Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A

 

Suy niệm 1

CON ĐƯỜNG GIÊSU

Để đến một địa chỉ nào đó, ta phân vân vì ngày nay có nhiều con đường quá! Đường rộng, hẹp, dài, ngắn, khó đi, dễ đi khác nhau. Có con đường cong, con đường thẳng được tạo ra tùy mục đích của con người. Có con đường ghồ ghề sỏi đá nhưng vẫn khá hơn so với con đường của vài chục năm về trước. Có những con đường nhựa bằng phẳng tuyệt vời, rộng thoáng nên ai cũng thích đi, cứ bon bon là tới nơi mình muốn, … Nhưng chắc chắn giữa muôn vạn con đường sẽ có con đường thuận tiện và dẫn ta tới đích nhanh nhất.

Đích đến cuối cùng của ta không nơi nào khác ngoài Thiên Đàng. Để tới Thiên Đàng cũng có nhiều con đường cho ta lựa chọn, nhưng con đường sáng nhất, tiện nhất, dẫn tới Thiên Đàng nhanh nhất chính là con đường Chúa Giêsu đã đi như có lời bài hát thật hay, lời bài hát “Con đường Giêsu”:

“Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, xin chọn con đường yêu thương. Đường yêu thương cho ta gặp nhau, cùng chung hướng đến an vui. Chấp nhận nhau dù khác biệt nhau để không còn xa lìa …”(Nhóm Lửa Hồng)

Thật vậy, Tin mừng hôm nay cho ta một sự an ủi ngọt ngào về một con đường dẫn ta tới bến bờ hạnh phúc là Thiên Đàng, sau khi Chúa Giêsu đã yên ủi các môn đệ: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1), Chúa Giêsu cho các môn đệ biết: Trên Thiên Đàng “có nhiều chỗ ở” và Chúa muốn cho các ông tới đó nên Ngài “đi trước để dọn chỗ,” rồi “sẽ trở lại đón các ông…” (x. Ga 14, 2-4).

Vậy, con đường của Chúa Giêsu đi là con đường nào? Chắc chắc ta cũng vu vơ chưa rõ. Tôma, ông muốn biết một cách chính xác những gì ông chưa hiểu, ông muốn biết chính xác con đường đó là con đường nào nên ông mới hỏi: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” (Ga 14,5). Cám ơn Thánh Tôma, vì nhờ ông mà ta có được một câu trả lời hết sức quan trọng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người” (Ga 14, 6). Như vậy, chính Chúa Giêsu là con đường, muốn tới Chúa Cha, muốn tới Thiên Đàng, thì ta cần phải đi trên con đường của Chúa Giêsu.

Lần theo bước chân của Chúa Giêsu, ta tìm thấy con đường mà Ngài đã đi trong suốt 30 năm đời sống ẩn dật: yêu thương, khiêm nhường, hy sinh, phục vụ, vâng lời Đức Mẹ và Thánh Giuse, …Con đường Ngài đã đi suốt ba năm sống công khai: rao giảng Tin mừng, chữa lành bệnh tật, yêu thương hết mọi người, tha thứ tội lỗi, tuyển chọn, huấn luyện các Tông đồ, thiết lập Giáo hội, thiết lập các Bí tích, chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn và chết trên thập giá để hoàn tất công trình cứu độ trần gian.

Như thế, muốn đi theo con đường của Chúa Giêsu, ta phải đi theo sau, theo vết chân của Ngài. Muốn đi trên con đường của Giêsu, ta phải thực hiện giáo huấn của Ngài. Giáo huấn của Chúa Giêsu là Lời Chúa dạy ta trong Tin mừng, là giáo huấn của Hội Thánh, là 10 điều răn, tóm lại trong hai điều chính yếu: mến Chúa và yêu người.

Con đường Chúa Giêsu đã đi, cũng là con đường mà Mẹ Maria đã bước: sống phó thác, xin vâng, khiêm nhường, phục vụ … Đi theo con đường Đức Giêsu đã đi, ta có thể bước theo con đường của các Thánh. Nhưng mỗi thánh lại có một con đường riêng: Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nổi bật với con đường thơ ấu thiêng liêng; Thánh Đamiêng đã đi con đường phục vụ người cùi; Thánh Phanxicô Xaviê đã đi con đường truyền giáo; Thánh Têrêxa Caculta đã đi theo con đường phục vụ người nghèo; Thánh Maria Goretti đã đi con đường tha thứ cho kẻ thù; các thánh Tử đạo đã đi con đường đau khổ, Thánh Donboco đã đi con đường phục vụ và giáo dục các trẻ em …Nhưng tất cả các con đường đó đều do Chúa vạch ra và quy hướng về Chúa. Để đến với Chúa Cha, ta có nhiều con đường để lựa chọn. Song, con đường thích hợp nhất vẫn là con đường của Chúa Giêsu, là vâng lời Chúa, là sống yêu thương, sống theo giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, giữa đường đời trăm vạn nẻo, xin cho chúng con luôn vững bước theo con đường Chúa muốn chúng con đi để được vinh phúc về quê hương Thiên Đàng. Nguyện xin Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống giúp chúng con biết sống yêu thương, sống quên mình phục vụ và nên thánh hằng ngày, để một ngày nào đó chúng con cũng được Chúa gọi tên là “người môn đệ Chúa yêu” trong hành trình vác thập giá đi theo Chúa. Amen.

Hứa với Chúa

Suy niệm 2:

CON ĐƯỜNG

Cuộc đời mỗi người là một hành trình liên tục mà trong đó việc chọn lựa cho bản thân một “lối đi đường về” là việc tối quan trọng vì người ta chỉ đến đích khi tìm thấy con đường dẫn tới đó. Chưa bàn đến chuyện tôn giáo hay tín ngưỡng, riêng việc chọn cách sống, lối sống cho bản thân thế nào là tốt nhất đã là một việc khó khăn rồi. Vì thật sự mang thân phận làm người thì mọi quyết định mà bản thân đưa ra không phải lúc nào cũng chính xác. Bên cạnh đó dù được người khác góp ý hay chỉ dẫn cũng không có gì đảm bảo là chắc chắn.

Bài Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu nói đến việc Ngài sẽ đi và dọn chỗ cho các môn đệ để các ông được ở cùng với Ngài, thì một vấn đề quan trọng được ông Tôma đặt ra là: Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường? Thoạt nghe qua chúng ta dễ mang tâm lý khó chịu với Tôma vì nghĩ là ông đang trách Chúa Giêsu: không chỉ đường đi sao mà biết! Nhưng thật sự vấn đề Tôma nêu lên là hoàn toàn có thể chấp nhận được: Con đường nào để đến nơi Chúa Giêsu đang nói tới? Trong khi Chúa Giêsu đang nói đến con đường thiêng liêng, các môn đệ đang nghĩ đến con đường trần thế. Cuối cùng đáp án được Đức Giêsu kết luận: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Con đường đến với Thiên Chúa không phải tất cả mọi người đều biết. Mà khi đã biết rồi thì không hẳn là sẽ đi được đến cùng vì con đường đó mang tên Giêsu đồng nghĩa với con đường mang tên Thập Giá. Nhắc đến thập giá thì chúng ta lại nhớ đến thơ của thánh Phaolô gởi cho cộng đoàn Côrintô có đoạn viết rằng: “Phải, trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1, 22). Thập giá từ bao đời vẫn được coi là một hình khổ, một sỉ nhục, một điều mà mọi người cần tránh xa nhưng đó lại là con đường Đức Giêsu đã đi qua và Ngài muốn những ai đến cùng Chúa Cha cũng phải đi qua đó. Phải chăng Ngài không muốn con người được hạnh phúc, Ngài muốn họ phải đau khổ?

Nhưng nếu nhìn mọi vấn đề trong cái nhìn của đức tin thì đau khổ hay hạnh phúc thật sự không hề có một ranh giới rõ ràng. Nếu cái nhìn trần thế cho là: mọi việc đều như ý, được sức khỏe, giàu sang, sung túc là hạnh phúc thật thì có chắc khi không đạt hết những điều đó con người ta sẽ bất hạnh? Chúa Giêsu khi đến với thế gian Ngài đã không có được tất cả những điều trên: sinh ra trong giá lạnh nghèo hèn, bị truy giết lúc còn sơ sinh, bị lưu vong lúc còn bé thơ, sinh trưởng ở làng quê ít người biết tới, bị tẩy chay khi thi hành sứ mạng, cuối cùng bị giết chết như một người trộm cướp. Vậy đâu là ân sủng tự nơi Người phát xuất ra? Thưa đó là cả một đời sống chết cho thánh ý Thiên Chúa được hoàn tất nơi Ngài, tự đó mà sinh ơn cứu độ cho nhân loại. Và chính Ngài sau khi đã hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó thì lại được tôn vinh qua muôn ngàn thế hệ: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 8-9).

Con đường mang tên Giêsu gọi mời tất cả những ai muốn tìm đến đích điểm của nguồn hạnh phúc thật thì hãy đi qua đó. Kinh nghiệm của đau thương thập giá cũng là kinh nghiệm của tình yêu và hạnh phúc. Vì khi quyết chí theo đường thập giá người tín hữu không lẻ loi một mình, không lần mò trong đêm tối, không sợ lạc hướng sai đường vì chính Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài là Đường là Sự Thật và là Sự Sống.

Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập Giá trên đường đời con. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cung chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.

Bảo Bảo

Suy niệm 3:

ĐƯỜNG NÀO DÀNH CHO TÔI?

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14, 6)

Như chúng ta đã biết, mỗi Dòng Tu hay Tu Hội đều có vị sáng lập và có linh đạo riêng. Ví dụ như dòng Mến Thánh Giá, vị sáng lập là Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, linh đạo là: Hướng trọn lòng trí và cuộc sống về Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất qua ba chiều kích: chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Với mục đích: đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Kitô bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người.

Xã hội ngày nay tiến bộ vượt bậc, nhưng vẫn còn những người lang thang khắp các nẻo đường của thế giới mà không biết họ sẽ qua đêm ở đâu. Nhiều người đã có một công việc tốt, một cuộc sống gia đình ổn định. Sau đó, có một sự kiện khiến họ bị mất tất cả, không nơi nương tựa. Ví dụ như ở những quốc gia đang xảy ra như: Ukraine, Syria và những nơi khác, toàn bộ gia đình đã rời bỏ nhà cửa để chạy trốn chiến tranh. Họ ra đi mà không biết con đường của họ sẽ dẫn họ đến đâu.

Hôm nay, Đức Giêsu tự xưng mình là con đường. Đường là lối đi, khi mở đường thì phải có mục đích, có điểm đến. Như vậy, Ngài cho chúng ta biết mục tiêu và kết quả của đời sống chúng ta. Cùng đích cuộc đời chúng ta là về nhà Cha, quê hương vĩnh cửu trên trời. Như vậy, trần thế này chỉ là tạm bợ, không phải là nơi để chúng ta lập cư vĩnh viễn, không phải là quê hương. Mục đích là điều mà bản thân mỗi người đang hướng đến và mong muốn đạt được. Nếu làm việc có mục đích chúng ta sẽ biết được mình đang cố gắng để đạt được cái gì. Vì thế, chúng ta sẽ có động lực hơn và sẽ cố gắng để hoàn thành công việc đó.

Trong giờ huấn đức của các đệ tử trong Hội Dòng, một lần kia tôi được nghe kể câu chuyện như sau: Khi những con chó đang tìm mồi ở bìa rừng thì bỗng có một con chó thấy được con mồi, nó vừa sủa dồn dập vừa chạy theo để bắt được con mồi cho dù vướng gai góc bụi rậm, bao nhiêu lần nó vướng cây, vướng dây leo té lăn ra, nó vẫn bò dậy thật nhanh,vượt qua những đau đớn trầy xước của gai góc vướng trên đường, ánh mắt của nó vẫn không rời khỏi con mồi, chân vẫn cố chạy thật nhanh, miệng vẫn sủa mà nó không cảm thấy mệt. Nói về những con chó kia, khi nghe tiếng sủa của bạn mình mặc dù chúng nó không thấy gì nhưng chúng nó cũng sủa theo, cũng chạy theo hướng bạn mình đang chạy, những lần vướng dây, vướng cành cây làm chúng nó mệt nhừ, chân rả rời lê bước, miệng thì há hốc và bỏ cuộc. Cuối cùng chỉ còn lại duy nhất một con chó đã thấy con mồi và nó đã chạy cho đến cùng để bắt cho được con mồi.

Bao nhiêu lần chúng ta đọc Kinh Thánh, suy gẫm cuộc đời của Chúa Giêsu, bao nhiêu Mùa Chay chúng ta đã trải qua, có lẽ ai cũng có những cảm nhận riêng nhưng chúng ta thấy rõ: con đường Chúa Giêsu đã đi không phải là một con đường rộng thênh thang, không phải là con đường dễ dàng. Nó hẹp, và nó dẫn chúng ta đến một cánh cửa hẹp. Cuộc sống của chúng ta là một cuộc chiến đấu hàng ngày chống lại các thế lực xấu đang tìm cách dẫn dắt chúng ta vào con đường diệt vong. Đó là chạy đua vì tiền, danh vọng, ganh ghét, hận thù, oán hận. Tất cả những điều này làm chúng ta mất tập trung khỏi mục đích thực sự của cuộc đời mình. Có những lúc chúng ta rơi vào tình trạng đứng trước ngã ba đường, không biết rẽ vào lối nào cho đúng. Bởi vì những ngã rẽ đó đều có những hấp dẫn riêng và rất lôi cuốn. Vào những lúc đó, chúng ta cần hồi tâm và tự hỏi: Chúa Giêsu có thực sự là con đường, sự thật và sự sống của chúng ta không?

Lạy Chúa, tâm trạng của chúng con khi đi theo Đức Kitô nhiều khi cũng giống như tâm trạng của Giacôbê và Gioan là để được chia sẻ vinh quang của Ngài, để được «ngồi bên hữu, bên tả» Chúa như ước muốn của hai tông đồ Giacôbê và Gioan (x. Mc 10,35-37), để được ăn sung mặc sướng, được ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ! … muốn được vinh quang, được đề cao, được nắm quyền bính, được mọi người kính trọng. Cũng có những lúc chúng con mất phương hướng, sống không có mục đích. Xin cho chúng con biết rằng theo Ngài thì việc đầu tiên là phải bắt chước Ngài, cũng như sống theo tinh thần của Ngài là phải vác thánh giá, chịu đau khổ vì hạnh phúc của tha nhân như Ngài. Xin giúp chúng con quên mình và vị tha hơn để có thể làm được điều ấy. Amen.

Fiat

Suy niệm 4:

Phụng Vụ Lời Chúa tuần trước giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt của Đức Giê-su với dáng vẻ Vị Mục Tử Nhân Lành, Ngài sẽ dắt dìu chúng ta tới bến bờ hạnh phúc. Tuần này, Ngài không chỉ là người dẫn đường mà còn là chính con đường để ta tìm về nguồn sự sống: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Con đường Giê-su sẽ mang chúng ta đến với Chúa Cha là chốn bình an đích thực, đó là đích điểm cho hành trình dương thế của mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.

Dẫu biết rằng chỉ nơi Thiên Chúa tình yêu, chúng ta mới có được hạnh phúc thật. Thế nhưng, không ít người chúng ta cứ loanh quanh, loay hoay bám víu vào chốn trần gian tạm bợ này, để mặc những tham vọng và hư danh vây kín. Biết được sự yếu đuối của người môn đệ, Đức Giê-su ân cần an ủi “Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Thật vậy, chỉ khi thật sự phó thác và tin vào Chúa, chúng ta mới tìm được lẽ sống, tìm được mục đích để phấn đấu nơi cõi tạm này. Được yêu và hiện hữu trong Thiên Chúa là niềm ước mong của con người.

Qua lời khẳng định của Đức Giê-su: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”, chúng ta nhận ra ba nguyên lý quan trọng giúp cho chúng ta được hưởng ơn cứu độ:

  • Đức Giê-su là “con đường”: con đường Giê-su giúp chúng ta “vượt qua” thực tại trần thế này, từ đau khổ đến vinh quang, từ sự chết đến sự sống, và từ đời sống trần gian đến sự sống vĩnh cữu, như chính Ngài đã chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá và sau đó mới được tôn vinh. Quả thật, Đức Giê-su là đường ngay nẻo chính, dẫn đưa chúng ta đến cùng đích là Chúa Cha “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
  • Đức Giê-su là “sự thật”: Ngài phát xuất từ Chúa Cha – Đấng là nguồn chân lý, Ngài dạy cho chúng ta biết Chúa Cha là một vị Thiên Chúa yêu thương, luôn trung thành trong lời hứa. Điều ấy được thể hiện trong lời nói và hành động nơi con người Đức Giê-su – Ngôi Lời Nhập Thể.
  • Đức Giê-su là “sự sống”: sự sống đích thực là “nhận biết Chúa Cha”, Đấng đã sai Ngài đến trong thế gian. Đức Giê-su là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chúa Giê-su không chỉ muốn chúng ta sống tương quan với Ngài, nhưng còn mong ước chúng ta nhận biết Chúa Cha qua Ngài. Vì Đức Giê-su đến trần gian là để thì hành thánh ý Chúa Cha, và Đức Giê-su với Chúa Cha là một: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

 Vì thế, niềm khát vọng lớn nhất của chúng ta là được nên một trong Thiên Chúa. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại chọn cùng đích đời mình khác xa với sự hướng dẫn của Thầy Giê-su. Chúng ta mê mải dệt đời mình trên những ước vọng của địa vị, tiền tài…và xem trọng chúng như cứu cánh của đời mình, mà quên đi điều Thiên Chúa muốn. Cho nên, chúng ta dễ dàng lạc xa đường chân lý, quên đi khát khao vĩnh cửu, giống người chạy xe trên đường, như thủy thủ khi ra khơi, và như người phi công lái máy bay trên bầu trời mà không biết đâu là đích đến, đâu là giá trị của mỗi chuyến đi. Hơn thế, trong hành trình đức tin, giữa những ngã rẽ của cuộc đời, bạn và tôi đã chọn cho mình con đường nào, bước đi trên con đường Giê-su hay con đường của ý riêng mình? Đây là điều chúng ta cần chọn lựa và quyết tâm sống mỗi ngày.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con là những con người mong manh yếu đuối, dễ buông xuôi trước gian nan thử thách, dễ ngã lòng khi cảnh đời không như ý mình. Xin Chúa cho chúng con biết xác tín cậy trông vào Chúa, biết cùng với Chúa vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, để nhờ đó chúng con được trung kiên bước theo con đường của Chúa đến cùng. Amen.

M. Nhị Thơ

Trả lời