Đức Thánh Cha trình bày lịch sử tiến triển của tín điều Vô nhiễm nguyên tội. Bắt đầu từ đặc tính “tòan thánh” của Đức Maria vì được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, từ thế kỷ thứ VI, vài giáo phụ đã suy tư về sự thánh thiện ngay từ lúc bắt đầu cuộc đời.
1.- Nơi Đức Maria, “đầy ân phúc”, Hội thánh đã nhận biết “kẻ toàn thánh và không bị nhiễm vết nhơ tội lỗi”, “ngay từ lúc thụ thai đã được trang điểm với những ánh quang thánh thiện hết sức đặc biệt” (HT 56).
Lời tuyên dương này đã đòi hỏi một chặng đường suy tư đạo lý lâu dài, cuối cùng đưa tới việc xác định long trọng tín điều Vô nhiễm nguyên tội.
Danh xưng “được đổ tràn ơn thánh”, do thiên sứ chào Đức Maria vào lúc Truyền tin, đã gợi lên một ân huệ khác thường mà Thiên Chúa đã ban cho thiếu nữ Nazaret nhằm tới chức vụ làm mẹ, nhưng tự nó từ ngữ này mô tả hiệu quả mà ân phúc Chúa đã để lại nơi Đức Maria. Đức Maria đã được thấm nhuần ân phúc và vì thế đã được thánh hóa. Đặc tính kekharitomene mang một ý nghĩa rất súc tích, mà Chúa Thánh Thần đã không ngừng giúp Hội thánh đào sâu thêm.
2.- Trong bài huấn giáo trước, tôi đã nêu bật rằng trong lời chào của thiên sứ, từ ngữ “Đầy ân phúc” có giá trị như là tên riêng: đó là tên của Đức Maria trước mặt Thiên Chúa. Theo phong tục Do thái, tên biểu lộ tính chất của một người và một đồ vật. Do đó, danh xưng “Đầy ân phúc” bày tỏ khía cạnh sâu đậm nhất nơi nhân cách của thiếu nữ Nazaret: Người đã được ân huệ và tình thương của Chúa nhào nặn đến nỗi đã có thể được định nghĩa bằng lòng ưu ái riêng biệt như vậy.
Công đồng đã nhắc nhở rằng nhiều giáo phụ đã nhắc đến chân lý đó khi họ gọi Đức Maria là “Đấng toàn thánh”, đồng thời các ngài cũng nói rằng” Đức Maria ra như được Thánh Thần nhào nặn biến đổi thành tạo vật mới” (HT 56).
Ân phúc, hiểu theo nghĩa là “thánh sủng” tác dụng sự thánh hóa bản thân, đã thực hiện nơi Đức Maria một sự tạo dựng mới, hoàn toàn phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.
3.- Như vậy sự suy tư thần học đã có thể gán cho Đức Maria một sự thánh thiện hoàn hảo, mà để được đầy đủ ý nghĩa, cần phải bao gồm ngay cả lúc khởi đầu sự sống của Người.
Dường như tác giả đầu tiên của chiều hướng giải thích sự tinh tuyền nguyên thủy là một giám mục ở Palestina tên là Theoteknos Livias, sống khoảng giữa năm 550 và 650. Ông đã trình bày Đức Maria “thánh thiện và tuyệt đẹp”, “trong trắng không tì ố”, và bàn tới việc Người được sinh ra với những lời này: ”Người sinh ra giống như các Kêrubim, bằng đất sét tinh ròng vô nhiễm” (Bài giảng lễ Đức Mẹ lên trời).
Những lời cuối cùng, nhắc đến việc tạo dựng con người đầu tiên, được tạo dựng bởi đất sét không bị hoen ố vì tội lỗi, đã gán cho việc Đức Maria sinh ra cũng những đặc tính đó: nguồn gốc của Đức Trinh nữ cũng “tinh tuyền vô nhiễm”, nghĩa là không có tội gì. Việc so sánh với các Kêrubim còn muốn nói tới sự thánh thiện trổi vượt, đặc trưng của cuộc đời Đức Maria ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu.
Lời khẳng định của Giám mục Theoteknos đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc suy tư thần học về mầu nhiệm Thân mẫu Đấng Cứu Thế. Trước đó, các giáo phụ Hy lạp và Đông phương thường nói tới một sự thanh tẩy do ơn thánh tác động nơi Đức Maria hoặc là trước khi xảy ra cuộc Nhập thể, (T. Grêgôriô Nazianzênô) hoặc là vào chính lúc Thiên Chúa nhập thể (thánh Ephrem, ông Saveriano Gabala, ông Giacobe Sarug).
Còn ông Theoteknos xem ra muốn Đức Maria được thanh tịnh ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống. Thực vậy, Đấng đã được Chúa định làm Thân mẫu Đấng Cứu Thế không thể nào không có một nguồn gốc hoàn toàn thánh thiện, không bị vương vấn vết nhơ nào hết.
4.- Vào thế kỷ thứ VIII, ông Anrê giám mục Crêta là nhà thần học đầu tiên đã coi ngày sinh nhật của Đức Maria như là một cuộc tạo dựng mới. Ông lập luận như sau: “Hôm nay nhân loại đã nhận được vẻ đẹp cố hữu của mình với tất cả vẻ sáng ngời của sự tinh tuyền. Những hổ thẹn vì tội lỗi trước đây đã làm che khuất ánh sáng và vẻ đẹp của bản tính nhân loại; nhưng khi Thân mẫu Đấng Tuyệt Mỹ được sinh ra, thì bản tính nhân loại đã lấy lại những đặc ân cổ truyền ở nơi Người, và đã được đúc nặn lên theo khuôn mẫu hoàn bị mà Thiên Chúa đã muốn… Hôm nay bắt đầu việc canh cải bản tính con người, và thế giới cũ kỹ đã được Thiên Chúa biến đổi, nó đã nhận được những hoa trái đầu mùa của cuộc tạo dựng lần thứ hai” (Bài giảng I lễ Sinh nhật Đức Maria).
Rồi lấy lại hình ảnh của khối đất sét nguyên thủy, ông nói tiếp: ”Thân xác của Đức Trinh nữ là một mảnh đất mà Thiên Chúa tác tạo, là hoa trái đầu mùa của dòng dõi Adam được thần hóa nơi Đức Kitô, là hình ảnh thực sự giống với vẻ đẹp nguyên thủy, là đất sét đã được bàn tay của Nghệ sĩ thiên linh nhào nặn” (Bài giảng I Lễ An nghỉ của Đức Maria).
Do đó sự thụ thai tinh tuyền và vô nhiễm của Đức Maria được coi như là khởi thủy của cuộc tạo dựng mới. Đây là một đặc ân ban riêng cho cá nhân của người phụ nữ được chọn làm Thân mẫu Đức Kitô, khai nguyên một thời gian ân sủng dồi dào mà Chúa muốn ban cho toàn thể nhân loại.
Đạo lý này, được lặp lại do thánh Germanô Constantinopolis và thánh Gioan Đamascô, cũng vào thế kỷ thứ VIII, làm sáng tỏ giá trị của sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria, được trình bày như là khởi nguyên của sự cứu chuộc thế giới.
Vì thế, cuộc suy tư của Hội thánh đã làm phát triển ý nghĩa của tước hiệu “đầy ơn phúc”, mà thiên sứ đã gán cho Đức Trinh nữ. Đức Maria đầy tràn ơn thánh sủng, và ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu. Ơn thánh này, trong thư gửi Ephesô (1,6) được Chúa Kitô ban cho tất cả các tín hữu. Sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria trở thành một khuôn mẫu vô lường của hồng ân và của việc đổ tràn ân phúc Đức Kitô vào thế giới.
(Trích từ Những bài huấn giáo về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của Cha Giuse Phan Tấn Thành, OP.).