Chúa Nhật XXXIV Thường Niên Năm A – Lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ

Suy niệm 1 :

Đức Ái Cụ Thể

“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Quả thật, một phương thế dẫn đưa chúng ta chạm đến Thiên Chúa chính là sống “Đức Ái”, vì tình yêu thương này được cụ thể hóa nơi người anh em bên cạnh ta, nhất là những kẻ đói khát, trần truồng, tù đày, bệnh tật và đau khổ, … mà Đức Giê-su đã tự đồng hoá mình trong họ, và qua đó cũng là cách giúp chúng ta đạt tới Nước Trời mai sau, như Ngài đã tiết lộ cho chúng ta trong Tin Mừng hôm nay.

Khi ta nhìn vào bức họa của ngày cánh chung trong Tin Mừng, hình ảnh Đức Giê-su – vị thẩm phán xét xử toàn thể loài người, Ngài phân minh mọi sự đều sáng tỏ và sự thật được phơi bày; Đức Giê-su tách biệt giữa người lành và kẻ dữ ‘như tách riêng giữa chiên với dê, như cỏ lùng với lúa’. Ai làm điều thiện lành thì được thưởng hạnh phúc, còn ai sống gian ác thì phải chịu phạt cực hình muôn đời. Hơn nữa, chuẩn mực của Đức Giê-su trong cuộc phán xét này hệ tại việc chúng ta đặt ưu tiên sống yêu thương, phục vụ anh em khi sống nơi trần gian, và mọi việc ta làm cho người anh em chính là làm cho chính Chúa, vì trong họ có Ngài đang hiện diện.

Bởi thế, những điều Đức Giê-su nêu ra trong Tin Mừng hôm nay không có gì là trừu tượng, xa vời hay khó thực hiện đối với chúng ta: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp đón khách lạ, an ủi người bệnh và thăm viếng kẻ tù đày … Họ là những người đang chịu những tổn thương nơi thể xác, tâm lý và tinh thần. Đó là những vấn đề xảy ra thường ngày trong cuộc sống, đồng thời điều ấy cũng không vượt quá khả năng hiện tại của chúng ta. Những lúc như thế, tha nhân cần chúng ta có một con tim biết rung cảm, đôi tay rộng mở và có đôi mắt để nhận ra trước mọi nhu cầu cấp bách của họ, để ta đáp ứng cách cụ thể và chân thành. Và chính việc làm tốt lành, lương thiện đó sẽ mang cho ta một giá trị bền vững, và nhất là mang tính quyết định cho số phận chúng ta trong ngày sau hết.

Như vậy, để chúng ta có thể nhận được lời an ủi sau cùng trong ngày phán xét của Vị Thẩm Phán Chí Công: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi …” Ta cần sống theo lời mời gọi của Đức Giê-su cách rốt ráo hơn, là sống “Đức Ái” hoàn hảo với anh chị em, như Ngài đã nêu gương trước cho chúng ta bằng việc nhập thể làm người ở giữa chúng ta và ở trong ta. Đức Giê-su mượn đôi tay chúng ta để phục vụ, môi miệng ta để nói lời yêu thương và an ủi, dùng trí nhớ trí hiểu của chúng ta để kết nối, thấu cảm cho anh chị em, và Ngài mượn đôi bàn chân ta để nhanh nhẹn bước đi đến với mọi người.

Lạy Chúa Giê-su là Vua Tình Yêu, xin dạy chúng con biết yêu thương anh em trọn tình vẹn nghĩa, không chỉ dừng lại ở lời nói mà con biết cho đi những việc làm cụ thể trong chính khả năng mình, biết quảng đại hiến dâng mà không tính toán, nhờ đó chúng con mới có thể đạt tới đức ái vẹn toàn, và cũng là tiêu chuẩn để chúng con gặp được Đức Vua Tình yêu trong Nước Trời mai sau. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 2:

Vương Quốc Tình Yêu

Chúa nhật cuối năm phụng vụ, Giáo hội đưa con cái mình đến viễn tưởng của ngày cánh chung – ngày mà mọi loài mọi vật đều quy hướng về một Đấng duy nhất là Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa, trở lại trong vinh quang. Trong thế giới hiện đại ngày nay, người ta thường dùng phim ảnh với những kĩ xảo, những hình ảnh, âm thanh kinh khủng nhất để mô phỏng về ngày tận cùng của trái đất. Tuy rằng chưa có một ai đã tận mắt chứng kiến được cảnh tượng đó, nhưng với trí tưởng tượng của con người, họ đã làm nên những thước phim hấp dẫn có nhưng đầy kinh hoàng cũng có, đưa tới tâm lý chung của hầu hết mọi người đều sợ nhắc đến hai chữ “tận thế”. Nhưng với niềm tin Kitô giáo chúng ta biết được rằng, ngày chung cùng của nhân loại không phải là một ngày chỉ toàn là đau thương, sợ hãi; mà bên cạnh đó vẫn là sự vinh quang rạng ngời, sự sống bất diệt cho những ai suốt một đời trên dương thế đã sống trọn vẹn niềm tin yêu của mình dành cho Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến một cuộc phán xét của Vị Vua Giê-su dành cho cả nhân loại. Cứ theo lẽ thường ở đời, việc phán xét phải có thẩm phán, nhân chứng, bị cáo, nguyên cáo, luật sư, …có rất nhiều tranh cãi trong luật pháp đưa ra với nhiều điều khoản. Nhưng ở đây, phiên toàn của Vua Giê-su được diễn tả rất nhẹ nhàng: không có tiếng hò hét, kêu la, tố tụng … nhưng lại là một cuộc phán xét tối quan trọng cho tất cả mọi người, vì bản án đó mang tính chất “đời đời”. Và điều luật được đưa ra để xét xử thì thật là ngắn gọn đó là: lòng bác ái.

Chúng ta thắc mắc, nếu chỉ nệ vào việc có giúp đỡ tha nhân như lời Đức Giê-su nói để tách biệt người lành kẻ dữ; người lên thiên đàng kẻ vào hoả ngục … liệu như vậy có thuyết phục lắm không? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn về người phú hộ giàu có và Ladarô trong Tin Mừng của Thánh Luca chương 16 từ câu 19 đến 31. Hẳn là người phú hộ chẳng làm gì bất công hay thiệt hại gì đến người hành khất mang tên Lazarô. Đơn giản là ông chỉ ngó lơ không màng đến sự hiện diện của anh ta dù anh hằng ngày vẫn nằm trước cổng nhà ông. Thế mà đến giờ phán xét ông lại bị sa vào nơi khổ hình hỏa ngục. Nếu nói theo lý lẽ người đời: “ông đã làm gì nên tội?”

Xin thưa, theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tội không chỉ là cố tình làm những sự dữ mà còn là cố tình không thực hiện những việc lành đáng lẽ phải làm. Mặt khác, Thiên Chúa là Tình Yêu, thế nên vương quốc của Ngài cũng là vương quốc của tình yêu và chắc hẳn mọi công dân của vương quốc ấy muốn “định cư” nơi đó cũng phải có “giấy căn cước” mang tên “lòng bác ái”. Vậy nên khi dùng “luật yêu thương” để tách biệt người lành kẻ dữ trong ngày chung thẩm quả thật là xác đáng.  Xét cho cùng, Thiên Chúa không loại trừ bất cứ ai. Ngài đã đưa ra “đề thi” để đạt được sự sống vĩnh cửu mang tên “lòng bác ái”, việc còn lại là hệ tại ở mỗi người có quan tâm và cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất trong “kì thi có giá trị đời đời” này hay không? Nên ngay từ bây giờ chính mỗi người đã chọn cho mình kết quả cuối cùng trong Ngày Phán Xét qua thái độ sống của bản thân về giới luật yêu thương.

Tình yêu thương không chỉ bày tỏ nơi môi miệng mà còn là ở những việc làm cụ thể như Đức Giê-su đã nói: “Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống….” và nhất là: “những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Như trong thư của thánh Giacôbê tông đồ có viết: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17) thì “tình yêu không có hành động cũng là tình yêu giả dối”.

Thiên Chúa là Đấng Chân Thật nên Ngài không chấp nhận sự giả dối. Thiên Chúa là Tình yêu nên Ngài không chấp nhận sự vô cảm. Thế nên bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay một lần nữa nhắc nhở và khẳng định lại cho chúng ta “đề thi” để bước vào Nước Trời đó là “Tình yêu”.

Bảo Bảo

Suy niệm 3:

Phiên Tòa Của Một Vị Vua

 Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, chúng ta được nghe trích đoạn Tin Mừng về ngày phán xét. Đây được kể như một phiên tòa của mỗi người chúng ta. Vị Thẩm Phán xét xử chính là Vua Tình yêu, Hoàng Tử Hòa Bình… Chính Chúa sẽ phán xét chúng ta về cách chúng ta đón nhận tha nhân. Việc phân loại bên phải hay bên trái là kết quả của sự lựa chọn mà chúng ta đã thực hiện trong cuộc sống trần thế.

Phiên tòa này, Vị Thẩm Phán không phải xét xử tội nhân như một phiên tòa đời thường mà chúng ta vẫn nghe thấy. Nhưng đó là một phiên tòa dành cho tất cả mọi người không trừ một ai: dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, dù chức quyền hay thường dân … Đức Ái với tha nhân là điều mà ta sẽ bị xét xử: khi tha nhân đói, khát, bị tù đày, là khách lạ…

Trong đời ai ai cũng có những cuộc đón tiếp khách, tùy theo cấp bậc, trình độ, tùy theo độ tuổi và từng nền văn hóa khác nhau. Có cuộc tiếp đón mang tính cách xã giao bên ngoài, có cuộc tiếp đón vì nhu cầu vật chất, và còn rất nhiều lý do của những cuộc tiếp đón khác. Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có cuộc tiếp đón vì tình yêu Chúa Kitô. Trong thư thứ nhất thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, chương 13, chúng ta quen gọi là bài ca Đức Ái. Trong đó thánh Phaolô khẳng định rằng cả ba nhân đức đối thần đức Tin, đức Cậy và đức Mến đều cần thiết cho ơn cứu rỗi của con người nhưng đức Mến cao trọng nhất.

Vì tiếp đón khách là tiếp đón chính Thiên Chúa, vị Thẩm Phán sẽ xét xử chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta phải tiếp đón tha nhân như thế nào? Phải chăng chúng ta cần tiếp đón mọi người như nhau không phân biệt giới tính, sang hèn, địa vị, chức tước, và giai cấp; tiếp đón vì tình yêu Chúa Kitô; tiếp đón một cách hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhưng không, ý thức rằng khách, tha nhân là Chúa Kitô, nên chúng ta phải sẵn sàng làm tất cả mọi sự để cho Chúa được vinh danh.

Tha nhân là Chúa Kitô, tuy nhiên cũng có những người tội lỗi, xấu xa, lầm lạc. Cho dù họ có như thế nào đi nữa thì họ cũng có thể hoán cải trở về với Chúa. Chúng ta cũng là những phàm nhân tội lỗi, đầy bất xứng chúng ta không nên kì thị, khinh miệt, xét đoán, đánh giá, loại trừ và điều quan trọng: vấn đề xét xử là của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con cũng nhận ra Chúa nơi người nghèo, nơi tha nhân yếu đuối tội lỗi vì chính chúng con cũng là những con người đầy bất toàn. Và xin cho chúng con luôn nhớ Lời Chúa dạy: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10, 42). Amen.

Fiat

Trả lời