Suy niệm 1:
Lòng Nhân Ái của Thiên Chúa
Hôm nay, qua dụ ngôn cỏ lùng và lúa tốt, Đức Giê-su giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt của vị Thiên Chúa giàu lòng nhân ái, Ngài kiên nhẫn và quảng đại khi để kẻ xấu và người tốt cùng hiện hữu bên nhau cho đến ngày Ngài ấn định. Quả thật, Thiên Chúa toàn năng và tự do thực hiện điều Ngài muốn, và không ngừng thi ân giáng phúc để nhân loại chúng ta mỗi ngày trở nên hoàn thiện.
Trong bài đọc 1, nơi sách Khôn ngoan, chúng ta nhận thấy tính nhân ái của Thiên Chúa qua việc Ngài sử dụng sức mạnh và quyền năng để giúp cho con cái mình có được niềm hy vọng tràn trề, đó là được ơn sám hối. Còn trong bài đọc 2, thánh Phao-lô đã khơi dậy nơi chúng ta niềm tin cậy lớn lao rằng, dù chúng ta là những kẻ yếu hèn, nhưng trên hết, chúng ta là con dân Nước Thiên Chúa, có Thần Khí hướng dẫn, giúp ta sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, nên chúng ta hy vọng được Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc.
Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta mặc lấy tâm lòng nhân ái của Thiên Chúa mà xử sự với nhau. Quả thật, trong Thiên Chúa, chúng ta nhận ra giá trị thật của việc sử dụng quyền uy và sức mạnh, đó không phải là đè bẹp hay loại trừ kẻ khác, nhưng là giúp họ được nâng dậy mỗi khi vấp ngã, là chữa lành và trao niềm hy vọng khi ai đó gặp những trắc trở nghiệt ngã trong cuộc sống. Chắc rằng chúng ta không có năng lực làm cho cây cỏ lùng biến thành cây lúa, nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài luôn có thể biến đổi một tội nhân trở thành thánh nhân, như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã từng chia sẻ: “chẳng có vị thánh nào không có quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có tương lai”. Thật vậy, lòng nhân ái của Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn, ngưng nghỉ đối với những ai biết nương tựa và khiêm tốn sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí. Còn chúng ta, chúng ta đã sử dụng những khả năng Chúa ban như thế nào để chuẩn bị cho cánh đồng lúa và mùa gặt của Thiên Chúa?
Ngày nay, việc người ta tự tôn mình là lúa tốt xem ra khá phổ biến, khi ấy họ dễ dàng rơi vào tâm thế của kẻ trên, để rồi lên án người khác như mình là người có khả năng thực thi quyền bính. Nhưng nghịch lý thay, cỏ lùng và lúa tốt luôn hiện hữu bên cạnh nhau – biết đâu ta lại là tác nhân gieo những mầm mống cỏ lùng vào mảnh đất tâm hồn của những người đang sống xung quanh chúng ta: gieo nghi ngờ – đố kỵ, gieo sự bất hoà – dối trá, làm xáo trộn và đánh mất đi sự hài hòa trong các mối tương quan giữa những người, những nơi mà ta đang sống.
Mùa gặt, ngày ấn định của Chúa chưa đến là cơ hội, là niềm hy vọng lớn lao cho tất cả mọi người: Thiên Chúa ban cho chúng ta có thời gian để hoán cải; Người trao ban Thần Khí – Đấng Bầu Cử, hướng dẫn, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để chúng ta có thể sống đẹp lòng Người. Ước chi chúng ta biết đón nhận lòng nhân ái của Thiên Chúa với tâm tình biết ơn chân thành; đồng thời quảng đại trao lại cho tha nhân điều mà ta đã được Thiên Chúa trao ban. Nguyện cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Amen.
M. Nhị Thơ
Suy niệm 2:
Bài Học Từ Những Dụ Ngôn
Cánh phượng đỏ thắm ngày con bé Xuân rời trường cấp ba để chuẩn bị vào đại học. Trên cành cây, tiếng ve đang gọi hè. Còn dưới đất, tiếng má gọi đi tu:
- Đi tu đi con, má thấy tu là cõi phúc!
Là con bé hay nghĩ ngợi, nghe xong hồi lâu nó mới đáp lời:
– Thôi con không đi tu đâu má, con thấy Cha xứ và Dì đi tu sao khó tính quá! Thôi má ơi, con không đi tu đâu, người tu cũng không hoàn hảo, biết đâu vào nhà tu con cũng trở nên khó tính như vậy?
Má cũng thật kiên nhẫn để giải thích cho con bé hiểu tại sao Cha và Dì phải khó tính, kỹ tính, rồi má cũng ân cần nói cho con bé hiểu:
- Ba má đâu phải là người hoàn hảo, con cũng vậy, con đâu có hoàn hảo, vì thế mà gia đình mình không hoàn hảo. Vậy, tại sao con lại đòi hỏi người tu phải hoàn hảo và đời tu phải hoàn hảo? Là con người không ai hoàn hảo cả, vì vậy mà có đi tu, con cũng không thể hoàn hảo trăm phần. Thế nhưng, má tin vào lời cầu nguyện. Chúa Thánh Thần sẽ thánh hóa con bằng ơn thánh Chúa, để con được nên tốt lành trong môi trường sống của con. Má cầu nguyện cho con. Phần con, siêng năng cầu nguyện và cứ an tâm mà làm theo ý Chúa, con nhé!
Rồi bé Xuân cũng đi tu vì lời của má thật hay, rất đúng với thực tế đời sống con người. Câu chuyện rất đỗi đời thường và bài học về sự không hoàn hảo nơi con người, lòng tin tưởng cầu nguyện và ý thức cộng tác với ơn Chúa để hiểu và thực hành Lời Chúa. Đó cũng là bài học, là hành trang giúp chúng ta đi vào suy gẫm những điều Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay. Những dụ ngôn nối tiếp nhau: lúa và cỏ lùng, hạt cải, nắm men, tất cả là ba dụ ngôn, tuy khác nhau nhưng đều nói chung về một hình ảnh duy nhất là “Nước Trời”.
Bài đọc 1, sách Khôn Ngoan cho chúng ta ánh sáng để hiểu các dụ ngôn trong Tin Mừng: “Chúa là bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài. Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan thì Ngài trị tội. Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.” (Kn 12, 16 -18).
Bài trích sách Khôn Ngoan và cả ba dụ ngôn trong Tin Mừng cho ta hiểu về lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa. “Nước Trời” là lòng nhân ái của Thiên Chúa. Lòng nhân ái đó thể hiện trong sự kiên nhẫn yêu thương. Chúa là “bá chủ muôn loài” đã nương tay với “sự dữ” ở trần gian này. Mọi nơi, mọi thời đại (kể cả trong Hội Thánh, trong đời tu và nơi từng tâm hồn…) đều có mặt của sự dữ. Sự dữ có, là do con người yếu đuối, dể hướng chiều về sự dữ, ngã lòng, sa vào tội. Nhưng Thiên Chúa quyền năng, Ngài tỏ rõ sức mạnh của Ngài trong chính sự yếu đuối của con người. Ngài can thiệp đúng lúc để cứu vớt con người khỏi sự chết. Tuy nhiên, nếu con người vẫn cố chấp, không hoán cải thì Thiên Chúa sẽ trị tội, nhưng Ngài xử sự rất khoan hồng cho những ai biết hối cải.
Lòng nhân ái của Thiên Chúa có vẻ như âm thầm, khiêm tốn như “hạt cải nhỏ bé” trước “sự dữ bao la”, như “nấm men nhỏ” trộn vào “ba đấu bột lớn”. Nhưng Thiên Chúa quyền năng sẽ làm cho “tất cả bột dậy men”, cho “nước Trời trở thành cây cải lớn nhất, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”.
Phần chúng ta, chúng ta góp phần làm cho nước Trời rộng mở bằng cách: cộng tác với ơn của Chúa để làm trổ sinh hạt giống tốt trên thế gian này, bằng đời sống tốt lành, bằng việc làm tốt… cho đến khi mùa gặt của Chúa đến. Chuyên chú đọc, hiểu và thực hành Lời Chúa hằng ngày là hành trang, là sức mạnh giúp chúng ta tránh sa chước cám dỗ và làm được những việc tốt lành theo thánh ý Chúa. Rồi một mai trên chuyến ga cuộc đời của mình, ngày được Chúa gọi về, Chúa sẽ cho chúng ta biết, chúng ta là “lúa” hay “cỏ lùng” và biết kết quả chung cuộc của đời chúng ta.
Hoa Xuân
Suy niệm 3:
Nhẫn Nại
Tin mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu trình bày Mầu Nhiệm Nước Trời qua hình ảnh cỏ lùng và lúa tốt. Điều chúng ta quan tâm ở đây không phải là việc thắc mắc làm sao cỏ lùng có thể biến thành lúa tốt nhưng điểm mấu chốt làm nên ý nghĩa cho đoạn Tin mừng hôm nay đó là sự kiên nhẫn chờ đợi đến từ Thiên Chúa và sự hoán cải trở về đến từ con người. Khi nêu lên dụ ngôn cỏ lùng và lúa tốt, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, Nước Trời không ở đâu xa, Nước Trời ngay tại chính trần gian nơi chúng ta đang sống và Nước Trời cũng ở trong tâm hồn của mỗi người.
Ngược dòng lịch sử trở về thời Cựu Ước, khi dựng nên thế gian, Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp, Ngài chúc phúc cho tất cả thụ tạo mà Ngài dựng nên. Nhưng do tội lỗi mà công trình tạo dựng của Thiên Chúa đã không còn hoàn hảo nữa. Tuy thế, Ngài vẫn không từ bỏ con người, Ngài hứa ban một Đấng Cứu Chuộc để đổi mới và đưa nhân loại đến mức hoàn hảo theo ý Thiên Chúa muốn từ thuở ban đầu. Từ lời hứa ấy đến khi Ngôi Hai Con Thiên Chúa đến với trần gian, Thiên Chúa vẫn nhẫn nại và từng bước dạy dỗ uốn nắn để con người đón nhận ơn cứu chuộc đến từ Thiên Chúa.
Sự nhẫn nại của Thiên Chúa cũng dành cho tất cả mọi người chúng ta. Khi tạo dựng con người theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa đã hứa ban những gì là tốt đẹp nhất cho con người: có lý trí sáng suốt, không phải đau khổ và không phải chết. Nhưng tội lỗi đã cướp đi tất cả và hậu quả là con người dễ nghiêng chiều về sự dữ. Đau đớn hơn đó là bản án phải chết đời đời. Với tình yêu thương, Thiên Chúa không hề muốn con người phải đi vào chỗ diệt vong, Ngài ban cho nhân loại Vị Cứu Tinh, người Dẫn Đường là Đức Kitô để con người tìm thấy lối về cùng Thiên Chúa.
Và mãi cho đến ngày nay, khi mà tội lỗi và sự thiện trộn lẫn với nhau, người lành và kẻ dữ như đồng thau khó mà phân biệt và tách rời thì Thiên Chúa vẫn nhẫn nại chờ đợi. Bằng chứng là trong Tin Mừng, khi được các gia nhân nêu ý kiến là cho họ đi dọn cỏ lùng, người chủ ruộng vẫn không đồng ý. Ông nhẫn nại chờ đợi cho đến ngày chung cùng khi mà mọi sự đến thời của nó ông mới ra tay hành động. Đối với nhân loại Thiên Chúa cũng hành xử như vậy. Thế nên có biết bao người thắc mắc hay bất mãn: tại sao sự dữ vẫn còn, kẻ ác vẫn sống ung dung? Công lý công bằng ở đâu? Thiên Chúa có thật không?
“Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng vượt xa tư tưởng của con người bấy nhiêu”. Vì thế sự công bằng của Thiên Chúa không hệ tại vào lý trí của con người. Vì tuy Thiên Chúa là Đấng công bằng nhưng Ngài cũng là Đấng nhân từ vô cùng. Và ngược lại…
Đoạn kết của Tin mừng cho chúng ta thấy về thời sau hết, khi cỏ lùng và lúa tốt đều được gặt đi thì khi đó mọi sự tốt xấu đều được phân biệt rạch ròi. Thưởng phạt đều rất công minh. Thiên Chúa nhẫn nại vì tình yêu. Ngài muốn cho con người có thời gian sám hối. Ngài không như con người đặt dấu chấm hết cho nhau. Nhưng sự chờ đợi nào cũng có thời gian và thời gian chờ đợi nào cũng có hồi kết. Khi con người bước qua cánh cửa của sự chết thì lòng kiên nhẫn và nhân từ của Thiên Chúa không còn nữa nhưng thay vào đó là sự công bằng và nghiêm minh. Ai nấy sẽ nhận lấy những gì mình đã chọn nơi dương thế khi còn sống mà bước vào cõi vĩnh hằng.
Lòng yêu thương và nhẫn nại của Thiên Chúa không phải là cái cớ cho chúng ta cứ tiếp tục lún sâu vào tội lỗi nhưng là cái phao, là cứu cánh cho chúng ta có cơ hội thay đổi kết cục của cuộc đời mình. Có một câu nói rất hay: “Thiên Chúa không vội vã nhưng Ngài luôn đúng giờ”. Điều quan trọng và khó khăn nhất đối với chúng ta là: “không biết quỹ thời gian Chúa dành cho chúng ta ở dương thế là bao nhiêu? Và giờ Chúa đến với mỗi người là khi nào?”. Cỏ lùng không thể biến thành lúa nhưng kẻ xấu có thể trở thành người tốt…đó là sự chờ đợi và hy vọng mà Chúa dành cho con người.
Bảo Bảo
Suy Niệm 4:
SỰ NHẪN NẠI CỦA THIÊN CHÚA
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Mt 13, 30
Trong một ngôi nhà thờ bên trong tu viện St. Ann & St. Joseph ở Cordoba, Tây Ban Nha, có một thập giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng. Đó là tượng thập giá tha tội, tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh có cánh tay phải rời khỏi thập giá và hạ thấp xuống.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau:
Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.
Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa: “Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”. Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.
Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”. Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ…
Câu chuyện trên cũng chính là câu chuyện của mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta khi thì 2 tuần, khi thì 1 tháng đến toà cáo giải để xưng tội. Những lúc xét mình, chúng ta ăn năn hối cải thật thành tâm nhưng rồi cũng chứng nào tật đó, có khi cùng một lỗi đó mà lần xưng tội sau chúng ta lại sai phạm nhiều hơn. Thậm chí xưng tội vừa xong, ta lại lỗi ngay điều chúng ta vừa dốc quyết. Con người chúng ta là thế đó nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, vẫn thứ tha và chờ đợi ta, Ngài không bỏ rơi, không giáng phạt mỗi khi chúng ta lầm lỗi, cũng như không thỏa hiệp với những lầm lỗi của ta.
Thật vậy, “cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” Thiên Chúa cho chúng ta nhận ra quyền năng của Ngài là lòng xót thương dành cho ta, Ngài không dùng quyền để loại trừ chúng ta thay vào đó Ngài chờ đợi, ân cần và muốn chúng ta hoán cải để thuộc về Ngài, như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chia sẻ: “Không có thánh nhân nào mà không có quá khứ, và không có tội nhân nào không có tương lai.” Là thế, cảm nhận được tình yêu, sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với chúng ta, khiến ta không nản lòng trước sự yếu đuối của bản thân nhưng đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn với chính mình mỗi khi ta sai phạm. Nhờ kinh nghiệm của bản thân sẽ giúp chúng ta thực hiện lòng kiên nhẫn với tha nhân như Thiên Chúa đã kiên nhẫn với ta.
Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con vững tin vào tình yêu của Chúa và chạy đến với Chúa trong phút giây của cuộc đời, xin dạy chúng con biết bước theo Chúa trên con đường đón nhận, bao dung với mọi người. Amen
Fiat