo của Chúa Giêsu, hay về mối quan hệ cha con với Thiên Chúa Cha.
2/ Chúa Giêsu được sinh ra “do bởi Thiên Chúa”. Điều này có nghĩa là Mẹ Maria thụ thai không phải “do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông” (câu 13), nhưng cách hoàn toàn trinh sạch. Đây là một khẳng định về sự trinh khiết của Mẹ Maria trước khi sinh con.
3/ Chúa Giêsu “đã trở nên người phàm” (câu 14), được sinh ra bởi Trinh Mẫu Maria và “không phải do khí huyết” (câu 13). Điều này muốn nói rằng Mẹ Maria đã sinh con không đau đớn cũng như không tốn hao một tí khí huyết nào, hoàn toàn khác hẳn với bất cứ cuộc sinh nở tự nhiên, bình thường nào. Đây là một khẳng định cho sự trinh khiết của Mẹ Maria trong khi sinh con.
Các bạn thân mến,
Theo tôi, điều này không khó hiểu, vì Evà đã sa ngã, nên bị Giavê Thiên Chúa chúc dữ trong vườn địa đàng: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén. Ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.” (St 3:16). Hệ quả của tội nguyên tổ khởi đi từ đó. Duy nhất một mình Mẹ Maria, trong lịch sử nhân loại, được miễn tội này. Được ơn “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, đồng nghĩa với việc Mẹ được miễn trừ khỏi hệ quả của lời Thiên Chúa chúc dữ.
Thiên Chúa dựng nên loài người không ngoài mục đích thông ban tình yêu và sự sống của mình, nên Người đồng thời cũng tạo nên đời sống tình dục phu phụ. Nói cách khác, nếu không lãnh hệ quả của nguyên tội, thì khi sinh con, người phụ nữ sẽ không đau đớn hay bị nhơ uế, hao tốn khí huyết, và vì thế, phải được thanh tẩy như Luật trong sách Lê-vi quy định.
Vì sự thụ thai “Con Thiên Chúa” của Mẹ không giống với sự thụ thai bình thường –do quan hệ vợ chồng- của bất cứ phụ nữ nào, nên Trinh Mẫu Maria sinh con mà không đau đớn hay tốn hao khí huyết là chuyện dễ hiểu : “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật”(Gl 4:4).
(còn tiếp bài V)
276