Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B

Suy Niệm 1:

Khi mang thân phận làm người bước vào trần gian, ai ai cũng mang nơi mình những âu lo cuộc đời. Thế, chúng ta lo lắng về điều gì? Ta âu lo chuyện mình và chuyện người: gia đình, công danh và sự nghiệp, … Nhưng những nỗi lo ấy cũng chỉ là phù vân kiếp người. Hôm nay chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su khi Ngài phải đối diện với những lo lắng đó.

 Chúng ta bước vào tuần năm Mùa Chay, tuần cuối cùng để ta bước vào cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Nơi Chúa Giê-su, Ngài mang hai bản tính – vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Bởi thế, cuộc đời Chúa Giê-su không nằm ngoài định luật tự nhiên. Chúa Giê-su cũng rất sợ hãi khi phải đối diện với “Giờ” của mình.  Nhưng Ngài xác tín nơi tình yêu Chúa Cha và hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Cha mình “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga14,1).

Thật vậy, Chúa Giê-su đối diện với những nghịch cảnh là thế, phần chúng con thì sao, lạy Chúa? Trong cuộc sống của chúng con – sống đời tận hiến, chúng con cũng không điều chi phải âu lo nhiều. Điều chúng con cần thực hiện là chu toàn bổn phận với Chúa và với anh chị em, khi Chúa trao phó cho chúng con trong đời sống hằng ngày. Thế nhưng đôi lúc chúng con đón nhận những lắng lo đó cách miễn cưỡng, khó chịu, hoặc bằng mặt nhưng không bằng lòng, thậm chí chúng con còn buông lời nói làm cho anh chị em buồn phiền. Hôm nay Chúa mời chúng con hãy dám chết đi những điều ấy như “Hạt lúa mì gieo vào lòng đất, không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24)

Lạy Chúa, Chúa vẫn luôn giang rộng đôi tay chào đón từng người chúng con. Chúa vẫn đang chờ đợi uốn nắn chúng con trong những lúc khó khăn, thử thách của đời thường, và luôn thấu hiểu nỗi lòng của chúng con. Xin cho chúng con luôn ngoan ngùy theo sự hướng dẫn của Chúa. Thay vì xin Chúa lấy đi khỏi chúng con những lắng lo, thì chúng con xin Chúa giúp chúng con can đảm đối diện với những âu lo trong tinh thần phó thác để danh Chúa được tôn vinh.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin, nghị lực để trong mọi sự chúng con hoàn toàn tin tưởng vào bàn tay quan phòng của Chúa, vì có Chúa cùng đi chúng con an tâm vững bước. Amen.

Ephata

Suy Niệm 2:

 Hạt Giống Đời Ta

Hình ảnh “Hạt lúa gieo vào lòng đất” mà Đức Giê-su gợi lên trong Tin Mừng hôm nay là hình ảnh tiên trưng về sứ mệnh của Ngài và cũng là ơn gọi của chúng ta. Thật vậy, sứ mệnh của Đức Giê-su được thành toàn trong sự vâng phục Chúa Cha và yêu thương nhân loại. Ngài đã hủy mình ra không, ngang qua cái chết và sự phục sinh để mang ơn cứu độ cho trần gian. Cũng vậy, thân phận chúng ta phải chịu mục nát trong hy sinh và gian lao đau khổ đời này, để ta được sự sống vĩnh cửu mai sau, như lời Đức Giê-su nói “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

Khi nhìn vào bối cảnh Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra giá trị của đau khổ và hy sinh, bởi vì Đức Giê-su muốn ta hãy cương quyết trong sự chọn lựa của mình để đạt được sự sống đời đời. Việc được “gieo vào lòng đất” mà Đức Giê-su mời gọi con người dấn thân không đưa chúng ta vào thế bị động, nhưng giúp nhận ra giá trị tối hậu của sự sống vĩnh cửu mà người môn đệ phải đạt đến. Tuy nhiên, muốn đạt được điều ấy chúng ta phải chấp nhận chịu mất mát và khổ đau. Bởi lẽ, đây là con đường mà Thầy Chí Thánh đã dấn thân và trở nên duy nhất cho những ai muốn tiến bước theo Ngài. Quả thật, khổ đau, thập giá, …sẽ trở nên triều thiên sự sống cho những ai biết kết hợp mật thiết với Đức Giê-su và trung thành sống theo lời Ngài mời gọi.

Ngoài ra, Tin Mừng còn cho chúng ta cảm nhận nỗi sợ hãi trong tâm hồn của Đức Giê-su “Tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?”. Hơn bao giờ hết, Đức Giê-su đang phải đối diện với sự giằng co, một là chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa Cha đã trao phó, hai là thoái thác trách nhiệm để tìm yên ổn cho mạng sống mình. Thế nhưng, đứng trước tình cảnh đó, Đức Giê-su đã không để cho những sợ hãi của phận người xâm chiếm tâm hồn mình, thay vào đó Ngài đã thân thưa lên cùng Cha “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Thật vậy, trong tình yêu của sự vâng phục, Đức Giê-su đã ý thức mạnh mẽ, quyết một lòng chấp nhận đi vào kế hoach cứu độ nhận loại mà Chúa Cha đã trao phó.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng không thiếu những chọn lựa mang tính bước ngoặc, sống còn. Và đây quả là những điều không dễ thực hiện, bởi vì, sự lựa chọn nào cũng mang đến cho ta những giằng co nuối tiếc, cùng những cắt tỉa đớn đau khi phải từ bỏ ý riêng mình, nhất là từ bỏ đi những gì thiết thân đã gắn bó với mình lâu dài. Tuy nhiên, Đức Giê-su muốn chúng ta hãy khôn ngoan phân định và quyết liệt trong sự chọn lựa giữa cái tạm bợ với những giá trị vĩnh hằng. Quả thật, hy sinh, từ bỏ và chết đi cho chính mình không phải là việc có thể hoàn thành một sớm một chiều, mà là tiếng gọi thôi thúc chúng ta phải thực hiện từng chút, từng giây phút trong cuộc đời. Vì chỉ khi chúng ta dám mục nát, dám chết đi cho những tính hư hèn, lúc đó đời ta mới có thể mang lại ích lợi thiêng liêng cho bản thân và cho tha nhân, như Đức Giê-su đã khẳng định “Hạt lúa gieo vào lòng đất mà chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Nguyện xin Chúa Giê-su giúp chúng con dám chết đi cho những gì không phù hợp với đời sống làm con Chúa. Xin Ngài thánh hóa những suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, nhờ đó cuộc đời chúng con sẽ trở nên những hạt lúa miến dám mục nát, để mang nguồn sống cho muôn người. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

 Đời Sống Những Người Theo Chúa

Hai hạt giống trò chuyện với nhau:

Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên…

Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân… Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời, thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.

Và rồi hạt mầm mọc lên.

Hạt mầm thứ hai bảo:

– Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.

Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

Câu chuyện trên phần nào minh họa hình ảnh “Hạt giống” mà Chúa Giêsu nói Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”. Hình ảnh này như diễn tả sự tự hiến và tự hủy của Chúa Giêsu và cũng là con đường dành cho tất cả những ai theo Ngài. Vì yêu, Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha, sống một cuộc đời tự hiến và hủy mình ra không một cách trọn vẹn và hoàn hảo. Phần chúng ta thì như thế nào, ta noi gương Chúa Giêsu bằng cách nào và chúng ta sống mầu nhiệm đó ra sao.

Cuộc đời của mỗi người Kitô hữu là một cuộc lên đường, lên đường để tiến về nhà Cha trên trời. Trong hành trình ấy, chúng ta được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Ta có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như cầu nguyện, làm việc bác ái, rao giảng, v.v … Nhưng có lẽ, cách làm chứng hữu hiệu nhất cho Tin Mừng chính là đời sống của chúng ta. Và trên con đường này chúng ta sẽ không tránh khỏi những gian nan, khốn khó, cũng như đòi hỏi mỗi người phải vượt qua những yếu đuối, tội lỗi của mình, là chấp nhận hy sinh thời gian, công sức để chu toàn những bổn phận của mình. Vì đó cũng là cách chúng ta dám mục nát bản thân mình như “hạt lúa gieo vào lòng đất” mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết hiến thân vì Chúa và vì anh chị em trong cuộc đời này, vì như thế chúng con mới được gọi là môn đệ của Ngài. Amen.

Fiat

Trả lời