Đàng Thánh giá với Đức Giám mục Barron

Giám mục Robert Barron

CHẶNG THỨ I

CHÚA GIÊSU CHỊU KẾT ÁN TỬ

Khi mơ ước về một vị vua Đavít mới, dân Israel ao ước có được một vị vua sẽ thống nhất đất nước, thanh tẩy đền thờ, đánh bại kẻ thù, và sau đó sẽ trị vì toàn thế giới. Chỉ khi đi ngược lại với lối suy nghĩ này của dân Israel, chúng ta mới có thể cảm kích những gì Chúa Giêsu đang làm, cũng như cách nhận thức về chính Ngài. Những lời đầu tiên và cũng là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu liên quan đến triều đại Nước Thiên Chúa. Ngài đã công bố một triều đại mới tập trung vào chính bản thân mình.

Thật vậy, những điều này được xem như lời khiêu chiến, vì nếu một vương quốc mới xuất hiện, có nghĩa là vương quốc cũ phải nhường chỗ, và nếu một vị Vua mới đến, thì các vị vua cũ phải nhường bước. Chúa Giêsu đã nỗ lực thống nhất đất nước, đưa các chi tộc trở lại với nhau. Điều đó được thể hiện qua tương quan cởi mở của Ngài khi đồng bàn, tiếp xúc với những người tội lỗi và thu thuế, ôm vào mình những người bệnh tật và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Tại thành đô của Đavít, Chúa Giêsu đã thanh tẩy đền thờ và hứa sẽ thiết lập một đền thờ mới. Trong suốt cuộc đời và sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã phản đối các vị vua cũ. Chúng ta nhận thấy điều này ngay từ đầu trong những trình thuật về thời thơ ấu của Ngài. Chúa Giêsu được giới thiệu như là một nhân vật sẽ thay thế cho tổng trấn Quirinô và hoàng đế Augustô. Ngay cả khi còn là một hài nhi, sự xuất hiện của Ngài cũng đủ khiến vua Hêrôđê và toàn Giêrusalem phải run sợ.

Sự đối đầu giữa hai trật tự cũ và mới này lên tới đỉnh điểm khi Chúa Giêsu đứng trước tổng trấn Phongxiô Philatô, đại diện địa phương cho hoàng đế Xêda. Chắc chắn về mặt quyền lực và thẩm quyền, Philatô dò xét người tội phạm đang đứng trước mặt mình: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” Philatô hiểu điều này theo hướng thuần túy chính trị và thế gian “Có phải Ông đang cố gắng giành quyền kiểm soát chính trị đối với phần đất này của đế chế Rôma hay không?” Nhưng tình tiết này lại hàm chứa một sự châm biếm vì người Do Thái nào cũng biết toàn bộ dụng ý trong câu hỏi của Philatô. Thật ra Philatô đang có ý hỏi: “Ông có phải là vị vua trần gian không? Ông có phải là vua Đavít mới sẽ thống trị tất cả các quốc gia không?

Chúa Giêsu nói thẳng với Philatô rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu không quan tâm đến thực tại chính trị, với những mối bận tâm của “thế gian này” về công lý, hòa bình và trật tự đúng đắn. Điều đó có nghĩa là triều đại mà Chúa Giêsu đã loan báo không phải là một trật tự chính trị mới, giống như những trật tự khác dựa trên việc đe dọa và bạo lực. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu ngay lập tức giải thích rằng những thuộc hạ của Ngài không phải “chiến đấu để tôi khỏi bị trao nộp”. Đó là triều đại Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã công bố, Thiên Chúa nhân ái và bất bạo động trong việc điều hành mọi sự. Không mấy bận tâm, Philatô hỏi lại, “chân lý là gì?” Và sau đó, ông kết án tử Chúa Giêsu. Philatô đã chơi trò chơi quyền lực chính trị điển hình trên thế giới, và nhìn bề ngoài thì ông đã thắng, như những kẻ tàn nhẫn và bạo lực vẫn hay làm như vậy.

Nhưng qua thập giá và Phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng Philatô. Người đã vượt qua bạo lực của tội lỗi và nhận chìm nó trong sự tha thứ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù của Israel. Vì thế, Ngài thiết lập thân thể của mình như một đền thờ mới – vì từ thân thể Ngài, máu và nước chảy ra. Ngài đã quy tụ mọi người lại nơi chính mình, như những gì người ta mong đợi nơi vị vua của nhà Đavít: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Tóm lại, Chúa Giêsu là vị Vua mới mà người ta phải thần phục.

CHẶNG THỨ II
CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ

Tất cả chúng ta, những tội nhân, đều có khuynh hướng hướng xem vũ trụ xoay quanh cái tôi của mình, bao gồm những nhu cầu, dự phóng, kế hoạch, và kể cả những gì chúng ta thích và không thích. Sự hoán cải đích thực mà Chúa Giêsu nói đến hơn cả một cuộc cải cách về luân lý, mặc dù nó cũng bao gồm cả điều đó nữa. Nó phải là một sự thay đổi nhận thức toàn diện, một cách nhìn mới về đời sống của một con người.

Chúa Giêsu chắc hẳn đã đưa ra một lời dạy khiến cho thính giả vào thế kỷ thứ nhất phải đau lòng: “ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập tự giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Những thính giả của Ngài biết thập giá có nghĩa gì: đó là một cái chết trong đau đớn tột cùng, trần trụi và nhục nhã. Họ biết tất cả uy lực khủng khiếp của nó.

Vậy tại sao Chúa Con lại vác thập giá? Bởi vì Chúa Cha giận dữ? Bởi vì Ngài muốn thập giá thống trị chúng ta? Vì Thiên Chúa cần điều gì đó? Không, Ngài đến đơn thuần chỉ vì tình yêu, ước muốn của Thiên Chúa là làm cho con người được triển nở: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Chúa Cha không phải là một vị thần đau khổ đáng thương mà danh dự đã bị bầm dập cần được phục hồi; đúng hơn, Thiên Chúa là người cha luôn cháy bỏng lòng thương xót đối với con cái mình đang lạc bước trong hiểm nguy. Chúa Cha có ghét tội nhân không? Thưa không, nhưng Ngài ghét tội. Ngài có phẫn nộ trước bất công không? Không, nhưng Ngài coi thường sự bất công. Và do đó, Thiên Chúa sai Con của mình – không phải để nhìn thấy Người Con đau khổ nhưng để làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn. Thánh Anselmô, nhà thần học vĩ đại thời Trung cổ, thường bị đổ lỗi oan vì một thứ thần học về sự thỏa mãn đầy tàn nhẫn, đã trình bày rất rõ ràng về điểm này. Tội nhân chúng ta giống như những viên kim cương đã rơi vào chốn bùn nhơ; được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta đã tự vấy bẩn bản thân mình bằng bạo lực và hận thù. Với khát vọng tái tạo vẻ đẹp cho thụ tạo, Thiên Chúa đã bước xuống chốn bùn nhơ tội lỗi và sự chết, mang viên kim cương ấy lên và đánh bóng lại nó. Tất nhiên, khi làm như vậy, Ngài cũng phải chịu bị vấy bẩn. Việc chìm sâu vào chốn bùn nhơ, tức sự liên đới của Thiên Chúa với những kẻ hư mất chính là “hy tế” mà Người Con thực hiện để làm đẹp lòng Chúa Cha. Đó là một hy tế biểu lộ lòng thương xót chứ không phải tức giận hay báo thù.

Nếu Thiên Chúa là tình yêu quên mình, thậm chí yêu cho đến chết, thì chúng ta cũng phải yêu thương như vậy. Nếu Thiên Chúa sẵn lòng mở rộng trái tim của mình, thì chúng ta cũng phải sẵn sàng mở trái tim mình cho người khác. Tóm lại, thập giá phải trở thành chính cấu trúc đời sống Kitô hữu.

Đây là cách thức chúng ta yêu thương. Lập trường này không có gì ngu xuẩn, yếu đuối hay mù quáng cả. Khi yêu điên cuồng, chúng ta không cố ý làm mờ mắt mình trước những thực tại luân lý – mà ngược lại. Như Dostoevsky đã nói, tình yêu không phải là một sự ủy mị mà là “một điều táo bạo và đáng sợ”.

Đây là những gì Chúa Giêsu tỏ hiện trên khổ hình thập giá. Và đây cũng là điều mà chúng ta, những môn đệ theo Ngài, phải bắt chước. Vác thập giá không chỉ có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ, mà còn là sẵn sàng chịu đau khổ như Chúa Giêsu đã chịu, xóa bỏ bạo lực và hận thù bằng sự tha thứ và giao hoà của chúng ta.

CHẶNG THỨ III

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT

Dưới sức nặng của thập giá, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã ngã trên đường đến đồi Canvê.

Cách đây vài năm, tôi đã có một bài giảng với chủ đề về sự định hướng nhân từ và quan phòng của Thiên Chúa trong vũ trụ. Tôi cảm thấy bài giảng đã truyền cảm hứng và bổ ích, sau đó, rất nhiều người khen tôi cũng xác nhận như vậy. Nhưng sau khi tất cả mọi người rời đi, một người đàn ông lớn tuổi đến gần và nhìn tôi cách thận trọng, ông nói: “Thưa cha, con đang có một vấn đề nhưng bài giảng của cha không giúp được gì cả.” Tôi đáp lại rằng: “Chà, ý ông là gì?”

Ông có hai cô cháu gái, năm tuổi và bảy tuổi, đang đau đớn vì một căn bệnh nan y mà các bác sĩ hầu như không thể chữa và cũng chưa thể hiểu hết được. Tất cả những gì họ biết chắc chắn là cả hai cô bé sẽ chết và trước khi chết, chúng sẽ bị mù. Ông nói với tôi rằng, đứa lớn vừa bị mất thị giác còn đứa nhỏ tuổi hơn thì nằm thức trắng đêm khóc trong nỗi kinh hoàng khi nghĩ về tương lai của mình. Ông nói, “Thưa cha, thắc mắc của con là tại sao Chúa lại làm điều ấy với hai đứa cháu gái của con. Con đã đến gặp các linh mục, mục sư, các thầy Rabi và các thầy guru, nhưng con chưa bao giờ nhận được một câu trả lời nào thỏa đáng cả – và thành thật mà nói thì bài giảng của cha cũng chẳng làm cho vấn đề sáng tỏ thêm chút nào.” Thật sự, tôi cảm thấy kinh ngạc và choáng váng. Chưa bao giờ vấn đề về sự dữ – việc lý giải sự tốt lành của Thiên Chúa với sự hiện diện của đau khổ – lại đến với tôi một cách cụ thể và đầy thách thức như vậy.

Tôi nói với ông ấy rằng tôi không có câu trả lời cụ thể cho vấn nạn của ông, nhưng chính câu hỏi của ông là một điều gì đó thánh thiện, bởi vì nó chứng tỏ là ông đã không từ bỏ Thiên Chúa. Ông vẫn đang tìm kiếm Người. Và nếu theo đuổi câu hỏi đó xuyên suốt cuộc đời, bạn sẽ được dẫn đến trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo, đó là Chúa Cha sai Con của Ngài đến tận cùng sự đau khổ của chúng ta, bước vào những gì khiến chúng ta sợ hãi nhất. Và ở đó, chúng ta tìm thấy câu trả lời – không phải một câu trả lời có thể thỏa mãn hoàn toàn tính tò mò của chúng ta, nhưng là một câu trả lời có sức mạnh sâu thẳm từ bên trong: rằng Thiên Chúa không lấy đi sự đau khổ của chúng ta, nhưng Ngài bước vào sự đau khổ ấy cùng với chúng ta và bằng cách ấy, Ngài thánh hoá nó.

CHẶNG THỨ IV

CHÚA GIÊSU GẶP ĐỨC MẸ

Cuộc khổ nạn của Đức Kitô (The Passion of the Christ) là một trong những bộ phim tôn giáo đáng suy gẫm và phổ biến nhất trong nhiều thập kỷ. Một điều đặc biệt gây đánh động tôi khi xem đó là vai diễn Đức Maria, mẹ Đức Giêsu. Ngay từ đầu Tin mừng, thánh Luca đã cho chúng ta thấy Đức Maria “hằng ghi nhớ những lời ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Mẹ là nhà thần học xuất sắc. Mẹ là đấng thấu hiểu.

Nếu Mẹ Maria đã sinh ra Chúa Kitô và nếu Giáo hội thực sự là Nhiệm thể Chúa Kitô, thì theo một nghĩa rất thực, Mẹ phải là Mẹ Giáo hội. Mẹ là người mà qua đó Chúa Giêsu tiếp tục được sinh ra. Chúng ta nghe trong Tin mừng rằng, khi hấp hối trên thập giá, Chúa Giêsu đã nhìn Mẹ Maria và môn đệ Người yêu mến, và nói với Mẹ rằng: “Hỡi Bà, này là con Bà”, rồi nói với Gioan, “Này là Mẹ con”. Và “từ giờ đó, người môn đệ đã đưa Bà về nhà mình”. Bản văn này giúp củng cố cho một truyền thống cổ xưa cho rằng Tông đồ Gioan đã đưa Đức Maria sang Êphêsô ở vùng Tiểu Á, và các ngài đã sống những ngày cuối đời tại đây. Thật vậy, trên đỉnh một ngọn đồi cao nhìn ra Biển Aigaiô, ngay bên ngoài thành phố Êphêsô, có một ngôi nhà đơn sơ giản dị mà truyền thống cho rằng đó là nhà của Đức Mẹ. Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Thiên Chúa, được hồn xác về trời, không chỉ đơn thuần là một mối bận tâm về lịch sử hay lý thuyết, và cũng không đơn giản là một mẫu gương thiêng liêng. Thay vào đó, với tư cách là “Nữ Vương các Thánh”, Đức Maria vẫn đang tiếp tục hiện diện, là một tác nhân trong đời sống của Giáo hội. Khi trao Mẹ Maria cho Gioan, Chúa Giêsu thực sự đã trao Mẹ cho tất cả những ai sẽ là bạn hữu của Người qua mọi thời đại.

Dĩ nhiên, điều này không làm lẫn lộn vai trò của Mẹ với Đấng Cứu Thế, nhưng là để nhấn mạnh sứ mệnh chuyển cầu của Mẹ. Ở đoạn cuối kinh “Kính mừng”, người Công giáo chúng ta cầu xin Mẹ Maria chuyển cầu cho mình “bây giờ và trong giờ lâm tử”, điều đó cho thấy rằng trong suốt cuộc đời mỗi người, Mẹ Maria là máng thông ơn mà qua đó ân sủng Chúa Kitô chảy vào Nhiệm Thể của Ngài. Sứ mệnh căn bản của Mẹ là luôn lôi kéo mọi người vào mối hiệp thông sâu sắc hơn với Con của Mẹ. Giáo hội xác tín rằng Đức Maria tiếp tục nói lời xin vâng với Thiên Chúa và “vội vã lên đường” trong các cuộc truyền giáo trên khắp thế giới, theo những cách âm thầm, kín đáo, đáp lại lời cầu nguyện và chuyển cầu cho Giáo hội. Nhưng đôi khi Mẹ cũng hành động đầy ấn tượng, can thiệp vào thế giới chúng ta cách độc đáo và rõ ràng.

Thiên Chúa yêu thích mời gọi những người cộng tác khác tham dự vào kế hoạch quan phòng muôn màu của Ngài, ban cho họ vinh dự được cộng tác với Ngài và những kế hoạch của Ngài. Đức Trinh nữ Maria, người nữ tì của Chúa, là người khiêm tốn nhất trong số những khí cụ khiêm tốn này – và do đó, Mẹ là khí cụ hiệu quả nhất.

CHẶNG THỨ V

ÔNG SIMON THÀNH XYRÊNÊ VÁC ĐỠ THÁNH GIÁ CHO CHÚA GIÊSU

Con lừa là một loài vật thồ hàng: một con vật khiêm tốn, giản dị được người dân sử dụng trong công việc. Những người giàu có và quyền lực có thể sở hữu ngựa hoặc bò; một nhà lãnh đạo chính trị có thể cưỡi trên một con chiến mã oai phong, nhưng ít người dùng đến lừa.

Suốt thời gian hoạt động công khai, Chúa Giêsu không muốn người ta tuyên bố Ngài là Đấng Mêsia. Ngài nghiêm khắc ra lệnh cho họ phải im lặng. Khi họ đến tôn Ngài làm vua, thì Chúa Giêsu lẩn tránh. Nhưng vào Chúa nhật Lễ Lá, Chúa Giêsu lại muốn được công bố là vua – chính xác vào thời khắc khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giêrusalem. Và Tin mừng nói rõ: đó là một con lừa con, mà trước đây chưa ai cưỡi. Nói cách khác, đây là một chú lừa non, thiếu kinh nghiệm, không mấy ấn tượng. Và đây là con vật mà Chúa Giêsu đã cưỡi để tiến vào thành trong sự khải hoàn.

Con lừa khiêm tốn, được dùng để phục vụ, là hình mẫu cho tư cách người môn đệ. Mục đích sống của chúng ta không phải là thu hút sự chú ý vào bản thân mình, không phải là một sự nghiệp rực rỡ, cũng không phải nâng cao thêm cái tôi của mình; đúng hơn, mục đích của chúng ta là phục vụ nhu cầu của Ông Chủ, cộng tác vào công trình của Ngài theo ý Ngài muốn. Nhiệm vụ của con lừa là gì? Đó là mang Chúa Kitô. Nó đã để Chúa Kitô cưỡi vào thành Giêrusalem, dọn đường cho cuộc Khổ nạn và cứu chuộc thế giới. Có ai đặc biệt chú ý đến nó không? Có lẽ là không, ngoại trừ việc con vật cục mịch này có lẽ trở thành trò cười cho người ta. Nhiệm vụ của mỗi người môn đệ là gì? Cũng giống như vậy: đó là trở thành người mang Chúa Kitô đến với thế giới. Người ta có thể không để ý đến chúng ta? Chắc chắn rồi. Nếu được chú ý thì liệu chúng ta có bị cười nhạo? Dĩ nhiên rồi. Nhưng Ông Chủ cần chúng ta, và vì vậy chúng ta thi hành nhiệm vụ thiết yếu của mình trong chương trình (Theo-drama) của Thiên Chúa.

Trong cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, một nhân vật đã họa lại hình ảnh của con lừa, đó là Simon người Xyrênê. Người La Mã không muốn Chúa Giêsu chết trước khi bị đóng đinh. Vì vậy họ ép một người đàn ông từ Xyrênê, ở Bắc Phi, có lẽ là một du khách đến Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua phải vác thánh giá với Chúa. Thật là khó khăn và nguy hiểm cho ông! Nhưng ông lại nắm bắt thời điểm này và đã vác thập giá, chịu cùng những đau khổ của Chúa Giêsu. Simon người Xyrênê hẳn còn có nhiều dự định khác cho cuộc đời mình, nhiều ước mơ và hoài bão khác. Nhưng vào chính giây phút quyết định, khi Ông Chủ cần đến, ông đã đáp lời.

Và câu chuyện của ông được kể lại cho đến ngày nay. Cuộc sống là những gì xảy ra với bạn trong khi bạn đang bận rộn lên những kế hoạch khác. Cuộc sống của bạn không phải là cho chính bạn. Hãy nhớ rằng: Ông Chủ cần bạn. Tất cả những gì bạn cần là đáp trả.

CHẶNG THỨ VI

BÀ VÊRÔNICA LAU MẶT CHÚA

Truyền thống kể rằng một người phụ nữ tên là Vêrônica đã lau máu và mồ hôi trên khuôn mặt Chúa Giêsu khi Ngài trên đường đến đồi Canvê; và thật kỳ diệu, Ngài đã in hình ảnh mình trên tấm khăn của bà.

Chúng ta thấy gì nơi khuôn mặt của Đức Kitô? Chúng ta thấy Con Thiên Chúa, Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Theo cách nói của thánh Phaolô, thì Thiên Chúa đã bày tỏ “sự hiểu biết vinh quang Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô”. Trong và thông qua nhân tính khiêm tốn của mình, thần tính của Chúa tỏa sáng. Sự gần gũi của thần tính và nhân tính không làm tổn hại sự toàn vẹn của nhân tính, trái lại còn chiếu tỏa hơn nữa vẻ đẹp của thần tính. Đây là phiên bản Tân ước của câu chuyện bụi cây bốc cháy. Chúa Giêsu, Đấng vừa có thần tính và nhân tính có sức thuyết phục con người khi truyền giáo. Nếu chỉ là Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu không chạm đến chúng ta; còn nếu chỉ là con người, thì Ngài không thể cứu chúng ta. Sự huy hoàng của Chúa Giêsu bao gồm sự phối hợp hai bản tính. Đây chính là Đức Kitô, Đấng muốn ngự trị như một Đức Chúa trong mọi trạng huống của toàn bộ đời sống chúng ta.

Trên tấm khăn của bà Vêrônica, chúng ta nhìn thấy Chiên Thiên Chúa đau khổ, Đấng xóa tội trần gian. Đức Chúa của sự sống đã đến, và bị chúng ta giết chết. Do đó, tất cả chiêu trò để tự biện minh như che giấu, phủ nhận, che đậy, giả tạo, bào chữa, ngụy biện vĩnh viễn không còn nữa. Sự bất thường của chính chúng ta đang được phơi bày nơi mọi vết thương trên thân thể Chúa Giêsu. Khi chúng ta hướng mình về sự rực rỡ của Đức Kitô chịu đóng đinh, mọi vết ố trên khung cửa sổ trong tâm hồn trở nên thật rõ ràng. Trên khuôn mặt đau khổ của Đức Kitô đang chịu đau đớn, chúng ta biết rằng có điều gì đó thật khủng khiếp đã xảy ra với mình; rằng không ai ổn cả; rằng chúng ta giống như những tù nhân bị xích xiềng bên trong nhà tù không có cách nào để trốn thoát; rằng chúng ta đang chiến đấu với chính mình; rằng Pharaô đã bắt ép dân Israel làm kẻ nô lệ và phục vụ; rằng chúng ta đang bị phán xét; và tất cả những gì chúng ta có thể làm là kêu lên, “Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến”.

Nhưng trên tấm khăn của bà Vêrônica, chúng ta cũng nhìn thấy dung mạo của lòng thương xót. Khi chúng ta lạc vào vùng đất lạnh lẽo và xa xôi của tội lỗi, tình yêu Thiên Chúa đã đến tìm gặp chúng ta; khi chúng ta chìm dưới sóng biển, tình yêu ấy càng lặn sâu hơn; khi chúng ta khép bản thân mình trong hang tối của sự tự tôn và tự trách mình, thì tình yêu ấy đã thu mình lại và tiến vào hang tối ấy với một ngọn nến. Đây là lý do tại sao người Kitô hữu chúng ta không che giấu khuôn mặt kinh khủng của Đức Kitô đang hấp hối, nhưng muốn cho thế giới thấy khuôn mặt ấy. Nơi những đau khổ cùng cực của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đang cất đi sự thống khổ của chúng ta. Chúng ta biết rằng bản thân không còn sống cho chính mình nữa mà chính Đức Kitô sống trong chúng ta; chúng ta nhận ra rằng không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Giáo hội không có một sứ vụ; Giáo hội là sứ vụ, và mục đích của nó là cầu xin dung mạo thương xót của Chúa Giêsu nhìn đến hết mọi người trên thế giới.

CHẶNG THỨ VII

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI

Dưới sức nặng của cây thập giá, Chúa Giêsu đã ngã xuống đất lần thứ hai.

Ngôn sứ Giêrêmia đã nói lên niềm khao khát và hy vọng mà chắc hẳn đã được in sâu vào tâm thức chung của dân tộc. Ông cho biết chính ĐỨC CHÚA cam kết rằng sẽ có một ngày chính Ngài sẽ hoàn thành giao ước và tha thứ tội lỗi của dân. Trong chương 31 của sách Giêrêmia, chúng ta thấy những lời lạ thường này: “Này sẽ đến những ngày –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng … chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta …. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó … Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta”. Tất cả các ngôn sứ đều biết rằng các giao ước mà Thiên Chúa đã lập với Israel – thông qua Ápraham, Môsê và Đavít – đã thất bại, vì sự bất trung của dân. Nhưng Giêrêmia mơ về một ngày, qua sự can thiệp trực tiếp của ĐỨC CHÚA, một dân Israel tín trung sẽ xuất hiện, một dân tộc có tấm lòng dành cho Thiên Chúa và xem Lề Luật không phải là sự áp đặt bên ngoài mà là niềm vui.

Việc canh tân này sẽ diễn ra như thế nào? Làm thế nào ĐỨC CHÚA khắc sâu Lề Luật nơi con cái Israel khiến họ dễ dàng thực thi giao ước? Để tìm câu trả lời, chúng ta phải lật lại một số bản văn bí ẩn trong sách ngôn sứ Isaia, những bản văn đặc biệt lôi cuốn những Kitô hữu đầu tiên. Chương 52 của sách ngôn sứ Isaia nhắc đến một nhân vật được gọi là “người tôi tớ của Thiên Chúa”, được miêu tả “sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng”. Các quốc gia trên địa cầu sẽ nhìn thấy Người trên địa vị nổi bật này, nhưng họ sẽ không nhìn thấy một trang chiến binh huy hoàng hay một người chiến thắng oai hùng. Thay vào đó, họ sẽ sửng sốt vì “mặt mày của Ngài tan nát chẳng ra người”. Chương 53 tiếp tục mô tả người tôi tớ này như sau: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên”. Và rồi lý do cho sự biến dạng và đau khổ của Người trở nên rõ ràng hơn: “chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta…. Người đã bị thương tích bầm dập vì những thù hận của chúng ta, đã bị đâm thâu vì chúng ta phạm tội, và Thiên Chúa đã đổ trên đầu Người tất cả tội lỗi của chúng ta”.

Tóm lại, “Người tôi tớ đau khổ” được trình bày như một nhân vật hiến tế, một người sẽ thay mặt toàn thể dân tộc hiến thân vì tội lỗi của nhiều người. Sự cao cả của Người sẽ không bao gồm sự độc lập cá nhân hay quyền lực chính trị, mà là từ bên trong, sẵn sàng mang lấy gánh nặng và diệt trừ sức mạnh của tội. Nói tóm lại, giao ước mà Giêrêmia đã từng nói (Lề Luật ghi khắc trong tâm hồn của dân) sẽ được thực hiện nơi người tôi tớ đau khổ mà Isaia trình bày.

CHẶNG THỨ VIII

CHÚA GIÊSU GẶP CÁC PHỤ NỮ THÀNH GIÊRUSALEM

 

Khi Chúa Giêsu bị điệu lên đồi Canvê, có nhiều người đã đi theo, gồm cả những phụ nữ thành Giêrusalem đang khóc thương Ngài. Chúa Giêsu quay lại nhìn các bà, Ngài dùng những lời của vị thẩm phán đối với thế gian mà phán: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu”.

Kinh thánh khẳng định Chúa Giêsu là vị thẩm phán chỉ cho chúng ta thấy mình là tội nhân, nhưng Ngài cũng là Đấng Cứu Độ ban cho chúng ta con đường thoát khỏi tội. Khi quên mất một trong hai điểm nhấn này, đường thiêng liêng của chúng ta sẽ bị tổn hại, bởi vì hoặc chúng ta sẽ quá tự mãn, hoặc chúng ta sẽ quá khiếp sợ. Khi cả hai đều được nhấn mạnh, thì đường thiêng liêng của chúng ta sẽ mở ra, vì chúng ta biết rằng mình phải bước đi và có thể bước đi.

Nơi Đức Giêsu Nadarét, Lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, nghĩa là cách thức Thiên Chúa hiện hữu đã xuất hiện trong thời gian và không gian. Thư gửi tín hữu Côlôsê nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu là “hình ảnh hoàn hảo”, là họa ảnh của Chúa Cha. Do đó, chính sự xuất hiện của Ngài là một thách đố cho những gì không phù hợp với cách thức của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa, trật tự thần linh ở nơi Ngài, và do đó, sự hiện diện của Ngài là ánh sáng phơi bày tất cả những hỗn loạn của vương quốc trần gian. Theo nghĩa này, mọi hành động và lời nói của Chúa Giêsu đều cấu thành lời phán xét của Thiên Chúa đối với thế gian, vì cách Ngài phản đối những địch thủ đã làm lộ rõ bản chất rối loạn nơi họ. Gioan Tẩy Giả đã sử dụng một hình ảnh sắc sảo khi loan báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế: “Người cầm nia trong tay và rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12).

Vào thế kỉ thứ nhất, người Palestine đem lúa mới thu hoạch vào sân kho, rồi dùng nia tung lúa lên để tách trấu ra khỏi lúa. Vì thế, sự hiện diện của Chúa Giêsu như là một tác nhân để phân tách và sàng lọc nhân loại.

Sự phán xét của Thiên Chúa hiện rõ nơi cái chết đau đớn của Chúa Giêsu. Ngài bị giết theo lệnh của tổng trấn Rôma và dưới sự chấp thuận của thể chế tôn giáo. Thánh Phêrô đã đưa biến cố này vào lời công bố sớm nhất trong sách Công vụ Tông đồ: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3,15). Dĩ nhiên, lời rao giảng của thánh Phêrô hàm ý những kẻ giết Đức Giêsu, những kẻ được Tin mừng nói đến như kẻ thù của sự sống. Và như thánh Phêrô biết rõ, những người “anh em” trong lời rao giảng của ngài không chỉ gồm các giai cấp thống trị của Rôma và Do Thái, mà còn là tất cả mọi người, kể cả những môn đệ thân thiết nhất của Chúa Giêsu.

Các nhóm xã hội thời Chúa Giêsu, gồm những người Pharisêu, Sađốc, nhóm quá khích, phái Essenô, tư tế đền thờ, quân xâm lược Rôma và thậm chí các môn đệ Chúa Giêsu, có điểm chung là cuối cùng họ đều chống lại Ngài. Vào giây phút quyết định, “tất cả họ đều chạy trốn”. Bod Dylan nói rằng: “Kẻ thù trước mắt tôi đang ẩn mình trong tấm áo choàng của sự tử tế”. Mánh khóe tội nhân yêu thích là quấn mình trong lớp vỏ của người tử tế. Chúa Giêsu là vị thẩm phán đã xé bỏ tấm áo choàng ấy, “mạc khải” sự thật của mọi sự. Bất cứ khi nào chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng, với mình tất cả đều tốt đẹp, hãy giữ lấy thập giá của Chúa Giêsu và để cho ảo tưởng của mình chết đi.

CHẶNG THỨ IX

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ BA

Tại sao Chúa Giêsu mang lấy sức nặng khủng khiếp của thập giá đến nỗi Ngài không chỉ ngã xuống đất một lần, hai lần mà đến ba lần?

Bởi nếu chỉ nói đến sức nặng của tội lỗi từ xa, qua cảm nghiệm thần linh, thì sẽ không thực sự chiến thắng nó; nhưng khi có sự hoàn toàn tùng phục của một người, thì nó sẽ bị nổ tung từ bên trong, bị phá đổ, bị đánh bại một cách hiệu quả. Đây là đường lối của Chúa Giêsu, là Chiên Thiên Chúa.

Chúng ta thấy điều đó trong một số tường thuật của Tin mừng, Chúa Giêsu kiệt sức sau khi gặp gỡ những người bệnh tật, những kẻ tội lỗi, hư mất. Ở phần đầu Tin mừng Máccô, chúng ta nghe kể về một ngày điển hình trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Mọi người chen lấn tư bề, khiến Chúa phải lánh lên một chiếc thuyền để tránh bị đám đông xô đẩy, và có lúc, những người khẩn cầu ân huệ vây quanh đến nỗi Ngài không có cả thời gian để ăn uống. Thánh Máccô cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện, nhưng ngay cả ở đó, đám đông cũng tìm ra và tuôn đến với Ngài.

Trong câu truyện tuyệt vời về người phụ nữ bên bờ giếng theo Tin mừng Gioan, chúng ta nghe thấy Đức Giêsu ngồi nghỉ ngơi bên bờ giếng Giacóp, vì “Người đi đường mệt mỏi”. Lời văn diễn tả những gì đã thực sự diễn ra: ai lại không mệt mỏi sau một buổi sáng đi bộ qua vùng đất khô cằn? Nhưng như thánh Augstinô và những vị khác đã nhắc chúng ta nhớ, ở đây còn có một ý nghĩa ẩn dụ khác. Chúa Giêsu mệt mỏi vì hành trình nhập thể vào thế giới tội lỗi và rối loạn của con người như được diễn tả qua hình ảnh giếng nước. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: “Ai uống nước giếng này, sẽ lại khát”. Ngài cho chị thấy giếng là biểu tượng của ước muốn sai lầm, xu hướng muốn lấp đầy lòng khao khát Thiên Chúa bằng những thụ tạo chóng qua như tiền bạc, thú vui, quyền lực và danh dự.

Để tạo nên một thay đổi nơi người phụ nữ, Chiên Thiên Chúa đã phải sẵn lòng bước vào thế giới hỗn loạn và chia sẻ sự mệt mỏi tinh thần của chị. Tác giả J. R. R. Tolkein đánh giá rất cao động lực hy sinh này của Chúa Giêsu. Ông diễn tả hình tượng Đức Kitô vĩ đại qua nhân vật Frodo người Hobit [nhân vật chính trong tiểu thuyết Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn, đã cứu cả vùng Trung Địa khi tiến vào trung tâm và tước bỏ quyền lực sự chết khỏi vùng đất Mordor khủng khiếp đó bằng sự sẵn sàng và khiêm tốn mang lấy gánh nặng của nó.

Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ báo trước hy tế cuối cùng của Chiên Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa và gia đình nhân loại của Ngài có thể một lần nữa dễ dàng gắn kết với nhau trong mối hiệp thông, thì kẻ thù cuối cùng bị đánh bại chính là cái chết.

Theo một nghĩa rất thực tế, cái chết (và nỗi sợ hãi cái chết) đứng đằng sau tất cả tội lỗi, và do đó, Chúa Giêsu phải tiến vào vương quốc sự chết, và qua hy tế, Ngài biến nó thành sự sống. Vô số anh hùng trong dòng lịch sử nhân loại đã cố gắng chinh phục vương quốc đó bằng cách sử dụng vũ khí, chiến đấu với bạo lực bằng bạo lực, và chiến đấu với thù hận bằng thù hận. Nhưng chiến lược này đã (và vẫn đang) vô vọng. Kế hoạch chiến đấu của Chiên Thiên Chúa lại vô cùng nghịch lý: Ngài sẽ chiến thắng cái chết bằng chính cái chết.

CHẶNG THỨ X

CHÚA GIÊSU BỊ LỘT ÁO

Quân lính phân chia áo Chúa Giêsu thành bốn phần, mỗi người một phần, còn áo dài thì chúng bắt thăm, để ứng nghiệm lời Thánh vịnh: “Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài cũng bắt thăm luôn”. Chúa Giêsu bị tước bỏ mọi thứ: danh tiếng, sự thoải mái, quý trọng, thức ăn, nước uống – và thậm chí cả chiếc áo Ngài đang mặc.

Thánh Tôma Aquinô nói rằng, nếu muốn thấy minh họa hoàn hảo về các mối phúc, hãy nhìn lên Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá. Ngài đã nêu rõ nhận định này như sau: nếu bạn muốn là người có phúc, hãy xem thường những gì Chúa Giêsu xem thường và yêu mến những gì Ngài yêu mến trên thập giá.

Chúa Giêsu đã khinh thường điều gì trên thập giá nếu không phải là các đam mê thâm căn cố đế của loài người, giàu có, khoái lạc, quyền lực và danh vọng? Gốc rễ của tội là sợ hãi, đặc biệt là sợ chết. Để chống lại nỗi sợ đó, người ta thổi phồng cái tôi, điểm tô nó bằng sự tán dương của người đời hoặc chất đầy nó với những hàng hoá trần tục. Nhưng Chúa Giêsu chịu đóng đinh hoàn toàn tách biệt khỏi của cải và những gì thuộc về thế gian. Ngài bị lột trần, và đôi tay bị đóng vào gỗ thánh giá, nên không thể cầm nắm được gì cả. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu cũng tách mình khỏi những khoái lạc.

Trên thập giá, Ngài đã nếm trải loại cực hình đau đớn nhất về thể xác, một nỗi đau đớn tột cùng theo đúng nghĩa của nó, nhưng Ngài cũng cảm nghiệm đau khổ tột cùng về mặt tâm lý và thậm chí là cả mặt thiêng liêng nữa. Chúa Giêsu bị tước đi quyền lực, thậm chí đến mức không thể cử động hoặc tự vệ bằng bất kỳ cách nào. Cuối cùng, trên thập giá khủng khiếp đó, Ngài đã hoàn toàn tách mình khỏi những lời ca tụng của người khác. Tại một nơi người qua kẻ lại không xa cổng thành Giêrusalem, Ngài bị treo trên khổ giá, phải hứng chịu những lời nhạo báng của đám đông, bị phơi bày ra trước mặt dân chúng như một tên tội phạm tiêu biểu. Ngài đã phải trải qua một sự sỉ nhục hiếm thấy.

Do đó, một cách thâm sâu nhất, Đấng chịu đóng đinh đã thoát khỏi bốn cám dỗ tiêu biểu khiến loài người phải xa lìa Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã diễn tả điều này bằng ngôn từ sống động: “Ngài đã đóng đinh tội lỗi của chúng ta vào thập giá”.

Nhưng Chúa Giêsu đã yêu mến những gì trên thập giá? Ngài yêu mến thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến nơi xa nhất của sự khốn cùng để mang tình yêu Thiên Chúa đến cả nơi tăm tối nhất, và Chúa Giêsu đã yêu mến sứ mệnh đó đến cùng. Chính vì khước từ bốn cám dỗ lớn lao của kiếp người mà Chúa Giêsu đã thực hiện được sứ vụ đó. Trên thập giá, những gì Ngài yêu thích và xem thường có sự hài hòa kỳ lạ. Tinh thần nghèo khó, hiền lành, sầu khổ và sự bắt bớ, đã làm cho Chúa Giêsu có được tấm lòng trong sạch, hết sức tìm kiếm lẽ công chính, trở thành người kiến tạo hòa bình vô song, và là nơi chuyển thông hoàn hảo lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho thế giới. Mặc dù có vẻ cực kỳ nghịch lý, nhưng Chúa Giêsu chịu đóng đinh thực sự là người có phúc, là người thực sự hạnh phúc. Chúa Giêsu bị lột áo và bị đóng đinh vào thập giá là biểu tượng của sự tự do, vì không gì có thể ràng buộc, ngăn cản Ngài đạt được điều thiện hảo đích thực, tức là làm theo ý muốn của Chúa Cha.

CHẶNG THỨ XI

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH

Trên thập giá, Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Chết trên khổ giá của người Rôma, Chúa Giêsu cho phép toàn bộ sức mạnh thù hận cũng như rối loạn của thế giới tác động, và làm Ngài kiệt quệ. Ngài đã đáp trả không phải bằng bạo lực hay oán hận, mà bằng sự tha thứ. Vì vậy, Ngài đã xóa tội trần gian, nhấn chìm nó vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong Tin mừng Luca, Chúa Giêsu tự so sánh mình với gà mẹ mong muốn quy tụ gà con dưới cánh của mình. N.T. Wright nhận xét rằng đây không chỉ là một hình ảnh ủy mị, nhưng nói đến hành động của gà mẹ khi có nguy hiểm ập đến đàn gà con. Gà mẹ sẽ dùng thân mình như lá chắn, che chở đàn con an toàn dưới cánh. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã dùng chính thân thể hy tế của Ngài làm lá chắn, hứng chịu toàn bộ sức mạnh thù hận và bạo lực của thế gian. Ngài đã tiến vào nơi chốn của tội (vì ở đấy Ngài tìm thấy tội nhân là chúng ta) và để cho sức nóng và cơn thịnh nộ của tội hủy hoại chính mình khi Ngài dang cánh tay bảo vệ chúng ta. Suy gẫm hình ảnh ẩn dụ trên, chúng ta có thể đặc biệt hiểu rõ, tại sao những Kitô hữu sơ khai lại liên kết Chúa Giêsu chịu đóng đinh với người tôi tớ đau khổ của Isaia. Bằng cách chịu đựng sự đau đớn thập giá, Chúa Giêsu đã thực sự gánh lấy tội chúng ta; chính vì Ngài đã mang thương tích mà chúng ta đã được chữa lành.

Qua hy tế cuối cùng của vị Thượng tế Giêsu, sự sống đời đời đã được ban cho toàn thể nhân loại. Hy tế thánh lễ là tham dự vào hành động vĩnh cửu vĩ đại này, qua đó Chúa Giêsu đại diện chúng ta bước vào cung thánh trên trời với chính máu của Ngài và bước ra với sự tha thứ của Chúa Cha. Khi vị thượng tế ra khỏi cung thánh và rảy máu trên dân, ngài đang hành động nhân danh ĐỨC CHÚA, đang canh tân công trình tạo dựng. Hy tế tối hậu đã được dâng lên, Chúa Kitô Linh mục hiện diện trong mỗi thánh lễ với bửu huyết của mình, và vũ trụ được phục hồi. Các hành động của vị linh mục tại bàn thờ là biểu hiện mang tính biểu tượng của thực tại mầu nhiệm này, đó là lý do tại sao linh mục được mô tả là đang hành động nhân danh Đức Kitô (in persona Christi).

Mặc dù chỉ mình linh mục thừa tác mới có thể chủ tế thánh lễ và truyền phép Thánh Thể, nhưng tất cả những người đã được rửa tội cũng đều tham dự vào thánh lễ theo cách thức của một tư tế. Họ thi hành chức tư tế của mình thông qua lời cầu nguyện và thưa đáp, đặc biệt theo Hiến chế Lumen Gentium, bằng cách hợp nhất những hy tế và đau khổ cá nhân với hy tế cao cả của Chúa Kitô. Vì vậy, một người cha chứng kiến sự đau đớn của đứa con trai trong bệnh viện; một người mẹ chịu đựng sự nổi loạn của đứa con gái đang tuổi mới lớn; một người trai trẻ nhận được tin người anh tử trận; một người đàn ông lớn tuổi trằn trọc lo lắng suy nghĩ về tình hình tài chính bất ổn của mình; một nghiên cứu sinh chật vật hoàn thành luận án tiến sĩ; một đứa trẻ lần đầu trải qua sự tan vỡ của một tình bạn thân thiết; một người theo chủ nghĩa lý tưởng đương đầu với sự phản kháng ngoan cố của một đối thủ hoài nghi. Những người này có thể xem đau khổ của họ đơn thuần chỉ là nỗi đau đớn ngu ngốc, là rác rưởi của một vũ trụ thờ ơ. Hoặc họ có thể nhìn những đau khổ của mình qua lăng kính cái chết hy tế của Chúa Giêsu, khi xem đó như là phương tiện mà Thiên Chúa dùng để lôi kéo họ đến gần với Ngài.

CHẶNG THỨ XII

CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ

Theo Tin mừng Máccô, điều cuối cùng chúng ta nghe từ Chúa Giêsu là một tiếng kêu: “Chúa Giêsu kêu lên một tiếng lớn rồi gục đầu tắt thở”. Nhưng trong Tin mừng Gioan vốn thường nhấn mạnh đến chức tư tế của Chúa Giêsu, chúng ta lại nghe được lời có tính phụng vụ ngay trước khi Ngài trút hơi thở. Trong bản tiếng Latinh, đó là câu consummatum est: nghĩa là mọi sự đã hoàn tất. Điều đó khẳng định rằng một công việc đã được thực hiện, một điều gì đó đã được hoàn thành. Trong Tân ước chúng ta thường nghe đến hạn từ ứng nghiệm: “để Kinh thánh được ứng nghiệm” và “ứng nghiệm lời Kinh thánh”. Chúa Giêsu tự xem mình như là cao trào của một câu chuyện, là chương cao điểm của một tiểu thuyết, là điểm mấu chốt của một vở kịch lớn. Nếu không biết những diễn biến của vở kịch, chúng ta sẽ không biết Ngài.

Và vở kịch này liên quan đến công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi xướng khi tạo dựng dân tộc Israel theo ý muốn của Ngài. Khi thế gian chệch đường vì tội lỗi, Thiên Chúa đã cố gắng tạo lập một gia đình có thể nhận biết và tôn thờ Ngài một cách đúng đắn. Tiến trình này bắt đầu với Ábraham và giao ước mà Thiên Chúa đã ngỏ lời với ông, rồi tiếp tục ngang qua Môsê và Đavít, khi Thiên Chúa bảo đảm với họ các giao ước tiếp theo. Chúa muốn hình thành một dân tư tế, một dân tộc ngay chính, một lời ca tụng đúng đắn. Dân tộc có trật tự như vậy sẽ trở thành nam châm thu hút các quốc gia khác trên thế giới. “Núi Xion, bồng lai cực bắc, từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây”. Dù Thiên Chúa luôn tín trung, nhưng Israel thì lại “đung đưa”, hay thay đổi. Dù các ngôn sứ kêu gọi họ quay về trung thành giữ giao ước, nhưng họ đã không nghe. Dù được thiết lập như một nơi chính đáng để ca ngợi, Đền thờ đã trở nên thối nát. Và Israel không phải là thỏi nam châm thu hút các quốc gia khác, nhưng đúng hơn là bệ đỡ và tôi tớ của các quốc gia ấy. Israel làm nô lệ cho Ai Cập, bị các đế quốc Assyri, Babylon, Hy Lạp và Rôma giày xéo. Thêm vào đó, các chi tộc của Israel, thay vì tập hợp lại quanh núi Sion, lại bị phân tán. Và vì thế, Israel bắt đầu mơ về một vị Vua Đavít mới, một nhân vật sẽ thành toàn mọi kỳ vọng của dân và hoàn tất việc cứu thoát của Thiên Chúa.

Tác giả Tin mừng Gioan là một bậc thầy châm biếm, và một trong những điều khéo léo tuyệt với nhất của ông là tấm bảng mà Phongxiô Philatô đặt trên thập giá khi Chúa Giêsu đang hấp hối: Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum (Giêsu Nazarét, Vua dân Do Thái). Tất nhiên, Tổng trấn Rôma có ý xem đó như một lời chế nhạo, nhưng tấm bảng – được viết bằng ba ngôn ngữ chính lúc bấy giờ, Do Thái, Latin và Hy Lạp – trên thực tế vô tình đã khiến Philatô trở thành người đầu tiên rao giảng Tin mừng. Trong Cựu ước, vua dân Do Thái được mệnh danh là vị vua của thế giới – và đây chính là điều mà Philatô đã công bố một cách hết sức hiệu quả. Ngay tại đồi Canvê, khi chỉ còn lại ba thành viên, cộng đoàn Giáo hội của Chúa Giêsu vẫn mang tính công giáo, vì Giáo hội đã được định sẵn để đón nhận tất cả mọi người. Vào Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ đang tụ họp trong Nhà Tiệc ly đã được đầy tràn Thánh Thần và bắt đầu rao giảng Tin mừng. Thật kỳ diệu, những người có mặt tại Giêrusalem để tham dự lễ Lều đã nghe tiếng các môn đệ rao giảng bằng ngôn ngữ của mình. Các giáo phụ thấy rõ đây là sự đảo ngược của lời chúc dữ của tháp Babel, khi ngôn ngữ duy nhất của loài người bị phân chia, và vì thế, con người chống lại nhau. Giờ đây, qua lời loan báo của Vương quyền Chúa Giêsu, nhiều ngôn ngữ lại trở thành một duy nhất, vì xuyên mọi thời và mọi nơi, đây là sứ điệp mà mọi người đều nghe: Chúa Giêsu là vị Vua mới.

CHẶNG THỨ XIII

THÁO XÁC CHÚA GIÊSU KHỎI THẬP GIÁ VÀ TRAO CHO ĐỨC MARIA

Sau khi bị đóng đinh, Chúa Giêsu được tháo khỏi thập giá và đặt trong tay Đức Mẹ – bức tượng Pietà (Mẹ sầu bi) của Michelangelo đã khắc họa lại cảnh tượng nổi tiếng này.

Qua nhiều thế kỷ, các học giả và những người ngưỡng mộ đã chú ý đến vẻ thanh thoát và tươi trẻ trên khuôn mặt của Đức Maria nơi tác phẩm Pietà. Chúng ta đoán chừng, Đức Maria ít nhất đã bốn mươi bốn hoặc năm mươi tuổi khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Tuy nhiên, Michelangelo lại diễn tả Mẹ như một phụ nữ trẻ trẻ, có lẽ ở độ tuổi đôi mươi.

Những gì Michelangelo cho chúng ta thấy không chỉ là Đức Maria lịch sử nhưng, là Đức Maria như Evà mới, một người mẹ trẻ mãi không già của Giáo hội. Trong suốt cuộc đời, Michelangelo say mê nhà thơ Dante. Ở phần cuối của tác phẩm Divine Comedy [Thần khúc], chúng ta tìm thấy một dòng thơ nổi tiếng, được đặt trên môi của Thánh Bernarđô khi hát lên lời ca ngợi Mẹ Thiên Chúa: “Mẹ đồng trinh, nữ tử của Con Mẹ, khiêm tốn và cao trọng hơn mọi loài thụ nào”. Vì Con của Mẹ, theo xác thể, cũng là Ngôi Lời thần linh mà nhờ Ngài muôn vật được tạo thành, Đức Maria đích thực vừa là Mẹ vừa là nữ tử của Chúa Kitô. Michelangelo đã gợi lên mối tương quan độc nhất tuyệt đối này nơi sự trẻ trung của Mẹ Chúa Giêsu.

Từ góc nhìn hoàn toàn theo hướng cấu trúc, điểm đặc biệt nhất của tượng Pietà là cách Michelangelo điều chỉnh để làm cho hình ảnh Chúa Giêsu và Đức Mẹ trông vừa tự nhiên vừa tinh tế, mặc dù trên thực tế, những gì chúng ta nhìn thấy là một người phụ nữ đang đỡ lấy thân xác của một người đàn ông trưởng thành trong lòng mình. Thực tế là hình thể của Đức Maria lớn hơn đáng kể so với hình thể của Đức Giêsu. Mẹ ôm trọn Đức Giêsu. Theo những lời tuyệt vời của nữ tu Wendy Beckett, Mẹ giống như một ngọn núi vĩ đại, và thân xác của Đức Giêsu giống như một dòng sông chảy xuống. Các giáo phụ đã so sánh Đức Maria với Hòm bia Giao ước chứa Mười Điều Răn, mà dân Israel xưa xem là nơi Thiên Chúa hiện diện. Vì vậy, Đức Maria, Đấng đã cưu mang Ngôi Lời nhập thể trong lòng mình, đã trở thành Hòm bia Giao ước cách tuyệt vời.

Theo các trình thuật của Tin mừng, sau khi sinh Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã đặt con vào một máng cỏ, nơi để thức ăn cho loài vật. Vào đỉnh cao của cuộc đời, Chúa Giêsu trở thành lương thực cho sự sống thế gian. Michelangelo đã miêu tả tay trái của Đức Maria với cử chỉ dâng hiến, như thể Mẹ đang trao ban Con của Mẹ như một món quà. (Đặc biệt cử chỉ này cũng có nơi phân cảnh gây gợi hình trong bộ phim Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô khi Đức Maria, với vết máu Chúa Giêsu, dâng hiến Con Mẹ cho và vì chúng ta.) Tay phải Mẹ đỡ lấy Con mình nhưng chỉ chạm vào cách gián tiếp, qua tấm áo của Mẹ. Cả hai hình ảnh này đều quy chiếu về Thánh Thể. Giáo hội không ngừng dâng hiến thân xác Chúa Giêsu dưới hình bánh rượu. Và khi ban phép lành chầu Thánh Thể, vị linh mục chỉ chạm vào mặt nhật qua một tấm khăn choàng. Hãy nhớ rằng vật phẩm phụng vụ nghệ thuật là nhằm trang hoàng bàn thờ – tức là gắn liền với việc cử hành thánh lễ. Những gì chúng ta thấy nơi tác phẩm Pietà, hình ảnh Đức Mẹ đồng trinh ôm Con mình, là những gì chúng ta thấy nơi thánh lễ – cụ thể là việc dâng thân xác của Chúa Giêsu chịu đóng đinh vì sự sống của thế gian.

CHẶNG THỨ XIV

MAI TÁNG CHÚA GIÊSU TRONG MỒ

Giuse Arimathê, một người mến mộ Chúa Giêsu cách kín đáo, đã can đảm đến xin xác Chúa, và nhóm phụ nữ cùng đi với Chúa Giêsu từ Galilê đã nhìn xem cẩn thận nơi Chúa được mai táng. Khi những đối thủ vây chặt Ngài, đến cả những môn đệ thân thiết nhất cũng sợ hãi bỏ chạy, thì những phụ nữ này đã ở lại với Chúa Giêsu cho đến cuối cùng. Thánh Luca khéo léo trình bày các phụ nữ đã “đi theo” vào nơi táng xác Chúa Giêsu, cho thấy họ là những môn đệ trọn vẹn và không hề thay đổi. Chúa Giêsu muốn đi đến thập giá vì yêu mến thánh ý Chúa Cha, và do đó, những ai yêu mến Chúa – những ai muốn những gì Ngài muốn – cũng đi đến tận cùng kết cục cay đắng như vậy. Trong Tin mừng Gioan, chúng ta nghe kể rằng Chúa Giêsu được chôn cất trong ngôi mộ mới nằm trong một khu vườn, báo hiệu vườn Địa đàng mới, con đường trở lại khu vườn từ đó chúng ta đã bị đày ải vì tội.

Như bất kỳ người viếng mộ nào, ba người phụ nữ đến mộ mang theo dầu với ý định tôn kính xác Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tưởng tượng là sau đó, các bà thinh lặng ngồi tôn kính, suy ngẫm về cuộc đời và lời nói của một người bạn, thán phục trước cái chết bi thảm của Ngài.

Nhưng ngôi mộ này có dấu hiệu bất thường. Trước hết các bà nhận thấy tảng đá đã lăn ra khỏi cửa mồ. Có thể bọn trộm mộ đã làm như vậy, hoặc một kẻ nào đó đã cố gắng phá hoại và báng bổ ngôi mộ. Ý tưởng đầu tiên lóe lên nơi các bà là ai đó đã phá hoại ngôi mộ.

Sau đó, Kinh thánh nói rằng, “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi”. Ngôi mộ này không phải là cội nguồn của bình an và thanh thản, tĩnh lặng và suy niệm chiêm ngắm. Ngôi mộ này là nguồn gốc của khiếp sợ và nổi dậy. Thông thường, ngôi mộ là nơi cuối cùng và không thể tránh khỏi; còn ngôi mộ của Chúa Giêsu là nơi của điều mới mẻ gây sốc đến mức làm người ta hoảng loạn. Từ ngôi mộ của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng những quy luật tưởng là tự nhiên không còn là quy luật nữa, và những gì luôn chuyển động theo cách này thì giờ đây lại theo cách khác. Một số người nghĩ rằng họ sẽ làm cho sự Phục sinh trở nên dễ hiểu hơn, dễ chấp nhận hơn đối với con người hiện đại, nếu xem đó như câu chuyện phúng dụ, biến thành một biểu tượng mơ hồ về sự nghiệp bền bĩ của Chúa Giêsu. Nhưng khi đó ngôi mộ của Chúa sẽ không làm người ta kinh hãi nữa mà là ngôi mộ của sự buồn bã, tiếc nuối và an phận như nấm mồ của bất kỳ anh hùng bình thường nào khác.

Việc loan báo Tin mừng liên quan đến việc Chúa Giêsu Kitô phục sinh từ cõi chết. Trên mỗi trang Tân Ước, người ta có thể nhận ra một sự phấn khích từ một điều hoàn toàn mới lạ và bất ngờ: đó là Đức Giêsu Nadarét, Đấng đã chết trên thập giá và được mai táng trong mộ, đã được cho sống lại nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Mọi thứ khác trong đời sống Kitô giáo đều bắt nguồn và liên quan đến ngôi mộ trống này.

Tải bản văn tại đây

Lm. Phêrô Bùi Đức Trịnh
Chuyển ngữ từ: wordonfire.org
Nguồn: giaophannhatrang.org (21.03.2023)

Để lại một bình luận