Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B

Suy Niệm 1:

 Chứng Nhân Cho Chúa

 “Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng” (Ga 1,6). Vị chứng nhân ánh sáng mà mọi thời đại đều biết đến đó là thánh Gioan tẩy giả. Ngài là một chứng nhân sống động của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Gioan phủ nhận tất cả những gì người ta nghĩ tưởng về ngài, chỉ để tập trung lời chứng của mình vào sự hiện diện của Đấng đến sau ngài.

 Thật vậy, thánh Gioan tẩy giả trung thực với chứng từ này khi ngài cố gắng chỉ cho người khác thấy Ánh Sáng là ai, đó chính là Đức Ki-tô. Thế nhưng, những người đến gặp lầm tưởng ngài là ánh sáng vì thánh Gioan có đời sống tốt lành gương mẫu cho họ. Mặc dù là vậy, nhưng thánh Gioan không để lòng mình tham vọng hay vấn vương những gì không thuộc về mình. Thế nên, ngài xác quyết mạnh mẽ với họ “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.

Noi gương thánh Gioan, chúng ta được mời gọi sống chứng tá đời mình cách trung thực trong thế giới hôm nay. Lối sống ấy, đòi hỏi người môn đệ thực hiện sự can đảm như thánh Gioan là hạ mình xuống, dẹp đi cái tôi hay khẳng định mình trong suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Nhờ thế, chúng ta mới có thể diễn tả được hình ảnh xứng đáng của Đức Ki-tô trong ta cho những người chung quanh.

Lạy Chúa Giê-su, để chúng con trở nên những chứng nhân tình yêu, và dọn đường cho Chúa ngự đến, Chúa muốn chúng con ý thức rằng đó là vai trò quan trọng của chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn biết quên mình, hăng say làm chứng cho Chúa bằng tất cả tấm lòng chân thành, bằng những gì chúng con có và làm mọi sự là để làm sáng danh Chúa. Xin Chúa cho chúng con trong mùa vọng này luôn sống tâm thế của chứng nhân trung thành và khiêm tốn mà thánh Gioan tẩy giả đã làm gương cho chúng con. Amen.

Hạt cát nhỏ

Suy Niệm 2:

Làm Chứng

Làm chứng cho Đức Giê-su là một hành trình dài mà người môn đệ phải thực hiện liên lỉ trong cuộc sống của mình, đó là làm cho Đức Ki-tô được mọi người nhận biết và yêu mến. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an tẩy giả đã hoàn thành vai trò của mình là người giới thiệu Chúa cho người khác, và đây ví như là sự “lột xác” từng ngày của ngài. Quả thật, với lối sống khiêm nhường và đời sống tốt lành, thánh Gio-an trở nên như một kiểu mẫu khiến nhiều người lầm tưởng ngài là Đấng muôn dân đang đợi trông. Tuy nhiên, thánh nhân luôn sống thực với chính mình cũng như sứ mệnh được trao, ngài chân thành xác nhận rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô”. Vì đối với thánh nhân “Thiên Chúa phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”.

Tin Mừng mô tả về thánh Gioan tẩy giả “Ông đến để làm chứng về Ánh Sáng” – chắc hẳn ở đây tác giả Kinh Thánh muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc Ánh Sáng, mà khi ấy thánh Gioan có vai trò làm chứng về việc này để mọi người tin nhận sự xuất hiện của Đấng là nguồn cội của Ánh Sáng. Thực vậy, Đức Ki-tô là ánh sáng mà thánh Gioan đã làm chứng, và để cho lời chứng của mình xác thực hơn, vị tiền hô đã phủ nhận những danh phận cao quý mà người ta lầm tưởng về mình, ngài không ảo tưởng nhưng trung thực nhìn nhận bản thân “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”.

Ngoài ra, khi những người có trách nhiệm nhận thấy thánh Gioan thực hiện phép rửa cho dân chúng, họ lại càng thêm nghi vấn, ‘nếu không phải Đức Ki-tô, Ê-li-a hay ngôn sứ mà sao ngài làm phép rửa?’. Trước sự tò mò của họ, thánh Gioan xem đây là cơ hội thích hợp để ngài xác quyết hơn trong lời chứng của mình “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Như vậy, lời chứng của thánh Gioan giúp họ đón nhận ánh sáng là Đức Ki-tô. Đồng thời, thánh nhân khiêm nhu, không ngần ngại để chính mình lui về hậu trường để nhường chỗ cho Đấng Cứu Thế được tỏ hiện.

Thật vậy, là người Ki-tô hữu, có lẽ ai trong chúng ta cũng biết rằng, việc làm chứng cho Đức Giê-su là nhiệm vụ phải thi hành ngay bây giờ và trong suốt cuộc đời của mỗi người và qua nhiều phương thế khác nhau nơi cuộc sống, đó có thể là lời giảng dạy, là các hoạt động bác ái xã hội, là mở rộng mối dây thân ái với những người xung quanh, hay là truyền đạt Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông đại chúng qua các trang mạng xã hội, …v. v… Tất cả đều có thể trở nên phương thế, nên cơ hội để chúng ta giới thiệu Đức Giê-su cho mọi người trong thế giới hôm nay, và làm cho Danh Ngài được cả sáng. Thế nhưng, đôi khi chúng ta có chút tham vọng, hay ảo tưởng về mình mà quên mất không đặt Đức Ki-tô ở vị trí ưu tiên trong mọi việc chúng ta làm, khiến hình ảnh của Ngài bị mờ nhạt vì sự thiếu khiêm nhường và tính ham hư vinh của mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết học nơi thánh Gioan tẩy giả sự khiêm nhường và lòng trung thực khi nhìn về bản thân cũng như vai trò của mình trong Giáo hội, để nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng con trung thành thực hiện nhiệm vụ Chúa trao, nguyện cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

 Vị Tiền Hô Của Chúa

 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” (Ga 1,6- 8)

Trong đời sống con người, chúng ta thường hay chú ý đến những gì đến trước. Khi thánh Gioan thực hiện sứ vụ của mình là vị Tiền Hô của Chúa, ngài cũng được mọi người chú ý, qua các vị tư tế, các thầy và những người thuộc nhóm biệt phái. Họ lần lượt đến hỏi Gioan: Ông là ai? họ đang trông mong một vị Vua, một Đấng sẽ đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ. Tuy nhiên, thánh Gioan trung thực với sứ vụ của mình, ngài khước từ những điều người ta nghĩ về ngài, thay vào đó, thánh Gioan làm chứng cho Chúa, bằng cách đưa những ai tìm gặp ngài đến với Chúa, vì Đức Ki-tô là ánh Sáng đích thực. Nên thánh Gioan thẳng thắn xác nhận “Tôi làm phép rửa trong nước, nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.

 Như trong kho tàng chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có ba con thú dữ là sói, gấu và cáo thay nhau ức hiếp đàn dê. Dê đầu đàn bèn nói với cả bầy, Ta nên mời một trong ba gã sói, gấu hay cáo làm thủ lãnh chúng ta. Cả đàn dê bất bình nhưng ba hung thần nghe tin này rất mừng. Thế là chúng quay sang tranh giành nhau quyền lãnh đạo. Thế rồi cáo dùng bẫy hại chết sói và cáo.

Theo bản tính tự nhiên, ai trong chúng ta cũng thích được người khác khen thưởng, hay được tiếng nổi danh trước mọi người…và đó cũng là cám dỗ trong cuộc sống chúng ta. Tinh thần tìm kiếm hư danh đó khiến ta không sống trọn vẹn tinh thần Tin Mừng hay như tâm tình của thánh Gioan tẩy giả là khiêm tốn nhìn nhận mình là ai và ở vị thế nào cách chân thực.

Là người môn đệ của Chúa, dù sống trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng được mời gọi sống dấn thân trong ơn gọi và sứ mạng của mình được trao, là làm chứng cho Chúa nơi môi trường ấy. Chúng ta đang sống tâm tình Mùa Vọng, trước lời mời gọi hoán cải của Chúa qua thánh Gioan tẩy giả, cùng với gương sống chứng nhân của ngài, giúp chúng ta nhìn lại cách sống cũng như sứ mạng của mình. Vì đôi lúc chúng ta cũng mang nhiều tham vọng nên sống là làm chỉ muốn mình nổi bật mà không thi hành vì Chúa và yêu Chúa.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết sống khiêm tốn như thánh Gioan, trung thành với sứ vụ của mình, không tìm kiếm hư danh nơi cuộc sống này, mà biết hy sinh, quên mình phục vụ Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, và đó cũng là cách thức chúng con đón chờ Chúa đến trong tâm hồn chúng con trong mùa giáng sinh năm nay. Amen.

Fiat

Suy Niệm 4:

Niềm Hy Vọng

Chúa nhật Màu Hồng giữa Sắc Tím hôm nay được xem như một bước ngoặc mới trong hành trình đến cùng Thiên Chúa của người Kitô hữu. Nếu trong khoảng thời gian trước, Giáo Hội kêu gọi con cái mình sẵn sàng tỉnh thức, hoán cải đời sống để đón chờ Vị Thiên Sai ngự đến, thì trong những bài đọc của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thấy được một niềm vui, một niềm hy vọng đang dần hé mở khi Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia và trong thư của Thánh Phaolô đều nói về niềm vui trong ngày Đấng Cứu Thế ngự đến. Đặc biệt trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan Tẩy Giả đã khẳng khái tuyên bố rằng Đấng Messia sẽ xuất hiện. Đó là Đấng cao trọng và ‘ông không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài’. Niềm vui, niềm hy vọng ấy có đủ sức nâng đỡ tâm hồn, thúc giục người tín hữu kiên tâm bền chí sống tỉnh thức trong thời gian ân sủng này. Vì thế, đó có thể lý do mà Giáo Hội chọn Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng hôm nay để gọi là Chúa Nhật của niềm vui.

Trở lại Cựu Ước, sau khi nguyên tổ phạm tội, niềm vui, niềm hạnh phúc địa đàng bị đánh mất. Loài người bị xa lìa tình thương của Thiên Chúa. Nhưng cũng trong giờ phút ấy, do tình yêu thương, Thiên Chúa lại ban cho nhân loại một niềm hạnh phúc cao cả hơn là Ngài hứa ban một Đấng Messia để cứu chuộc con người. Thật vậy, trải qua bao thế hệ, các tiên tri vẫn loan báo cho dân về một Đấng Thiên Sai sẽ ngự đến giải thoát nhân loại. Lời hứa đã có, qua các tiên tri loan truyền nhưng đến bao giờ mới được ứng nghiệm? Đó là điều cốt yếu làm cho lòng tin và sự hy vọng trong lòng con người ngày càng gia tăng hay lụi dần đi. Lịch sử cứu độ đã chứng minh được điều đó. Khi dân Do Thái chờ đợi quá lâu mà không tìm thấy cho mình chút hy vọng nào, họ đã buông xuôi, sa ngã, lìa xa Thiên Chúa.Thế nên, chờ đợi luôn là một thách thức to lớn cho niềm tin và tình yêu. Không đủ tin – yêu, người ta sẽ thôi không chờ đợi nữa.

Hiểu được vấn nạn đó, Giáo Hội đã tìm cách khơi dậy niềm tin và hy vọng cho con cái mình trong khi chờ đợi ngày giáng lâm của Con Thiên Chúa, qua việc chọn Chúa Nhật hôm nay như một tia sáng giữa đêm tối soi lối bước chân người tín hữu trong hành trình đức tin. Thời gian chờ đợi ví như một người đơn độc đi giữa sa mạc mà trong đó cái nắng gay gắt của thời tiết, cơn khát mãnh liệt của cơ thể không nguy hiểm cho bằng sự chán nản thất vọng của tinh thần khi không còn tìm được phương hướng hay không còn chút hy vọng nào về sự sống.

Nếu lấy ví dụ trên làm làm hình ảnh diễn tả về thời gian chờ đợi, chúng ta sẽ hiểu được rằng Chúa Nhật Màu Hồng hôm nay có ý nghĩa đặc biệt thế nào trong thời gian Màu Tím mùa vọng. Nó giống như một ốc đảo giữa sa mạc hoang vu. Nó là nơi làm phát sinh và duy trì không những về sự sống thể xác mà còn là sức mạnh của tinh thần. Giúp người bộ hành có thêm sức lực và niềm tin để thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” tìm đến miền hạnh phúc.

Lạy Thiên Chúa, chờ đợi bao giờ cũng là bức màn che đậy nhiều điều bí ẩn. Đó là thời gian thử thách, thanh luyện tâm hồn mỗi người chúng con. Cảm tạ Chúa vì Ngài luôn ban cho chúng con niềm hy vọng làm sức mạnh, để chúng con can đảm và kiên nhẫn chờ đợi Chúa. Xin cho chúng con luôn tìm ra được niềm vui, niềm hạnh phúc trong đời sống hằng ngày dù là những điều rất nhỏ bé để chúng con có thêm nghị lực, thêm lòng tin yêu mà vững bước trên đường về cùng Chúa. Amen.

Bảo Bảo

Trả lời