Suy Niệm 1:
Thần Khí Mới
Khi nói về Chúa Thánh Thần có lẽ chúng ta hình dung ngay đến biểu tượng của Ngài là hình ảnh chim bồ câu. Nhưng Tin Mừng hôm nay diễn tả cho chúng ta hình ảnh khác về Chúa Thánh Thần, đó chính là “Hơi thở” qua hành động của Chúa Giê-su “thổi hơi” trên các môn đệ. Và cử chỉ này Chúa Giê-su trực tiếp trao ban “luồng sinh khí mới” cho các ông, để giúp các ông mạnh dạn công khai ra đi rao giảng Tin Mừng, đem bình an và ơn tha thứ cho nhân loại, đồng thời khi nói về Chúa, các môn đệ sẽ nói trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Nhìn vào khung cảnh Tin Mừng chúng ta thấy, trước khi Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến với các môn đệ, các ông chỉ ẩn mình trong nhà “đóng kín cửa” không dám đi ra ngoài vì sợ người Do Thái. Có lẽ các ông sợ người ta sẽ bắt giết mình như Thầy. Và cách nào đó việc ‘đóng kín cửa” này còn là sự khép kín tâm hồn của các ông, không muốn mở lòng ra đón nhận bất kì ai. Thật vậy, Chúa Giê-su hiểu được nỗi sợ hãi ấy nơi học trò của mình, nên Ngài đã hiện ra chúc “bình an” và an ủi các môn đệ bằng việc cho xem “tay và cạnh sườn” của Ngài, giúp các ông xác tín hơn Thầy Giê-su đây chứ không ai khác.
Sau khi các môn đệ tận mắt nhìn thấy Chúa Giê-su phục sinh và rất vui mừng, thêm lần nữa, Chúa lại gửi lời chúc bình an cho các ông “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Lần chúc bình an này có thể Chúa Giê-su không nhằm để trấn an các môn đệ, nhưng là một lời mời gọi, thôi thúc các ông sẵn sàng mở lòng ra đón nhận sứ vụ từ Ngài, và đón nhận sức sống mới của Chúa Thánh Thần “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Quả thật, Chúa Giê-su đã trao ban bình an cùng Thần Khí của Ngài cho các môn đệ nhằm tăng thêm sức mạnh và lòng mến, để các ông thực hiện năng quyền “tha tội” cho con người.
Qua đó, chúng ta mới nhìn nhận ra rằng, vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần không thể thiếu trong lòng Giáo Hội và trong đời sống đức tin của mỗi người. Thế nhưng, khi nhìn lại dường như chúng ta dễ lãng quên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, và ít nghĩ đến Ngài. Có lẽ một trong những lý do chúng ta quên Chúa Thánh Thần vì hình ảnh của Ngài không có gì nổi bật và biểu tượng của Ngài như là chim bồ câu, đám mây, gió, hơi thở, lửa, lưỡi lửa, ngón tay, … và cũng có thể chúng ta chưa nhận ra tầm quan trọng của Ngài trong Hội Thánh, trong thế giới và trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Hôm nay Chúa Giê-su đã ban Thần Khí cho các môn đệ qua biểu tượng “Hơi thở” như ám chỉ với chúng ta rằng, không có Chúa Thánh Thần ta sẽ không thể sống, và càng không thể làm được gì nếu như Ngài không hiện diện trong chúng ta. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta hãy xem lại cách ta sống với Chúa Thánh Thần như thế nào? Và chúng ta đã để cho Ngài đi vào trong đời sống của ta ra sao?
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến canh tân toàn thể nhân loại và đổi mới tâm hồn các tín hữu, hầu chúng con sống theo chân lý Chúa truyền dạy và trở thành khí cụ an bình cho thế giới. Amen.
M. Nhị Thơ
Suy Niệm 2:
Chúa Thánh Thần Đã Được Ban Như Lời Đã Hứa
Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta thấy Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi ân sủng và bình an mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho các môn đệ. Ngài đến để ‘hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa’, đến để ‘đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta’, ‘sửa lại mọi sự trong ngoài chúng ta’, an ủi dạy dỗ chúng ta làm những việc lành’ theo như lời kinh “Chúa Thánh Thần” mà chúng ta vẫn thường cầu nguyện.
Và theo sách Công vụ Tông đồ, vào ngày lễ Ngũ Tuần, nơi các Tông đồ tụ họp, Chúa Thánh Thần đã đến qua dấu hiệu ‘gió thổi’ và ‘hình lưỡi lửa’ trên đầu mỗi người. Ngày hôm đó, ơn Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên các tông đồ đầu tiên. Khi các ngài nhận ơn, tất cả được biến đổi; nhận sức sống mới từ Thánh Thần, các ngài không còn sợ hãi, nhưng can đảm đứng lên, mạnh mẽ ra đi rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh và đỉnh điểm của sự biến đổi là sẵn sàng chết vì Chúa Kitô. Hội Thánh được khai sinh bắt đầu từ hôm ấy mãi đến hôm nay và cho đến tận cùng trái đất, một Hội Thánh luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động.
Mừng lễ này, Giáo Hội cũng nhắc nhớ chúng ta về sự hiện diện kín ẩn của Chúa Thánh Thần, tuy ‘không thấy’ ‘nhưng có’, sự hiện diện vượt không gian và thời gian. Vì thế, bất cứ đâu chúng ta cũng có thể cầu nguyện, kêu xin và đón nhận ơn của Ngài.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, xin thánh hóa chúng con để nhờ sức sống của Ngài trong cuộc đời, chúng con sống tốt hơn, sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng chúng con không thể hình dung như Chúa Cha và Chúa Con. Chúng con chỉ lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần trong thâm sâu linh hồn, xin Ngài đến viếng thăm tâm hồn khi chúng con cầu nguyện. Giữa lòng Giáo Hội, xin Ngài làm cho chúng con được hiệp nhất trong yêu thương như Ba Ngôi Thiên Chúa và biết sống thánh thiện hơn mỗi ngày.
Lạy Chúa Thánh Thần – Tình yêu hằng hữu của Chúa Cha và Chúa Con, xin đoái thương ban cho chúng con Hoa trái của Chúa Thánh Thần là: Bác ái – Hoan lạc – Bình an – Nhẫn nhục – Nhân hậu – Từ tâm – Trung tín – Hiền Hòa và Tiết độ. Cùng với sự trợ giúp của Chúa, sau khi có được các hoa quả này, xin Thánh Thần gìn giữ trái tim chúng con luôn được tinh tuyền, để nhờ ơn Chúa và theo như lời Tin Mừng, chúng con sẽ được nhìn thấy Ba Ngôi Thiên Chúa muôn đời trong vinh quanh. Amen.
Hoa Xuân
Suy niệm 3:
Chúa Thánh Thần, Sức Sống Mới
Khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội chúng ta mới thấy được Chúa Thánh Thần có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Người đóng vai trò xuyên suốt như là “Hơi thở” ban lại sự sống và bình an.
Chúng ta đặt mình trong tâm trạng của các môn đệ ngày hôm đó, nỗi hoang mang bao trùm các ông về sự phục sinh của Thầy, lúc ấy Thầy Giê- su hiện ra. Đó là niềm vui lớn lao mà các ông đã nhận được. Sau đó, Chúa Giê-su thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy thánh thần”. Như vậy, với biến cố này các môn đệ đã nhận lãnh Thần Khí, các ông được biến đổi từ những con người nhát đảm sợ hãi trở thành người can đảm dấn thân, từ những con người đi theo Chúa vì tư lợi trở thành người quảng đại và cho đi vì Chúa qua việc hăng say rao giảng Tin Mừng, đánh đổi tất cả, kể cả mạng sống của mình.
Vì thế, với sự đón nhận ơn Thánh Thần, các môn đệ đã hiểu rõ những chân lý mà Chúa Giê- su đã truyền dạy. Và điều này cũng mời gọi chúng ta “Hãy nhận lấy Thánh Thần” chúng ta sẽ được niềm vui và bình an như các môn đệ xưa, đồng thời trở nên khí cụ an bình cho nhân loại. Trong ơn Chúa Thánh Thần chúng ta được đổi mới, được thúc bách hân hoan ra đi làm chứng cho Chúa nơi anh chị em, bằng ánh nhìn của sự bao dung, tha thứ và yêu thương.
Lạy Chúa Thánh Thần, năm xưa Chúa đã hiện xuống trên các tông đồ để tăng thêm sức mạnh và tình yêu cho các ngài, giờ đây, xin Ngài cũng ngự xuống trên chúng con, biến chúng con thành sứ giả mang tình yêu của Ngài đến với mọi người. Lạy Chúa Thánh Thần xin ban sức sống cho chúng con, xin giúp chúng con khám phá ra ý nghĩa của Lời Chúa để mỗi ngày chúng con tin và yêu mến Chúa nhiều hơn. Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, xin Ngài thương thế giới hôm nay đang sống trong sự bất an do bạo lực, chiến tranh. Xin Ngài ban sự an bình cho thế giới. Amen.
Cát Hà
Suy Niệm 4:
Kinh Thánh cho chúng ta biết, Chúa Cha sai Chúa Giêsu xuống thế làm người để làm cho ta nhận biết, tin và yêu mến Thiên Chúa. Do đó, Ngài cũng sai các môn đệ ra đi đến với muôn người với mục đích là làm cho họ nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người, chịu chết, sống lại và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha và ban Chúa Thánh Thần xuống cho nhân loại. Khi Chúa Giêsu Phục Sinh “Thổi hơi” ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, Người làm cho các ông nhớ lại, hiểu và tin vào tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, dạy và làm. Từ đó các môn đệ mới can đảm ra đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Có mấy ơn Chúa Thánh Thần? 7 ơn: Ơn Khôn Ngoan; Ơn Hiểu Biết; Ơn Lo Liệu; Ơn Sức Mạnh; Ơn Thông Minh; Ơn đạo đức và Ơn Kính Sợ Chúa. Chúa Thánh Thần tuôn đổ những ơn sủng này xuống cho mỗi người chúng ta, để giúp ta nhận biết, tin và yêu mến Thiên Chúa và giúp chúng ta can đảm loan báo Tin Mừng bình an cho anh chị em.
Xưa kia Chúa Thánh Thần đã biến đổi và hoạt động mạnh mẽ nơi các tông đồ như thế nào, thì ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục biến đổi và hoạt động trong mỗi người chúng ta như vậy. Thế nhưng chúng ta có ý thức vai trò, tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của mình không? Chúng ta có thường xuyên cầu nguyện và xin ơn Ngài trợ giúp ta chăng? Hay chúng ta chỉ cầu xin Chúa Cha, cầu xin Chúa Giêsu, cầu xin Đức Mẹ và các Thánh mà rất ít khi nhớ đến kêu xin Người?
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của mình và vai trò quan trọng của Người trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta được mời gọi tin tưởng, yêu mến, trông cậy vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, thường xuyên cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi làm bất cứ việc gì, như trong học tập, hay quyết định làm một việc gì đó… Chút nữa đây, chúng ta cùng sốt sắng hiệp ý với Linh Mục chủ tế, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần xuống biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa, để trở nên của ăn, của uống thiêng liêng nuôi sống chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con tràn đầy ơn của Chúa Thánh Thần, để Ngài đổi mới suy nghĩ, thái độ và hành động của chúng con, gíúp chúng con sống xứng đáng là con cái Chúa. Xin cho chúng con can đảm, nhiệt thành làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
Anrê Nhật Trường
Suy Niệm 5:
Tâm lý bình thường của con người khi phải cách xa một người thân thương nào đó là nhớ nhung, lưu luyến và tiếc nuối… đặc biệt hơn, nếu người ra đi là người đã từng chăm sóc, lo lắng và bảo vệ người ở lại thì cảm giác lo lắng lại gia tăng thêm nhiều lần. Và tình cảm của Chúa Giêsu với các tông đồ cũng không nằm ngoài quy luật tự nhiên đó.
Hơn ba năm Thầy trò rong ruổi cùng nhau trên mọi nẻo đường của đất Israel, có lẽ nhiều lần phải đối diện với cơn đói, khát, chịu khó nhọc, bị chống đối, và phỉ báng từ những thế lực bên ngoài; và cũng như ngần ấy lần các tông đồ chứng kiến nhiều phép lạ cả thể mà Thầy đã thực hiện. Vì thế, việc ra đi của Chúa Giêsu đã khiến các ông hụt hẫng, và với Chúa Giêsu, chắc hẳn Ngài cũng không khỏi lo lắng cho các môn đệ của mình khi còn ở lại giữa thế gian nhiều cạm bẫy này. Chúa Giê-su thấu hiểu điều ấy nên Ngài đã ban cho các tông đồ một “Đấng Bảo Trợ khác” để Đấng ấy đồng hành, hướng dẫn và chăm sóc các ông. Đấng này Chúa Giêsu đã nói nhiều lần với các môn đệ qua những danh xưng: Đấng ban Sự Sống, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi và Thần Chân Lý…và danh xưng cao trọng hơn hết là Ngôi Ba Thiên Chúa – Đấng phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con.
Trong tình yêu, Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi tâm hồn các tông đồ để các ông chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Nhân loại từ thời Giáo Hội sơ khai cho đến hôm nay được gọi là “kỉ nguyên của Chúa Thánh Thần”. Thật thế, trải qua những biến chuyển của lịch sử thế giới, những thăng trầm của Giáo Hội, bằng ánh mắt đức tin, chúng ta xác tín rằng, tất cả đều nằm trong ý định của Thiên Chúa và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Người đã dẫn đưa Giáo Hội và xã hội loài người đi đến nguồn ánh sáng chân lý, sự sống và tình yêu.
Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi khi chúng ta lại lãng quên sự hiện của Ngôi Ba Thiên Chúa. Khi xã hội ngày càng phát triển, con người càng dựa vào sức riêng, tài năng và khoa học mà quên rằng tất cả trí tuệ của nhân loại đều là “sản phẩm” của Chúa Thánh Thần. Ngài hoạt động âm thầm mà bền bỉ giữa lòng xã hội, Giáo Hội và con người. Chúa Thánh Thần đánh thức thế giới qua việc soi sáng trí khôn cho con người nhận ra Thiên Chúa, đốt lòng người tín hữu yêu mến Thiên Chúa và thức tỉnh lương tâm những người lạc lối quay về nẻo chính đường ngay.
Lạy Chúa Thánh Thần xin ban cho chúng con một tâm trí sáng suốt luôn biết hướng đến những thực tại bền vững muôn đời, cho chúng con có được một lương tâm nhạy bén trước những nhắc nhở của Ngài và xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa Thánh Thần trong hết mọi việc để cầu xin Ngài ban ơn soi sáng cho chúng con biết sống đẹp lòng Thiên Chúa. Amen.
Bảo Bảo