Các bạn thân mến,
Chúa Giêsu đã lìa bỏ Mẹ Maria chí thánh. Nhưng khi Người thốt lên lúc hấp hối trên thập giá : “Thế là đã hoàn tất” (Gioan chương 19 câu 30), thì đó cũng là lúc chấm dứt sự chia lìa mẹ con. Ngay trước khoảnh khắc đó, Mẹ Maria đã có mặt dưới chân thập giá, như để cùng bước vào biến cố Vuợt Qua của Con mình. Khi thấy Mẹ đứng đó, Chúa Giêsu đón nhận lại Mẹ mình. Và giờ của Người đã đến, Người nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà”, và Người nói với Gioan : “Đây là mẹ của anh” (Gioan chương 19 câu 26-27).
Qua diễn biến trên đây, ta có thể nói chính xác một điều : muốn hiểu được sự đau khổ của Chúa Giêsu, thì trước hết, phải cảm nghiệm được sự đau khổ của Mẹ Người. Nói cách khác, muốn biết đầy đủ về Chúa Giêsu, ta phải bắt đầu từ Mẹ Người. Muốn hiểu được Mẹ Maria, ta phải đặt mình dưới chân thập giá, nhìn thấy Mẹ đang đứng đó: Mẹ nhìn lên mà lòng như bị mũi đòng đâm thấu tâm can. Hãy tưởng tượng ra cảm xúc của Mẹ lúc bấy giờ, và đặt mình trong tâm trạng ấy. Hãy xem Mẹ như mẫu thức tuyệt vời của chúng ta: cảm nhận những gì Mẹ cảm nhận, ta sẽ trải nghiệm được sự thương tiếc, đau đớn trước cái chết và cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Tinh của Mẹ và của tất cả chúng ta.
Bên cạnh đó, chính việc Chúa Giêsu lìa bỏ gia đình và thân nhân để thi hành sứ vụ của mình đã chứng tỏ Người luôn trung thành với những điều Người dạy dỗ hoặc hứa hẹn. Chúng ta có thể tự hỏi ai đặt ra Mười điều răn? Nếu Thiên Chúa là tác giả thì chắc chắn ta không lạ gì khi thấy Người sẽ thực hiện cách nghiêm chỉnh, triệt để những điều răn đó hơn cả chúng ta. Đây là lý do tại sao mọi lời bầu cử của Mẹ Maria đều được Thiên Chúa nhậm lời, đến nỗi ta có thể tin rằng Mẹ là Đấng giữ kho báu của Thiên Chúa, và Mẹ đựợc toàn quyền ban phát cho những ai kêu cầu. Dĩ nhiên, Mẹ không cần phải trình báo hay hỏi ý kiến Con Mẹ, vì Con Mẹ đã biết trước tất cả mọi sự, trước khi chúng xảy ra.
Trước khi trở lại với thư gởi tín hữu ở Galát của thánh Phaolô, thiết tưởng nên nhắc đến hai chương đầu của các Tin Mừng Mat-thêu và Luca – được biết đến như “Tin mừng thời thơ ấu”. Những trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu là nền tảng để hiều phần còn lại của Tin Mừng. Nó cung cấp những yếu tố then chốt để giải thích tất cả những gì diễn ra sau đó. Cả hai thánh sử đều thuật lại giai đoạn từ biến cố Truyền Tin cho đến lúc Đức Giêsu được tìm thấy trong Đền Thờ và trở về Nagiarét. Mặc dù cách trình bày của hai thánh sử khác nhau, nhưng cả hai lại bổ túc cho nhau.
Hai ngài đã cung cấp cho chúng ta một bức tranh đầy đủ, hoàn chỉnh về các biến cố đến trước, và kết nối mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời với thời gian Người hoạt động công khai trên cả vùng đất dân ngoại.
Các bạn thân mến,
Có một câu hỏi căn bản được đặt ra, đó là: dựa trên nguồn gốc, tư liệu nào mà các thánh sử đã trình bày toàn bộ “Tin mừng thời thơ ấu” thật hay và thật chi tiết đến thế? Dĩ nhiên có vô số thắc mắc, vô số lý luận, giả thiết, về mặt dữ kiện lịch sử cho đến mặt văn bản cũng như về bản thân của chính các thánh sử. Đã có nhiều cách lý giải, nhưng chưa có giải đáp nào được xem là thỏa đáng cả.
Dựa trên những ý kiến mới đây của các nhà thần học, câu trả lời xem ra hợp lý nhất phải là thế này: nguồn tư liệu duy nhất vào thời đó (nghĩa là các dữ kiện, dựa trên đó các Thánh sử hoàn thành “Tin mừng thời thơ ấu”), phát xuất từ chính Đức Maria. Không ai ngoài Mẹ có khả năng biết được tất cả các tình tiết, hoàn cảnh trong giai đoạn này. Linh mục Laurentin, thần học gia Thánh mẫu học người Pháp viết trong tác phẩm “Truth of Christmas”:
“Dựa theo những phân tích sau cùng, chỉ Đức Maria mới có thể là nguồn duy nhất cho đoạn nói về biến cố Truyền tin chẳng hạn, và là nguồn thích hợp nhất cho các đoạn khác. Nếu không, Tin mừng thời thơ ấu sẽ là chuyện tiểu thuyết giả tưởng và đối nghịch lại với chính Luca khi thánh sử viết lời tựa mở đầu cho Tin Mừng của mình: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc” (Luca chương 1 câu 1-4).
Nhiều thần học gia khác cũng đồng quan điểm: chỉ mình Đức Maria mới biết hết những chi tiết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Chỉ có Mẹ mới biết bí mật của ông Da-ca-ri-a, bà Ê-li-sa-bét (kể cả chuyện Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong dạ mẹ), cho đến tâm sự của ông Si-mê-ôn và bà Anna, chẳng hạn chuyện bà An-na – lúc đó đã 84 tuổi – tìm gặp Chúa Giêsu và cha mẹ Người trong Đền thờ, nhất là việc Đức Maria hằng ghi nhớ mọi sự trong lòng. (Khi thánh sử Luca ghi lại chuyện này, nghĩa là khoảng 60, 70 năm sau biến cố đó, thì bà An-na đâu còn sống để kể lại cho thánh sử những lời đối đáp giữa các ngài với nhau).
(còn tiếp bài IV)