Chúa Nhật II Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

Xin cho con trở nên nhỏ bé để Chúa lớn lên trong con hằng ngày

Đây chính là cung cách sống mà thánh Gioan tiền hô đã chọn để làm chứng nhân cho Chúa. Ngài luôn sống khiêm tốn trước mặt mọi người. Thánh Gioan đã dám khước từ phần vinh dự về mình, khi ngài nói: “Có Đấng đến sau tôi Người cao trọng hơn tôi, tôi không đáng cởi dây giầy cho Người”. Thánh nhân chỉ muốn những việc Ngài làm sẽ dẫn người khác đến với Chúa, và muốn dùng cuộc đời mình để tôn vinh Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan sẵn sàng để các môn đệ của mình đến với Đức Giê-su. Ngài không giữ các môn đệ cho riêng mình, bằng cách giới thiệu cho các môn đệ về danh tính của Đấng Mê-si-a ‘Đây mới chính là Chiên Thiên Chúa, đây mới xứng đáng là Thầy mà các ngươi cần đi theo’. Thánh nhân sẵn lòng để các môn đệ ra đi vì Ngài biết phận mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Lạy Chúa Giê-su, giữa một thế giới còn nhiều phân tranh do lòng ích kỷ, hận thù, vì quyền lực, chạy theo danh vọng, đam mê bất chính và luôn tìm tư lợi cho mình mà quên anh chị em bên cạnh. Tuy nhiên, chúng con cũng tạ ơn Chúa vì vẫn còn đó những tâm hồn can đảm, quảng đại sẵn lòng dấn thân làm chứng cho Tin Mừng trong âm thầm và khiêm cung, dấn thân trong tinh thần vô vị lợi, xoá mình đi để ‘Thiên Chúa được lớn lên’ trong đời sống hằng ngày.

Xin Chúa cho mỗi chúng con luôn có tấm lòng quảng đại dám dấn thân để làm cho Danh Thiên Chúa được tôn vinh như Gioan đã thực hiện, là đưa môn đệ mình đến với “Chiên Thiên Chúa” và như An-rê đã mang em mình là Si-mon đến với thầy Giê-su – Đấng Thánh.

Xin cho chúng con luôn biết sống với tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, đừng tự phụ về chính mình. Nhưng luôn biết hy sinh, âm thầm phục vụ anh em, dám yêu thương hết mọi người giống như Chúa, nhờ đó chúng con mới có thể giới thiệu Chúa cho những người chúng con gặp gỡ, và xin cho chúng con dám gắn bó cuộc đời với Giêsu – là Đấng chúng con tôn thờ và yêu mến. Amen.

M.B

Suy Niệm 2:

Đến Mà Xem

Trong hành trình thiêng liêng, không phải lúc nào người Kitô hữu cũng dễ dàng nghe và hiểu được lời mời gọi của Đức Giê-su “Hãy đến mà xem” trong đời sống đức tin của mình. Chúng ta có thể nghe và hiểu nhưng sự đáp trả lại là điều đòi hỏi mãnh liệt nơi chúng ta. Vì thế, Tin Mừng hôm nay mô tả cho chúng ta một cuộc gặp gỡ tương giao tuyệt vời giữa Đức Giê-su và các môn đệ đầu tiên đó là Gioan, An-rê và Si-mon. Cuộc tương giao này đã nói đến những con người biết mở lòng và dám đáp trả lại điều mình được mời gọi và tiến đến niềm khao khát kiếm tìm chân lý và sự sống nơi Thiên Chúa.

Như trong Tin Mừng thánh Gioan tông đồ đã cho chúng ta nhận ra hai môn đệ được nhắc đến, là họ đang đi theo thánh Gioan tẩy giả – người nổi danh lúc bấy giờ. Hai môn đệ này chắc hẳn cũng có chung một tâm trạng và ý nghĩ như những người đương thời là trông mong Gioan tẩy giả sẽ là Đấng Messia. Với lý do đó, chúng ta lại được nhìn thấy vẻ đẹp khiêm nhường nơi thánh nhân, khi ngài giới thiệu Đức Giêsu là ‘Chiên Thiên Chúa’ cho mọi người được biết. Thánh Gioan tẩy giả đã làm đúng như những lời ngài nói “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Và điều đó được thực hiện khi hai môn đệ nghe ngài nói ‘họ liền đi theo Đức Giêsu’.

Ở đây, tuy chúng ta không biết được tâm tư của hai môn đệ như thế nào khi đi theo Đức Giêsu, nhưng ta chắc rằng Đức Giêsu quan tâm và coi trọng sự khao khát tìm kiếm chân lý đích thực của hai vị, qua việc Ngài hỏi “Các anh tìm gì?” – Đức Giê-su muốn biết được mục tiêu của họ hướng tới là gì, để chỉ dẫn họ tiến sâu hơn trong sự khao khát đó với sự đáp trả tiếng gọi của Ngài “Đến mà xem” bằng cách các vị “ở lại” bên Đức Giê-su.

Thật vậy, hệ quả của việc ở lại cùng Thầy Giê-su, cho chúng ta cảm nhận rằng thánh Anrê không thể giữ lại cho riêng mình những ân tình đã được lãnh nhận từ Đức Giê-su nên ngài giới thiệu cho người em là Si-mon. Sự liên kết đã được nối dài bằng một ánh nhìn trìu mến mà Đức Giêsu trao cho Si-mon trong lần gặp đầu tiên. Và Đức Giê-su đã thiết lập tương giao này qua tên gọi mới là Phêrô, Ngài mở ra cho cuộc đời ông một trang sử mới, một trách nhiệm mới, biến đổi thành người môn đệ thân tín của Đức Giêsu.

Từ cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Đức Giê-su, như một lần phản chiếu về chính cuộc đời chúng ta trong đời sống đức tin:

  • Tôi có tâm thế như Gioan Tẩy Giả là can đảm xoá mình đi để Chúa được lớn lên nơi tôi?
  • Tôi có khát khao tìm kiếm Thiên Chúa và mạnh dạn bước theo, đến, ở lại như các môn đệ xưa chăng?
  • Tôi có kinh nghiệm ở lại với Chúa như An-rê không, và có sẵn sàng trở thành cầu nối cho anh chị em đến với Thiên Chúa? Và tôi có liều lĩnh, dám để Chúa tiếp cận mình, biến đổi và canh tân con người tôi theo ý của Ngài không như Phê-rô chăng?

Lạy Chúa, trong cuộc sống đã biết bao lần Chúa lên tiếng gọi chúng con “Hãy đến mà xem” nhưng chúng con chưa nhạy bén trước Lời đó.  Xin cho chúng con có tâm hồn bén nhạy với Lời Chúa, hầu chúng con can đảm đáp lại tiếng Chúa gọi, để khi chính bản thân chúng con cảm nghiệm được tình yêu Chúa, chúng con cũng sẵn sàng ra đi đến với anh chị em của chúng con.

Bảo Bảo

Suy Niệm 3:

 Tìm Kiếm Điều Gì?

 Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta suy gẫm về ơn gọi của các môn đệ đầu tiên. Những người này đã bắt đầu bằng việc đi theo Gioan tẩy giả. Theo lời giới thiệu của Gioan về Chúa Giêsu “Đây Chiên Thiên Chúa”, và Chúa Giêsu tiến đến với họ bằng một câu hỏi mở “Các anh đang tìm gì?”, đó cũng là câu hỏi Chúa Giê-su đặt ra cho chúng ta hôm nay: Bạn đang tìm kiếm điều gì?

Từ đó, Chúa Giê-su muốn khuấy lên trong lòng các môn đệ và chúng ta về việc tìm kiếm chân lý ngang qua lời mời gọi chân tình của Người “Hãy đến mà xem!”. Những gì các môn đệ thấy có thể sẽ vượt xa điều họ suy nghĩ. Nhưng họ đã đáp trả tiếng gọi ấy là “ở lại” với Người. Chúng ta cũng thế, khi lắng nghe Lời Chúa, ta sẽ được khám phá Lời của Người là lời ‘Sự sống đời đời’. Do đó, Tin Mừng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Nhưng để có được cuộc gặp gỡ này thì chúng ta cần có những người trung gian như Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của ngài, và sau cuộc gặp gỡ đó được nối dài khi Anrê là đưa anh trai đến gặp Chúa Giêsu. Thật vậy, cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su là ân ban nhưng không, được thể hiện qua anh chị em và trong bất cứ hoàn cảnh.

Vì thế, trong Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân (số 2) đã nói: “Trong Giáo Hội có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ và những người kế vị các Ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản…Về phần giáo dân, Giáo hội cũng có những hướng dẫn rõ ràng cho việc tông đồ giáo dân [……..] Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột”.

Qua lời mời gọi của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay, như một lần nữa giúp chúng ta nhìn lại việc truyền giáo của chính mình như thế nào trong đời sống đức tin của chúng ta? Tôi có mang trong mình “tinh thần Kitô giáo,” để làm việc tông đồ giữa đời không? Vì Tin Mừng phải được loan báo cho mọi người, không giới hạn không gian và thời gian, không phân biệt chủng tộc, màu da hay giai cấp mà phải được lan tỏa, làm chứng cho Chúa Kitô bằng cuộc sống. Có như thế, thân mình Chúa Kitô mới được xây dựng và vững bền. Đồng thời việc tìm kiếm Thiên Chúa không chỉ giúp chúng ta đạt đến Thiên Chúa mà còn mang ích lợi cho anh em.

Xin Chúa Giê-su cho chúng con luôn biết tìm kiếm Chúa để được gặp Chúa, hầu đời chúng con mang Chúa đến với mọi người. Amen.

Fiat

Suy Niệm 4:

Ơn Gọi

Ơn gọi là điều huyền nhiệm Thiên Chúa dành riêng cho mỗi người mà chúng ta không thể hiểu hết được, dù ta sống ơn gọi gia đình hay ơn gọi của đời tận hiến. Trong Tin Mừng hôm nay thánh Gioan tông đồ đã nói về hành trình ơn gọi của các môn đệ đầu tiên là Gioan, Anrê và Simon. Ơn gọi của các vị này được khởi đi từ lời giới thiệu của thánh Gioan tẩy giả khi thấy Đức Giê-su ngang qua “Đây là Chiên Thiên Chúa.”. Như vậy, ơn gọi được xuất phát từ việc đón nhận hồng ân “biết Chúa” của người này và lan tỏa đến người kia mà Gioan tẩy giả đã giới thiệu Đức Giê-su cho hai học trò của ngài. Vì thế, chúng ta cũng được kêu mời sống trọn vẹn ơn gọi của mình và biết loan truyền hồng ân ấy cho anh em.

Thật vậy, sau khi Gioan và An-rê nghe Gioan tẩy nói thì ‘liền đi theo Đức Giê-su’ – điều mà thánh Gioan tẩy giả phải trả giá cho lời giới thiệu của mình là mất đi hai môn đệ đã từng theo ngài. Có lẽ, việc Gioan tẩy giả để cho môn đệ của mình bước theo Đức Giê-su như là một cách đáp trả ơn gọi của ngài cách mãnh liệt nhất, vì thánh Gioan tẩy giả đã biết thời của mình đã kết thúc cần nhường gót cho ‘Đấng phải đến’, và cũng như là hình mẫu cho hai môn kia noi theo. Như thế, chúng ta nhận ra rằng từ lời giới thiệu của thánh Gioan tẩy giả đã trở nên một tiến trình tìm hiểu ơn gọi của các môn đệ đầu tiên khi Đức Giê-su quay lại hỏi các ông “Các anh tìm gì thế”. Họ đáp “Thưa Rabbi, Thầy ở đâu?”. Ngài bảo họ “Đến mà xem”. Và ‘họ đã đến xem chỗ Đức Giê-su ở, và lưu lại với Ngài’.

Từ việc đi theo, tìm hiểu và ở lại của hai môn đệ, xem ra họ đã chịu sức hút thần linh nơi con người và cuộc sống của Đức Giê-su ngang qua bản tính nhân loại của Người mà chính các ông phải quyết tâm tiến tới để khám phá. Qua đó, phải chăng hai môn đệ này đã nhận ra rằng cơ hội để biết về con người Giê-su là một cơ hội không thể bỏ lỡ, đặc biệt được ‘ở lại’ với Người. Và tiến trình này không dừng lại ở chỗ chỉ là Gioan và An-rê nhận biết Đức Giê-su mà thôi, nhưng An-rê lại tiếp tục giới thiệu Đức Giê-su cho em mình là Si-mon Phê-rô “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a”. Và Si-mon đã được Đức Giê-su trao ánh mắt dịu dàng và trìu mến, nhất là được Người đổi tên cho ông là Kê-pha (tức là Phê-rô). Đó là những phút giây ban đầu gặp gỡ và bước theo Đức Giê-su của Gioan, An-rê và Si-mon Phê-rô.

Từ ơn gọi của các môn đệ, tôi cũng được mời gọi nhìn lại ơn gọi đời mình – ơn gọi sống đời tận hiến. Như các môn đệ xưa, ơn gọi đời tôi cũng được xuất phát từ lời giới thiệu và hướng dẫn của những người thân yêu và những người có trách nhiệm trong cuộc đời tôi. Một điều có thể làm cho ơn gọi của tôi được lớn lên và tồn tại cho đến hôm nay cũng là nhờ vào tình thương, và nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa ân ban, cùng những nỗ lực nhỏ nhoi của bản thân mình. Tôi chỉ biết nói lời tạ ơn Chúa và cám ơn người đã bước đi với con trên mọi nẽo đường cuộc sống trong hành trình ơn gọi.

Xin Chúa tiếp tục gìn giữ con trong tình thương của Chúa, hầu con được bền đỗ và biết giới thiệu cho anh chị em bằng cung cách sống ơn gọi đời con. Amen.

M. Nhị Thơ

Trả lời