WHĐ (14/8/2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 43: KINH LẠY CHIÊN THIÊN CHÚA
I/ NGHI THỨC
Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “Xin ban bình an cho chúng con (x. NTTL 129-130; QCSL 83, 155).
II/ LỊCH SỬ – Ý NGHĨA
Đầu tiên nghi thức bẻ bánh được cử hành trong thinh lặng, nhưng về sau, đến thời phụng vụ Chặng viếng, do hành động bẻ bánh thường kéo dài, cho nên để lấp đầy nghi thức này hầu giúp giáo dân khỏi bị chia trí, hướng tâm hồn họ lên với Chúa, theo sách Liber Pontificalis cho biết, Đức Sergio I (687-701) đã truyền hát kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” (Agnus Dei) đang lúc bẻ bánh làm cho Agus Dei trở thành bài ca đi kèm với hành động bẻ bánh.[1] Là người Syria, sinh trưởng tại Palermo, có lẽ Đức Sergio I đã vay mượn bài ca này từ nghi điển Syria rồi đưa vào nghi điển Roma nhằm hai mục đích. (1) Thứ nhất, dùng bài hát này cho nghi thức bẻ bánh vì bẻ bánh biểu trưng cho cái chết của Đức Giêsu đúng như tư tưởng thần học của lời kinh “Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hiến tế vì chúng ta”; (2) Thứ hai, nhằm đối lại với Công đồng In Trullo (692) vốn dĩ cấm dùng hình ảnh con chiên để nói về Đức Giêsu Kitô (Canon 82 – Mansi XI, 977) trong khi truyền thống của nhiều nguồn bên Đông phương lại quy chiếu Bánh Thánh với “Chiên”.[2]
Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa bao gồm 2 câu: (1) Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian; (2) Xin thương xót chúng con/Xin ban bình an cho chúng con:
1/ Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian
Câu “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” có nguồn Kinh Thánh từ câu nói của thánh Gioan tẩy giả khi giới thiệu cho người ta biết Chúa Giêsu là Đấng gánh tội trần gian (x. Ga 1,29.36). Điều này đã được ngôn sứ Isaia tiên báo về người Tôi tớ Đau khổ trong sách tiên tri Isaia, Đấng giải phóng dân Ngài bằng phương cách đau khổ và nhẫn nại của mình (Is 53,7). Ngay từ thời Hội Thánh sơ khai, người ta đã hiểu được rằng người tôi tớ và con chiên trong sách Ngôn sứ Isaia chính là hình ảnh Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại.[3] Quả thật, Ngài chính là Chiên Vượt Qua như tường thuật của thánh Gioan về những người lính đưa xác Đức Giêsu từ trên thánh giá xuống, vì biết Ngài đã chết thật nên họ không đánh dập ống chân Ngài nữa, điều này thực ứng hợp với Chiên Vượt Qua trong sách Xuất hành (12,46) mà lệnh Chúa truyền rằng: “Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó” (x. 1Cr 5,7; Ga 19,36).[4] Ngoài ra còn một số bản văn Kinh Thánh khác diễn tả Chúa Kitô là Chiên Thiên Chúa bị sát tế vì chúng ta, Ngài là Đấng xóa tội trần gian. Chẳng hạn, khi nói về lễ Vượt qua cũ, thánh sử Luca nhắc nhớ chúng ta về sự nối kết giữa chiên bị sát tế và bánh không men (x. Lc 22,7); thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là “Chiên Vượt Qua của chúng ta”, “Đấng đã bị sát tế” (1Cr 5,7); thánh Phêrô nói đến công trình cứu chuộc con người “nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,19). Sách Khải huyền gán cho Chúa Giêsu là Con Chiên bị đem đi làm thịt, là Con Chiên đã bị giết và máu Ngài tẩy sạch y phục của các thánh nhân, nhưng Ngài cũng là Đấng đã chiến thắng tử thần và Satan, Đấng hằng sống, Đấng thống trị trời và đất, để rồi Ngài trở thành đối tượng của sự phụng thờ cho mọi người được mời đến dự tiệc cưới của Con Chiên (x. Kh 5,6tt; 7,14; 12,11; 13,8; 19,9; 22,14).[5]
2/ Xin thương xót chúng con/Xin ban bình an cho chúng con
Câu “Xin thương xót chúng con” tương tự như kinh Kyrie trong phần nghi thức đầu lễ được cho là có nguồn gốc từ Thánh vịnh 51 cũng như từ Tân Ước trong đoạn nói về hai người mù kêu xin Chúa Giêsu thương xót (x. Mt 9,27; 20,30-31); người mù ăn xin tên là Batimê (x. Mc 10,46-48; Lc 18,38-39) và 10 người phong cùi cũng đã làm như vậy (x. Lc 17,13).
Ban đầu, bài Lạy Chiên Thiên Chúa được dân chúng và các giáo sĩ trợ lễ hát, và được lập lại bao lâu nếu cần để đi kèm với việc bẻ bánh vốn kéo dài rất lâu vào thời đó. Với sự phát triển các giai điệu phức tạp, cũng giống như Alleluia, bài ca này dần dần chỉ dành riêng cho ca đoàn. Khi số người rước lễ sụt giảm, và hơn nữa, khi bánh không men và có kích thước nhỏ thay cho bánh có men (thế kỷ IX-X), thì hành động bẻ bánh được rút ngắn lại mà không mang tầm quan trọng nữa khiến cho việc hát Agnus Dei bị lấn cấn. Kết quả là khoảng năm 1000, người ta chỉ cần hát bản văn 3 lần theo quy định mới. Ban đầu, ca từ không thay đổi trong mỗi lần khẩn xin. Nhưng từ thế kỷ X, lần khẩn xin cuối cùng “Xin thương xót chúng con” được đổi thành “Xin ban bình an cho chúng con”(dona nobis pacem), có lẽ là kết quả của sự nối kết bài ca Lạy Chiên Thiên Chúa với cử chỉ hôn chúc bình an vào thế kỷ IX mà được chuyển từ trước lúc bẻ bánh sang sau khi bẻ bánh.[6] Vào năm 1281, Công đồng Salzburg muốn rằng khi hát “Xin ban bình an cho chúng con” thì mọi người phải cầu xin Thiên Chúa giải thoát thánh địa trước nguy cơ Hồi giáo. Trong Thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời trước đây, người ta hát rằng: “Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian, xin cho họ được an nghỉ” và lần thứ III thì thêm “muôn đời”, nhưng nay không còn nữa.[7]
Trong Sách lễ 1474 và 1570, hành động bẻ bánh diễn ra trước kinh Lạy Chiên Thiên Chúa và vị tư tế đấm ngực 3 lần đang lúc đọc lời kinh này. Ngày nay, kể từ Sách lễ 1970, cử điệu đấm ngực không còn nữa, đồng thời kinh Lạy Chiên Thiên Chúa được hát hay đọc đi kèm với nghi thức bẻ bánh và việc hòa Mình Thánh vào Máu Thánh đúng như QCSL 83 hiện nay xác định: “Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, và giáo dân đáp lại…”.
III/ Ý NGHĨA
Cộng đoàn đang đọc (hát): “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…” (NTTL 130) trong khi vị chủ tế bẻ bánh nhằm diễn tả ý nghĩa của việc hiệp lễ và giúp cho mọi người trong cộng đoàn ý thức về bản tính đáng kính của các mầu nhiệm đang được mở ra trước mắt chúng ta: Tấm Bánh được bẻ ra chính là Đức Kitô – Người Tôi Tớ Đau Khổ và Chiên Thiên Chúa – Ngài tự hiến trên thập giá để ban sự sống cho nhân loại như người tôi trung và như con chiên bị đem đi làm thịt (Is 53,7). Vì thế, chúng ta được mời gọi để đáp lại một cách xứng đáng quà tặng vĩ đại ấy khi biết “bẻ cuộc đời” mình ra cho người khác. Câu “Đấng xóa tội trần gian…” phải được hiểu trong thì hiện tại chứ không phải thì quá khứ bởi vì công trình cứu chuộc của Chúa Kitô không kết thúc với cái chết của Ngài, nhưng vẫn đang tiếp diễn mỗi lần Hội Thánh cử hành Thánh lễ (Lumen Gentium 3).[8]
Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa là lời khẩn nài Chúa Kitô, nhắc đến cuộc khổ nạn và cái chết hiến tế của Ngài, nhưng đồng thời có phần gì đó giống như giai điệu của bài thánh ca chiến thắng dâng lên Con Chiên khải hoàn trong sách Khải huyền (x. Kh 5,9-10. 12). Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa cũng nói lên mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời cứu chuộc nhân loại. Người chia sẻ thân phận con người, để con người được hiệp thông vào bản tính Thiên Chúa của Người. Rước lễ chính là tuyên xưng đức tin sống mầu nhiệm hiệp thông ấy. Lời van xin này cũng có thể giải thích theo chiều hướng thống hối: chúng ta xin Người thanh tẩy tội lỗi mình trước khi lên hiệp lễ.[9]
QCSL 83 hướng dẫn: “Kinh này có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “Xin ban bình an cho chúng con”. Có ý kiến cho rằng sự chuyển đổi từ Xin thương xót chúng con sang Xin ban bình an cho chúng con không có ý nghĩa gì mấy bởi vì nghi thức trao chúc bình an đã hoàn tất trước đó rồi.[10] Nhưng ý kiến khác lại cho đây là một sự liên kết giữa kinh Agnus Dei với dấu bình an vừa mới được trao và như thế chúng ta được tiền dự vào sự hợp nhất mà sẽ xảy đến khi đón nhận Thánh Thể sau đó.[11]
________
[1] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 333; Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992),204; Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 110.
[2] X. Edward Foley, From Age to Age (Collegeville: The Liturgical Press, 2008), 97; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 450-51.
[3] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 151.
[4] X. Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 106.
[5] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 266.
[6] Johnson, The Mystery of Faith, 106.
[7] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 266; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 451.
[8] X. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1364; Jean Yves Garneau, SSS, Khám phá Bí tích Thánh Thể, dg. Nguyễn Bạch Dương (Cà Mau: Nxb. Phương Đông, 2014), 113-14.
[9] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans ((Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 211; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 266.
[10] Cabié, “The Eucharist”, 215.
[11] Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (West Chester: Ascension Press, 2011), 137.