Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm C, Chúa Nhật Truyền Giáo

Lc 18,9-14

“Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (Lc18, 12-13)

Suy Niệm 1:

Thánh Luca hôm nay vẽ lên cho chúng ta hai chân dung, hai tấm lòng của hai nhân vật tương phản về hai cung cách cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa. Người Pha-ri-sêu, cách thức trải lòng của ông có vẻ mang hình thức “sao kê” những thành tích những công lao to nhỏ trước mặt Chúa, và một điều cần lưu ý là ông còn “cà khịa” người thu thuế đứng cuối đền thờ “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc18, 11). Ông đã tự soi mình, tự cho mình hoàn hảo về mọi mặt về đạo đức, ăn chay, thuế thập phân…là hình ảnh của người ăn ngay ở lành, đáng được làm hình mẫu và đáng được Chúa ân thưởng. Còn người thu thuế, có vẻ đau buồn vì lòng mình đầy những bóng tối của tội lỗi vây quanh, cần được Chúa lắng nghe, cần được giải thoát và thực sự gặp được Chúa. “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Và cái kết cho hai con người, hai thái độ mà Chúa Giê-su phân minh rõ ràng, vì ngài thấu suốt tâm tư tình cảm, ước nguyện “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”

Hai đường lối cầu nguyện của hai nhân vật trong Tin Mừng vẫn còn âm hưởng và rất hiện sinh cho cuộc sống trong thế giới hiện nay. Con người ngày nay, người ta rất dễ dàng tự hào, tự vỗ ngực xưng tên về những cái có của họ hơn là cái họ là, chính điều đó tạo cho họ thấy anh chị em chung quanh không bằng họ, rồi tỏ vẻ khinh miệt, bĩu môi xem thường anh chị em khi anh chị em thua kém hơn họ.

Đời sống thực tế vẫn cho chúng ta thấy nhan nhãn về lối sống phô trương ấy, về tâm linh lẫn đời sống thể chất, đôi khi người ta dùng đời sống nội tâm để phán xét nhau, đánh giá nhau qua dáng vẻ bề ngoài mà không biết sự tình bên trong của mỗi tâm hồn là khoảng bầu trời riêng tư với Chúa.

Xin Chúa Giê-su cho con luôn biết khiêm cung trong cái nhìn với anh chị em, đừng để con có cái nhìn khép kín trên anh chị em, biết mở rộng đối mắt tâm hồn đón nhận anh chị em như họ là. Hầu con có thể bao dung, quảng đại, hết tình với anh chị em trong thế giới đang quay cuồng với những luồng tư tưởng có ngay, có luôn và có tức thì này.

Xin Chúa Giê-su ban cho cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội mỗi ngày có thêm thợ gặt lành nghề, lành nghề đời sống nội tâm, lành nghề về nhân cách để loan báo Tin Mừng trong yêu thương và trách nhiệm mà Mẹ giáo Hội trao phó. Amen

M. Nhị Thơ

Suy niệm 2:

TRUYỀN GIÁO- KHÔNG CỦA RIÊNG AI!

Có một lần nọ tôi có đọc qua một câu chuyện nhỏ thế này: Có một bé gái độ chừng bảy tuổi thế nhưng cô bé đã bị một căn bệnh ngay từ nhỏ đó là căn bệnh tim bẩm sinh, và khi đến bảy tuổi thì cô bé phải trải qua một cuộc phẫu thuật tim, điều đó đã được một bác sĩ thông báo trước. Gia đình cô bé là những người Kitô hữu, hằng ngày cô bé được mẹ dẫn đến nhà thờ gần đó để cầu nguyện cùng Chúa, và nhất là gần đây khi hay tin mình sắp trãi qua một cuộc phẫu thuật tim lớn thì cô bé càng lo lắng hơn và cô bé đến ngôi thánh đường nhỏ bé của mình để cầu xin Chúa ban cho cuộc phẫu thuật được thành công tốt đẹp, và nếu có đến tình trạng xấu nhất thì xin Chúa hãy dang cánh tay hải hà mà chờ đó cô bé nơi nước trời. Quả thực cô bé đã chuẩn bị tất cả cho mình về phần hồn, và cô bé không còn lo lắng gì nữa.

Và ngày phẫu thuật tim cũng đã đến, cha và mẹ của cô bé nắm bàn tay cô bé run run bước vào cổng bệnh viện, khi chuẩn bị vào phòng phẫu thuật thì cô bélấy hết can đảm của mình mà nằm lên bàn để đẩy vào phòng, chiếc bàn ấy lạnh đến cả ghê rợn xương sống. Người mẹ thì nước mắt cứ trào ra không nói nên lời, rồi người cha đỡ mẹ của cô bé vào lòng mình mà an ủi và dường như người cha cũng đã rươm rướm nước mắt mà nhìn con của mình được đẩy vào phòng phẫu thuật. Khi được vào đến nơi thì cô bé nói các cô chú bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật đó rằng: “Cô chú ơi, con có thể cầu nguyện cùng Chúa trước khi con được phẫu thuật không ạ?” Vị bác sĩ trưởng trả lời rằng: “Tất nhiên rồi!”” Nhìn cô bé quỳ lên cầu nguyện các cô chú bác sĩ đều xúc động. Và sau đó cô bé đã bắt đầu bước vào cuộc phẫu thuật của mình với một nụ cười được nở trên môi. … Cuộc phẫu thuật trãi qua hơn mấy tiếng đồng hồ, cha mẹ cô bé đã hết sức lo lắng, sau đó ánh đèn báo hiệu cuộc phẫu thuật đã kết thúc, và bác sĩ bước ra và nở nụ cười rồi nói: “Chúc mừng anh chị, ca phẫu thuật đã thành công rồi”.  Thế là hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm và nở nụ cười thật tươi trên môi….

Thời gian trôi qua thật mau, mới đây mà đã được một tuần sau ca phẫu thuật̉ của cô bé rồi, hôm sáng chúa nhật vị bác sĩ trưởng bất ngờ đến thăm cô bé và nói: “Chú cám ơn con nhiều lắm”, Cô bé ngạt nhiên hỏi: “Cám ơn về chuyện gì ạ?”. Vị bác sĩ đã trả lời rằng: “Thật ra chú cũng là người có đạo như con vậy đó, nhưng chú lại không tuyên xưng đức tin được như con, dần dần, chú đã giống như người vô đạo, không nhớ đến Chúa nữa. Tuy nhiên, khi chú thấy con là một cháu bé mà đã tuyên xưng đức tin mạnh như vậy, chính con đã làm thức tỉnh lòng tin của chú”. Cô bé nở nụ cười thật tươi và trong chính nụ cười của cô bé dường như có ẩn chứa một điều bí ẩn gì đó, vâng chính cô bé đã là một nhà truyền giáo nhỏ tuổi.”

Nhìn lại lịch sử Giáo hội, chúng ta có rất nhiều mẫu gương lành thánh về việc truyền giáo, gần gũi và quen thuộc với rất nhiều hình thức như Mẹ Têrêsa calcutta, Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Phanxicô Xaviê, … và cũng có rất nhiều người quan niệm rằng: Việc truyền giáo là của các Cha, các Dì, các Thầy nên xem nhẹ hay không quan tâm đến vấn đề truyền giáo của Giáo Hội. Khánh nhật truyền giáo hôm nay, một lần nữa phụng vụ Lời Chúa nhắc chúng ta về lệnh truyền của Chúa năm xưa, “Phải nhân Danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24, 47- 49). Đây là một lệnh truyền đòi buộc tất cả mọi Kitô hữu chúng ta phải thi hành. Lệnh truyền này không phải của riêng ai. Và điều này được Giáo Hội khẳng định trong công đồng Vaticanô II: “Giáo Hội tự bản chất có sứ vụ truyền giáo” (Ad Gentes số 2). Và SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2022 “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8).

Đã là Kitô hữu thì mọi người đều có sứ mạng truyền giáo không phân biệt trình độ, mức sống, độ tuổi… tất cả điều được mời gọi đem Đức Giêsu Kitô, mang Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho mọi người, nhằm làm cho “hạt giống Lời Chúa” được hiện diện nơi các tập tục, văn hóa của từng địa phương, cũng như trong mọi sinh hoạt xã hội, tôn giáo mà chúng ta đang sống và hiện diện. Nhờ đó, mọi người có thể nhận biết Đức Giêsu Kitô, biết Tin Mừng của Người và đón nhận đức tin.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mức độ phát triển công nghệ vô cùng nhanh chóng đang tác động mạnh mẽ trên tất cả mọi phương diện của đời sống con người. Lối sống của con người, cách con người tương quan với Thiên Chúa và với nhau cũng như với môi trường cũng chịu ảnh hưởng không kém do sự thâm nhập của công nghệ. Bên cạnh đó, con người còn phải gánh chịu những hậu quả do chiến tranh, thiên tai, và dịch bệnh gây ra. Như vậy, giữa một thực tại thế giới như thế, chúng ta phải làm gì, phải truyền giáo như thế nào? Một lần nữa, chúng ta có thể khẳng định lại: việc truyền giáo không chỉ dành riêng cho các linh mục, các tu sĩ nhưng là nhiệm vụ bất khả chối từ của mỗi Kitô hữu chúng ta. Thế nhưng chúng ta có thể làm được gì để trở nên nhân chứng cho Tin Mừng ngay nơi mình đang sống, trong mỗi họ đạo, trong các công ty, xí nghiệp, … đặc biệt là cho những người chưa nhận biết Chúa đang sống xung quanh chúng ta. Trong thực tế, những người lương dân không thể nhận biết Chúa, cũng không biết Tin Mừng nói gì, dạy gì, họ chỉ có thể nhìn thấy chúng ta và đánh giá về Đạo Công Giáo qua cách sống và thể hiện niềm tin của mỗi người chúng ta như lời Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Evangelii nuntiandi: “Người thời nay sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là nhân chứng”. (số 41)

Lạy Chúa, chúng con thường thu hẹp Chúa trong nhà thờ, nơi nhà Tạm bởi chúng con muốn được an phận và sợ Chúa làm đảo lộn dự định, cuộc sống của chúng con nên nhiều người và nhiều nơi chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết tin tưởng vào sự tín trung của Chúa mà dám để cho Chúa chi phối cuộc sống của chúng con và đem Chúa đi đến những nơi Chúa chưa hề đến, nhờ đó mọi người sẽ được đón nhận hồng ân cứu độ. Amen.

Fiat

Trả lời