Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm C

Suy niệm 1:

 Đánh Mất Tương Quan

 Chúa Nhật IV Mùa Chay, điểm giữa hành trình sám hối, là thời gian mời gọi chúng ta chiêm ngắm sâu hơn dung nhan Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để mỗi người tự hỏi: tôi đã sống mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình như thế nào? Đã bao lần tôi rời xa tình yêu Chúa, đã bao lần tôi vô tình hay hữu ý đánh mất sợi dây liên kết thiêng liêng ấy?

Hôm nay, qua dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,1-3.11-32), chúng ta không chỉ nhìn vào người con thứ hoang phí gia tài, mà hãy dừng lại nơi người anh cả, nhân vật tưởng như chính trực nhưng lại đang dần đánh mất chính mình trong sự kiêu căng và đố kỵ.

Dưới ngòi bút của thánh sử Luca, hình ảnh người anh cả hiện lên không có vẻ gì là phản diện. Anh không bỏ nhà đi hoang, không ăn chơi sa đọa, cũng chẳng bất hiếu với cha. Ngược lại, anh là người siêng năng, chu toàn bổn phận và luôn trung thành với gia đình. Nhưng sâu trong lòng, anh đang đánh rơi điều quý giá nhất: tình yêu và sự bao dung.

Anh cảm thấy mình thiệt thòi, ấm ức vì cha không dành phần thưởng nào cho công trạng của anh. Anh quên mất rằng mình là con, lại tự xem mình như đầy tớ trong nhà: “Bấy lâu nay con hầu hạ cha…” (Lc 15,29). Anh xa cách cha trong chính tâm tưởng của mình. Và đau lòng hơn, anh cũng phủ nhận người em ruột thịt khi gọi nó là “thằng con của cha kia” chứ không phải “em của con” (Lc 15,30).

Tận sâu trong trái tim, người anh cả đang bị bóng tối của lòng ghen tị, sự so bì che phủ. Anh không còn nhận ra tình yêu của cha dành cho mình, cũng không thể nào chấp nhận sự tha thứ cha dành cho em. Anh không cần đến lòng thương xót, và chính điều đó đã làm anh xa cha hơn cả đứa em từng bỏ đi.

Thật dễ để thấy bóng dáng của người anh cả nơi chính chúng ta. Có khi nào ta cũng cảm thấy khó chịu vì thành công của người khác, ganh tị khi thấy ai đó được ưu ái hơn mình? Có bao lần ta tự cho rằng mình đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không được công nhận, trong khi người khác kém cỏi hơn, thậm chí sai lầm thì lại được hưởng ân phúc?

Tệ hơn, có những người vì mâu thuẫn về vật chất mà sẵn sàng xem chính người thân như kẻ thù. Có khi nào ta cũng giống như người anh cả, tự dựng lên rào cản giữa mình và tha nhân chỉ vì một chút tự ái, một chút hơn thua?

Hơn cả đứa con hoang đàng, người anh cả cũng cần trở về, trở về với trái tim của cha, trở về với tình yêu thuở ban đầu. Và cũng thế, chúng ta được mời gọi trở về: Trở về với Thiên Chúa bằng một con tim khiêm nhường, nhận ra rằng ta chẳng có gì đáng kể để đòi hỏi Ngài, ngoài lòng xót thương vô biên. Trở về với tha nhân bằng sự tha thứ, rộng lượng và chấp nhận người khác như chính họ, thay vì ghen tị hay xét đoán. Trở về với chính mình, nhìn lại tâm hồn để biết đâu là điều thực sự làm ta xa cách Chúa, xa cách người thân yêu.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Giàu Lòng Xót Thương! Xin mở mắt con để con nhìn thấy tình thương Chúa luôn bao phủ đời con, dù con không xứng đáng. Xin ban cho con một trái tim biết yêu thương thay vì đố kỵ, biết rộng lượng thay vì ích kỷ. Và hơn hết, xin giúp con can đảm trở về, để con luôn ở trong vòng tay yêu thương của Ngài. Amen.

Sr. Mercy

Suy Niệm 2:

Sửa Sai – Được Yêu Hơn Cả Lúc Đầu

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần vấp ngã trong đời. Những lần sai lầm khiến ta day dứt, ân hận mãi không nguôi. Có những sai lầm do chính mình chọn sai đường mà vấp ngã. Có những lỗi lầm lại đến từ người khác, nhưng rồi ta vẫn là kẻ mang thương tích. Nhưng điều quan trọng không phải là lỗi lầm đến từ đâu, hay nặng nhẹ thế nào. Điều quan trọng nhất là chúng ta dám đối diện và can đảm quay đầu trở về. Trở về để làm lại, để sống một cuộc đời mới, tốt đẹp và đáng sống hơn. Đó mới là điều đáng trân quý nhất.

Tin Mừng hôm nay cho ta một hình ảnh rất đẹp về sự hoán cải: Người con hoang đàng dám quay về, sau bao tháng năm lầm lạc. Và cái kết của anh thật đẹp là được cha tha thứ và yêu thương vô điều kiện.

Thật vậy, khi nhìn vào hành trình trở về của người con thứ, ta thấy rõ ràng: ban đầu, anh quay về không hẳn vì yêu cha. Anh trở về vì đời anh bế tắc, trắng tay, đói khát và chẳng còn ai để nương tựa. Anh nhớ về mái nhà xưa, nơi “cơm dư gạo thừa”, nơi từng cho anh cuộc sống ấm no. Lý do trở về rất con người, rất đời thường, chỉ vì mình khổ quá.

Anh đã tự nhủ: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. Con không còn xứng đáng được gọi là con cha nữa.” Anh trở về với một nỗi sợ: sợ bị từ chối, sợ bị đuổi đi. Thế nhưng, điều anh không ngờ nhất lại chính là tình yêu bao la của người cha. Vừa thấy bóng dáng con từ xa, người cha đã chạy ra ôm chầm lấy con, hôn lấy hôn để, rồi bảo: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, đeo nhẫn vào tay cậu, xỏ giày vào chân cậu.”

Người cha đã yêu con vượt xa cả những gì con dám mong ước. Ông không cần nghe con trình bày hay thanh minh. Đối với ông, chỉ cần con trở về, thế là đủ. Một cái kết thật đẹp cho hành trình sám hối và sửa chữa sai lầm.

Khi nhìn lại câu chuyện ấy, có lẽ tôi và bạn chợt nghĩ về hành trình làm con cái Chúa của chính mình. Đã bao lần chúng ta phạm tội, làm Chúa buồn. Và khi sám hối, ta có thực sự vì yêu Chúa không? Hay cũng giống người con hoang đàng kia, chỉ vì sợ bản thân đau khổ, sợ lương tâm cắn rứt, sợ thiên đàng đóng cửa, sợ thiên hạ cười chê? Nhiều khi, ta quay về không phải vì yêu Chúa, mà vì sợ… Nhưng Chúa vẫn đón chúng ta về. Không cần biết lý do ta trở về là gì. Vì Chúa yêu chúng ta trước. Và tình yêu ấy không bao giờ thay đổi, không đắn đo và không mặc cả.

Lạy Chúa Giêsu, mùa Chay này, xin dạy con biết can đảm trở về bên Chúa không phải vì con sợ hình phạt, không vì con sợ người đời chê cười mà vì con yêu Chúa. Vì con biết rằng chỉ nơi Chúa, con mới thật sự bình an. Xin cho con dứt khoát với tội lỗi, vì chính tội lỗi đã đẩy con xa Chúa bao lần. Và xin cho con luôn nhớ: Trở về với Chúa không bao giờ là muộn. Amen.

Sr. M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm một trong những hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa trong Kinh Thánh, đó là hình ảnh người Cha luôn chờ đợi, tha thứ và ôm lấy đứa con tội lỗi trở về. Vì muốn được tự do hơn, hạnh phúc hơn, người con thứ đã xin cha chia cho phần gia tài thuộc về mình. Trong văn hoá Do Thái, hành động này đồng nghĩa với việc mong cha mình chết, một cách gián tiếp loại trừ người cha ra khỏi cuộc đời mình.

Anh rời xa mái ấm, sống buông thả, tiêu tán hết tài sản vào những cuộc vui chóng tàn. Nhưng khi cơn đói kéo đến, khi bạn bè bỏ rơi, anh rơi xuống tận đáy của thân phận làm thuê cho người ngoại, chăm heo, đến mức muốn ăn cả thức ăn của heo để sống qua ngày. Giữa nỗi đau cùng cực ấy, anh nhận ra mình đã lầm đường, và can đảm đứng dậy, trở về không phải với tư cách một người con, mà là một người làm thuê. Anh không mong được tha thứ, chỉ mong được sống sót.

Thế nhưng, người cha không đợi anh phải gõ cửa. Người chạy ra, ôm chầm lấy anh, không để anh kịp nói hết lời xin lỗi. Không có sự xét đoán, không có bản án nào chỉ có lòng bao dung, và bữa tiệc mừng cho sự sống được tìm lại. Đây chính là hình ảnh tuyệt vời về Thiên Chúa – Đấng luôn đi bước trước để đón nhận người tội lỗi trở về, Đấng không giữ lại những gì tốt đẹp cho riêng ai, mà trao ban tất cả chỉ vì một điều: yêu thương.

Trái với niềm vui của cha, người con cả nổi giận, từ chối vào nhà, không gọi em mình là “em” mà gọi là “thằng con của cha”. Anh cho rằng mình xứng đáng hơn vì bao năm trung thành, chẳng trái lệnh cha. Nhưng điều anh nói ra, lại cho thấy anh không sống như con, mà như người làm thuê, chỉ mong được thưởng công. Anh sống gần cha nhưng xa trái tim cha, giữ luật nhưng thiếu tình yêu, và không chấp nhận việc người con thứ dù tội lỗi nhưng lại được hưởng tình thương của cha.

Khi suy niệm dụ ngôn này, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng có lúc mình là người con thứ, cũng có lúc lại là người con cả. Tôi là người con thứ, khi tôi loại trừ Thiên Chúa khỏi đời mình, sống theo ý riêng, chạy theo dục vọng, dối trá, hưởng thụ, và xem nhẹ lời mời gọi của Chúa. Tôi là người con cả, khi tôi nghĩ mình đạo đức hơn người khác, tuân giữ luật Chúa nhưng không sống với trái tim yêu thương, khi tôi trách Chúa, phân bì với anh em, và không biết vui với ơn Chúa ban cho người khác.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để xét mình, duyệt xét lương tâm, để nhận ra tội lỗi và sự yếu đuối nơi bản thân. Không ai trong chúng ta hoàn hảo, nhưng mỗi người đều có thể trở về. Trở về để xin ơn tha thứ, và trở thành con cái thật sự, chứ không phải người làm thuê. Trở về để sống trong tương quan tình yêu với Chúa, chứ không phải là một sự tuân thủ hình thức. Và cũng là lúc để chúng ta đừng phân bì, ganh tỵ, nhưng học cách vui mừng khi anh em được Chúa chạm đến và biến đổi.

Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình đức tin, có những lần chúng con đã rời xa Chúa, để chạy theo những điều thế gian. Cũng có khi chúng con sống đạo nhưng lòng đầy tự mãn, khô cứng, thiếu yêu thương. Xin cho chúng con biết can đảm trở về, nhận ra tình yêu vô biên của Chúa, và luôn mở lòng đón nhận anh em mình, như chính Chúa đã đón nhận chúng con. Amen.

 Anrê Nhật Trường

Để lại một bình luận