Suy Niệm:
Tình Yêu Và Lòng Khiêm Hạ
Hình ảnh Chúa Giê-su đến với thánh Gio-an để chịu phép rửa tại dòng sông Gio-đan gợi lên một mầu nhiệm sâu xa về tình yêu và lòng khiêm hạ của Thiên Chúa. Mặc dù Ngài không phải là tội nhân cần được thanh tẩy, Chúa Giê-su đã tự nguyện bước xuống dòng nước, hòa mình vào thân phận con người để chia sẻ sự mỏng giòn, yếu đuối của chúng ta. Hành động ấy không những là dấu chỉ của sự đồng hóa, mà còn là lời mời gọi con người nhận biết và mở lòng đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Giê-su mang đến.
Thánh Gio-an, người làm chứng cho biến cố này, đã thốt lên một lời tuyên tín đầy khiêm nhường: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Qua lời này, Gio-an khẳng định sự cao trọng của Chúa Giê-su, Đấng có quyền tha thứ tội lỗi và giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của sự dữ. Lời chứng ấy còn vạch ra sự khác biệt rõ rệt giữa phép rửa bằng nước mà Gio-an thực hiện và phép rửa bằng Thánh Thần mà Chúa Giê-su ban.
Phép rửa của Gio-an là phép rửa bằng nước, mang ý nghĩa kêu gọi lòng ăn năn sám hối và chuẩn bị tâm hồn để đón chờ Đấng Thiên Sai. Đó là bước đầu cần thiết, nhưng chưa đủ để đem lại sự biến đổi tận căn cho con người. Ngược lại, phép rửa của Chúa Giê-su là phép rửa bằng Thánh Thần và lửa, một phép rửa mang đến sự tha thứ, thánh hóa và thanh luyện. Thánh Thần được ban xuống qua phép rửa này không chỉ xóa bỏ tội lỗi, mà còn giúp con người loại bỏ tính hư nết xấu, luyện tập nhân đức và sống thánh thiện như con cái Thiên Chúa.
Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa cũng là khởi đầu cho sứ vụ công khai của Ngài. Tại đây, tiếng Chúa Cha từ trời xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Lời yêu thương này không chỉ dành riêng cho Chúa Giê-su, mà còn là lời bảo đảm cho nhân loại rằng qua Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa.
Mừng lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, chúng ta được mời gọi nhìn lại bí tích Thánh Tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận. Qua bí tích ấy, chúng ta được tái sinh trong Thánh Thần, trở thành con cái Thiên Chúa và sống đời sống mới. Tuy nhiên, sự sống mới này đòi hỏi chúng ta không ngừng thanh luyện bản thân, từ bỏ những điều trái với thánh ý Chúa và nỗ lực sống theo Tin Mừng.
Tuy hành trình này không dễ dàng, nhưng chúng ta luôn có Chúa Giê-su là người dẫn đường và Thánh Thần là Đấng trợ lực. Như Chúa Giê-su đã hòa mình với nhân loại nơi dòng sông Gio-đan, Ngài vẫn tiếp tục ở lại với chúng ta qua bí tích Thánh Thể và sự hiện diện trong Giáo Hội. Đó là nguồn sức mạnh để chúng ta có thể bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện và tiến về sự sống đời đời.
Nguyện xin Chúa Giê-su giúp chúng con nhận ra giá trị cao quý của phép rửa mà chúng con đã lãnh nhận, để mỗi ngày chúng con biết sống xứng đáng với ân sủng ấy, trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa giữa đời. Amen.
M. Nhị Thơ