Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B

Suy niệm 1:

Sẵn Sàng

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc “hãy tỉnh thức”. Ngài không nhắm đến tỉnh thức của thể lý, nhưng Chúa Giêsu nói đến một thái độ sống luôn sẵn sàng như người đầy tớ trung tín đợi chủ về, anh ta thi hành tốt bổn phận của mình bằng sự chân thành và yêu thương. Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi sống tâm thế ấy để ta cũng trở nên người đầy tớ trung thành.

 Chính vì điều này mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta canh thức. Ngài không muốn chúng ta bị cuốn vào những cơn lốc nguy hiểm đó, như trong cuộc sống, dù làm việc, học tập, …  chúng ta vẫn có sự chuẩn bị tùy theo mức độ, sự quan trọng mà chúng ta có sự chuẩn bị xa – gần, mau – chậm. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thì chúng ta sẽ tự tin, sẽ mạnh dạn để thực hiện, để đón nhận tất cả và lúc đó chắc chắn sẽ đạt được điều mình mong muốn trong công việc cũng như trong các mối tương quan.

Chúng ta giống như những người đầy tớ chờ chủ vào lúc nửa đêm, ta đang chuẩn bị sự trở lại của Chúa như một lễ kỷ niệm trọng đại. Chúa đến không chỉ ngày quang lâm, ngày cuối cùng của mỗi người nhưng Ngài đã và đang đến trong cuộc sống hằng ngày của ta. Chúa đến với chúng ta qua bí tích Thánh Thể, thánh lễ, qua Lời của Ngài cùng những biến cố vui – buồn, thành công – thất bại và qua những người chúng ta gặp gỡ…Như thế, chúng ta chuẩn bị đón Chúa như thế nào?

Những gì quen thuộc thường ngày, những gì là êm dịu, thanh tịnh thì chúng ta hóa ra nhàm chán, chúng ta thường thích những gì là ồn ào, sôi động nhưng như kinh nghiệm gặp Chúa của tiên tri Isaia (1V 19, 12- 13) Sau động đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ, có tiếng hỏi ông: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?

 Vì thế, Chúng ta hãy tỉnh thức để không bỏ lỡ cuộc gặp gỡ lớn này. Trong cuộc hành trình Mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy đổi mới quyết tâm, chú ý đến Thiên Chúa, đến nhiệm vụ của mình và đến những người ta sẽ gặp gỡ. Và trên hết, chúng ta đừng bao giờ từ bỏ việc cầu nguyện, vì nhờ cầu nguyện mà chúng ta sẽ có thể tỉnh thức để không bỏ lỡ cuộc hẹn, bỏ lỡ cơ hội gặp Chúa trong cuộc đời.

Trong thế giới đang ngủ quên trong sự bất công và thờ ơ, xin Chúa cho chúng con đừng để giấc ngủ của những đam mê trần gian chế ngự chúng con. Chính ngay trung tâm cuộc sống hàng ngày của chúng con, xin Chúa giúp chúng con hướng mắt về Đấng đến để làm cho thế giới hòa bình và cuộc sống được triển nở, nhờ đó chúng con nhận ra sự hiện diện năng động của Thiên Chúa trong đời sống thường ngày. Amen

Fiat

Suy Niệm 2:

Đợi Chờ Là Hạnh Phúc

Năm Phụng Vụ mới được bắt đầu bằng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Thật ý nghĩa cho một sự khởi đầu trong niềm hy vọng, sự chờ đợi mang đến niềm tin vào cuộc sống hiện tại và niềm hoan lạc của đời sống vĩnh hằng. Nhắc đến mùa Vọng, chắc hẳn không một Kitô hữu nào lại không nghĩ đến việc đợi chờ ngày lễ Giáng Sinh – một ngày lễ không chỉ dành riêng cho người Công Giáo mà cho tất cả mọi người. Tuy về mặt tín ngưỡng, niềm vui của mọi người trong ngày lễ Giáng Sinh sẽ khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là một ngày lễ được mong chờ nhất trong năm.

Bài Tin Mừng khởi đầu cho năm Phụng Vụ mới, Giáo Hội cũng nhắc nhở con cái mình đến một sự chờ đợi mang tính chất dài lâu, đó là ngày Chúa đến với mỗi người trong cương vị một thẩm phán chứ không còn là một Hài Nhi bé nhỏ của đêm đông năm xưa. Hình ảnh cụ thể được Đức Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay đó là người chủ nhà và những người đầy tớ, sự biểu hiện rõ ràng chân dung của Thiên Chúa và mỗi người chúng ta.

Đặt trong bối cảnh người chủ ra đi phương xa và dặn các đầy tớ phải trông coi nhà đợi chủ về, đồng thời cũng phải chu toàn những bổn phận mà ông giao phó, những lời giáo huấn của Đức Giêsu dành cho tất cả mọi người không gì khác hơn đó là: hãy chờ đợi.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề được đặt ra ở đây là:

  • Khi nào ông chủ mới về? Thưa: không có thời gian cụ thể.
  • Tại sao ông chủ không xác định rõ ràng thời gian? Thưa là vì tính chất công việc thì đôi khi chính ông chủ cũng không chắc khi nào mình sẽ về. Và vì lý do không biết chắc chắn được thời gian ông trở về nên mới biết được ai là ngưới đầy tớ trung tín.
  • Tại sao tất cả đầy tớ phải tỉnh thức đợi chủ về trong khi chỉ cần một người mở cửa là đủ? Thưa vì mọi đầy tớ trong nhà đều được hưởng phúc lợi của chủ nên nhiệm vụ của họ đều phải đợi ông về.
  • Trong lúc đợi họ sẽ làm gì? Thưa là chu toàn phận việc mà chủ đã trao cho.

Thật vậy, dụ ngôn được Đức Giêsu nêu ra đã quá rõ ràng cho hành trình đời sống đức tin của mỗi người Kitô hữu. Thời gian Chúa ban cho mỗi người trên dương thế này phải là thời gian chúng ta chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã trao phó, là thời gian chờ đợi Chúa đến viếng thăm ta. Tuy thời gian của mỗi người hiện diện trên trần thế này khác nhau, nhưng cùng đích vẫn là một: chờ đợi Thiên Chúa. Thế nhưng, tâm thế và tâm tình chờ đợi của mỗi người sẽ như thế nào?

  • Đợi chờ trong sự chán nản sinh ra sự ù lì, uể oải.
  • Đợi chờ trong sự thất vọng sẽ sinh ra buông xuôi.
  • Đợi chờ trong bất lực sinh ra chán ghét.
  • Đợi chờ trong hy vọng sẽ tạo nên niềm vui.
  • Đợi chờ trong tin yêu sẽ tạo nên sức mạnh.
  • Đợi chờ trong tình yêu sẽ tạo nên hạnh phúc.

Lạy Chúa, một Mùa Vọng nữa lại đến. Cảm tạ Chúa đã cho chúng con có thêm cơ hội để bắt đầu lại. Khởi đầu lại mối tương giao với Chúa, tương quan thân tình với tha nhân và điều chỉnh đời sống của bản thân xứng hợp với Tin Mừng. Xin cho chúng con hiểu rằng, thời gian chờ đợi Chúa đến sẽ không uổng phí, hay mòn mỏi trong sự cô đơn, trái lại, chúng con biết nổ lực chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày, biết mở rộng tương quan với tha nhân trong chân thành; nhờ đó sự đợi chờ của chúng con sẽ là hạnh phúc, vì chúng con xác tín rằng chính Chúa cũng đang chờ đợi chúng con trong từng phút giây, để tiến về quê trời hưởng vinh phúc với Ngài.

Bảo Bảo

Suy Niệm 3:

Tỉnh Thức

Ngày cánh chung xảy ra khi nào và như thế nào chúng ta không biết, điều đó là sự thật. Vì thế trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su mời gọi chúng ta “hãy tỉnh thức”, lời này như là sự báo động khẩn thiết cho mỗi người trước ngày Thiên Chúa đến. Thật vậy, nếu chúng ta không sống trong trạng thái sẵn sàng thì ta có thể chung số phận với những người đầy tớ bất trung. Thế nên, tinh thần tỉnh thức là điều Đức Giê-su muốn chúng ta sống như người đầy tớ trung tín, anh ta biết sống chân tình trong mọi việc, để khi ngày Chúa đến, chúng ta vui tươi và bình an ra đón chờ Ngài, mà không sợ hãi.

Trong ngữ cảnh của dụ ngôn ông chủ đi xa, Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc tỉnh thức để chờ đợi chủ trở về. Bắt đầu chủ rời khỏi nhà, ông đã sắp xếp mọi thứ, trao việc cho từng người một, và còn căn dặn kỹ người giữ cửa phải canh thức; dụ ngôn diễn tả gần như anh ta không được quyền ngủ vì không biết khi nào chủ về, lúc “chập tối hay nữa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” điều này nói đến người giữ cửa phải thức suốt đêm – đòi hỏi chúng ta cẩn trọng trong mọi thời gian, dù là đêm tối hay ban ngày.

Thật vậy, việc Thiên Chúa đến không xác định mà là một sự bất ngờ, Chúa có thể đến bất cứ hoàn cảnh nào và giờ nào trong cuộc đời của chúng ta. Ở đây, Đức Giê-su không có ý doạ chúng ta nhưng mong muốn ta sống trong một tinh thần vững mạnh và linh hoạt chứ không ù lì như một kẻ mê ngủ, làm biếng và chểnh mảng, thay vào đó là luôn hăng say thi hành nhiệm vụ được giao. Vì khi chúng ta sống và chu toàn phận sự cũng là cách làm cho sự hiện hữu của chúng ta có giá trị, đồng thời trở nên một người đầy tớ đáng tin cậy và được yêu mến.

Trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu, đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình chỉ cần giữ đạo nghiêm chỉnh như: tham dự thánh lễ, cầu nguyện và chịu các bí tích, đồng thời không làm hại ai là đủ và chúng ta an tâm sẽ được vào thiên đàng. Tuy nhiên, hiểu theo cách nào đó, lối sống đạo như thế là một sự “ngủ mê” không hề nhẹ, vì cho thấy rằng chúng ta bình thường hoá việc giữ đạo cũng như với cách hành xử trong mối tương quan, thiếu đi sự thiện chí và lòng chân thành.

Đối với Chúa: tham dự thánh lễ, cầu nguyện chỉ vì lề luật, sợ hoả ngục thay vì thực hiện bằng tình yêu thật sự. Còn với tha nhân, chúng ta chỉ giữ ở mức độ không muốn đụng chạm đến ai, không phiền ai đã là tốt, trong khi ta cần phải sống hơn điều bình thường đó là giúp nhau thăng tiến trong thể chất và tinh thần.  Như thế, qua tất cả những điều nhỏ bé trong đời sống hằng ngày sẽ là cơ hội để ta sống “tỉnh thức” như Đức Giê-su mời gọi, vì khi chúng ta biết tận dụng mọi ân ban, mọi biến cố lớn nhỏ của cuộc sống với con tim tin yêu, thì ta mới tỉnh thức thực sự.

Lạy Chúa Giê-su, trong mùa vọng này, xin Chúa cho chúng con có tâm hồn tỉnh thức, biết hoàn toàn hướng về Chúa trong mọi hoàn cảnh sống, dù đêm hay ngày, buồn hay vui thì chúng con luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa đến, vì chúng con hiểu rằng ngày Chúa đến là niềm hạnh phúc lớn lao của đời chúng con. Amen.

M. Nhị Thơ

Trả lời