Chúa Nhật V Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

Nói và làm có lẽ là một “cặp đôi hoàn hảo”, khi cả hai cùng tỉ lệ thuận tích cực với nhau. Chúng ta muốn biết và hiểu về một ai đó, ta không chỉ nghe những lời họ nói nhưng phần lớn còn dựa vào việc họ làm.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật V thường niên năm B hôm nay, thánh Mac-cô mô tả về một ngày sống của Chúa Giê-su, một ngày xem ra thật bận rộn “Vừa ra khỏi hội đường Ca-phac-na-um, Đức Giê-su liền đi đến nhà Ông Si-mon và An-rê chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Phê-rô, bà bị lên cơn sốt và Chúa cầm lấy tay bà, đỡ bà dậy và chữa lành cho bà [….] Và buổi sáng, lúc thờ còn tối mịt Đức Giê-su đến nơi hoang vắng để cầu nguyện”.

Quả thật, sứ mạng của Chúa Giê-su khi đến trần gian là thi hành thánh ý Chúa Cha, thực hiện chương trình cứu độ con người. Vì thế, qua việc làm của Chúa Giê-su đã minh chứng Ngài hoàn toàn không sống cho riêng mình. Tất cả thời gian và sức lực của Ngài đều dành cho việc thực hiện ý Cha và cho việc phục vụ con người. Dù là thế, nhưng Chúa Giê-su vẫn không quên bổn phận đối với Chúa Cha là tìm đến sự tĩnh lặng để sống thân tình cùng Cha bằng việc cầu nguyện. Hơn ai hết, Chúa Giê-su hiểu rằng: cầu nguyện là “hơi thở” của linh hồn và là nguồn sức mạnh mà Ngài kín múc nơi Chúa Cha trong cuộc đời tại thế.

Từ đó, con cảm thấy yêu thích sự bận rộn của Chúa Giê-su và yêu thích tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha. Vì mọi việc Ngài làm đều có giá trị mang ơn cứu độ cho anh chị em. Đó cũng là kim chỉ nam cho cuộc đời và sứ vụ của chúng con. Là người môn đệ của Chúa, chúng con cần trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, như vị tông đồ Phao-lô chia sẻ “Tôi là người tự do, không lệ thuộc vào ai nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, […….] Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9, 16-23).

Và ý thức rằng: chúng con là người môn đệ của Chúa mang trong mình thân phận mỏng giòn như “chiếc bình sành dễ vỡ”, nhưng không vì thế mà chúng con sợ hãi không dám ra đi dấn thân vì sứ vụ. Tinh thần này cũng được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lưu tâm và mời gọi: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô […] Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và thủ tục”.

Lạy Chúa Giê-su, tạ ơn Chúa đã chọn gọi chúng con để cộng tác với Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, xin giúp chúng con dám ra khỏi mình, dám từ chối những gì cản trở chúng con xây dựng Nước Chúa, hầu chúng con hiến thân vì Chúa và vì anh chị em.

Với sứ mạng chuyển cầu, chúng con cũng xin dâng lên Chúa những anh chị em đang gặp khó khăn khi thi hành sứ vụ, những anh chị em yếu đau hồn xác và những anh chị em có thiện chí trên bước đường theo Chúa. Xin Chúa nâng đỡ, an ủi và thánh hóa, để tất cả chúng con cùng nhau làm cho Danh Cha Cả Sáng. A-men

Maria Hài Đồng

Suy Niệm 2:

 Hồn Tông Đồ

Hoạt động và cầu nguyện là hai yếu tố không thể thiếu trong đời sống của người Ki-tô hữu, nhất là đối với những ai dấn thân trong sứ mệnh tông đồ. Thế nên, trong Tin Mừng hôm nay tác giả Mac-cô đã cho chúng ta thấy sự cân bằng giữa sứ vụ và đời sống tâm linh của Đức Giê-su trong sinh hoạt thường ngày của Ngài. Đức Giê-su – ngoài những việc chăm lo mục vụ cho đoàn dân đến với mình, thì Ngài còn lưu tâm đến đời sống nội tâm bằng việc cầu nguyện với Chúa Cha, sống mật thiết với Cha như để kín múc nguồn năng lượng từ Cha. Như thế, Đức Giê-su cho chúng ta ý thức rằng: Hoạt động và cầu nguyện phải được song phương trong đời sống của người môn đệ, nếu thiếu một trong hai thì kết quả sứ vụ của chúng ta sẽ không thành toàn theo ý Chúa Cha muốn.

Chúng ta trở lại trong bối cảnh Tin Mừng, sau khi Đức Giê-su rời khỏi hội đường Ca-phac-na-um, Ngài tiếp tục đến nhà Si-mon để chữa cơn sốt cho nhạc mẫu của ông “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy” và bà được khỏi bệnh. Có lẽ, hơn ai hết, Đức Giê-su đã thấu hiểu rằng tai họa mà con người phải chịu, phải đối phó trong thế giới này chính là bệnh tật. Hình ảnh Ngài thể hiện sự ân cần với nhạc mẫu của Si-mon như người mẹ hiền vỗ về con thơ và biết con mình cần gì trong khi lâm bệnh, nên Đức Giê-su đã “chạm” để nhân loại được chữa lành những thương tổn bên ngoài thể xác cũng như trong sâu thẳm lòng con người.

Và việc chữa lành này Đức Giê-su không dừng lại nơi nhà Si-mon, nhưng đến chiều về Ngài vẫn phải đón tiếp và cứu chữa “nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” – lúc này, con người cũng chỉ biết trông chờ vào Đức Giê-su, tin vào Ngài là người có khả năng cứu vớt họ và xua tan những nỗi cơ hàn, quẫn bách mà con người phải gánh vác trong cuộc đời. Tuy nhiên, Đức Giê-su phục hồi sức khỏe thể lý là cần, nhưng mục tiêu Ngài nhắm tới vẫn là chữa trị sức khỏe tâm linh là đánh thức, củng cố niềm tin của họ vào Thiên Chúa và không cho họ dừng lại với những thán phục chóng qua khi thấy việc Ngài làm… thay vào đó, Ngài muốn họ tiến sâu hơn là sống tương quan với Chúa Cha trong mọi cảnh huống đời mình.

Do đó, hành động Đức Giê-su dậy sớm “đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”. Ở đây, Đức Giê-su nhấn mạnh với các môn đệ và cả chúng ta rằng: sứ mệnh của người môn đệ không chỉ là những hoạt động mục vụ tông đồ, nhưng đòi hỏi người môn đệ nhiều hơn thế, là phải chú tâm đến đời sống cầu nguyện, Ngài không muốn chúng ta viện cớ cho việc bận rộn vì sứ vụ, mà bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa trong cô tịch và trầm lắng. Thật vậy, Đức Giê-su không để cho mình bị cuốn theo bởi nhu cầu cấp thiết của đoàn dân. Thay vào đó, Ngài biết đặt tình yêu Chúa Cha lên trên hết mọi sự, để sống thầm lặng bên Cha, lắng nghe thánh ý Cha, nhờ đó mà Đức Giê-su không bao giờ làm nghịch ý của Chúa Cha.

Trong tinh thần hăng say cho sứ vụ và sống tâm tình con thảo của Đức Giê-su đối với Chúa Cha, qua đó chúng ta được mời gọi noi gương Ngài, biết phục vụ anh chị em với lòng nhiệt huyết trong sứ vụ nhưng đồng thời cũng biết tìm nguồn trợ lực cho chính mình bằng đời sống cầu nguyện, tạo mối dây liên kết với Chúa Cha trong chiều sâu nội tâm, vì chỉ khi đó, việc tông đồ của chúng ta mới có “hồn tông đồ” và sáng danh Chúa.

Xin Chúa Giê-su đồng hành với chúng con trong sứ vụ và hiệp thông cùng chúng con trong nguyện cầu. A-men.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

Tìm Về Bên Chúa

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại một ngày sống của Chúa Giê-su với rất nhiều hoạt động. Ngài giảng dạy, chữa bệnh, xua trừ ma quỷ…cho nhiều người. Thế nhưng, điểm then chốt vẫn là hình ảnh Đức Giê-su đi cầu nguyện với Chúa Cha “khi trời còn tối mịt”. Dù thân phận là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su vẫn ý thức mình phải sống kết hợp liên lỉ với Chúa Cha để nhận ra và thi hành thánh ý Cha trọn vẹn. Những phút giây trầm lắng bên Cha là thời gian tương giao sâu đậm của Đức Giê-su dành cho Chúa Cha trong cuộc đời nhân thế.

Quả Thật, trong hành trình rao giảng của Đức Giê-su không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện hay hoạt động nhưng là sẵn sàng đi đến những nơi mà ý Chúa Cha muốn Ngài đến. Do đó, việc từ bỏ nơi an nhàn, thoải mái và sự ân cần đón tiếp để đến nơi mà chúng ta không biết tương lai là điều không dễ dàng, nhưng chính điều đó lại khiến cho đời sống ta có giá trị.

Với thực tế xã hội hôm nay, nhất là những ngày cuối năm âm lịch, hình ảnh chúng ta dễ nhận thấy, là từng đoàn người xa xứ nhanh chân trở về quê hương của mình để cùng gia đình và người thân đón tết cổ truyền của dân tộc. Hay là những người ở nơi đô thị phồn hoa tìm về nơi miền tây sông nước để thư giản và nghỉ ngơi.

Vậy, dù là đối tượng hay trong hoàn cảnh nào thì những hình ảnh trên điều mang một ý nghĩa rất thiêng liêng, và chúng ta thấy rằng ai cũng tìm cho mình một nơi “bình yên”. Suốt một năm tất bật vì cuộc sống, chạy đua với quy luật sinh tồn của nhân loại thì điều mong ước duy nhất của hầu hết mọi người, là có thời gian dừng lại để sống cho bản thân một cách chân thật nhất, không hơn thua và tranh giành.

Nhưng vì cuộc sống bị nhuốm màu của lối nghĩ thực dụng, nên người ta chỉ dừng lại ở mức độ tìm sự bình an bên ngoài, thiếu đi chiều sâu của bình an tâm hồn, nhất là sự yên bình đích thực bên Thiên Chúa.

Bình an mà con người kiếm tìm:

  • Cảnh vật non nước hữu tình: tạo cảm giác nhẹ nhàng thoải mái
  • Nơi không ồn ào, náo nhiệt: lấy lại sự cân bằng của nhịp sống
  • Con người hiền lành, chất phát: khơi lại niềm tin vào cuộc sống đầy những lọc lừa

Còn bình an đến từ Thiên Chúa đòi hỏi con người:

  • Dám đặt Thiên Chúa lên trên mọi dự tính, ước nguyện của bản thân
  • Từ bỏ tội lỗi và những quyến rũ của đam mê trần tục để sống trọn vẹn cho Thiên Chúa
  • Khước từ những hưởng thụ không chính đáng của bản thân, quan tâm đến những người xung quanh nhất là những người nghèo khổ để giúp đỡ họ.

Sự bình an đến từ Thiên Chúa thì luôn có, nhưng e rằng chúng ta ngại đi tìm, vì thật ra điều gì càng quý giá thì lại càng phải đánh đổi. Chúng ta muốn đạt được sự an bình không hệ tại ở điều kiện vật chất, hay vật thể hữu hình nào đó nhưng là ta phải biết khước từ những bám víu hữu hạn để tìm đến với Thiên Chúa – Đấng Hằng Hữu.

Xin Chúa cho chúng con dám nương mình cho sự dẫn dắt của tình yêu Thiên Chúa, hầu chúng con được bình an và hạnh phúc trong từng ngày sống của chúng con như xưa Chúa Giê-su đã tìm đến Chúa Cha. A-men.

Bảo Bảo

Trả lời