Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A

Suy niệm 1:

Trang Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu lên trời, đây là một minh chứng cho thấy rằng có thiên đàng, có sự sống đời sau. Nhưng lên trời không phải là một di chuyển từ nơi chốn này đến nơi chốn khác. Trời ở đây không phải là nơi chốn có thể đụng chạm, sờ mó được nhưng sâu xa hơn đó là một trạng thái. Nước trời không ở bên ngoài hay bên trên, cũng không phải là một nơi nào đó trong không gian. Nước trời phải được hiểu như là một thực tại phía trong: trong lòng tôi, trong nơi tôi đang cư ngụ hay làm việc, và trong tầm với của gia đình.

Cho nên nói Chúa Giêsu lên trời cũng chính là nói Chúa Giêsu đi vào trong đời ta, nhà ta, lòng ta, gia đình ta. Có như thế thì lời “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” mới đong đầy ý nghĩa của nó. Chứ nếu như Ngài lên trời cao xanh hay Ngài ở nơi thế giới ngoài kia thì làm sao hiểu là Ngài đang ở cùng chúng ta được. Và vì Chúa Giêsu đã đi sâu vào đời ta, nhà ta, nên Ngài đã truyền cho chúng ta phải làm chứng cho sự hiện diện của Ngài. Chúng ta chưa cần phải đi đâu xa để làm chứng tá về niềm tin; chúng ta cũng chưa thể đi đến mút cùng trái đất để giảng về tình yêu và an bình của trời cao. Nhưng chúng ta có thể làm chứng tá cho Đức Giêsu ngay trong gia đình của mình.

 Sự kiện Chúa Giêsu lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay còn nhắc nhở người Kitô hữu phải ý  thức rằng quê hương đích thực của chúng ta là ở với Chúa trên trời. Nhưng việc chúng ta có được vào chốn đó hay không, còn tuỳ thuộc vào cuộc sống của chúng ta hôm nay .

Có một câu chuyện kể rằng: “ Có một bà chủ nhà kia rất mực giàu có. Bà nuôi một gia nhân để dọn dẹp nhà cửa cũng như chăm sóc vườn hoa. Người này rất chăm chỉ lao động, nhưng bà chủ ác độc la mắng anh ta đủ điều, dầu vậy anh ta vẫn phải ngậm tăm. Thế rồi bà chủ đã chết và được quỉ đưa ngay xuống địa ngục, chốn khóc lóc và nghiến răng. Quỉ chỉ cho bà một túp lều rách nát và bảo rằng đó sẽ là nơi cư ngụ của bà từ đây. Bà chẳng còn biết làm sao nữa, cho bằng răm rắp tuân lệnh.

Một thời gian sau, người nô bộc của bà cũng chết và được thiên thần rước ngay lên trời, chỉ cho anh ta một ngôi nhà sang trọng và nói đó sẽ là nơi cư ngụ vĩnh viễn của anh. Từ đàng xa, bà chủ thấy anh và lập tức nhận ra đó là người nô bộc của mình. Bà không vui khi thấy anh này được ở trong ngôi nhà xinh xắn. Bà đề nghị đổi túp lều của mình để lấy ngôi nhà sang trọng kia, nhưng thiên thần bảo : “Không được đâu bà. Sở dĩ người kia được ở trong ngôi nhà xinh xắn sang trọng, là bởi vì từ trần gian anh ta không ngừng gởi cho chúng tôi những vật liệu quí giá. Chúng tôi chỉ có việc xây nhà từ những vật liệu anh ta gởi lên mà thôi’. Còn bà, bà chỉ gởi cho chúng tôi những vật liệu tồi tàn và ma quỉ cũng đã dùng chính những vật liệu bà đã gởi xuống, để dựng cho bà một cái chòi rách nát mà thôi”. Bà đừng ghen tị mất công. Số phận của mỗi người tùy thuộc khi còn sống người ta đã gởi những vật liệu nào về đời sau.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lên trời và sẽ trở lại đón chúng con. Xin cho chúng con luôn xác tín mạnh mẽ vào sự sống đời sau, ở đó có ngôi nhà mà chúng con đã xây dựng bằng các vật liệu chất lượng là sự quảng đại, yêu thương và chia sẻ. Amen.

Maria Hồng tâm

Suy niệm 2:

Thiên Đàng ở đâu?

Chúa Nhật Thăng Thiên cho ta nghĩ đến hình ảnh của Thiên Đàng. Thiên Đàng là nơi nào, ở đâu, mà Chúa Giê-su đã từng nói: “Ngài đi trước để dọn chỗ…”. Và hôm nay, Chúa Nhật Thăng Thiên, các môn đệ được tận mắt chứng kiến điều đó.

Sách Cv 1, 9-11 cho ta thấy hình ảnh các môn đệ đăm đăm nhìn lên phía trời Người đi. Các ông đang mơ tưởng, đang ước muốn đến nơi Chúa Giê-su đang đến và nơi đó là Thiên Đàng. Nhưng tiếc là các ông phải ở lại, như lời Chúa Giê-su đã nói: “Nơi Thầy đến anh em chưa thể đến được…”.

Việc Chúa Giê-su lên trời có phải là một nỗi buồn, một sự nuối tiếc cho các môn đệ và chúng ta không? Câu trả lời chắc chắn là không, vì như lời Chúa Giê-su đã hứa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Người đời có câu nói thật hay: “Xa mặt thì cách lòng”. Nhưng riêng Chúa Giê-su thì khẳng định ngược lại, khi “các ông không còn thấy Người nữa” thì lại là lúc Người cận kề, gần gũi thắm thiết hơn bao giờ hết. Thậm chí sự gần gũi thắm thiết này còn được hiện thân hóa bằng một Đấng mà Chúa Giê-su đã nhiều lần nhắc đến, Đấng đó là Đấng Bảo Trợ, là Chúa Thánh Thần. Các môn đệ và chúng ta cùng vui mừng vì có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng chúng ta.

Việc Chúa Giê-su về trời không phải là mất mát, là xa cách, nhưng lợi cho chúng ta thật nhiều, nhiều tới mức là: được Thầy Giê-su hiện diện một cách trọn vẹn, tuy hữu hình, nhưng mọi lúc mọi nơi, vượt không gian, thời gian. Ngài cùng hiển hiện với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi cùng hiện hữu với chúng ta ở nơi có tình yêu thương và nơi đó chính là Thiên Đàng. Thiên Đàng hiện hữu ở nơi có tình yêu mến như lời Chúa Giê-su đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Như vậy:

Thiên Đàng chẳng ở đâu xa

Thiên Đàng ở chính trong ta mỗi ngày

Nếu ta yêu mến Lời Ngài

Chú tâm suy gẫm, ngày ngày thực thi

Thì đây Thiên Chúa diệu kỳ

Tình yêu liên kết ở cùng chúng ta

Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên về trời, xin Chúa Ba Ngôi cho chúng con luôn biết sống yêu mến và chu toàn thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh, ban ơn thánh hóa, là Đấng yên ủi, Đấng đã đến và đang hiện diện trong thời đại của chúng con, xin thánh hóa tâm hồn chúng con, để chúng con hiểu được Lời Chúa, sống và thực thi những lời Chúa dạy, để chúng con cũng được vinh phúc cảm nhận Thiên Đàng tại thế, hiện hữu ngay trong đời sống của chúng con. Amen.

Hứa Với Chúa

Suy Niệm: 3

RA ĐI

Người đời thường có câu: “cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn”. Trong bối cảnh Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, câu nói này đâu đó cũng phảng phất một ý nghĩa như thế. Nhưng có khác chăng cuộc vui giữa Chúa Giêsu và các môn đệ không “tàn” theo cách “lụi” nhưng là “tàn” để “tan” và “tản”.

Niềm hạnh phúc vỡ oà khi biết tin Chúa Giêsu đã Phục Sinh từ cõi chết, Ngài đã hiện ra và ở lại với các môn đệ trong một khoảng thời gian khá dài để an ủi và củng cố niềm tin cho các ông. Vì Ngài biết, tuy có được niềm vui mừng trọng đại ấy nhưng lòng các ông vẫn còn nhiều xao xuyến, vẫn còn ngờ vực bằng chứng là các ông vẫn chưa dám ra đi, vẫn nhốt mình trong vỏ bọc an toàn.

Chúng ta không xác định rõ đâu là lý do chính yếu mà các ông chưa dám ra đi: vì sợ hay vì còn chưa dám rời xa “vùng an toàn” là chính Chúa Giêsu. Ngài vẫn bên cạnh các ông nên các ông vẫn muốn níu kéo những ngày tháng êm đềm bình yên này.

Rồi cùng đến lúc những lời tiên báo của Chúa Giêsu thành hiện thực: “Thầy bởi Cha mà ra và đã đến trong thế gian, bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha” (Ga 16, 28). Bỏ thế gian theo cách nói của Chúa Giêsu không có nghĩa là Ngài hoàn toàn bỏ rơi các môn đệ ở lại trong thế gian nhưng hiểu theo cách khác là sứ mạng cứu độ nhân loại của Ngài sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, Ngài không hiện hữu trực tiếp bằng thân xác để con người có thể nhận thấy nhưng sẽ âm thầm bên cạnh và nâng đỡ các môn đệ của Ngài. Và vì thế, lệnh truyền mà Ngài dành cho các ông trước khi khuất đi khỏi mắt các ông là “hãy đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Nói cách ngắn gọn hơn là các tông đồ sẽ tiếp nối sứ mạng cứu độ nhân loại của Chúa Giêsu là loan tin bình an và đem mọi người về với Thiên Chúa.

Chúng ta thử đặt câu hỏi: nếu Chúa Giêsu không về trời, không ẩn mình đi khỏi cuộc sống hiện tại của các tông đồ, không ban ơn Thánh Thần xuống liệu các ông có can đảm để ra đi thi hành sứ mạng cứu độ nhân loại hay không? Chắc hẳn là không. Với tự sức con người các tông đồ và chúng ta ngày nay chẳng làm được gì khi không có Chúa.

Và quả thật, khi Chúa Giêsu về trời tức là những ngày bình yên bên Ngài đã “tàn” và sau đó khi được nhận lãnh Thánh Thần, các tông đồ đã “tản” ra và “tan” vào thế gian để hăng say loan báo Tin Mừng mặc cho những gian nan, thử thách, bắt bớ đã đang và sẽ vây lấy các ông.

Tuy cuộc chia ly với Chúa Giêsu làm các tông đồ luyến tiếc khi “đăm đăm nhìn về trời” nhưng các ông lại có được niềm an ủi to lớn khi biết rằng “mai này Người lại đến trên đám mây trong thánh oai như hôm nay Người đã về trời”.

Lạy Chúa Giêsu, suy niệm về cuộc thăng thiên của Chúa cho chúng con một bài học quý giá trong đời sống đức tin là phải can đảm ra đi khỏi vùng an toàn của bản thân để đến với những vùng ngoại biên mà tìm kiếm những con chiên lạc, những tâm hồn xa lạc về với Chúa. Chúa về trời để chúng con can đảm ra đi, môi ca hát gieo rắc Tin Mừng khắp nơi. Xin cho chúng con được bước theo Chúa vào cuộc đời, dù khó nguy giăng khắp nẻo đường nhưng vẫn hiên ngang rắc gieo tình thương.

Bảo Bảo

Suy niệm 4:

            “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28, 20)

Ai trong chúng ta chắc hẳn cũng đã từng nghe, từng biết, từng thấy bản di chúc của một ai đó trên các phương tiện truyền thông hay thực tế bên ngoài. Dù là người cao sang quyền quý hay nghèo hèn thì tất cả điều không như Đức Giêsu, họ chỉ lo về vật chất, tài sản bên ngoài hay một điều gì đó, họ không thể hứa: ở cùng mọi ngày cho đến tận thế như Đức Giêsu đã hứa với các Tông Đồ.

Bốn mươi ngày sau Lễ Phục Sinh, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Phục Sinh Thăng Thiên. Đó là ngày mà Ngài không còn ở bên cạnh các tông đồ của mình một cách hữu hình.  Chúa Giêsu không còn được nhìn thấy nữa. Nhưng Ngài đã để lại lệnh truyền và lời hứa: “các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa của Chúa Giêsu được thực hiện qua chính Thánh Thể Chúa và Lời Chúa. Đối với các tông đồ, ngày Thầy mình về trời cũng chính là lúc khởi đầu của sứ vụ, là loan báo tin mừng cho mọi người. Mỗi người Kitô hữu chúng ta là “công dân nước trời”. Chúng ta đang trên đường tiến về quê hương cuối cùng của chúng ta là Nước Trời cùng với sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó, chúng ta không ngồi đó để chờ đợi cho đến ngày về với Chúa và chúng ta cũng không về nhà Cha một mình. Chúng ta phải có tha nhân và chúng ta cũng phải ra đi, phải lên đường làm chứng cho niềm tin của mình vào Chúa Giêsu phục sinh. Muốn được như thế thì chính chúng ta phải có đủ niềm tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa nơi hai món quà vô giá mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.

Trong tác phẩm: “Năm chiếc bánh và hai con cá” Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, trang 21 có kể câu chuyện sau đây: Câu chuyện về ông già Jim.

– Mỗi ngày cứ vào lúc 12 giờ trưa, ông ta vào nhà thờ không quá hai phút. Sự việc đó làm ông từ giữ nhà thờ rất thắc mắc nên theo dõi. Rồi một hôm ông từ mạnh dạn chặn ông Jim lại và hỏi:

– Ngày nào ông cũng vào nhà thờ làm gì vậy?

– Tôi đến để cầu nguyện,

– Không thể được! Cầu nguyện gì chỉ trong hai phút?

– Tôi vừa già, vừa dốt. Tôi cầu nguyện theo kiểu của tôi!

– Ông nói gì với Chúa?

– Tôi cầu nguyện: “Giêsu, có Jim đây!” rồi tôi về.

Thời gian trôi qua. Jim già yếu, bệnh tật, phải vào bệnh viện, nơi khu vực người già. Sau đó Jim yếu liệt, chuẩn bị đi xa… Linh Mục tuyên úy và nữ tu y tá đến bên giường Jim:

– Jim ơi, hãy nói cho chúng tôi biết, tại sao từ ngày ông vào khu vực này, có nhiều điều thay đổi, bệnh nhân vui vẻ hơn, chấp nhận thuốc thang, sống có tình nghĩa hơn?

– Chả biết!… Lúc còn sức tôi đi quanh thăm mọi người, chào hỏi, chuyện trò một chốc; lúc sau liệt giường tôi gọi tên họ, thăm hỏi, làm cho họ cười. Với Jim ai cũng vui.

– Thế tại sao Jim vui, Jim hạnh phúc?

– Khi nào cha và sơ được người ta đến thăm mỗi ngày có vui không?

– Vui chứ! Nhưng có thấy ai thăm Jim đâu?

– Lúc mới vào, tôi có xin hai chiếc ghế, một dành riêng cho cha và sơ, một cho khách quí của tôi, thấy không?

– Khách của ông là ai?

– Là Chúa Giêsu. Trước kia tôi đến thăm Ngài ban trưa, nay đi hết nổi, cứ 12 giờ trưa Ngài đến thăm tôi.

– Ngài nói gì với Jim?

– Ngài bảo: Jim, có Giêsu đây!…

Trước lúc Jim chết, người ta thấy Jim đưa tay chỉ chiếc ghế như thể muốn mời ai ngồi, Jim mỉm cười, nhắm mắt ra đi.

Chứng từ của ông già Jim như một lời nhắc nhở chúng ta: chúng ta đang ở đâu trong sự gắn bó với Chúa Giêsu? Chúng ta đủ tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa, vào lời hứa của Chúa năm xưa “ Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Lạy Chúa, Xin cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa, học hỏi, suy niệm Kinh Thánh, để lòng chúng con được sưởi ấm, mắt đức tin chúng con mở ra để nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng con sẽ vững tin vào Chúa, cả lúc những lúc chúng con thất vọng chán nản. Chúng con cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa để đón nhận giáo huấn của Ngài qua các dấu chỉ nơi những người cùng đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Và cũng nhờ vào sự gắn bó này, chúng con mạnh dạn thể hiện niềm tin vào Chúa Phục Sinh bằng việc đi đến với anh chị em của mình. Amen.

Fiat

 

Để lại một bình luận