Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh Năm B

Suy Niệm 1:

Lòng Khao Khát Của Hôm Nay

Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,2b)

Hành trình tìm kiếm Chúa của các nhà đạo sĩ cho chúng ta nhận ra rằng, dẫu trải qua nhiều khó khăn, vất vả và đôi khi phải đối diện với gian nan, thử thách nhưng các ông vẫn kiên trung tiến bước. Nhờ sự kiên trì và lòng khao khát gặp Chúa, họ được ánh sao dẫn lối để được gặp Vua Giê-su nơi máng cỏ đơn hèn – Đấng Cứu Thế đã giáng sinh làm người, đem an bình và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Và đó cũng là sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm hành trình tìm kiếm Chúa của đời mình ngang qua hành trình của các vị đạo sĩ.

Trong trình thuật Mat-thêu không hề nói gì về những gian khó của các vị, nhưng chắc chắn hành trình ấy không phải là êm xuôi. Trời Bê-lem lạnh giá, những cơn gió trộn lẫn với cát bụi, cái khắc nghiệt của thời tiết làm cho chuyến đi càng vất vả, nhưng các ngài đã không mất niềm tin và hy vọng. Từ Đông Phương tới Bê-lem, đòi hỏi phải có nghị lực, cam đảm trước khó khăn và nguy hiểm, nào là đường xa, đất lạ, bị gạt gẫm, sinh mạng bị đe dọa; phải rời xa quê hương, chấp nhận đánh đổi nhà cửa, tiền tài, thời gian, sức khỏe và cả hạnh phúc của riêng mình, để gặp Đấng mà họ chưa một lần gặp gỡ. Và hồi kết, là các đạo sĩ vui mừng vì được như ý, gặp được Hài Nhi Giê-su mới sinh và dâng cho Người của lễ quý giá: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Trên hành trình đi tìm Chúa, các nhà đạo sĩ gặp được Chúa, còn chúng ta thì sao?  Trong hành trình cuộc đời, có khi chúng ta hân hoan nhận thấy ơn Chúa và sự hiện diện đầy yêu thương của Người. Nhưng đôi lúc, chúng ta cảm thấy buồn, lòng hoài nghi tình thương và sự hiện diện của Chúa. Và chúng ta tự hỏi: Chúa ở đâu, phải chăng con chưa bao giờ gặp Chúa? Khi liên tiếp chứng kiến những nỗi buồn, sự bất hạnh đến với chính mình hay với những người thân và cả khi cô đơn, kiệt sức và bất lực trong những vấn đề của cuộc sống; khi đó chúng ta lại nghi vấn: Chúa ở đâu, phải chăng con chưa gặp Ngài? Khi chúng ta nghe thấy những người tài đức, thánh thiện làm chứng rằng họ có kinh nghiệm với Chúa, chúng ta cảm thấy ngưỡng mộ và thèm khát được như thế, rồi chúng ta tiếp tục tự vấn: Tại sao không phải là con? Tại sao Chúa lại im lặng với con?

Trong tâm tình ngày lễ hôm nay, chúng ta hãy dùng ít phút để suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể vượt xa trí tưởng tượng của con người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thật vậy, Con Thiên Chúa chọn sinh ra trong cảnh nghèo hèn nơi làng Bê-lem, chịu thiếu thốn trăm bề, thay vì sinh ra trong cung điện ngọc ngà nơi thành thị xa hoa tráng lệ, được chở che và bao bọc an toàn. Người đã đồng hóa mình với những con người bé nhỏ và khốn khổ để tỏ mình ra cho chúng ta. Các đạo sĩ nhận ra Thiên Chúa qua vẻ ngoài đơn hèn đó không bằng ánh mắt nhân loại mà là ánh nhìn đức tin. Vì thế, với đôi mắt của lòng tin, mỗi khi chúng ta gặp gỡ những người nhỏ bé, hèn mọn là chúng ta đã gặp thấy Người. Và lễ vật Chúa muốn chúng ta dâng tặng hôm nay không phải là: vàng, nhũ hương, mộc dược, nhưng là lòng nhân từ, sự quan tâm giúp đỡ tha nhân như lời Chúa dạy.

 Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, chúng con cũng khát khao tìm kiếm ơn cứu độ của Chúa, nhưng vì những khó khăn thử thách trên đường đời khiến chúng con chùn bước và quay sang hướng khác. Chúng con thích tìm niềm vui bên ngoài hơn tìm niềm vui trong Chúa, tìm thỏa mãn vật chất thay vì vun đắp tình yêu thiêng liêng với Chúa. Xin Chúa khơi lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu của Chúa, để chúng con luôn khao khát đến với Chúa mỗi ngày, đồng thời giúp chúng con nhận ra Chúa nơi những người bé nhỏ, nghèo khổ bên cạnh chúng con, nhờ đó chúng con dễ mở lòng đón nhận họ. Amen.

Hoa Xuân

Suy Niệm 2:

Cuộc Kiếm Tìm

Ngày Lễ Hiển Linh ngày nay còn được gọi là ngày lễ Ba Vua ngày xưa. Và trong Tin Mừng hôm nay thánh Mat-thêu đã kể lại hành trình của Ba Vị ấy đi tìm Ngôi Hai – Con Thiên Chúa xuống thế làm người để ‘triều bái Người’. Hành trình của các vị này xem ra rất ly kỳ, mạo hiểm nhưng cũng mang cho chúng ta nhiều đạo lý sống trong hành trình đức tin. Qua chặng đường dài đến Bê-lêm, các vị phải đương đầu với biết bao ngăn trở trên đường, may mắn gặp ‘ngôi sao lạ’ dẫn đường thì cũng không thoát khỏi sự hiểm nguy, trong đó có sự ngăn chặn hạch hỏi của vua Hê-rô-đê. Nhưng nhờ các vị có một “tinh thần thép” trong việc tìm kiếm, bằng lòng mến và niềm tin kiên vững nên họ đã gặp được điều mình kiếm tìm là Giê-su Cứu Thế – Ánh Sao bất diệt.

Theo Tin Mừng thuật lại, khi các nhà chiêm tinh nhận ra ‘ánh sao lạ’ cũng là lúc họ bắt đầu tìm đến với kinh nghiệm, khả năng nghiên cứu tinh tú của mình “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”, và các vị đã nhận thức được rằng ngôi sao ấy cũng là biểu tượng của “sự vĩnh cữu”. Vì thế, họ đã cùng nhau lần theo hướng ánh sao đó để đi tới nơi mình muốn, dù các ông biết trên đường có những lúc ngôi sao sẽ vụt mất và sẽ phải dò tìm trong đêm tối mà họ phải đối diện.

Thứ đến, các nhà chiêm tinh phải chịu gián đoạn trên đường đi, khi vua Hê-rô-đê ‘mời các ông đến trong bí mật để hỏi cặn kẻ về việc hạ sinh của Đấng Ki-tô’; vì ông ta sợ mất ngai vàng mình đang có. Và điều đáng chúng ta suy ngẫm “Các nhà chiêm tinh sau khi thờ lạy Chúa, dâng lễ vật, họ nhận được mộng báo đừng trở lại với Hê-rô-đê, họ đi qua đường khác, trở về xứ sở mình”. Ở đây, dưới góc nhìn Kinh Thánh: Hê-rô-đê là hình ảnh tượng trưng cho những khát vọng bất chính, quyền lực và ước muốn tội lỗi. Do đó, việc họ ‘không quay lại đường cũ’ như là muốn thay đổi lối sống, loại bỏ cách nhìn, suy nghĩ và hành động tiêu cực trước đây, thay vào đó là nếp sống mới đã được biến đổi bởi Ánh Sáng Trường Cửu – chính là Hài Nhi Giê-su.

Thật vậy, hành trình tìm kiếm Chúa của các nhà chiêm tinh năm xưa vẫn là cuộc kiếm tìm Chúa trong đời sống đức tin của chúng ta ngày nay. Chắc hẳn, ít hay nhiều ai trong chúng ta đều có kinh nghiệm đó. Nhìn lại đời sống đạo, chúng ta cảm thấy gần như là mịt mờ và tăm tối trước bao thử thách, cam go khi làm người môn đệ của Chúa. Đó có thể là những lúc ta không dễ dàng đón nhận ánh sáng chân lý qua Lời Chúa dạy và Giáo Hội chỉ dẫn, vì nó không phù hợp với ý riêng mình, hay chúng ta thờ ơ, không tha thiết tìm kiếm chân lý qua những dấu chỉ của thời đại. Lúc đó, ánh sao soi lối đời ta lịm tắt. Và cũng như đôi khi chúng ta gặp phải những Hê-rô-đê của thời đại là những sân si, giả dối và những điều không thuộc về chân-thiện-mỹ làm mờ tâm trí, khiến chúng ta sai lạc và loanh quanh trên chính con đường xưa lối cũ mà không can đảm ‘đi hướng khác’ như các nhà chiêm tinh.

Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, cuộc tìm kiếm Chúa là một hành trình dài và liên lỉ trong đời chúng con, nơi tinh thần Ba Vua năm xưa mời gọi chúng con hãy bất chấp hơn và kiên nhẫn một chút, khi đó chúng con mới có thể gặp được Đấng chúng con kiếm tìm. Xin Chúa thêm tình yêu và lòng can đảm cho chúng con. Amen.

M.Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

 Đấng Cứu Độ Mọi Người

 Mở đầu sứ điệp Giáng Sinh năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng: “Các Kitô hữu trên toàn thế giới đang hướng ánh mắt và con tim về Bêlem; ở đó, nơi mà nỗi đau và sự im lặng ngự trị trong những ngày này, lời loan báo được chờ đợi từ nhiều thế kỷ đã vang lên: “Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô của Đức Chúa” (Lc 2,11). Đây là những lời của thiên thần trên bầu trời Bêlem và những lời đó cũng đang được gửi đến chúng ta.” 

 Đó là lời loan báo đã được truyền đi cho tất cả mọi dân, mọi nước. Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh – Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, cho chúng ta nhận thấy việc các nhà đạo sĩ từ phương đông tìm đến Belem để thờ lạy Chúa. Các ông đã nhìn thấy ngôi sao lạ và lên đường. Cuộc hành trình của họ có ánh sao dẫn đường, nhưng chắc chắn sẽ không tránh khỏi ánh sao lịm tắt hay những gian nan, khó khăn sẽ gặp phải trên đường, và các ông vào cung điện hỏi: “Vua người Do thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Khi biết được vể Hài Nhi, các ông tiếp tục lên đường.

 Với ánh nhìn tự nhiên, có lẽ các ông cũng hoang mang khi gặp thấy Hài Nhi Giêsu – một em bé mới sinh nằm trong máng cỏ. Tuy là vậy, họ lại thay ánh nhìn nhân loại bằng ánh nhìn thần linh, để rồi các ông mở những lễ vật tiến dâng và thờ lạy Hài Nhi Giêsu. “Họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược”. Và họ trở về ‘đi đường khác theo như được báo mộng’.

Quả vậy, hành trình tìm kiếm Chúa của các nhà đạo sĩ năm xưa là thế đó. Họ đã quyết chí lên đường, dẫu đường đi còn gian khó, nhưng họ đã để cho lòng khao khát tìm kiếm Chúa chiếm đoạt trái tim mình, nên không gì có thể cản bước được các ông. Nhờ thế, họ gặp được Chúa và đã được biến đổi. Ngày nay, chúng ta không tìm kiếm Chúa như các nhà đạo sĩ, nhưng ta tìm Chúa trong chính cuộc sống của mình, ngang qua Lời của Ngài, qua Bí Tích Thánh Thể, những người chúng ta gặp gỡ, cùng các biến cố thường ngày … Vậy, đường đến với Chúa của chúng ta có lẽ sẽ dễ hơn các nhà đạo sĩ xưa, nhưng lòng chúng ta chưa thiện chí được như họ.

Lạy Chúa Giê-su Hài Nhi, Chúa vẫn chờ, vẫn đợi chúng con từng ngày trong đời sống, xin cho chúng con nhận ra Chúa hiện diện, và không bỏ lỡ những cơ hội đến với Chúa trong cuộc đời của chúng con. Amen

Fiat

Suy Niệm 4:

Tìm Một Ánh sao

Lễ Giáng Sinh từ lâu đã được biết đến không chỉ là ngày của niềm vui, ngày ân phúc mà còn là ngày của ánh sáng. Như lời một bài hát thánh ca rất quen thuộc được vang lên mỗi mùa Giáng Sinh: “Hôm nay muôn dân đã được thấy ánh sáng, hôm nay Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người…”. Tuy những ca từ ngắn ngủi nhưng đã bao hàm rất nhiều ý nghĩa cho việc Chúa Giáng Sinh làm người.

  • Chúa Giêsu đến với nhân loại, Ngài không thiên tư một ai, một dân tộc hay một vùng lãnh thổ nào, vì ý định của Ngài là ‘đến với muôn dân’.
  • Tại sao lại là “Hôm nay muôn dân đã được thấy ánh sáng”? Phải chăng con người luôn sống trong bóng tối của tội lỗi, của sự chết và cả sự thất vọng? Từ “Hôm nay” nói lên việc Ngôi Hai Giáng Sinh không phải là một câu chuyện của quá khứ nhưng là hiện tại.
  • Và ca từ cuối cùng “Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người…” dường như mang một nghịch lý nếu xét theo mặt chữ so với bài Tin Mừng Chúa Nhật lễ Hiển Linh hôm nay.

Vì trong Tin mừng, theo cách hiểu đơn thuần của người Kitô hữu: ba nhà đạo sĩ từ Đông Phương dõi theo ánh sao lạ tìm đến thờ lạy Hài Nhi nơi hang đá Bêlem. Cho chúng ta hiểu rằng các vị ở trạng thái chủ động và Hài Nhi Giêsu ở thế bị động. Nhưng thật ra, ánh sao lạ như một sự bước trước, một dấu hiệu của Thiên Chúa dành cho muôn dân. Và ba vị vui mừng nhận ra ánh sao và đến được hang Bêlem.

Về sự việc diễn ra trong Tin Mừng hôm nay của ba nhà đạo sĩ chắc hẳn rất quen thuộc với người tín hữu. Nhưng để tìm thấy ý nghĩa và bài học cho đời sống thiêng liêng của mỗi người qua những hình ảnh trên mới là điều cần cho chúng ta.

Qua hình ảnh của các vị năm xưa, chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc sống của con người trong xã hội hôm nay.

  • Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ dành cho muôn dân qua việc bày tỏ vinh quang của Người qua những điềm lạ ‘các thiên thần báo tin cho mục đồng, ánh sao chỉ đường cho ba nhà đạo sĩ’. Và ngày nay Thiên Chúa vẫn tỏ mình ra cho chúng ta qua những dấu chỉ trong thiên nhiên, trong đời sống xã hội và trong chính thâm tâm của chúng ta.

Trong cuộc sống, chúng ta nhìn nhận rằng ta vẫn chưa thoát khỏi hết những bóng tối, những góc khuất, những rào cản của xã hội, của chính bản thân để nhìn thấy ánh sáng và tìm đến với Thiên Chúa.

  • Do đam mê tội lỗi khiến chúng ta xa lìa Thiên Chúa.
  • Vì tư lợi bản thân chúng ta vô tình trở nên rào cản ngăn cách người xung quanh đến với Chúa và ươn lười, nguội lạnh làm chúng ta thờ ơ trước lời mời gọi của Người.

Thế nên, với ánh sao lạ Thiên Chúa trong ngày lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta soi rọi lại bản thân trong đời sống đức tin đối với Thiên Chúa và các mối tương quan:

  • Tôi có tìm kiếm và nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa dành cho tôi và xã hội hôm nay?
  • Tôi có can đảm từ bỏ sự an toàn cố hữu của mình mà ra đi tìm Chúa và đến với anh chị em chăng?
  • Tôi có như vua Hêrôđê và các nhà kinh sư hững hờ, cứng lòng với những thực tại đang diễn ra trước mắt? Và nếu được phúc tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình, tôi có dám trở nên ánh sáng dẫn đưa nhiều người đến với Thiên Chúa không?

Bảo Bảo

Trả lời