Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B

Suy Niệm 1:

Thanh Tẩy Tâm Hồn

Đền thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa, và cũng là nơi kết nối tương quan giữa con người với chính Thiên Chúa. Vì thế, trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã nổi giận khi Người vào Đền Thờ thấy cảnh tượng những người Do Thái có hành động không xứng hợp và bất kính, qua việc họ buôn bán, trao đổi hàng hóa trong Đền Thờ. Quả thật, hành vi giận dữ của Đức Giê-su cho người Do Thái biết rằng họ đã lệch lạc trong việc thờ phượng, họ đã biến nơi thờ phượng thành nơi giao dịch, kinh doanh để mang lợi lộc cho cá nhân hơn là quy hướng về Thiên Chúa nên Người phải nghiêm khắc mà “Thanh Tẩy Đền Thờ”.

Trong lăng kính của Tin Mừng thánh Gio-an thuật lại, có lẽ chúng ta hình dung ra bối cảnh lúc bấy giờ –  Đền Thờ đang diễn ra rất hỗn loạn, mọi người phải chạy tứ tán khi Đức Giê-su “Lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”. Thực ra, những vật dụng họ bán và trao đổi trong sân Đền Thờ cũng chỉ là để phục vụ cho việc thờ phượng bên trong Đền Thờ như: cung cấp các lễ vật, đổi tiền cho việc nộp thuế Đền Thờ. Tuy nhiên, Đức Giê-su không hài lòng vì cách họ làm đã đánh mất ý nghĩa và sự thánh thiêng của việc thờ phượng.

Sau khi Đức Giê-su có thái độ phản kháng như thế, có thể khiến người Do Thái bực tức cho nên họ chất vất Người rằng “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? Và Đức Giê-su cũng không ngần ngại trước lời chất vất đó “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” –  Đức Giê-su không tỏ vẻ tranh luận nhưng Người hướng họ tới một cái nhìn nội tâm hóa: Đền Thờ Đức Giê-su nói ở đây không còn là Đền Thờ có bề dày lịch sử hay đồ sộ trước mắt họ mà chính là Thân Thể của Người. Lại thêm, Đức Giê-su còn cho người Do Thái hiểu rằng việc thờ phượng đích thực của thời Tân Ước là tôn thờ Thiên Chúa qua Người Con – chính là Đức Giê-su Ki-tô.

Khi chúng ta chiêm ngắm việc thanh tẩy Đền Thờ của Đức Giê-su, ta cũng được mời gọi dừng lại để nhìn vào Đền Thờ tâm hồn chúng ta. Có lẽ, tôi và bạn đã hơn một lần tự biến sự thánh thiêng của tâm hồn mình trở thành nơi buôn bán và trao đổi như những người Do Thái xưa. Sự trao đổi, buôn bán trong tâm hồn ta, có thể là những lần chúng ta yêu chuộng sự chóng qua của thế gian hơn là Thiên Chúa, và cũng có thể là những lúc ta chất chứa biết bao ngổn ngang của sự đời là gian tham, ích kỷ, đam mê xấu và những bon chen thế trần, để rồi Đền Thờ tâm hồn ấy không còn là nơi “cực thánh” Thiên Chúa ngự, không còn là nơi lặng thầm để ở bên Chúa mà chỉ là những ồn ào, xáo trộn của tiếng nói ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Với sự ý thức trong mùa chay thánh này, chúng con ước mong Chúa Giê-su đến Đền Thờ tâm hồn chúng con và cùng với chúng con dọn dẹp, xếp đặt lại tất cả những bề bộn, những nỗi truân chuyên trong chúng con, vì khi chúng con cản đảm để Chúa thanh tẩy tâm hồn mình cũng là lúc chúng con sẵn sàng vác thập giá với Chúa lên đồi Golgotha. Nguyện xin Chúa Giê-su thêm sự can đảm cho chúng con, để chúng con dám thanh luyện lòng mình sạch và đẹp, hầu tâm hồn chúng con trở nên tinh tuyền đón mừng Chúa Giê-su Phục Sinh. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

Đền Thờ Tâm Hồn

Có một câu nói rất hay: “Khi bạn đã tìm được sự ưu tiên thì mọi thứ còn lại chỉ là sự lựa chọn”. Thật vậy, trong cuộc sống cũng đều tồn tại một sự việc, sự vật hay một nhân vật nào đó mà trong hoàn cảnh nhất định bản thân phải đưa ra quyết định: đó là sự ưu tiên hay chỉ là sự lựa chọn.

Trong Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay này chúng ta thấy được hai hình ảnh tương phản rất rõ nét trong việc tôn thờ Thiên Chúa.

Người Do Thái nổi tiếng trong việc coi trọng lề luật vì họ xem đó là thước đo của sự công chính. Họ còn rất quý trọng đền thờ vì là nơi sinh hoạt tôn giáo cấp cao nhất trong đời sống thiêng liêng – Đền Thờ là linh hồn của đạo Do Thái vì nơi có đặt hòm bia Giao Ước. Bằng chứng là trong bao cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, họ luôn trấn giữ để bảo vệ Đền Thờ khỏi bị phá huỷ. Thế nhưng tất cả những điều tốt đẹp trên chỉ còn là lý thuyết khi hôm nay Tin Mừng thuật lại việc những người Do Thái buôn bán chiên, bò, bồ câu…và những gì cần thiết để trao đổi trong dịp lễ Vượt Qua trong đền thờ Giêrusalem. Dù với lý do gì, thì việc họ làm cũng nói lên rằng: tiền bạc, lợi nhuận vẫn là sự ưu tiên so với sự trang nghiêm của Đến Thờ. Họ sẵn sàng đánh đổi sự thánh thiêng bằng những gì tầm thường của thế tục, đánh đổi sự chân thật bằng những đồng tiền gian dối…để rồi Đền Thờ trở thành sự lựa chọn cho việc làm ăn mua bán.

Ngược lại với hình ảnh trên là hình ảnh một Đức Giêsu, mà những người có chức trách trong xã hội luôn coi Ngài là kẻ phá bỏ lề luật, thì giờ đây sẵn sàng đạp đổ những bàn đổi tiền, đánh đuổi những con vật… để giành lại sự tôn nghiêm đáng có cho Nhà của Thiên Chúa. Một Giêsu luôn khiêm nhường trước sự chống đối, lên án, vu oan của miệng đời, thì lại tỏ thái độ tức giận tột đỉnh, lớn tiếng xua đuổi những ai đan tâm biến Đền Thờ thành “sào huyệt của bọn cướp”.

Khi hành động như thế, chắc hẳn Đức Giêsu đã lường trước được hậu quả việc Ngài làm. Vì như lời thánh vịnh: “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Nhưng với tư cách là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa thì làm sao Đức Giêsu lại không hành động để chống lại sự xúc phạm mà con người dành cho Đền Thờ. Sự ưu tiên của Ngài là Thiên Chúa nên Đức Giê-su đã lựa chọn đi ngược lại những gì không phù hợp trong việc tôn thờ Thiên Chúa.

Chuyện ngày xưa nhưng hôm nay vẫn còn đây, tự chất vấn bản thân rằng: tôi đã bao lần đặt Thiên Chúa lên làm sự ưu tiên thay vì sự chọn lựa? Đền thờ tâm hồn tôi có đang là một “sào huyệt của bọn cướp” qua những điều không thiện lành: ý định gian tà, xấu xa, hãm hại người đồng loại, mưu ích cho bản thân mình? Và tôi có can đảm đứng lên xua đuổi, thanh trừ những gì không xứng đáng với đền thờ Thiên Chúa trong con người tôi?

Lạy Thiên Chúa, dành cho Ngài sự ưu tiên đòi hỏi chúng con phải nhiều lần chịu thiệt thòi, bị lên án bất công, bị sỉ nhục…nhưng xin cho chúng con có một niềm tin đủ lớn để luôn đứng về sự thật, một niềm cậy trông vững vàng, để tin Ngài luôn quan phòng che chở cho chúng con và một tình yêu đủ mạnh để sống cho lề luật của Ngài Amen.

Bảo Bảo

Suy Niệm 3:

Thanh Tẩy Tâm Hồn

Hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu lên đền thờ Giêrusalem. Ngài đã phản ứng mạnh mẽ khi thấy những người Do Thái buôn bán trong Đền Thờ. Đức Giê-su nổi giận vì hành động của họ bất xứng với nhà của Cha Ngài. Trong Mùa Chay này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa bằng tinh thần yêu mến và tôn kính thật sự. Mối tương quan của ta với Thiên Chúa không thể cân – đo – đong – đếm qua của cải vật chất. Nhưng trái lại là một tâm hồn cởi mở và chân thành.

Với việc thanh tẩy đền thờ, Chúa Giêsu muốn chúng ta khám phá lại ý nghĩa thực sự của sự thờ phượng. Vì thế, Đền thờ là nơi dành cho Thiên Chúa, sự hiện diện của Ngài là trái tim của nhân loại. Do đó, chúng ta cần phải dọn dẹp những gì không thuộc về sự thánh thiêng này. Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta hoán cải thực sự, xa tránh những gì khiến chúng ta sống không phù hợp với ý Thiên Chúa. Trong việc hoán cải này, chúng ta sẽ không đơn độc vì có Chúa Giêsu – Ngài đã chiến thắng trên thập giá và muốn tất cả chúng ta tham gia vào chiến thắng của Ngài.

Vậy, Đền Thờ đích thực duy nhất mà chúng ta thờ phượng Thiên Chúa chính là “Đền Thờ Tâm hồn”. Như chúng ta đã biết, những gì là bên ngoài chúng ta dễ nhận ra, cái gì sạch, dơ và điều gì là xấu… thì chúng ta sẽ chỉnh sửa cho sạch, đẹp lại. Còn những gì thuộc bên trong có lẽ chúng ta khó nhìn thấy, nên ta dễ bỏ qua điều đó.

Trong Mùa Chay thánh này, xin Chúa Giê-su giúp chúng con biết tập trung cuộc sống vào Thiên Chúa và khám phá lại tình yêu của Ngài. Khi chúng con nhận ra tình yêu của Thiên Chúa cũng là lúc chúng con được Ngài gần gũi, và đón nhận lòng thương xót nơi Ngài. Vì Thiên Chúa luôn mời gọi chúng con “Hãy sám hối… Hãy hết lòng trở về với Ta…”. Xin Chúa giúp chúng con biết hoán cải đời sống, thực thi bác ái để bốn mươi ngày mùa chay này sẽ là lời đáp trả thực sự cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Amen.

Fiat

Trả lời