Các bài suy niệm
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN – C
Lời Chúa: Hc 3,19-21.30-31; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14
MỤC LỤC
1.Chỗ cuối
(Trích dẫn từ ‘Manna’ – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời thường xoay quanh những chiếc ghế. Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng. Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.
Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình. Người Pharisêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường. Giacôbê và Gioan thích ngồi hai bên tả hữu Thầy Giêsu. Philatô cho đóng đinh Đức Giêsu vô tội, vì ông sợ mất ghế.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các khách dự tiệc cứ chọn ghế nhất mà ngồi.
Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế.
Chiếu trên, chiếu dưới chẳng phải là chuyện xưa ở đình làng. Ngày nay vẫn có những bạn trẻ cố kiếm được mảnh bằng và chỗ làm lương cao để ung dung hưởng thụ một chỗ đứng trong xã hội.
“Ai tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống qua việc phục vụ, sẽ được Thiên Chúa tôn lên.”
Đức Giêsu mời ta vượt qua thói háo danh, để sống khiêm tốn.
Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên.
Khiêm tốn không phải là coi thường mình hay sợ người khác.
Khiêm tốn không phải là rụt rè, không dám nhận trách nhiệm.
Khiêm tốn là biết mình đã nhận tất cả từ Chúa, và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.
Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay ghế nhất.
Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần chiếm được, nhưng là phương tiện để phục vụ mọi người.
Chức vụ cho họ cơ hội cúi xuống thật gần với nỗi đau của nhân loại đang chờ họ giúp đỡ.
Người khiêm tốn không tự tìm vinh quang cho mình, họ hồn nhiên vô tư để Thiên Chúa tự do định liệu.
Chúng ta dễ đánh giá người khác dựa trên ghế của họ. Nhưng một người quét đường có lương tâm còn giá trị hơn một giám đốc tham ô lãng phí.
Đức Giêsu nói đến việc chọn khách để mời ăn. Ngài khuyên nên mời những kẻ nghèo khó, tật nguyền, hơn là mời những người ruột thịt, thân quen, giàu có. Ngài đưa chúng ta vượt qua óc tính toán vụ lợi, để đi vào thế giới của những người bất hạnh.
Chúng ta thường thích giao du với người có thế giá, có học thức, có của cải, để dễ nhờ vả khi cần. Chính vì thế xã hội vẫn còn nhiều người bị bỏ rơi, vì nghèo túng, kém cỏi về mọi mặt.
Hãy ra khỏi thế giới quen thuộc của mình, để đến với những người cần chúng ta hơn.
Bao trẻ em ở vùng xa cần giáo viên. Bao bệnh viện ở các huyện cần bác sĩ.
Ước gì chúng ta hạnh phúc khi cho không tính toán vì thấy mình đã nhận được gấp trăm điều mình cho.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những hình thức khiêm nhường giả tạo? Một người khiêm nhường thực sự phải là người như thế nào?
Trong môi trường bạn sống, bạn có thấy những người bất hạnh, ít được nâng đỡ quan tâm không? Bạn đã làm gì để giúp họ?
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa: “Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại.
2.Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên
(Trích dẫn từ ‘Manna’)
Suy Niệm
Nếu cuộc đời là một bữa tiệc, hẳn có nhiều thực khách đã chọn chỗ nhất mà ngồi.
Tôi chọn ngồi chỗ nhất vì tôi thấy mình quan trọng, tôi xứng đáng được hưởng vinh dự đó…
Tiếc thay, không có nhiều chỗ nhất trong bữa tiệc cuộc đời, nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình.
Những cuộc tranh giành như thế đâu phải là điều xa lạ. Chúng vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia… Nơi nào có hai người ở với nhau là có thể có đụng chạm, vì chỉ có một chỗ nhất.
Giữa một thế giới tự cao tự đại, rồi xâu xé nhau, Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống tự khiêm, tự hạ.
Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm nhường.
Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân, cũng không phải là thụ động, không dám nhận trách nhiệm, trách nhiệm làm người ở đời và làm con Thiên Chúa.
Khiêm nhường lại càng không phải là một mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác: tôi hạ mình xuống để được tôn lên.
Abraham là một mẫu gương khiêm nhường. Ông ý thức mình chỉ là tro bụi (Kn 18,27), nhưng ông đã dám mạnh dạn mặc cả với Đức Chúa về số người công chính, đủ để cứu thành Sôđôma.
Giêrêmia đã từ chối làm ngôn sứ, lấy cớ mình còn trẻ người non dạ (Gr 1,6). Nhưng khi ông dám nhận trách nhiệm Chúa trao, thì ông trở thành khiêm tốn và can đảm.
Nhiều người định nghĩa khiêm nhường là chấp nhận sự thật. Nhưng chấp nhận sự thật là điều khó biết bao, vì sự thật đòi tôi xét lại cách sống.
Khiêm nhường là nhận biết thân phận thụ tạo của mình: những gì tôi có và cả con người tôi, đều bởi Chúa.
Khiêm nhường là đón nhận đời mình như quà tặng Chúa ban, và dâng lại đời mình cho Chúa như một quà tặng.
Khiêm nhường cũng là nhìn nhận sự thật về mình: tôi chưa hoàn hảo, tôi có nhiều giới hạn, tôi cần được tha nhân nâng đỡ, góp ý… Tha nhân ấy không phải chỉ là người trên tôi, mà còn có thể là người kém tôi hay chẳng ưa tôi.
Nơi lời chỉ trích, tôi gặp được khá nhiều sự thật.
Nếu tôi khiêm hạ trước người khác, tôi sẽ thấy được nhiều ưu điểm bất ngờ của họ. Những ưu điểm này không phải là mối đe dọa cho tôi nhưng là quà tặng làm tôi thêm phong phú.
“Xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.”Càng biết, chúng ta càng khiêm nhường thẳm sâu.
Thánh Phanxicô Borgia viết: “Tôi thực tâm muốn đặt mình ở dưới Giuđa, vì tôi đã thấy Đức Giêsu ngồi dưới chân anh ấy.”
Nếu chúng ta chọn ngồi ở chỗ cuối, thì chỉ vì đó là chỗ ngồi quen thuộc của Đức Giêsu.
Gợi Ý Chia Sẻ
Đối với bạn, thế nào là một người kiêu ngạo? Bạn nhận ra người đó qua những cử chỉ bên ngoài và thái độ bên trong nào?
Theo ý bạn, người khiêm nhường thực sự thi có những nét nào? Làm sao để tập được đức khiêm nhường trước Thiên Chúa và tha nhân?
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.
3.Khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng đủ – Dã Quỳ
Chủ đề suy niệm từ Tin Mừng nói với chúng ta về một vật rất đỗi bình thường trong cuộc sống, đó là chiếc ghế. Tự bản chất, ghế chỉ để ngồi. Nhưng chỗ ngồi ở mỗi vị trí lại có giá trị khác nhau. Vì thế, người ta tranh nhau cái ghế và cố gắng bảo vệ chỗ ngồi của mình bằng mọi cách! Từ hình ảnh “Thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học về lòng khiêm tốn và nhân đức khiêm nhường. Thế nhưng, giữa một thế giới mà trong đó con người đang giành nhau những vị trí cao nhất ở mọi lãnh vực, vậy bài học về đức khiêm nhường của Chúa có còn thích hợp với người thời nay nữa hay không?
Người Việt Nam chúng ta vốn quan niệm “Một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp.” Quan niệm ấy cho ta hai suy nghĩ vừa tích cực lẫn tiêu cực. Chiều tích cực cho thấy sự trọng vọng của mọi người dành cho người có chức quyền và địa vị ở mọi thời. Sự vinh quang này cũng có thể là động lực giúp cho nhiều người cố gắng vươn lên trong khả năng của mình cho bằng người khác. Tuy nhiên, mặt trái của sự vinh quang thế gian ấy cũng làm cho chính đương sự nhiễm thói kiêu ngạo, vênh vang tự đắc, coi trời bằng vung và chẳng xem ai ra gì! Nhiều khi chính vì địa vị của họ mà người ta rơi vào vùng trời cô đơn, chỉ những kẻ nịnh bợ được lợi mới là bạn. Và đôi khi địa vị của họ cũng trở thành tầm ngắm của nhiều người muốn giành giật. Vì vậy cuộc sống của họ phải đối diện với trăm ngàn mưu mô, cạm bẫy, khó khăn ngay cả với những kẻ thuộc cấp. Khi còn đương chức thì dương dương tự đắc, vì “Miệng nhà quan có gang có thép.” Và bao người đón đưa, ca tụng.
Thế nhưng, sông có khúc, người có lúc. Khi có chức quyền thì phải sống sao để khi hết chức, hết quyền người ta vẫn còn lòng quí mến và kính trọng mình. Cách riêng đối với những người đang nắm giữ những chức vụ trong Giáo Hội, trong các đoàn thể…, chúng ta càng phải ý thức và sống cách triệt để lời Chúa căn dặn môn đệ khi thấy họ cãi nhau xem ai là người làm lớn: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35) Thực ra, chức vị và quyền hành không phải là một cái gì tội lỗi, đáng sợ hay xấu xa, vì những người khôn ngoan và có khả năng, nhiệt thành, được tập thể tín nhiệm trao phó trọng trách để phục vụ con người, công ích và phục vụ Giáo Hội. Vậy hãy nhớ lời sách Huấn Ca nhắc nhở: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Chúa.”(Hc 3,18)
Chức quyền chỉ là luân phiên để phục vụ “Quan chỉ nhất thời, dân mới vạn đại.” Thế nên, người khiêm tốn sẽ biết khả năng, chức vụ của họ chỉ là phương tiện phục vụ mọi người. Trong đời sống đức tin, chúng ta cần ý thức mình chỉ là một trong những dụng cụ Chúa dùng để phục vụ phần rỗi và ơn cứu độ nhân loại. Chúng ta như những chiếc ghế dùng để ngồi. Thiên Chúa muốn đặt ở đâu cũng không sao. Ai ngồi lên cũng không thành vấn đề. Nếu không còn được dùng nữa, chiếc ghế vui vẻ sẵn sàng nằm trong kho hoặc trở thành những thanh củi để cho đời một chút lửa, một cục than hay một nắm tro tàn.
Chúng ta cần ý thức “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng đủ. Kiêu căng một chút cũng bằng thừa.” Người khiêm tốn thì luôn kính trọng tha nhân, làm việc theo ý chung vì lợi ích tập thể.
Người khiêm tốn ý thức giới hạn của bản thân nên luôn nhận trách nhiệm khi công việc thất bại, còn thành quả là do tập thể.
Người khiêm tốn âm thầm làm việc mà không cần người khác khen ngợi, vì họ biết đó là bổn phận và trách nhiệm của họ.
Người khiêm tốn luôn bình tĩnh nghe sự góp ý của người khác về khuyết điểm của mình và sẵn sàng sửa đổi.
Người khiêm tốn không thích nói về mình, không đề cao mình, những gì họ đạt được là do ơn Chúa và nhờ sự trợ giúp của mọi người.
Người khiêm tốn nỗ lực và ý thức trách nhiệm trong mọi việc đã lãnh nhận, cố gắng với tất cả khả năng và phó thác thành công cùng thất bại trong bàn tay Chúa.
Người khiêm tốn luôn cư xử nhẹ nhàng, hòa nhã và tinh tế với mọi người, luôn đặt lợi ích và quyền lợi của người khác trên bản thân mình.
Người khiêm tốn biết giới hạn của mình và chỉ thực hiện những gì trong tầm tay và khả năng cho phép. Họ không đứng chỉ tay nhưng vén tay áo để cùng làm việc với mọi người.
Người khiêm tốn ý thức chức vụ và quyền hành là để phục vụ, vì thế họ sẵn sàng rút lui khi sức khỏe và khả năng giảm sút không còn đủ hay không phù hợp để phục vụ mọi người.
Người khiêm tốn là người biết nhận định chính xác về bản thân mình trong mọi sự.
Bài học khiêm tốn tuy đơn giản nhưng không phải dễ dàng học và thực hiện trong đời mình. Con công đẹp ở bộ lông, con chồn quí ở bộ da. Nhưng chúng chết hoặc bị săn lùng cũng chỉ vì những thứ mà chúng khoác trên mình! Xin cho chúng ta hôm nay thấm nhuần được bài học khiêm nhường của Chúa- Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Người đã chọn chỗ rốt hết trong thân phận làm người, nghèo hèn trong cuộc sống, đơn giản trong cách ăn nết ở, hòa nhã và thân thiện với tất cả mọi người. Cuối cùng, Người đã chấp nhận hủy mình ra không trong cái chết. Người đã chọn chỗ rốt hết trong bữa tiệc nhân sinh. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Qua cuộc sống, Người đã trở nên mẫu gương cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi lòng chúng con nên khiêm nhường giống như Chúa. Amen.
4.Hạ mình xuống – ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Mùa hè 1992, Đài Truyền hình Sài Gòn và Cần Thơ đều chiếu cuốn phim Tây Du Ký. Cuốn phim rất hấp dẫn, đến nỗi bé 5, 6 tuổi cũng nhận mình là Ngộ Không, hay Đường Tăng, Trư bát Giới, những vai trong phim.
Hấp dẫn về hình thức đầy những cảnh sắc kỳ lạ huyền ảo, với bao nhiêu lâu đài hào nhoáng rực rỡ, và những cử điệu nhảy múa, nhào lộn, bay biến, đánh nhau, biến hóa xuất quỷ nhập thần. Nhưng giá trị tuyệt diệu của cuốn phim chính là ý nghĩa sâu sắc này:
Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống,
Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Những hạng tôn mình lên làm Tề Thiên Đại Thánh: bằng Trời, bằng thánh vĩ đại, làm Đại vương, Ma vương, Nữ Vương, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa đều bị lột mặt lạ là những đồ khỉ, nhện, thỏ, rắn rết, bọ cạp, heo bò, dê ngựa, hổ báo, sư tử, quỷ vương, buộc phải hiện hình trở về sống kiếp quái vật.
Những thứ tôn mình lên như thế thì vô kể.
Những thứ hạ mình xuống thì ít lắm. Chỉ thấy có Đường Tăng. Ông luôn luôn xưng mình là bần tăng, vô tài, bất lực trước mọi thử thách nguy hiểm, ông chỉ biết thương người, cầu kinh, khấn Phật, cầu kẻ này, nhờ người kia, nhờ cả đến con khỉ Ngộ Không dẫn đường chỉ lối, cứu giúp, giải vây. Chính nhờ hạ mình xuống mà ai cũng thương mến, kính phục và liên kết với ông. Chính nhờ hạ mình xuống mà ông tránh được hiểm họa tranh chấp, đánh lộn, oán thù. Chính nhờ hạ mình xuống mà ông đã lãnh được bộ Kinh dạy ông thành Thánh, thành Phật. Ông đã hạ mình xuống thì được mọi người tôn lên.
May cho Ngộ Không, Sa Tăng, Trư bát Giới, đã biết từ bỏ tật kiêu ngạo để hạ mình xuống kịp thời theo Đường Tăng, nên không bị hóa kiếp quái vật.
600-700 năm trước Đường Tăng, Đức Giêsu đã thực hiện hạ mình xuống: “Từ ngôi vị Thiên Chúa cao cả, Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người …cả trên trời, dưới đất và trong âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và mở miệng ra tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil. 2, 6-11).
Hôm nay, Người nói cho mọi người thấy rõ chân lý ấy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Thánh Kinh cũng chứng tỏ chân lý ấy: Satan được vào hàng ngũ các Thiên thần thiêng liêng sáng láng hưởng tôn nhan Thiên Chúa, thế mà dám đòi bằng Thiên Chúa nên bị giáng xuống làm tướng dưới đáy hỏa ngục. Nó đã cám dỗ Adam Evà theo nó bất phục tùng Thiên Chúa. Adam Evà lại bị đuổi khỏi vườn địa đàng vinh phúc, đi làm chủ bùn đất, cho biết thân phận bùn đất hèn hạ của mình, đau thương và khóc lóc phải trở về bùn đất. Con cháu lại rủ nhau xây tháp Babel chọc trời, trời đã phạt phải phân tán khắp mặt đất, lưu lạc, chia rẽ nhau và hóa ra những kẻ thù luôn luôn xâm chiếm chém giết nhau. Thiên Chúa vẫn yêu thương chọn một số những kẻ làm dân riêng, lập nước riêng, xây thủ đô Giêrusalem riêng. Nhưng Giêrusalem muốn mình lên tận trời, thì lại bị hạ xuống vực thẳm điêu tàn, không có hòn đá nào trên hòn đá nào. Sống với con thành Giêrusalem, Đức Giêsu đã khóc thương họ, họ đã giành giựt nhau chỗ ngồi trong cỗ bàn, nơi tiệc cưới. Họ đã nhảy lên chỗ nhất, nhưng họ không biết xấu hổ khi bị mời xuống chỗ cuối.
Trên thế gian này, còn bao nhiêu bọn tôn mình lên như Hitler, Stalin, Polpot đều bị loài người lên án là bọn sát nhân ghê tởm.
Chỉ những người như Giuse tổ phụ, sẵn sàng hy sinh chịu trói vứt xuống giếng, bị bán làm nô lệ, bị tù tội oan uổng, mới được tôn lên làm Thủ tướng của một nước Ai cập văn minh nhất thời đó, và đã cứu được bao nhiêu dân tộc khỏi chết đói.
Chỉ những vị Vua như Đavid, biết nhận mình là đứa chăn chiên yếu đuối, chỉ trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa, nên với hòn đá nhỏ bé đã ném vỡ sọ tên hổ tướng Gôliat.
Chỉ có bác thợ mộc âm thầm khiêm tốn như Giuse mới được tôn lên làm cha nuôi Đấng Cứu thế. Chỉ có những thiếu nữ nhận mình là nô tỳ như Maria, mới được Thiên Chúa tôn vinh làm mẹ Thiên Chúa.
Ngày nay trên thế giới có một bà già sống tới 87 tuổi, qua đời 05/09/1997, chẳng có chức vị gì trong xã hội, thế mà được nhiều giải thưởng cao quý nhất thế giới, như giải Nobel Hòa Bình. Bà còn được các Tổng thống, Chủ tịch lớn nhất thế giới mời bà đến viếng thăm đất nước, như Tổng bí thư Gopbachop Liên Xô, tổng thống Mỹ Regan, Trung Quốc, Ấn Độ … Đó là mẹ Têrêxa Calcutta: Một nữ tu đã hạ mình xuống hầu hạ những người cùng khổ, bệnh tật, nằm nửa sống nửa chết ở hè phố.
Gia đình chúng ta chỉ được an vui, hòa thuận, khi ông bà, bố mẹ, con cái biết hạ mình xuống, nghe nhau, bảo nhau, nhịn nhau. Hàng xóm chỉ được yên ổn, vui vẻ, tay bắt mặt mừng, khi biết khiêm tốn, tử tế, giúp đỡ nhau.
Mỗi người chúng ta chỉ được thanh thản, an vui khi biết hạ mình xuống hết lòng mến Chúa và thương yêu phục vụ mọi người, như Đức Giêsu đã nói với chủ nhà rằng: “Khi ông đãi tiệc hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì trả ơn, như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được Thiên Chúa trả công trong ngày kẻ lành sống lại”.
5.Con là không, Chúa là tất cả – Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Một hôm Dương Chu sang nước Tống, vào ở trọ một nhà kia. Người chủ nhà có hai nàng hầu, một nàng đẹp, một nàng xấu. Để ý quan sát Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí trọng người thiếp xấu mà khinh rẻ người thiếp đẹp. Lấy làm lạ, ông mới dò hỏi cậu bé giúp việc.
Cậu bé tiết lộ:
– Người thiếp đẹp hay kênh kiệu, tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chúng tôi chẳng ai còn nhìn ra cái đẹp của nàng. Trái lại, người thiếp xấu, tự biết mình xấu, sống hồn nhiên vô tư với mọi người, nên không ai còn nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.
Dương Chu liền gọi học trò đến dặn:
– Các con hãy ghi nhớ lời này: Giỏi mà bỏ được cái thói tự cho mình giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người yêu quí tôn trọng.
***
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11). Chúa Giêsu rất ưa thích sự khiêm nhường mà còn làm gương trước cho mọi người. Là một vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng Người đã hạ mình làm kiếp phàm nhân. Là bậc thầy trong thiên hạ, lại quì xuống rửa chân cho các đệ tử. Chỗ của Người là “chỗ nhất” trên trời cao, nhưng lại chọn “chỗ cuối” dưới chân con người.
Chúa Giêsu tự hạ mình xuống như thế: không phải là để được tôn lên, vì dưới vòm trời này ngôi báu nào có thể chứa được Người. Người khiêm nhường đến tự huỷ như thế, cũng là để phục vụ con người đến hết mình, và để yêu thương họ cho đến cùng. Vì thế, khiêm nhường để gây chú ý, để được tiếng khen, để được tôn lên, mà không nhằm phục vụ, yêu thương thì chỉ là kiêu ngạo trá hình mà thôi.
Có thể nói, khiêm nhường như Chúa dạy, chính là “tự nhận mình là không và Chúa là tất cả”, nên chỉ cậy dựa vào Chúa mà hy sinh, mà phục vụ và yêu thương mọi người. Chỉ có những ai hạ mình xuống như thế mới đáng được Chúa tôn lên.
Thánh Giuse đã khiêm nhường phục vụ, yêu thương Đức Mẹ và Đức Giêsu tại quê nghèo Nadarét, nên đã được tôn làm cha nuôi Chúa Cứu Thế.
Đức Maria đã khiêm nhường nhận mình là nữ tì của Thiên Chúa, để suốt đời phục vụ chăm lo cho Con Chúa Trời, nên đã được tôn làm Mẹ Thiên Chúa.
Noi gương Chúa biết bao con người đang âm thầm xả thân cho đồng loại, họ khiêm nhường làm những công việc dơ dáy hôi tanh, để chăm sóc cho những người phong cùi lở loét, những bệnh nhân nan y bất trị, những người hấp hối nhặt được từ đường phố, những trẻ em nghèo đói, thương tật trong các nước chiến tranh, lạc hậu.
Chính khí yêu thương vô vị lợi, chính khi chúng ta “đãi tiệc những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, những kẻ không có khả năng mời lại”, thì chúng ta “mới thật có phúc”, vì chính Thiên Chúa sẽ trả công cho chúng ta. Người không có ý phân biệt giàu nghèo, thân sơ, vì trước mắt Thiên Chúa, chúng ta là anh em. Nhưng Người muốn lưu ý chúng ta rằng: dù người được mời giàu hay nghèo, thân hay không thân, chúng ta cũng đừng mong họ đáp trả lại theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Đó là lòng bác ái vô vị lợi mà Chúa muốn dạy chúng ta hôm nay.
Có thể chúng ta thực thi việc bác ái cho anh em chỉ vì vụ lợi, vì khoe khoang, vì muốn hơn người, vì trách nhiệm hay vì phần thưởng. Nhưng sự trao ban đích thực chính là trao ban vì yêu thương. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Người” (Ga 3, 16). Chỉ những ai trao ban vô vị lợi, trao ban vì yêu thương, trao ban chính bản thân mới trờ nên giống Thiên Chúa.
***
Lạy Chúa, Chúa thương những kẻ khiêm nhường, vì họ luôn nhận mình yếu hèn và chỉ cậy dựa vào Chúa mà thôi.
Xin Chúa dạy chúng con biết khiêm nhường mà phục vụ, dấn thân và trao ban mà không mảy may tính toán, vì Chúa sẽ yêu thương chúng con nhiều hơn. Amen.