Nguồn: https://www.latheotokos.it
– Giáo hội đề nghị một hình ảnh đặc biệt đồng hành với chúng ta trong Phụng vụ Mùa Vọng, đó là Đức Maria. Tông huấn Marialis Cultus của Chân phước Phaolô VI, chứng thực rằng “Nhờ đó, tín hữu, khi sống tinh thần Mùa Vọng theo phụng vụ, bằng việc nghĩ về tình yêu khôn tả trong việc đón chờ Con mình của Người Mẹ Trinh Nguyên này, được mời gọi lấy Mẹ làm mô phạm để dọn mình gặp gỡ Chúa Cứu Thế là Đấng phải đến. Họ cần phải “tỉnh thức nguyện cầu và hân hoan … ngợi khen”1. Tông huấn cũng nhấn mạnh “Chúng tôi cũng muốn lưu ý là phụng vụ Mùa Vọng, bởi liên quan tới việc đợi chờ Đấng Thiên Sai và việc chờ đợi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang với việc tưởng niệm tuyệt vời Mẹ của Người, cho thấy cái quân bình tốt đẹp nơi việc thờ phượng. Cái quân bình này có thể được coi như là một tiêu chuẩn trong việc tránh đi bất cứ khuynh hướng nào (như có những lúc đã xảy ra ở một số hình thức đạo đức phổ thông) muốn tách phân việc tôn sùng Đức trinh Nữ với điểm qui chiếu cần thiết là Chúa Kitô.”2. Theo cách này – cũng trong Marialis Cultus – “Chẳng hạn, trong Mùa Vọng, có nhiều qui chiếu phụng vụ về Mẹ Maria, ngoài Lễ Trọng 8/12, một lễ cử hành chung cho cả việc Đầu Thai Vô Nhiễm của Mẹ Maria, một sửa soạn căn bản (cf. Is 11:1,10) cho việc xuất hiện của Chúa Cứu Thế, lẫn việc mở đầu phúc hạnh của Giáo hội vô tì vết. Những qui chiếu phụng vụ này đặc biệt được thấy vào những ngày 17 đến 24 tháng 12, và đặc biệt hơn nữa vào Chúa nhật trước Giáng sinh, ngày Chúa nhật nhắc nhở những lời tiên tri liên quan tới Người Mẹ Đồng Trinh này và Đấng Thiên Sai, và bao gồm những bài đọc từ Phúc Âm liên quan tới việc hạ sinh sắp xảy ra của Chúa Kitô và vị tiền hô của Người.“3.
– Phụng vụ Mùa Vọng mang dấu ấn Đức Maria rất đậm nét. Rất Thánh Maria – Đức Trinh Nữ được Chúa viếng thăm và đầy tràn Thánh Thần – thực sự là khuôn mặt mà phụng vụ Mùa Vọng đặt trước mặt chúng ta. Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng chính Mẹ Maria đã mang đến cho Mùa Vọng một dung mạo. “Do đó, phụng vụ Mùa Vọng khiến nó đi vào khung cảnh mà hầu như không đặt tên cho nó; nhưng làm sao có thể phớt lờ nó, vì nó gắn bó chặt chẽ với mầu nhiệm Nhập thể? Trinh nữ thành Nazareth (thành phố ngàn hoa) đã trả lời sứ thần. Mọi thứ đã bắt đầu … và mọi thứ lại bắt đầu. Mỗi mùa phụng vụ thực sự mang trong mình một ân sủng mới cho những ai sống theo tinh thần mà Giáo hội đề nghị, như một bí tích cứu độ, điều đó mang lại cho cuộc sống sự tiếp xúc với các mầu nhiệm của Chúa được cử hành“4.
Dung mạo của Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đầy Ân Sủng
– Trong việc khám phá dung mạo Đức Maria trong Mùa Vọng, điểm đầu tiên chúng ta phải dừng lại chiêm ngắm là mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Đức Trinh Nữ Maria là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bởi vì Mẹ được Đầy Ân Sủng ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu, khi Mẹ được thụ thai bởi cha mẹ mình, thánh Gioakim và Anna. Tất cả chúng ta, khi chúng ta bắt đầu tồn tại trong lòng mẹ, đã bị tước mất ân sủng của Thiên Chúa, món quà này được ban cho chúng ta với Bí tích Rửa tội. Tuy vậy, có một ngoại lệ: Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngay từ khi thụ thai, Đức Maria phải là Đấng Đầy Ân Sủng, bởi vì Mẹ phải trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Đức Mẹ đã nhận được ân sủng này, là ơn đầu tiên và cũng là lớn nhất, xét về công trạng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Mẹ cũng đã được Chúa Giêsu cứu chuộc, nhưng theo cách hoàn hảo nhất: Mẹ không được giải thoát khỏi tội nguyên tổ, nhưng được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ. Tội lỗi thậm chí còn chưa chạm vào Mẹ. Vì thế, Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là tạo vật hoàn hảo, là kiệt tác đến từ bàn tay và trái tim của Đức Chúa. Sau tội của Adam và Eva, Đức Chúa phán bảo con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).
– Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 1,26-38) được công bố vào ngày lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 8 tháng 12, mô tả biến cố Truyền Tin. Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ duy nhất đó với Thiên Thần, Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã thể hiện mình là người hoàn toàn phụng sự Chúa. Thật vậy, chỉ có Mẹ, Đầy Ân sủng, mới có thể đáp lời xin vâng vô điều kiện theo ý muốn của Đức Chúa: “… xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (câu 38). Do đó, Đức Maria là Người Phụ nữ phụng sự Thiên Chúa, vì Mẹ đón nhận Ngôi Lời và dâng hiến toàn thân cho Ngôi Lời, là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cũng thế, là những tín hữu chúng ta kiên trì phụng sự Chúa, như Đức Maria, chúng ta đón nhận Ngôi Lời, và đồng thời cũng hạ sinh Ngôi Lời. Giovanni Kyriotes, được gọi là Surveyor, một giáo phụ của giáo hội Byzantine vào nửa đầu thế kỷ thứ X, rất sùng kính Đức Trinh Nữ, đồng thời là nhà thơ và tác giả của những tác phẩm tuyệt vời về Đức Mẹ, đã để lại lời suy niệm tuyệt đẹp: “Hãy chiêm ngắm kỹ càng về thái độ của Đức Trinh Nữ và mức độ hoàn hảo của tâm trí và tinh thần trong một thiếu nữ trẻ như thế …Sau lời truyền tin về việc ngự xuống và cư ngụ, nghĩa là việc Chúa Thánh Thần ngự xuống và việc cư ngụ của Con Thiên Chúa, Đức Maria đã đón nhận và tin tưởng hoàn toàn rằng không có gì là không thể đối với Đức Chúa. Không vì điều này mà Đức Maria tự mãn và đề cao mình, nhưng khiêm nhường hạ mình xuống; và Đức Maria không những gọi mình là một nữ tỳ, mà – như một lẽ tự nhiên – nói rằng bản thân rất sẵn sàng để phục vụ: và vì việc phục vụ được đề ra là vượt trội hơn chính bản thân Mẹ, nên ngoài việc đón nhận điều đó, Mẹ cũng hứa sẽ chu toàn nó”5.
Dung mạo của Eva mới
– Trong viễn tượng khám phá dung mạo của Đức Maria trong Phụng vụ Mùa Vọng, một số kinh Tiền tụng của cử hành Thánh Thể rất ý nghĩa. Chúng “có tầm quan trọng lớn vì trong đó các chủ đề thiết yếu của mùa phụng vụ được cô đọng và cung cấp lý do cho việc tạ ơn” 6. Như một ví dụ, nếu chúng ta dừng lại để xem xét kinh Tiền tụng mùa Vọng II, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng tất cả đều minh họa cho niềm mong đợi hân hoan việc nhập thể của Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng Mêsia sẽ đến. Trên thực tế, kinh Tiền tụng nhìn nhận Đấng Mêsia là trung tâm của lời loan báo của các Tiên tri, của sự chuẩn bị nơi Đức Trinh Nữ-là Mẹ và việc công bố của Gioan Tẩy Giả trong một diễn tiến hấp dẫn mà đỉnh cao là sự ra đời của Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đây là những lời rất đẹp đầy ý nghĩa của kinh Tiền tụng:
“Đấng ấy (Chúa Giêsu) đã được các tiên tri loan báo,
Đức Mẹ Đồng Trinh mong đợi và cưu mang Chúa trong dạ với tình yêu khôn tả,
Thánh Gioan loan tin việc Người sắp đến
và xác nhận Đấng ấy đã có mặt trên trần gian”.
– Cũng trong kinh Tiền tụng Mùa Vọng số II / A cũng có âm điệu rõ ràng về Đức Maria. Maria được giới thiệu như một Eva mới và người Thiếu nữ Sion. Là Trinh Nữ thụ thai và là mẹ chúng sinh, Đức Maria trở nên nguồn phúc lộc cho toàn thể nhân loại:
“Chúng con ca ngợi, chúc tụng và tung hô Chúa vì mầu nhiệm Đức Trinh nữ Maria.
Từ kẻ thù truyền kiếp đã xảy đến tai họa,
Thì từ trong cung lòng trinh khiết của người Thiếu nữ Sion,
đã nảy mầm Đấng nuôi dưỡng chúng con bằng bánh của các Thiên thần
và từ đó tuôn trào cho cả nhân loại ơn cứu chuộc và an bình.
Ân sủng mà Eva đã lấy khỏi chúng con nay được ban lại cho chúng con qua Đức Maria.
Trong Người, là mẹ của tất cả nhân loại,
tình mẫu tử, đã được cứu chuộc khỏi tội lỗi và sự chết,
và được mở ra cho ân sủng của sự sống mới.
Nơi đâu tội lỗi tràn ngập, thì ở đấy cũng ngập tràn lòng thương xót của Chúa
trong Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta.”
Dung mạo của Thiếu nữ Sion, người nữ của xin vâng và đức ái
Để giúp chúng ta khám phá thêm về dung mạo của Đức Maria, ba hình thức của các thánh lễ về Đức Mẹ được đề xuất cho Mùa Vọng thật thích hợp đặc biệt.
– Dạng thứ nhất trình bày Đức Trinh Nữ Maria là người con gái được chọn từ dòng dõi Israen, Thiếu nữ Sion. Phụng vụ Mùa Vọng cử hành chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện với lòng thương xót dành cho nhân loại. Một kế hoạch đã tiền định qua nhiều thế kỷ với lời kêu gọi của các Tổ phụ và với giao ước tình yêu mà Đức Chúa đã ký kết với các ngài; với lề luật được ban cho Môisê trên núi Sinai; với những loan báo của các Tiên tri; với việc tuyển chọn vua Đavít, để từ dòng dõi này sẽ xuất hiện Đấng Cứu Chuộc cho trần gian. Nếu được hiểu rõ, tất cả những hành động này của Đức Chúa – được ghi lại trong các sách của Cựu ước – hình thành lời tiên báo trọng yếu về sự xuất hiện của Đức Kitô và làm nổi rõ hình ảnh một người phụ nữ, mẹ của Đấng Cứu Thế, tức là Đức Trinh nữ Maria diễm phúc, người mà Giáo hội hân hoan công bố là Thiếu nữ Sion.
Thực tế, thiếu nữ Maria là con cái bởi dòng dõi Adam; là con cháu của Ápraham bởi đức tin; Mẹ là cây con mọc từ gốc tổ Jesse, để từ đó nảy sinh một chồi non, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Về tất cả những điều này, vừa trang trọng vì giá trị lịch sử, vừa gây xúc động vì những yếu tố cứu độ được gợi lên, Công đồng Vatican II đã tạo ra một sự cân bằng đáng ngưỡng mộ với những lời: Đức Maria “trổi vượt trên các người khiêm hạ và nghèo khó của Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa. Cuối cùng, sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Ngài, người Thiếu Nữ cao sang của Sion, thời gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập: khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Chúa.”7.
– Dạng thứ hai liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria trong sự kiện Truyền Tin. Với Lễ Truyền Tin, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta khoảnh khắc quý giá mà trong đó Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã được thụ thai, làm người, trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Do đó, chúng ta được giới thiệu để chiêm ngưỡng sự kiện trọng tâm của lịch sử nhân loại; “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề luật…” (Gl 4, 4). Chính việc Nhập thể tạo nên thời gian viên mãn này, nghĩa là trung tâm của kế hoạch tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Mọi sự được tạo thành cho thời điểm này. Trong giây lát, nếu chúng ta hướng tâm trí đến Nazareth để hình dung lại cảnh Thiên thần truyền tin cho Đức Maria, chúng ta có thể chiêm ngưỡng một điều kỳ lạ. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai tiếng xin vâng: của Thiên Chúa, Đấng đến với Đức Maria trong sự che giấu âm thầm của ngôi nhà của Người và của Đức Maria. Với tư tưởng vượt trội về thần học, Thánh Irênê, trong cuốn sách Chống lạc giáo, giải thích giá trị quý giá của lời xin vâng của Đức Maria: “Vì cũng như Eva, khi bất tuân, đã trở thành nguyên nhân tử vong cho chính mình và cho toàn thể nhân loại, cũng vậy Đức Maria… khi vâng phục, đã trở thành nguyên nhân cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại. Thật vậy, cái gì đã buộc thì không thể cởi được nếu các nếp gấp của nút không được rút lại theo chiều ngược lại … Cái nút thắt bất tuân của bà Eva đã được đức vâng lời của Đức Maria tháo gỡ. Điều mà người trinh nữ Eva buộc lại bằng sự không tin thì được Đức Nữ Trinh Maria tháo cởi bằng đức tin”8. Bà Eva và Đức Maria: hai lối cá thể của người phụ nữ, hai số phận trái ngược nhau của toàn thể nhân loại, một số phận của sự chết và một số phận của sự sống. Chúng ta có thể nói rằng trong ngôi làng xa xôi và tầm thường của Galilê được gọi là Nazareth, Đức Maria, với lời xin vâng của mình, đã đưa tạo vật trở về với sự thật và công lý ban đầu của nó; thế giới đã được tái tạo và thời gian đã có một khởi đầu mới. Tại sao vậy? Bởi vì trong lời xin vâng của Đức Maria, vang dội lại tiếng xin vâng mạnh mẽ và quyền năng của Thiên Chúa, tiếng xin vâng đầy thương xót và yêu thương của Con Thiên Chúa, của Chúa Giêsu đã làm người trong cung lòng trinh nguyên của Đức Thánh Trinh Nữ.
– Hình thức thứ ba là cuộc viếng thăm của Đức Trinh Nữ Maria đến với người chị họ Elizabeth. Thực tế là ai cũng biết. Đức Maria, được chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu, học được từ thiên thần Gabriel rằng ngay cả Elizabeth – người mà mọi người nói là hiếm muộn – giờ cũng sắp được làm mẹ. Maria đã làm gì? Mẹ, người đã tự xưng mình là “nữ tỳ của Chúa“, chạy đến với chị họ của mình để trở thành người phục vụ của chị họ. Đoạn Tin Mừng Luca kể về cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth là một trong những đoạn gợi nhớ nhất trong toàn bộ Tân Ước. Đứa trẻ trong bụng bà Elizabeth vui mừng trước lời chào của Đức Maria. Bà được đầy tràn Chúa Thánh Thần, nhận biết nơi người bà con trẻ là mẹ của Chúa và tuyên xưng rằng Đức Maria là người có phúc hơn tất cả mọi người phụ nữ vì Mẹ đã tin vào lời Chúa. Đức Trinh Nữ Maria cất cao lời ngợi khen và tạ ơn: Mẹ hát và ngợi khen Đức Chúa, hân hoan trong Thiên Chúa là Đấng an ủi, vì Người đã tỏ ánh nhìn yêu thương trên sự hèn mọn của Mẹ. Việc Đức Maria vội vã chạy đến thăm người chị họ Elizabeth, gợi lên cho chúng ta một mẫu gương thực sự của việc truyền giáo và sứ vụ. Đức Maria dạy cho chúng ta biết ơn cứu độ hoạt động như thế nào trong tâm hồn, được soi sáng như thế nào nơi trí khôn, ca ngợi vinh quang Thiên Chúa như thế nào, loan báo những công trình vĩ đại của Người ra sao, làm thế nào một người trở thành tiên tri của Đấng Tối Cao. Mang Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và mang Chúa Giêsu trong lòng trinh khiết, Đức Maria vào nhà Zaccaria, và Mẹ đã trao tặng cho người chị họ Elizabeth trọn vẹn Thánh Thần và ân sủng của Người Con mà Mẹ đang cưu mang trong lòng. Việc Đức Maria vội vã chạy đến thăm viếng người chị họ Elizabeth, cũng đưa ra cho chúng ta một tấm gương về tình yêu thương đối với những người lân cận. Thiên Chúa bày tỏ chính mình và làm cho chính mình biết nơi tình yêu tìm thấy những biểu hiện tốt nhất của nó. Chính Chúa Giêsu đã long trọng khẳng định rằng những gì chúng ta nhân danh Người làm cho những người anh em bé nhỏ nhất của chúng ta, thì Người nhìn nhận và tưởng thưởng như thể việc đó làm cho chính Người vậy (x. Mt 25,31-46).
Dung mạo của người Mẹ
Đọc các sách Tân Ước, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng chúng ta không có nhiều thông tin về Đức Mẹ, nhưng những gì các sách nói với chúng ta thì giàu ý nghĩa vô cùng. Trong thực tế, những gì các sách Tân Ước tường thuật, cho chúng ta là thấy Đức Maria hiện diện tại ba sự kiện chính trong lịch sử cứu độ và kinh nghiệm Kitô giáo, mà chúng ta cử hành những lễ trọng nhất trong năm phụng vụ: Lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Lễ Hiện Xuống. Tất cả những sự hiện diện này của Đức Maria đều trình bày về dung mạo rất đặc biệt của Đức Maria, đó là hình ảnh của một người Mẹ.
– Đức Maria làm Mẹ nơi sự kiện Giáng Sinh: “…Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề luật” (Gl 4, 4). Người nữ ấy chính là Đức Maria, người Mẹ mà thánh sử Matthêu mô tả trong thái độ im lặng và chiêm ngưỡng trước Con của Mẹ, Đấng là “Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Tin Mừng Luca cũng cho chúng ta biết rằng “Về phần mình, Mẹ Maria đã giữ tất cả những điều ấy, suy ngẫm trong lòng” (Lc 2,19). Mẹ suy ngẫm về sự nghèo khó của hang bò lừa, về cuộc viếng thăm của những người chăn cừu do một thiên thần gửi đến, về bài hát của các thiên thần trên trời và, có lẽ, cả sự hiện diện của con bò và con lừa, đối với người Do Thái, tương ứng tượng trưng cho dân tộc Israel và các dân ngoại. Trên tất cả, Mẹ suy gẫm về mầu nhiệm của con mình, Thiên Chúa làm người. Và do đó, Mẹ sống một cách ý thức tình mẫu tử thiêng liêng của mình. Người con nhỏ bé, yếu đuối và thiếu thốn mọi thứ lại chính là con Thiên Chúa của Mẹ và là con của Mẹ!
– Đức Maria là Mẹ trong sự kiện Phục sinh, trong đó ơn cứu độ được hoàn thành nơi con người của Đấng Cứu Thế. Đức Mẹ đứng gần thập giá Chúa Giêsu (x. Ga 19,25). Việc đứng gần thập giá ấy, Mẹ đã nên một với sự hiến tế của Con Mẹ với nỗi khổ đau khôn tả của tình mẫu tử. Mẹ đã đánh mất Con rất yêu dấu và đáng tôn thờ của mình, vì tình yêu dành cho các tội nhân, và vì ơn cứu chuộc của họ. Vì điều này, Mẹ được coi là người Mẹ thiêng liêng của tất cả nhân loại, là người cộng tác trong việc tái sinh loài người vào cuộc sống ân sủng. “Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu nói với mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà” (Ga 19,26). Nơi mầu nhiệm Phục sinh, mẫu tính thiêng liêng của Đức Maria đối với Chúa Giêsu được mở rộng ra cho tình mẫu tử chung của cả nhân loại.
– Đức Maria là Mẹ trong biến cố Ngũ tuần, nơi đó việc thông ban ơn cứu độ diễn ra nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Trình thuật Công vụ Tông đồ nhắc lại những câu chuyện về biến cố Truyền tin và cuộc Thăm viếng, với ý định dẫn người đọc thiết lập mối liên hệ được soi sáng giữa Đức Trinh Nữ Maria và Giáo hội: như Đức Maria, cũng thế, giờ đây Giáo hội nhận được quyền năng của Thánh Thần, Đấng từ trên cao ngự xuống, để Giáo hội cũng có thể loan báo những công việc vĩ đại của Thiên Chúa (x. Cv 1,8; 2,4,11). Như vậy, khi liên kết với Đức Maria, toàn thể Giáo hội trở thành một người mẹ, người cộng tác vào việc tái tạo loài người như những người con của Thiên Chúa và do đó tạo ra sự hiện diện của chính Chúa Kitô trong thế giới này. Tình mẫu tử của Đức Maria nâng đỡ tình mẫu tử của Giáo hội và được thể hiện qua việc Giáo hội sinh hoa kết trái. Rất thánh Trinh Nữ, “với vai trò mẫu tử mới trong Thánh Thần, Mẹ ôm ấp mọi người và từng người trong Giáo Hội; Mẹ cũng ôm ấp mọi người và từng người nhờ Giáo hội ”9.
– Vậy thì Đức Mẹ là ai: là người Mẹ. Với việc Giáng sinh, người là Mẹ của Đức Kitô– Thiên Chúa thật và là người thật; Với sự kiện Phục sinh, người là mẹ thiêng liêng của nhân loại được cứu chuộc; Với sự kiện Ngũ tuần, Mẹ là người Mẹ nâng đỡ tình mẫu tử của Giáo hội như một sự tham dự và biểu lộ tình mẫu tử của chính Mẹ.
Tháng 11/2021
Chuyển ngữ: Nước Trong, FMI