Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó khăn.
Trong tháng 10, nhiều nơi tổ chức lần chuỗi Mân Côi và rước kiệu Đức Mẹ vào mỗi chiều thứ bảy trong tháng. Việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kinh Mân Côi cũng là điều dễ hiểu vì kể từ năm 1883, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã chính thức phê chuẩn tập tục dâng kính tháng 10 để đọc kinh Mân Côi. Các triều giáo hoàng tiếp nối cũng duy trì tập tục tốt đẹp này.
Tuy nhiên, trong thời đại hôm nay, người ta đang chạy theo “tốc độ” và tìm kiếm sự “mới mẻ” : chuyển hàng phải nhanh, internet phải lẹ; mặt hàng mẫu mã phải mới… Trong khi đó, việc lần chuỗi kính Đức Mẹ đã có từ xa xưa trong Giáo hội ; các kinh cứ được lặp đi lặp lại gây nên sự nhàm chán và đơn điệu. Nó ít nhiều không còn phù hợp với cuộc sống của những ai tất bất không có thời gian. Vậy, việc đọc kinh Mân Côi liệu có còn cần thiết nữa chăng ?
Dân Do Thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Họ thuộc tầng lớp thông minh và giàu có trên thế giới. Người Do Thái làm gì để duy trì và nuôi dưỡng đời sống đức tin ? Mỗi ngày, họ thường xuyên đọc kinh Shema : “Nghe đây, hỡi Israel ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy…” (x. Đnl 6,4-9 ; 11,13-21 ; Ds 15,37-41). Hình thức cầu nguyện và nội dung của kinh Shema khiến chúng ta quan tâm cách đặc biệt.
Về hình thức, người Do Thái lặp đi lặp lại kinh Shema ít nhất hai lần trong ngày : lúc mặt trời mọc và lúc mặt trời lặn. Đối với họ, việc lặp đi lặp lại các lời kinh nguyện là phần không thể thiếu trong việc thực hành tôn giáo. Không những thế, họ phải “ghi lòng tạc dạ … phải dạy những lời ấy cho con cái…”. Như thế, họ buộc phải ghi nhớ lời dạy của Chúa và lập lại lời ấy cho con cháu, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Việc lặp lại các lời kinh này có mục đích loại bỏ những phân tâm của bản thân, tập trung nối kết với Thiên Chúa và tạo sự gắn kết với cộng đồng tín hữu trên toàn cầu. Như vậy, đối với Do Thái giáo, việc lặp đi lặp lại các lời kinh không chỉ là hình thức cầu nguyện mà nó còn có giá trị sâu sắc trong việc nuôi dưỡng đức tin, giữ gìn đức tin và chuyển tải đức tin cho các thế hệ tiếp nối.
Về nội dung, kinh Shema diễn tả lòng trung thành của dân Do Thái với Thiên Chúa duy nhất và nhắc nhở họ về bổn phận phải yêu mến Ngài. Kinh này mở đầu bằng một mệnh lệnh : “Nghe đây, hỡi Israel !”. Dù nội dung của kinh Shema quan trọng như thế mà không có ai nghe, thì nó sẽ chẳng còn mang lại lợi ích gì. “Nghe” nghĩa là có khả năng tiếp nhận. Muốn tiếp nhận, chắc chắn phải làm mình trở nên “trống rỗng”. Càng nên trống rỗng, ta càng tiếp nhận được nhiều. Người Do Thái đã biết mời gọi và khuyến khích nhau học nghe tiếng Chúa.
Như vậy, không phải cứ lặp đi lặp lại một điều gì đó sẽ là buồn tẻ, là vô ích. Lặp đi lặp lại một điều tốt sẽ hình thành một thói quen tốt. Lặp lại nhiều lần một thói quen tốt sẽ hình thành nhân đức. Nếu một người luôn luôn hành xử với lòng kiên nhẫn, sự kiên nhẫn dần trở thành một phần trong tính cách của họ. Khi một người kiên trì làm điều thiện, họ không chỉ thực hiện các hành động tốt mà còn phát triển một trái tim biết hướng thiện.
Còn về việc “nghe”, ta chẳng thể nghe được tiếng Chúa nếu ta chỉ quen nghe tiếng mình. Không nghe làm sao hiểu ; không hiểu có thể sẽ làm sai. Vì vậy hành động đầu tiên để nhận thức đúng đó là nghe. Chính Chúa Giêsu đã minh định hạnh phúc thật của người môn đệ trước tiên phải biết “nghe” và “thực hành” lời Chúa (x. Lc 11,28). Nghe đòi chúng ta phải tập trung, phải suy gẫm bằng trí óc và chiêm niệm bằng trái tim. Nghe lời Chúa giúp ta nhận ra ý Chúa và làm theo ý Ngài. Việc biết nghe trở thành chìa khóa mở ra kho tàng hạnh phúc thật.
Đâu là tầm quan trọng của kinh Mân Côi đối với người kitô hữu hôm nay ? Kinh này được xem là bản Tin Mừng thu gọn vì nó tóm tắt toàn bộ cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, từ khi Ngài được thụ thai, sinh ra, rao giảng, chịu đau khổ, chết và phục sinh. Khi đọc kinh Mân Côi là lúc các tín hữu đang tập trung suy gẫm và chiêm niệm về tình yêu của Chúa Giêsu và vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ. Đó cũng là giây phút lắng nghe tiếng Chúa nói với ta qua lời kinh này. Nhờ việc lần chuỗi và lắng nghe tiếng Chúa, biết bao tâm hồn đã nên thánh. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu ; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ… Một lời kinh kỳ diệu ! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó”.
Tóm lại, đọc kinh Mân Côi tuy không bắt buộc nhưng luôn cần thiết trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Nó không chỉ là lời cầu nguyện rất hữu ích xưa nay trong Giáo hội mà còn là sự tiếp nối truyền thống cầu nguyện khôn ngoan của người Do Thái. Nếu như người Do Thái mỗi ngày đều cầu nguyện với kinh Shema và dạy con cháu nhẩm đi nhắc lại lời kinh này, lẽ nào chúng ta hôm nay không bắt chước họ để cầu nguyện với kinh Mân Côi và truyền lại cho con cháu ?
Nhà bác học Louis Pasteur đã nói những lời cuối cùng với y tá của mình trước khi ông qua đời : “Hãy nói với vợ tôi rằng tôi chết đang lúc đọc kinh Mân Côi”. Triết gia Jacques Maritain thì ví việc đọc kinh Mân Côi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Như thế, dù người ta có bận rộn cỡ mấy, có mệt mỏi cỡ mấy, vẫn có thể đọc kinh Mân Côi. Đọc ở mọi nơi mọi lúc, đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian mình có. Điều quan trọng là thường xuyên đọc kinh Mân Côi và nghe được tiếng Chúa nói với ta qua lời kinh kỳ diệu này.
Lm. Giuse Nguyễn Xuân Phúc