Suy niệm 1:
Bảy Mươi Lần Bảy
“Tha đến bảy mươi lần bảy”, đó là câu trả lời của Chúa Giêsu khi Phêrô hỏi phải tha cho kẻ xúc phạm đến mình bao nhiêu lần “có phải bảy lần không?”. Ông nghĩ rằng bảy lần là đã quá nhiều, là lý tưởng, một con số hoàn hảo cho những gì luật dạy nhưng đó là lý luận của con người “quá tam ba bận”. Tuy nhiên, số lần tha thứ mà Chúa Giê-su muốn các môn đệ học biết chính là sự tha thứ vô tận “bảy mươi lần bảy” tha thứ hoài, tha thứ không mệt mỏi như Thiên Chúa hằng tha thứ cho chúng ta. Bởi thế, Thiên Chúa vẫn luôn thứ tha cho chúng ta dù ta lỗi lầm ra sao, vì “nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi nào ai đứng vững được chăng”.
Trong lăng kính Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su mở ra cho chúng ta sự tha thứ đẹp lòng Thiên Chúa nhất – sự tha thứ làm cho chúng ta trở nên giống như Cha trên trời. Qua hình ảnh ông vua trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể cho các môn đệ, động lòng thương và tha trắng cho người mắc nợ mình ngay sau khi anh ta van xin, món nợ mà dường như anh không có khả năng để trả. Cũng vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã luôn tha thứ cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta phạm tội và không hề biết đến nó. Như xưa Người đã thưa với Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúa đã tha thứ cho chúng ta, và Người muốn chúng ta hãy làm như vậy cho anh em mình.
Thế nhưng, muốn tha thứ được như Chúa là chuyện không hề dễ, làm sao chúng ta có thể tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, dững dưng hay thậm chí thù ghét mình? Làm sao có thể tha thứ cho kẻ không hề muốn làm hòa với mình? Sao chúng ta có thể đi bước trước để tha cho người đã làm tổn thương ta, khi họ không cảm thấy mình có lỗi? Làm sao khi cố gắng tha thứ rồi, lại vẫn còn nhớ hoài sự việc người đã gây ra cho ta?
Đặt mình trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta tự vấn rằng: cớ sao Thiên Chúa lại dễ dàng tha thứ cho chúng ta hết lần nầy đến lần khác? Thưa, chỉ vì tình yêu – Người quá yêu thương tạo vật của mình, đến nỗi che lấp muôn vàn tội lỗi của chúng ta trong tình yêu thương xót. Đến lượt chúng ta, Thiên Chúa mời gọi ta cũng phải hết lòng tha thứ cho anh em mình, chúng ta chỉ có thể tha thứ cho người khác khi ta có tình yêu, tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, tình yêu của người cảm nhận được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa trước những lầm lỗi của bản thân mình.
Thật vậy, Tha thứ là một nét đẹp của người Ki-tô giáo, là điều không thể thiếu trong cuộc sống người tín hữu. Chúng ta xác tín: khi chúng ta tha thứ cho anh chị em cũng là lúc ta đem lại bình an cho chính bản thân mình. Và mỗi lần chúng ta tha thứ cho người khác giúp chúng ta tiến lại gần Thiên Chúa hơn “chính lúc thứ tha là khi được tha thứ”, nhờ đó chúng ta được ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa biến đổi nên giống Người hơn.
Lạy Chúa Giêsu, để thực hiện được điều Chúa dạy bảo, chúng con rất cần đến ơn Chúa, vì nếu không có Chúa chúng con không thể làm gì được. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con cảm nhận sâu xa hơn về tình yêu và sự tha thứ của Chúa trong cuộc đời mình, hầu chúng con có được tấm lòng như Chúa biết tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha. Amen
Ysave Thu Thảo
Suy Niệm 2:
Cái Lý Lòng Thương Xót
Qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy có hai thái độ khác nhau mời gọi người tín hữu suy gẫm: thái độ vì con người và để cho lòng thương xót hướng dẫn khi đưa ra quyết định nhân danh công lý; thái độ còn lại là chỉ giới hạn công lý dựa trên công bình giao hoán, có vay có trả. Hôm nay Đức Giê-su mời gọi người môn đệ và cũng là mời gọi mỗi người chúng ta hãy đối đãi với tha nhân dựa trên cái lý lòng thương xót, “tha thứ đến bảy mươi lần bảy” để được người anh em, hơn là sử dụng lẽ công bình chỉ để tìm những vật chất chóng qua.
Nhìn vào trạng huống của hai con nợ trong dụ ngôn, một người mắc nợ ‘mười ngàn yến vàng’, người kia chỉ mắc nợ “một trăm quan tiền”- ở đây có một sự chênh lệch rất lớn về giá trị. Tuy nhiên, điều đáng chú ý không hệ tại ở số nợ mà họ phải trả, nhưng quan trọng là phương thế khi họ được chủ nợ của mình đối đãi: người mắc nợ ‘mười ngàn yến vàng’ đã được tôn chủ của anh dùng lòng nhân nghĩa mà cư xử, nhờ đó, không những anh được tha số nợ khổng lồ, giữ lại được tài sản mình đang có và nhất là không phải lìa xa những người thân của anh.
Ngạc nhiên thay, anh ta vừa được tôn chủ của mình trao cho món quà quý giá của lòng thương xót, đã xóa đi nơi anh cái phận tôi đòi, cùng mở ra cho anh và gia đình anh một tương lai tươi sáng. Nhưng sau đó, ngay lập tức anh ta đã tỏ ra không dung tha đối với người đồng bạn của mình, ‘một trăm quan tiền’ so với ‘mười ngàn yến vàng’ có là bao; vừa được tôn chủ xót thương lại không biết thương xót người khác – anh ta chỉ được tha nợ nhưng chưa bao giờ thật sự nhận ra và sử dụng món quà quý giá mà tôn chủ của anh trao cho một cách khôn ngoan nhất.
Trong cuộc sống, không ít người trong chúng ta rơi vào cơn cám dỗ của thời đại, đó là ảo tưởng cho mình là cái rốn của vũ trụ, đặt mình là tiêu chuẩn, là thước đo cho mọi vấn đề. Và từ đó, tự cho mình cái quyền lấn lướt, chèn ép hay đè bẹp người khác cách vô duyên vô cớ. Tuy nhiên, thánh Phao-lô nhắc nhớ chúng ta rằng, mục đích sống của chúng ta nơi trần gian này không phải là tìm kiếm những giá trị trần thế, thánh nhân nói: “chúng ta sống là sống cho Chúa; chúng ta chết là chết cho Chúa, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”. Quả vậy, chỉ khi chúng ta chọn Thiên Chúa làm điểm quy chiếu và làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của ta, khi đó, chúng ta mới cảm nhận được lòng thương xót từ Thiên Chúa trao ban cho chúng ta qua những người xung quanh, cùng biết sống chan hòa tình thân ái với họ.
Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con luôn ý thức mình là những người được Thiên Chúa yêu thương trước, để nhờ đó, mỗi ngày sống của chúng con biết quảng đại trao ban nguồn ân phúc Chúa trao cho tha nhân, cùng thi thố ân phúc ấy cách trung thành và khôn ngoan nhất theo thánh ý Chúa. Amen.
M. Nhị Thơ
Suy Niệm 3:
Tha Thứ – Thước Đo Tình Yêu
Có thể nói trong rất nhiều thứ tình cảm mà con người thể hiện cho nhau thì tình yêu là thứ duy nhất có đủ tất cả các cung bậc cảm xúc: từ những gì biểu lộ rõ ràng ra bên ngoài như buồn, vui, khóc, cười…hay những gì ẩn giấu trong lòng như: thù hận, khoan dung, nhớ nhung, quên lãng…Vì tình yêu chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc như thế nên khó có thể định nghĩa được đâu là một tình yêu to lớn hay bé nhỏ, ích kỉ hay vị tha, cho đi hay vụ lợi…Thế nhưng bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta một cách nhận định về tình yêu tuy không lạ lẫm nhưng rất xác đáng đó là: Tình yêu đi đôi với sự tha thứ.
Khởi đầu đoạn Tin Mừng là hình ảnh của thánh Tông đồ Phêrô đi đến trình bày với Đức Giêsu một thắc mắc về sự tha thứ. Ông đưa ra một con số có thể nói là “hoàn hảo nhất” vào thời bấy giờ để ấn định số lần mà ông phải tha thứ cho người anh em của mình khi trong một ngày mà họ cứ xúc phạm đến ông: là con số “7”. Chắc có lẽ ông nghĩ bản thân đã hoàn thiện lắm rồi khi cho ra “mức giá tối đa” như vậy. Nhưng sự việc diễn tiến tiếp theo lại không như ông nghĩ: thay vì lời khen của Đức Giêsu về “độ hào phóng” của ông thì bất ngờ Ngài lại đưa ra một con số “khổng lồ” hơn đó là gấp 70 lần như vậy. Không dừng lại ở việc “nâng giá” lên gấp nhiều lần, Đức Giêsu còn kể thêm một dụ ngôn khác để minh hoạ cho việc phải tha thứ thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa.
Dụ ngôn được Đức Giêsu nêu ra chắc hẳn dễ gây cho người đọc một sự phán xét về người thanh niên mắc nợ mà không có lòng thương xót. Nhưng việc lên án người thanh niên ấy có giúp mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân mình khi tương quan với anh em trong cuộc sống hằng ngày hay không: tôi có thể tha thứ cho người anh em khi họ vô tình hoặc cố ý xúc phạm đến tôi?
Nói đến đây chắc sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra là: lý do gì tôi phải tha thứ cho người đó, người đó là ai mà tôi phải tha thứ, người đó có ý muốn hối lỗi với tôi hay không….? Còn và còn nhiều câu hỏi khác nữa nhưng tựu trung lại vẫn là những lý do quy về cái tôi của chính mình hay lỗi lầm của đối phương nhưng dường như chúng ta quên mất một sự thật rằng: trước khi là “chủ nợ” của anh chị em mình thì mỗi người chúng ta là “con nợ” của một Đấng khác đó là Thiên Chúa. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: tôi đã nợ Thiên Chúa những gì hay không? Sao Chúa lại sẵn sàng tha thứ hết cho tôi như thế?
Và nếu được một nghe câu trả lời từ Thiên Chúa thì chắc chắn câu trả lời đó rất là ngắn gọn mang nội dung là: Vì tình yêu.
Vì khi thật sự yêu thương người ta không còn muốn giữ lại cho mình chút gì nữa nhưng quảng đại cho đi tất cả. Mà cái tôi là thứ duy nhất quan trọng của mỗi người. Và khi can đảm cho đi cái tôi thì trái tim của người đó cũng mở ra cho tới tận cùng không còn bị gò bó bởi giận hờn, đố kị hay ghen tương. Càng yêu thương nhiều bao nhiêu trái tim càng mở rộng bấy nhiêu, rộng tới mức không có lỗi lầm nào mà không mất hút trong đại dương tình yêu ấy.
Với tính tự nhiên, chắc chắn việc tha thứ cho ai đó là không dễ chút nào. Nhưng khi dám nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu với những vết đinh, vết roi đòn, vết thương ở cạnh nương long tôi thấy được sự tha thứ trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho tôi, thì khi ấy việc tôi tha thứ cho anh chị em mình không còn là do sức riêng của tôi nữa mà chính là nhờ ơn sủng và tình yêu của Thiên Chúa trợ giúp cho tôi. Luôn ý thức từng giây phút trong cuộc sống được Thiên Chúa khoan dung tha thứ, tôi sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác, đồng thời khi ấy cũng là lúc tôi làm nhẹ đi gánh nặng trong tâm hồn mình. Tha thứ là một liều thuốc chữa lành cả người gây tổn thương và người chịu tổn thương.
Xin Cha tha nợ cho chúng con nhưng chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…
Bảo Bảo
Suy Niệm 4:
Hãy Tha Thứ Để Được Thiên Chúa Thứ Tha
Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc hằng ngày, xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Như thế, miệng chúng ta đọc nhưng lòng có thật sự tha thứ không? Hay là miệng thì đọc nhưng lòng cứ muốn đòi nợ anh chị em đồng loại của mình. Chúng ta muốn Chúa tha thứ cho chúng ta thì điều kiện cần, điều kiện trước hết là chúng ta phải biết tha thứ cho anh chị em đồng loại. Chúng ta phải tha thứ vì ai cũng lỗi lầm. “Nhân vô thập toàn”, không ai hoàn hảo cả. Là con người, ai cũng có những sai trái, những lầm lỗi. Xét lại bản thân, sẽ thấy chính mình cũng có nhiều sai trái, lắm khiếm khuyết và lầm lỗi. Vô ý và hữu ý, cố tình và vô tình xúc phạm nhau.
Qua dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay, giữa hai món nợ. Một người thì nợ vua ‘mười ngàn nén vàng’, người bạn nợ ‘một trăm quan tiền’. So sánh giá trị giữa một trăm quan tiền và mười ngàn nén vàng chúng ta thấy một khoảng cách xa vời vợi. Điều này Chúa Giêsu muốn nói rõ cho mỗi người chúng ta là chúng ta nợ Chúa quá nhiều, món nợ của con người với Chúa thật to lớn, đời đời không trả được. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả, Chúa tha thứ cho chúng ta. Còn món nợ giữa chúng ta với nhau thì rất nhỏ, có thể hoàn trả được, thế nhưng chúng ta không biết chờ đợi, không tha thứ cho nhau được.
Trong đời sống thực tế, chúng ta không quên được những lỗi lầm của nhau, cứ nhắc đi nhắc lại, nhớ dai, nhớ lâu và chứa trong lòng. Chuyện ngày xửa ngày xưa, ba bốn đời… khi vui, thì không nói, khi không bằng lòng nhau thì lôi chuyện cũ xào nấu lại làm cho nhau đau khổ.Trước mặt Chúa có ai là người vô tội? Do đó, chúng ta phải tha thứ cho người khác để chính mình được Thiên Chúa tha thứ. Như thế, từ chối tha thứ cho anh chị em là ngăn chặn ơn tha thứ đang dào dạt tuôn chảy vào tâm hồn mình.
Thế giới chúng ta đang sống bị thống trị bởi bạo lực và oán thù. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các quốc gia, những hiềm thù giữa các dân tộc, những xung đột giữa những người khác màu da, khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị, những thảm kịch vô phương hàn gắn trong gia đình. Con người để cho hận thù lôi kéo và không sao thoát ra khỏi cái vòng ân oán nghiệt ngã. Khi thù ai, tâm hồn tôi không còn phẳng lặng. Khi tôi bị người khác thù hận, tôi sống trong đề phòng sợ hãi. Cả hai đều là ngục tối. Cả hai đều đánh mất bình an tâm hồn. Tha thứ là việc vô cùng khó. Tha thứ vượt qua khả năng tự nhiên của con người, dân gian có câu “sống để bụng, chết đem theo”. Câu nói đó cho thấy con người chúng ta giận dai, thù dai, nhớ dai những xúc phạm của người khác như thế nào.
Lạy Chúa là Đấng giàu lòng bao dung, chúng con luôn khát khao ơn tha thứ của Chúa cho chúng con về những lầm lỗi chúng con xúc phạm đến Chúa cũng như với nhau. Nhưng chúng con chưa tha thứ được cho nhau, nguyện xin Chúa Giêsu mở lòng mỗi người chúng con để chúng con cũng biết tha thứ cho anh chị em đồng loại để chúng con được Chúa tha thứ cho chúng con. Amen.
Fiat