Suy niệm 1:
YÊU THA NHÂN
- Tha nhân là gì?
Theo Triết gia Plaute (La Mã) cho rằng: “Homa homni lupus” (người đối với người thực là chó sói). Cũng vậy, Jean Paul Sartre (Pháp) định nghĩa: “L’enfer, c’est les autres” (Hỏa ngục chính là tha nhân). Tóm lại, với Plaute, tha nhân là chó sói, còn Sartre, tha nhân là hỏa ngục. Quả thật, từ cách nhìn về tha nhân của hai triết gia, ta thấy việc yêu thương tha nhân là rất khó, nhưng quan niệm về tha nhân như vậy không thể có với người Kitô hữu.
Các hiền nhân xưa chỉ nói theo mặt tiêu cực, còn Chúa Giêsu khuyên bảo theo cách tích cực: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy. Là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Dấu chỉ mà Chúa Giêsu muốn nhắc đến ở đây là dấu chỉ của sự yêu thương. Bởi không có yêu thương, con người sẽ chết trong tội lỗi và bàn tay mang dấu đinh của Chúa Giêsu chính là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Nhưng chúng ta cũng hãy xét xem: tại sao việc yêu thương tha nhân lại khó khăn đối với hai Triết gia trên nói riêng và với mỗi người chúng ta nói chung? Tại sao chúng ta phải làm điều khó khăn đó? Hay có cách nào giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc yêu thương tha nhân?
- Tại sao không thể yêu thương tha nhân?
Tiên vàn, thói quen hay xét đoán người khác. Đành rằng việc xét đoán đóng vai trò không nhỏ trong việc thăng tiến trí tuệ và óc phán đoán của con người. Tuy nhiên, trong thực tế đời thường, chúng ta lại hay xét đoán theo cảm tính chủ quan của mình, hoặc dựa trên thành kiến có sẵn về người khác để kết án, hơn là dựa trên các bằng chứng xác thực khách quan. Từ những xét đoán tiêu cực về người khác khiến thiện cảm của chúng ta về họ giảm dần hoặc mất đi, vậy làm sao có thể yêu thương họ được?
Thứ đến, vì quá yêu chuộng “cái tôi” nên trong tương quan với tha nhân, thay vì xây “những chiếc cầu nối” để liên kết với nhau, chúng ta lại tự xây những “bức tường cách âm” hay tự tách mình ra khỏi anh chị em, bịt tai trước những lời góp ý chân thành của tha nhân. Chúng ta tự cho rằng mình đã yêu Chúa nhưng thật sự chúng ta chưa yêu hết lòng, hay chúng ta tự cho là mình đã phục vụ tha nhân nhưng chưa phục vụ họ hết sức.
- Tại sao phải yêu thương tha nhân, đặc biệt là kẻ thù?
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn dạy dỗ Dân Riêng của Người cũng như tất cả nhân loại phải yêu thương nhau: “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của” (Lv 19,13) và “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Hơn thế nữa, ngay từ những chương đầu của sách Sáng Thế, “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27). Thật vậy, từ sâu thẳm bên trong, con người là một hữu thể có xã hội tính. Vì thế, con người không sống cách riêng rẽ nhưng sống cùng nhau.
Trong Tân Ước, khi một luật sĩ chất vấn: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu đã trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12, 29 – 31). Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta qua việc Người cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hại, đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Chính thánh Gioan cũng đã khẳng định: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20).
- Làm sao để yêu thương họ?
Trước hết, chúng ta hãy tập nghĩ tốt, nói tốt và làm điều tốt cho người khác, “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 7, 1). Sở dĩ chúng ta hay xét đoán điều xấu cho tha nhân vì chính chúng ta là người xấu. Có người đã nêu ra nhận xét chí lý như sau: “Nếu bạn hay xét đoán ý trái cho tha nhân về một tội gì là dấu chứng tỏ bạn đang mắc phải thói xấu về điều ấy”. Do đó, mỗi người chúng ta phải tập nghĩ điều lành, điều tốt cho người khác. Nhờ đó, chúng ta sẽ có cái nhìn rộng mở hơn và dễ dàng yêu thương tha nhân mà không bị cản trở bởi những thành kiến hay ý chủ quan, mặc dù trong thực tế có nhiều tha nhân làm ta đau khổ. Như kinh nghiệm cá nhân của Đức Cha J.B Bùi Tuần: “Theo tính tự nhiên, có lúc tôi cũng muốn chủ trương như thế. Đúng lắm, kẻ khác chỉ là loài chó sói rình rập cắn xé tôi, họ chỉ là địa ngục làm khổ tôi.
Nhưng nghĩ lại, tôi thấy nói như vậy là quá đáng. Tôi không chối rằng thực sự bao người đã vô tình hay hữu ý làm khổ tôi. Nhưng không vì thế tôi được quyền xét đoán và kết án họ” (Nói với chính mình, tr.66)
Hơn thế nữa, hãy sống khiêm tốn, đừng quá coi trọng cái tôi. Khổng Tử đã trả lời cho một đệ tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì con không muốn thì đừng làm cho người ta. Triết gia Aristote cũng dạy: “Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận”. Còn trong sách Tôbia cũng đã viết: “Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4, 15). Với Chúa Giêsu, Ngài mời gọi chúng ta hãy tiến lên thêm một bước nữa. Thật vậy, đừng làm điều ác cho kẻ thù mà thôi thì chưa đủ, nhưng hãy đi bước trước làm điều thiện, làm điều mình muốn người khác làm cho mình. Chúa Giêsu đã dạy: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7, 12). Đó là khuôn vàng thước ngọc của Kitô giáo và là kim chỉ nam cho những ai theo Chúa.
Từ kinh nghiệm cá nhân, qua việc đọc “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie, tôi cảm nhận được rằng toàn bộ cuốn Đắc Nhân Tâm được tóm lại trong đoạn Mt 7, 12. Và đoạn Lời Chúa này vẫn phù hợp với nhiều loại sách dạy về đối nhân xử thế, không chỉ ở một thời điểm mà qua mọi thời. Để thấy rằng, Lời Chúa dạy mãi mãi sống động theo thời gian.
Quả thế, gương mẫu hy sinh vì yêu của Đức Kitô đã lôi cuốn bao người. Điều này chúng ta nhận thấy rõ qua những trang sử của các thánh tử đạo. Trong hàng ngũ các thánh, gần chúng ta nhất có thánh Linh Mục Maximiliano Maria Kolbe, người đã hy sinh mạng sống một cách anh hùng cho người bạn tù. Cha đã hiến dâng mạng sống mình để thực thi lời dạy của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đôi mắt yêu thương của Chúa, để chúng con nhìn thấy những điều tốt lành nơi những anh chị em chúng con gặp gỡ hằng ngày.
Xin ban cho chúng con trái tim nhân ái của Chúa, để chúng con biết yêu thương, tha thứ, đồng cảm, đón nhận những lầm lỡ của anh chị em và giúp đỡ họ trở về với Chúa.
Xin cho chúng con nên người rất mực bao dung và vui tươi để tất cả những ai đến gần chúng con đều cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Amen.
MYM
Suy Niệm 2:
Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu ai bị vả má bên phải, thì giơ cả má bên trái ra nữa…..(Mt 5, 39-41)
Chúa Giê-su đã đưa ra một sự so sánh song đối giữa luật Mô-sê “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24) và luật yêu thương của Chúa “đừng chống cự người ác”. Luật Mô-sê dạy trả báo công bình, còn luật Chúa Giê-su hạn chế sự hận thù “bất bạo động”. Từ luật nguyên nghĩa với luật kiện toàn, luật đền ơn trả oán với luật yêu thương, giáo huấn Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sống thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của việc ân oán, thay vào đó là sự chờ đợi. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta và chúng ta cũng phải chờ đợi anh chị em:
- Bị vả má phải – giơ cả má trái
- Lấy áo trong – cho lấy cả áo ngoài
- Bắt đi một dặm – đi hai dặm
Ở đây, Chúa Giê-su không muốn chúng ta chật hẹp trong thái độ cam chịu, thụ động, nghĩa là không những không đối đầu với sự dữ, nhưng còn lấy lòng thiện để biến đổi sự dữ thành điều lành, cùng diệt tận căn cái ác trong lòng chúng ta, trong cái lý vẫn phải có cái tình. Thứ đến, vấn đề không phải là ta chịu khuất phục trước cái ác, chấp nhận để bản thân bị người khác làm tổn thương (bị vả má phải đưa tiếp má trái cho người ta tát) mà là cho đi thời gian, không gian để người làm sai có thể suy nghĩ về các lầm lỗi của họ. Sâu xa hơn nữa, tất cả những hành vi, cung cách cư xử đó đều mang giá trị Tin Mừng, và là căn tính của những người sống vì Chúa Giê-su Ki-tô.
Thực tế cuộc sống cho thấy rằng, một khi để cho sự dữ lên ngôi, thì việc đối đầu, tranh chấp, triệt hạ lẫn nhau là điều không tránh khỏi: vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, quốc gia này sẽ không ngần ngại sử dụng “bàn tay trái” khiến cho quốc gia kia lâm vào tình cảnh khó khăn; vì sự ích kỷ hoặc quyền kẻ trên, cha mẹ đôi khi cũng không đủ bao dung trước những sai lỗi của con cái, và cũng không đủ kiên nhẫn giúp con cái mình vượt qua những yếu đuối để trưởng thành; khi có mâu thuẫn xảy ra, chồng – vợ không đủ khiêm tốn, nhã nhặn để cho nhau cơ hội để hòa giải, để được chữa lành. Họ bất chấp hậu quả chỉ vì muốn dành phần đúng phần thắng về phía mình; anh chị em, người thân không cho nhau sự thấu cảm, không kiên nhẫn cùng nhau tìm ra điểm chung khi đôi bên không cùng chung quan điểm hay ý hướng.
Cuộc sống là vậy! Người ta cảm thấy khó chịu khi một cuộc hẹn không đúng giờ. Người ta dễ dàng bức bối, cau có không vừa ý khi ai đó làm trái ý nghịch lòng; và trong một mối tương quan, người ta cũng không dễ dàng cho người anh em mình có cơ hội để hoán cải, để gắn kết lại mỗi khi sai phạm….Hậu quả là những khoảng cách giữa con người được tạo ra, những hiểu lầm, hiềm khích, thù hằn nơi các mối tương quan được phơi bày- một nền văn hóa của sự chết đang dần đè bẹp con người.
Cuộc sống này thật đẹp! Có nhiều cách thế để giải quyết vấn đề, sự chờ đợi, sự nâng đỡ, cảm thông, thấu cảm, cho nhau cơ hội…thật sự không khó đối với những ai có tấm lòng, những ai sống nền văn minh của sự sống, sống căn tính của người Ki-tô hữu khi có Thiên Chúa đồng hành.
Xin Chúa Giê-su cho con biết sống theo gương Chúa, cho con được biến đổi cung cách sống của con với anh chị em, không chỉ ứng xử thấu tình đạt lý mà còn biết chờ đợi anh chị em, biết suy nghĩ với suy nghĩ của Chúa, lắng nghe với đôi tai của Chúa, nói bằng ngôn ngữ yêu thương của Chúa và nhìn anh chị em với ánh mắt đầy bao dung của Ngài. Amen.
M. Nhị Thơ