Bài 21: Gia đình và xã hội

“Sự sáng của các con cũng phải chiếu giải ra trước mặt thiên hạ,
để họ xem thấy việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.”
(Mt 5,16)

Giữa gia đình và xã hội có một mối liên hệ mật thiết. “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình[1]“. Ngược lại, xã hội có trật tự yên ổn thì gia đình mới phát triển. Chính vì thế, gia đình và xã hội có bổn phận phải góp phần xây dựng, bảo vệ, củng cố và phát triển lẫn nhau.

Riêng đối với người Kitô hữu, mối quan hệ giữa gia đình và xã hội còn sâu sắc hơn, bởi vì tính cách trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của ơn gọi Kitô hữu giáo dân. “Người giáo dân sống giữa trần gian, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội. Đó là nơi Thiên Chúa mời gọi họ. Nhờ sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình[2]“.

  1. Gia đình là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội

Gia đình là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là xã hội tự nhiên, nơi đó người nam và người nữ được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc thông truyền sự sống. Quyền bính, sự ổn định và đời sống gắn bó trong gia đình là nền tảng cho tự do, an ninh và tình huynh đệ của xã hội.

“Gia đình là cộng đoàn, nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội[3]“.

  1. Xã hội phục vụ gia đình

Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Tuy nhiên, ngày nay đời sống gia đình đang gặp phải nhiều bóng tối. Nề nếp gia phong bị suy giảm. Khuynh hướng hưởng thụï ích kỷ phát triển dẫn đến lối sống buông thả, từ đó làm gia tăng những vụ ly dị, phá thai, không còn ý thức về phẩm giá sự sống. Con số thanh thiếu niên rơi vào xì ke, ma tuý, mại dâm, sống lang thang ngoài đường phố tăng thêm nhiều…

Chính vì thế, mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ, củng cố và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình. Đặc biệt, cần tôn trọng, trợ giúp và nhất là bảo đảm cho gia đình có được các quyền sau đây:

– “Quyền tự do lập gia đình, quyền sinh con cái và giáo dục chúng theo những xác tín luân lý và tôn giáo của mình”.

– “Quyền bảo toàn dây liên kết vững bền của hôn nhân và cơ chế gia đình”.

– “Quyền tự do tuyên xưng đức tin và thông truyền đức tin, quyền giáo dục đức tin cho con cái bằng những phương tiện và cơ chế cần thiết”.

– “Quyền tư hữu, tự do làm việc, có việc làm, có nhà ở, tự do di cư”.

– “Quyền được chăm sóc y tế trợ cấp tuổi già, phụ cấp gia đình, tùy theo cơ chế của các quốc gia”.

– “Quyền được bảo vệ an ninh và cuộc sống lành mạnh, tránh các nguy cơ như: xì ke ma túy, dâm ô đồi trụy, nghiện rượu…”

– “Quyền tự do liên kết với các gia đình khác để lập hội đoàn và như thế, được đại diện bên cạnh công quyền”[4].

Trên bình diện giáo xứ cũng như giáo phận, trong thư mục vụ năm 2002, Hội Đồng Giám mục VN đề nghị:

– Các Giáo phận nên có Văn phòng Mục vụ về Hôn nhân và Gia đình.

– Các Giáo xứ nên tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình. Để các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình có được kết quả tốt đẹp, cần soạn thảo một chương trình giáo lý hôn nhân, đào tạo một đội ngũ giáo lý viên vững vàng, kêu gọi sự cộng tác của giáo dân có khả năng chuyên môn và có kinh nghiệm trong các lãnh vực: tâm lý, xã hội, pháp luật, quản trị, y khoa.

– Ban Mục vụ giáo xứ có một bộ phận chuyên trách về gia đình với sự cộng tác của các Hội đoàn quan tâm đến tình trạng các gia đình trong khu xóm, đặc biệt các gia đình nghèo khổ, bất thuận và các gia đình di dân, để kịp thời giúp đỡ.

– Những ngày lễ gia đình, ngày kỷ niệm thành hôn, những buổi giao lưu giữa các gia đình sẽ rất ích lợi nếu được chuẩn bị chu đáo với tinh thần cầu nguyện và học hỏi.

  1. Gia đình góp phần xây dựng và phát triển xã hội

– Tham gia vào các việc chung, các công tác xã hội. “Đối với người tín hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe doạ[5]“.

– Giáo dục con cái nên người. Gia đình là chiếc nôi, là trường học đầu tiên, nơi con cái lớn lên cả về thể xác lẫn tinh thần, nơi con cái không chỉ được dạy dỗ bằng lời nói mà còn bằng gương sáng. Bởi vậy, gia đình còn được gọi là trường đào tạo nhân đức. Cần dạy con cái về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đặc biệt là các đức tính thành thật, công bằng, tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, yêu thương người nghèo, người già cả, neo đơn, ốm đau, tật nguyền…[6]

– Góp phần xây dựng một nền văn minh tình thương. Đó là một xã hội công bằng và yêu thương. “Hội Thánh mong muốn người Công giáo đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần tư tưởng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ đang sống…. qua đức tin và đức ái của mình, bằng đời sống lương thiện như ánh sáng trần gian, tìm cách cộng tác với mọi người, đối thoại với họ, để phổ biến những gì là chân thật, công bằng[7]“.

“Trong các việc tông đồ của gia đình, cần phải kể các việc như sau: nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, cho khách trọ nhờ, cộng tác với học đường, giúp thanh thiếu niên, đỡ đầu các đôi hôn nhân, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những gia đình gặp khó khăn về vật chất và tinh thần, lo cho người già những điều cần thiết và tiện nghi chính đáng[8]“.

4 GHI NHỚ :

  1. H. Gia đình nắm giữ vai trò nào đối với xã hội?
  2. Gia đình chính là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội.
  3. H. Xã hội có trách nhiệm thế nào đối với gia đình?
  4. Xã hội cần phải quan tâm đến việc bảo vệ, củng cố và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình.
  5. H. Gia đình góp phần xây dựng xã hội bằng cách nào?
  6. Gia đình góp phần xây dựng xã hội bằng cách tuân giữ luật pháp quốc gia, cộng tác trong những công việc chung để phát triển đất nước, giáo dục con cái trở nên người hữu ích và góp phần xây dựng nền văn minh tình thương.
  7. GỢI Ý SUY NGHĨ :
  8. Trong Tông huấn về Gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình”. Anh chị nghĩ sao về điều này? Gia đình của anh chị có trách nhiệm gì đối với tương lai của đất nước và của gia đình nhân loại?
  9. Thư mục vụ năm 2002 của HĐGM VN, trong phần kết luận đã viết như sau: “Một gia đình Kitô hữu thực sự tốt đẹp không thể chỉ đóng kín trong những sinh hoạt riêng tư, nhưng cần mở rộng mối quan hệ với những gia đình chung quanh, để kính trọng yêu thương, trao đổi học hỏi và quan tâm giúp đỡ, góp phần phát triển nền văn minh tình thương”. Gia đình của anh chị sẽ góp phần xây dựng nền văn minh tình thương như thế nào?
  10. CẦU NGUYỆN :

Lạy Thánh Gia Nadarét là gương mẫu của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương, xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức, trong hiền hoà, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con xây dựng gia đình thành niềm an ủi cho cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình đều được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội, và cộng tác trong việc xây dựng Hội Thánh. Amen

[1] GĐ 86
[2] GH 31
[3] GLHT 2207
[4] GLHT 2211; x. GĐ 46
[5] MV 43
[6] x. GHAC 34
[7] x. TĐ 14
[8] TĐ 11

Lời kết. Đón chờ Tiệc Cưới Chiên Con

Khoá học của chúng ta đến lúc kết thúc. Đang khi anh chị bận rộn chuẩn bị cho lễ cưới của mình, xin mời anh chị cũng hướng lòng tới một lễ cưới khác: Tiệc cưới đời đời trong Nước Thiên Chúa.

  1. Thuỷ và Chung

Anh chị cam kết yêu nhau chung thuỷ, nghĩa là yêu nhau từ phút đầu (thuỷ) đến phút cuối (chung), mãi đến lúc kết thúc (chung) vẫn còn yêu như lúc khởi đầu (thuỷ). Lễ cưới của anh chị là một khởi đầu, và kết thúc phải chăng là lúc anh chị nhắm mắt xuôi tay? Đã có một khởi thuỷ của mọi khởi thuỷ, đó là Thiên Chúa và Tình yêu của Ngài, và có một chung cuộc của mọi chung cuộc, đó cũng chính là Thiên Chúa và Tình yêu của Ngài. Vì thế, giữa những lời cầu chúc của mọi người, có một lời nguyện chúc của Hội Thánh, nguyện chúc anh chị được hạnh phúc cho đến cõi đời đời, khi anh chị được tham dự tiệc cưới của Chiên Con, mừng hôn lễ đời đời giữa Đức Kitô và Hội Thánh (Kh 19,8). Đó mới thực sự là chung cuộc, để anh chị được hạnh phúc bên nhau cùng với con cháu mình và với mọi người cho đến đời đời trong tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa.

Đó cũng là một ý nghĩa thâm thuý tuyệt vời khi tình yêu của anh chị được Đức Kitô nâng lên hàng bí tích: Tình yêu ấy là dấu chỉ giúp anh chị nhận ra và cũng là phương tiện giúp anh chị đạt đến tình yêu đời đời của Đức Kitô. Như thế hành trình hạnh phúc của anh chị là hành trình của một cuộc tình nhỏ trong một cuộc tình lớn.

  1. Cuộc tình nhỏ trong cuộc tình lớn

“Các con thân mến, chúng ta phải yêu thương nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thếâ gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,7-10).

“Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35)

Đó chính là hướng đi và chương trình Thiên Chúa dành cho anh chị. Khi thực hiện, anh chị sẽ nghiệm ra đâu là bến bờ cho sự thuỷ chung của mình. Bến bờ ấy là tình yêu của Đấng cùng một lúc vừa là Thuỷ vừa là Chung: “Ta là Alpha và là Ômêga, là Khởi nguyên và là Cùng tận!” (Kh 21,6).

  1. Sum họp trong đại gia đình Thiên Chúa

Đưa nhau đến trước bàn thờ gia tiên, anh chị nguyện sống thế nào để chết rồi khỏi thẹn với Ông Bà. Gặp lại Ông Bà nhưng không phải trong một âm phủ tối tăm mà trong ánh sáng hạnh phúc. Cũng không phải chỉ gặp lại năm thế hệ tổ tiên có bài vị trên bàn thờ mà là mọi thế hệ tổ tiên, lên đến con người đầu tiên của lịch sử. Chắc hẳn cũng không thiếu những vị đã khuất mà không cập được bến bờ ánh sáng nhưng bị chìm đắm trong khổ đau đời đời. Tuy nhiên, ta có thể vững tin rằng tất cả những ai đã theo lương tâm mà sống ngay lành và sau khi vấp ngã lại biết chỗi dậy sống theo lương tâm thì đều có một chỗ đứng trong Nhà của Thiên Chúa. Ở đó, chúng ta nghiệm ra không những bốn bể mà mọi thế hệ trong lịch sử đều là anh em, con một Cha chung trên trời.

“Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng và Con Chiên” (Kh 7,9-10)

Trong gia đình của Thiên Chúa, mọi thành viên đều có quan hệ thân thương với nhau, nhờ gắn bó với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Ngài là nguồn mạch và mẫu mực của mọi tình yêu. Hướng về Thiên Chúa và gắn bó với Ngài, ta được mời gọi yêu thương nhau và yêu thương mọi người như Ba Ngôi yêu thương nhau và yêu thương chúng ta.

  1. Vinh quang vẫy gọi

Một hình ảnh khác: Hội Thánh thời cuối cùng được trình bày như một phụ nữ đang quằn quại sắp sinh con “Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con”(Kh 12,1-2). Chính lúc khốn khổ như thế, bà lại bị kẻ thù lăm le tấn công, thế nhưng Thiên Chúa đã cứu thoát bà (x. Kh 12,3-6).

Cuộc thử thách ấy không những xảy ra cho Hội Thánh hoàn vũ mà còn xảy ra cho mọi gia đình và mỗi gia đình, là những Hội Thánh nhỏ của con cái Thiên Chúa, mỗi nhà một cảnh. Cả gia đình của anh chị rồi cũng thế, sẽ không tránh khỏi những khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, dù nặng nề và đen tối tới đâu, trong tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, những thử thách đều là những phương tiện Thiên Chúa dùng để đào luyện chúng ta trên con đường tình yêu. Biết như thế, ta sẽ luôn vững tin vào lời Chúa: “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,28); và “Người đàn bà khi sinh con thi lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời” (Ga 16,21)

Chung một hội, chung một thuyền, chúng ta sẽ cùng cập bến. Tuy nhiên, tình yêu tự hiến của mỗi người một khác, nên vinh quang mỗi người cũng một khác. Chị thánh Têrêxa nhắc ta sống yêu thương tràn đầy để đạt được vinh quang lớn nhất mà Thiên Chúa muốn dành cho ta.

  1. Vĩnh hằng và hôm nay

“Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, ngày mai bắt đầu từ hôm nay”. Không chỉ ngày mai mà cả cuộc sống đời đời cũng bắt nguồn từ hôm nay. Chìa khoá của vinh quang đời đời chính là giây phút hiện tại. “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10). Sự chung thuỷ một đời được hứa hẹn nơi sự chung thuỷ của chính ngày hôm nay. Một ngày yêu thương đến cùng báo hiệu một đời yêu thương đến cùng. Anh chị hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để mỗi sáng mai thức dậy, anh chị đều mở mắt ra với tâm nguyện sống một ngày đầy mến Chúa yêu người, tha thiết yêu thương chăm lo cho nhau và cho con cái. Và hãy cố gắng giữ tròn ước nguyện ấy cho đến phút chót trước khi ngủ. Nếu có lúc nào trong ngày, anh chị chợt nhận ra mình đã lỡ quên yêu thương, thì hãy bắt đầu lại một khởi đầu mới và cố gắng trung thành đến cuối ngày. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, chúng ta ra sức xây dựng một cuộc sống công bằng và yêu thương để dọn đường cho trời mới đất mới xuất hiện:

Xây công bằng, dựng yêu thương,
Gieo thiên thu giữa đời thường hôm nay.

Tác giả: UB Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN

Trả lời