Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm A

Suy niệm 1:

Các bài đọc Chúa nhật XXII Thường niên năm nay đã thể hiện phần nào thực trạng sống đạo của người Kitô hữu trong xã hội tục hóa hiện nay. Có thể dễ dàng nhận ra, khi sống theo các giá trị Tin Mừng Bác ái- Yêu thương- Phục vụ, chúng ta thường bị chống đối, bách hại dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn. Chắc chắn nhiều lần chúng ta cũng mang tâm trạng như ngôn sứ Giêrêmia muốn bỏ cuộc (Bài đọc 1). Đôi lúc chúng ta muốn trôi theo lối sống tự do, dễ dãi của thế gian để được số đông chấp nhận và ủng hộ. Thế nhưng, Chúa mời gọi chúng ta kiên trì trong cuộc chiến thiêng liêng. Hãy để Chúa chiến thắng và làm chủ chúng ta thay vì chúng ta buông xuôi trở nên nô lệ cho tội lỗi. Chúa đã báo trước tương lai của những người con Chúa “Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Nếu chúng ta cố gắng chiến đấu vì Nước Trời, thì chính Chúa sẽ là sức mạnh của chúng ta. Lúc ấy, chúng ta sẽ trở nên “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” như lời mời gọi của thánh Phaolo (Bài đọc 2).

Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, “Có một con thiên lý mã trẻ tuổi và đầy sức sống. Nó đang chờ đợi một danh tướng tài giỏi phát hiện ra nó để trọng dụng và nó sẽ làm nên nghiệp lớn.

Thương gia đến, nói: – “Ngươi có sẵn lòng theo ta không?”

Thiên lý mã trả lời: – “Tôi là thiên lý mã sao lại vận chuyển hàng hóa được?”

Binh lính đến, nói: – “Ngươi có sẵn lòng theo ta không?”

– “Binh sĩ bình thường sao có thể phát huy hết khả năng của tôi?”. Thiên lý mã đáp.

Thợ săn đến, nói: – “Ngươi có sẵn lòng theo ta không?”

Thiên lý mã trả lời: – “Làm sao tôi có thể hầu thợ săn?”

Thời gian thấm thoát trôi qua, thiên lý mã vẫn chưa tìm được cơ hội lý tưởng cho mình. Một ngày nọ, khâm sai đại thần đến tìm kiếm thiên lý mã. Gặp được khâm sai, thiên lý mã nói: – “Tôi chính là thiên lý mã ngài đang tìm kiếm đây!”

Quan hỏi: – “Ngươi có thông thuộc đường đi trên đất nước chúng ta không?”

Thiên lý mã lắc đầu.

– “Ngươi có từng ra trận, có kinh nghiệm tác chiến chưa?”

Thiên lý mã im lặng.

– “Ta có thể dùng ngươi vào việc gì?”. Quan hỏi.

– “Tôi có thể chạy một ngày 1 nghìn dặm, một đêm 800 dặm”

Khâm sai bảo thiên lý mã chạy thử một đoạn. Lạ thay, dù đã cố gắng hết sức tiến lên phía trước nhưng chỉ được vài bước nó đã thở hồng hộc, mồ hôi đầm đìa.

– “Ngươi già rồi, không dùng được”. Nói xong, vị khâm sai bỏ đi.”

Có lẽ chúng ta sẽ cười thầm vì sự khờ dại của thiên lý mã kia. Tuy nhiên, lắm lúc trong cuộc sống chúng ta cũng đã từng hành động như thế mà vô tình không biết. Quả thật, con người thường bị chi phối bởi những hình thức hào nhoáng bên ngoài. Nếu được trao phó một công việc hay trách nhiệm nào đó, chúng ta vẫn thường tính toán thiệt hơn. Ai cũng muốn làm những việc phù hợp với khả năng hay sở thích của mình. Nhất là chúng ta luôn có đủ lý do để biện minh và khước từ điều mà chúng ta thấy tầm thường, thấp kém. Theo bản tính tự nhiên, hầu như ai cũng muốn chờ đợi làm một điều lớn lao gì đó để chứng tỏ tài năng của mình. Thế là “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?…”. Thực tế đã chứng minh, có bằng cấp không có nghĩa là có năng lực, có văn bằng không có nghĩa là có văn hóa. Quá khứ huy hoàng là lịch sử để nhớ lại, tương lai chưa đến, quan trọng là hôm nay chúng ta sống thế nào để không vuột mất cơ hội và không hối tiếc cả đời.

Là Kitô hữu, Chúa muốn chúng ta sống vui tươi giây phút hiện tại: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 117). Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta “Bỏ mình, vác thập giá” theo Ngài. “Từ bỏ mình, vác thập giá” là chu toàn bổn phận hàng ngày dù là những công việc bé nhỏ, vô danh theo bậc sống của mình; là nhẫn nại với sự yếu đuối bản thân mình và sự bất toàn của tha nhân; là không lánh nặng tìm nhẹ, không trọng danh lợi tiền tài nhưng trọng tình người, trọng nghĩa nhân; là sống xót thương và tha thứ. Chỉ có Ơn Chúa mới giúp chúng ta làm được những điều đó. Có một sự thật ai cũng thừa nhận là chúng ta thường e ngại và ngán ngẫm khi phải hy sinh, từ bỏ. Đồng thời, có một nghịch lý khiến chúng ta không muốn hy sinh, chịu khó: “Tại sao Thiên Chúa công bình và nhân hậu lại để cho người lành buồn sầu và kẻ dữ lại được hạnh phúc và thắng thế?”. Nên đâu cần phải sống tốt lành làm gì, vì trước sau mình vẫn khổ. Hiểu được điều này, Đức cha Lambert de la Motte- Người cha kính yêu của chị em Dòng Mến Thánh Giá đã nêu ra bốn lý do (1T. ĐT) giúp chúng ta dễ dàng đón nhận nghịch lý ấy:

Lý do thứ 1: Thiên Chúa để kẻ lành phải khổ, kẻ dữ được thịnh vượng vì không có kẻ lành nào mà không có tội nhẹ và không có kẻ dữ nào đôi khi không làm được việc lành. Đó là sự công bằng mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Lý do thứ 2:  Những vất vả người lành phải chịu ở đời này là những ân huệ phi thường của Thiên Chúa ban, là phương thế giúp người lành đạt hạnh phúc muôn đời.

Lý do thứ 3: Qua gian truân mới chứng tỏ lòng trung thành của những người Chúa chọn.

Lý do thứ 4: Chúa cho phép người lành bị bách hại để phòng ngừa họ khỏi sự dữ, vì Chúa biết bệnh tật thiêng liêng của mỗi người và có cách chữa trị khác nhau.

Vì thế, chương trình của Thiên Chúa luôn huyền nhiệm mà chúng ta chẳng bao giờ hiểu thấu được. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là sống tâm tình đơn sơ, phó thác. Đừng chỉ chú tâm vào thánh giá, nhưng hãy nhìn vào tình yêu của Đấng bị treo trên thánh giá để tiến lên, để sống thánh thiện mỗi ngày một chút. Nhất là vui lòng đón nhận Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Vì khi sống trọn vẹn giây phút hiện tại là chúng ta đang xây dựng và hướng đến tương lai quê trời:

“Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh”. (ĐHV 978)

Lạy Chúa, xin hãy mở rộng dung lượng trái tim chúng con. Để chúng con có thể ôm trọn thế giới và nhân loại vào lòng. Xin ban cho chúng con sức mạnh, giúp chúng con đủ sức đón nhận mọi điều như ý và bất như ý Chúa gởi đến trong cuộc đời này với tâm tình tin yêu, phó thác. Vì chúng con luôn xác tín rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28).

Thụy Lâm

Suy niệm 2:

Đón Nhận

Không ai trong chúng ta cảm thấy vui và an tâm khi biết được những người mình yêu thương phải chịu thử thách và đau khổ. Đây là phản ứng rất tự nhiên của con người. Cũng thế, đó cũng là phản ứng của môn đệ Phê-rô khi nghe Đức Giê-su nói về cuộc khổ nạn và cái chết của Thầy. Biểu cảm của Phê-rô rất thương và đặt nhiều kỳ vọng nơi Thầy, nên ông lôi kéo cả Thiên Chúa gìn giữ Thầy mình cho “tai qua nạn khỏi”. Thế nhưng, Đức Giê-su bảo ông “lui lại đằng sau Thầy” cho ông và chúng ta hiểu rằng: ta cần phải có tâm thế sẵn sàng cùng Ngài là đi trên một con đường – con đường tự nguyện vác thập giá và từ bỏ mạng sống. Vì chưng, chỉ có con đường này mới bảo đảm dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu độ đời đời trong Nước Trời.

Quả vậy, qua khung cảnh của Tin Mừng chúng ta nhận thấy giữa Thầy Giê-su và môn đệ Phê-rô gần như đối lập nhau trong tư tưởng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Đối với Đức Giê-su, Ngài quyết chí con đường phía trước là thực thi sứ mạng Chúa Cha đã trao phó là cứu thoát con người bằng con đường thập giá, tự hủy mình ra không. Còn môn đệ Phê-rô lại có lối nghĩ và sự mong đợi khác, là muốn mọi chuyện suôn sẻ, tốt đẹp đến với Thầy nên ông không bằng lòng đón nhận sự chẳng lành xảy đến cho Thầy Giê-su.

Sự mong đợi của Phê-rô xem ra cũng phải, vì những tháng ngày ông bước theo Thầy – Phê-rô nhìn thấy Đức Giê-su làm được mọi chuyện và có năng quyền khống chế trên thiên nhiên và năng lực giải thoát con người: làm cho sóng yên biển lặng, chữa lành kẻ ốm đau tật nguyền và nhất là làm cho kẻ chết sống lại… Tất cả điều đó cho Phê-rô nghĩ tưởng rằng: là môn đệ của Thầy Giê-su chắc có lẽ không phải chịu nhiều thiệt thòi, ít nữa là được bổng lộc, chút địa vị nào đó bên Thầy. Tuy nhiên, sự việc hoàn toàn trái ngược với mong chờ của ông khi nghe điều đó, phải chăng Phê-rô hụt hẫng “dự định bao điều ngày ấy tiêu tan”.

Dù tư tưởng của Phê-rô trái chiều với Đức Giê-su nhưng Ngài vẫn cảm thụ được thái độ tình cảm rất tốt lành của ông, dù Đức Giê-su có nghiêm giọng với Phê-rô gọi ông là “satan” nhưng Ngài không nỡ mặc cho học trò của mình hiểu sai về ý định và đường lối của Thiên Chúa. Đức Giê-su không dừng lại ở việc khiển trách mà Ngài chỉ dẫn thêm cho Phê-rô về phương thế sống của người môn đệ “liều mất mạng sống thì sẽ giữ được”, và đồng thời mở ra cho ông một cái nhìn, một suy nghĩ về sự chọn lựa mang tính quyết định khi bước theo Ngài là “vác thập giá mình mà theo”.

Quả thực, chẳng ai muốn mình phải đối diện với những nghịch cảnh, cam go và thử thách bao giờ, ngoại trừ không thể tránh khỏi thì đành chấp nhận. Hôm nay Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng và can đảm đón nhận những gian khó trong cuộc sống. Nơi thử thách đó như một phương tiện trui rèn chúng ta trở nên một con người có trái tim mềm mại để dễ dàng cảm thông, có thể hiểu được nỗi đau mà anh chị em gánh chịu, đồng thời thanh luyện chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su. Nhờ đó, chúng ta được hưởng ơn cứu độ của Ngài trong vinh quang. Xin Chúa Giê-su ban tình yêu và ân sủng của Ngài trên chúng con. Amen.

M. Nhị Thơ

Trả lời