Ngày 08 tháng 04 năm 2024, Bộ Giáo lý đức tin ban hành Tuyên ngôn Dignitas Infinita về Phẩm giá con người. Tài liệu này dài 25 trang A4 trong bản tiếng Anh, gồm phần giới thiệu, nội dung chính, và phần chú thích. Nội dung chính gồm 4 phần: ba phần đầu nhắc lại những nguyên lý nền tảng và những tiền đề thần học nhằm xác định ý nghĩa rõ ràng của từ “phẩm giá”, tránh những lẫn lộn thường có; sau đó phần bốn trình bày một số vấn đề thực tiễn hiện nay xúc phạm đến phẩm giá con người cách nghiêm trọng, bởi lẽ “chúng ta không thể tách đức tin khỏi việc bảo vệ phẩm giá con người, không thể tách Phúc âm hóa khỏi sự thúc đẩy đời sống xứng phẩm giá, và không thể tách linh đạo khỏi sự dấn thân cho phẩm giá của mọi người”.

Để có cái nhìn chung về Tuyên ngôn, xin trình bày lược đồ tổng quát của Tuyên ngôn.

Dẫn nhập: làm sáng tỏ ý nghĩa của từ “phẩm giá” bằng cách phân biệt bốn khía cạnh của từ ngữ: phẩm giá về mặt hữu thể; phẩm giá luân lý; phẩm giá xã hội; phẩm giá hiện sinh; trong đó phẩm giá về hữu thể là nền tảng quan trọng nhất.

I. Sự gia tăng hiểu biết về tính trung tâm của phẩm giá con người

1. Tầm nhìn Kinh Thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước.

2. Sự phát triển trong tư tưởng Kitô giáo về đề tài này, từ các Giáo phụ đến thời Trung Cổ và thời hiện đại.

3. Thời đại ngày nay ý thức rõ nét hơn về tính độc đáo của phẩm giá con người.

II. Hội Thánh loan báo, thúc đẩy và bảo vệ phẩm giá con người. Ba xác tín căn bản về phẩm giá con người:

1. Hình ảnh không thể xóa nhòa của Thiên Chúa.

2. Chúa Kitô nâng cao phẩm giá con người.

3. Ơn gọi hướng đến sự tròn đầy của phẩm giá.

III. Phẩm giá, nền tảng của các quyền và nghĩa vụ của con người, cụ thể hóa trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hiệp quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948 (năm nay 2024 kỷ niệm 75 năm).

1. Tôn trọng vô điều kiện đối với phẩm giá con người.

2. Cơ sở khách quan của tự do nơi con người.

3. Cấu trúc mang tính tương quan của con người.

4. Giải thoát con người khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong lãnh vực đạo đức và xã hội.

IV. Một số vi phạm trầm trọng đối với phẩm giá con người

1. Thảm kịch nghèo đói: thế giới giàu có hơn nhưng cùng với sự giàu có là tình trạng bất bình đẳng, dẫn đến những hình thức mới của đói nghèo.

2. Chiến tranh: chiến tranh không giải quyết được vấn đề nhưng chỉ làm trầm trọng thêm. Chiến tranh nhân danh tôn giáo sẽ trở thành chiến tranh chống tôn giáo.

3. Những khốn khó của di dân: mỗi di dân đều là một con người, và vì thế, họ có những quyền căn bản cần được mọi người tôn trọng, trong mọi hoàn cảnh.

4. Nạn buôn người: buôn người là tội ác chống lại nhân loại. Nạn buôn người làm biến dạng nhân tính nơi các nạn nhân, đồng thời làm cho những kẻ buôn người bị mất nhân tính.

5. Lạm dụng tình dục: đây là hiện tượng rộng khắp trong xã hội và cả trong Giáo hội, tác động xấu lên đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

6. Bạo hành phụ nữ: cần phải có sự bình đẳng thực sự giữa người nữ và người nam trong mọi lãnh vực.

7. Phá thai: bảo vệ thai nhi gắn liền với việc bảo vệ nhân quyền. Mỗi con người đều có tính thiêng thánh và bất khả xâm phạm, trong mọi hoàn cảnh và mọi giai đoạn của đời sống.

8. Mang thai mướn: đây là sự vi phạm trầm trọng phẩm giá của người nữ cũng như của trẻ thơ, vì nó dựa trên sự khai thác hoàn cảnh thiếu thốn vật chất của người mẹ.

9. Cái chết êm dịu và trợ tử: sự sống của mọi người đều có giá trị và phẩm giá như nhau, tôn trọng sự sống của người khác là tôn trọng sự sống của chính mình.

10. Loại trừ người khuyết tật: sự thật là mỗi người, dù bị tổn thương, đều đón nhận phẩm giá của mình chỉ từ điều duy nhất này, là họ được Thiên Chúa muốn và yêu thương.

11. Lý thuyết về Giới: sự sống con người trong mọi chiều kích, cả về thể lý lẫn thiêng liêng, đều là quà tặng từ Thiên Chúa. Quà tặng ấy cần được đón nhận với lòng biết ơn và đem ra phục vụ sự thiện.

12. Thay đổi giới tính: thân xác con người chia sẻ phẩm giá là “hình ảnh Thiên Chúa”; do đó bất cứ can thiệp nào nhằm thay đổi giới tính đều có nguy cơ đe dọa phẩm giá độc nhất mà một người nhận được từ lúc thành thai trong lòng mẹ.

13. Bạo hành trên không gian kỹ thuật số: những tiến bộ trong kỹ thuật số có thể cống hiến rất nhiều khả năng phục vụ phẩm giá con người, nhưng cũng có nguy cơ làm gia tăng sự khai thác, loại trừ nhau, và bạo lực trong cuộc sống.

Phần kết: nhìn nhận phẩm giá con người là nền tảng cho việc tôn trọng các quyền căn bản của con người, vốn là tiền đề và nền móng cho đời sống chung trong xã hội dân sự.

Tuyên ngôn Dignitas infinita là tài liệu được chuẩn bị rất công phu. Tuyên ngôn đã được bắt đầu soạn thảo từ năm 2019 và sửa đổi nhiều lần cho đến năm 2024 mới được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn và chính thức công bố. Theo Đức hồng y Victor Manuel Fernandez, Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin, “Thời gian 5 năm chuẩn bị tài liệu giúp chúng tôi hiểu rằng tài liệu trước mắt chúng ta đây phản ánh tầm quan trọng và tính trung tâm của chủ đề ‘phẩm giá’ trong tư tưởng Kitô giáo”.

Tuyên ngôn đã được đón nhận cách tích cực từ nhiều giới. Nếu cách đây không lâu tuyên ngôn Fiducia supplicans về chúc lành ngoài phụng vụ cho các cặp đôi ngoại quy đã gây sóng gió trong dư luận, thì ngược lại tuyên ngôn Dignitas infinita đã gặp được sự đồng thuận rộng rãi. Cần phải dành thời giờ đọc kỹ Tuyên ngôn này để hiểu biết tầm quan trọng của đề tài “phẩm giá” trong giáo huấn của Hội Thánh.

Nguồn: giaophanmytho.net