Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm C

Tin Mừng: Lc 17, 11-19

Suy Niệm 1:

Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao?

Câu hỏi của Chúa Giê-su mang nhiều tâm trạng, tâm trạng của sự đau lòng, chua xót, tâm trạng của việc vô tình, vô tâm vì lòng người đã quên mất người đã làm ơn cho họ.

Và đối với Chúa Giê-su, chắc có lẽ phép lạ này là một sự thất bại, vì nó đã không mang lại kết quả mà Ngài có quyền chờ đợi. Chúa Giê-su rất buồn.

Trong đời sống hằng ngày, ai ai cũng biết lòng biết ơn là điều cần có trong cuộc sống, giữa con người với con người. Lòng biết ơn, vừa là nhân bản về nhân cách con người, vừa là nói lên tâm tình tương quan với nhau.

Có đôi lúc, tôi nhận được nhiều ơn do anh chị em chung quanh thi thố cho tôi bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tôi nghĩ rằng đó điều đương nhiên họ phải làm cho tôi, và tôi cho rằng điều đó là điều tôi đáng được hưởng.

Và với Chúa, tôi cũng vô tâm vô tình có não trạng như vậy, không khí tôi thở, nước tôi uống, thực phẩm tôi ăn, và mọi thứ…phải chăng những điều ấy cũng là đương nhiên?

Thưa không, tất cả những gì tôi có không phải từ trời rơi xuống, không phải tôi đáng có và tự mình có được, nhưng tôi nhận ra tất cả là do lòng nhân từ của Thiên Chúa trao tặng nhưng không cho tôi.

Thân xác, tinh thần, trí tuệ tôi đang có không phải là của tôi, mà là ân huệ lớn lao Chúa dành riêng cho tôi.

Anh chị em sống cạnh tôi, là do họ rộng lượng nhân ái cho tôi có cơ hội sống gần họ, làm việc với họ, yêu thương họ và nhất là họ đã đón nhận tôi từng ngày từng giờ trong cuộc sống. Vì tôi ý thức rằng, tôi có đáng gì đâu, tôi chẳng có gì nhưng họ dám sống với tôi, họ can đảm chấp nhận tha thứ cho tôi mỗi khi tôi làm phiền và xúc phạm đến họ.

Ngạn ngữ Pháp có nói: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Biết ơn giúp tôi sống khiêm cung hơn. Biết ơn giúp tôi dễ dàng tha thứ cho anh chị em làm tổn thương tôi. Và biết ơn làm cho đời tôi thêm sắc nét về nhân cách và làm sáng lên toàn diện con người tôi.

Xin Chúa Giê-su, tha thứ cho con mỗi khi con thờ ơ với ơn Chúa ban hằng ngày, thờ ơ với những gì anh chị em đã sống, đã làm cho con.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 2:

LÒNG BIẾT ƠN

Một hình ảnh chúng ta thường thấy trong cuộc sống đó là: Người mẹ hay bất cứ phụ huynh nào ẵm con trên tay, khi ai cho quà bánh hay một món đồ chơi nào đó thì em bé được dạy “ạ”, hay nói “cám ơn” và nhận bằng hai tay. Lời cám ơn là một cụm từ quen thuộc với mọi người chúng ta, là một nét văn hóa hết sức tốt đẹp. Lời cám ơn thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác. Lời cảm ơn là một trong những cách để thể hiện tấm lòng thành, tri ân của mình đến những người đã giúp đỡ mình. Điều này ai trong chúng ta cũng đều được giáo dục ngay từ nhỏ, vậy mà khi đến tuổi khôn đã không ít người quên đi bài học quý báu này.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã chữa cho mười người hết bệnh khi gặp họ dọc đường. Như chúng ta đã biết: Người Do Thái thời xưa rất sợ bệnh phong cùi, một chứng bệnh thường gặp vào thời Kinh Thánh. Căn bệnh đáng sợ này có thể tấn công các đầu dây thần kinh của người bệnh, làm cho cơ thể bị thương tổn và biến dạng vĩnh viễn. Vào thời đó, người ta không biết cách chữa căn bệnh này. “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế, nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” (Lv 13,45- 46). Như vậy, nếu như hết bệnh thì đương nhiên bệnh nhân sẽ biết, sẽ cảm nhận được điều đó rõ nhất. Mười người bệnh được chữa khỏi nhưng chỉ có một người ngoại quay lại tạ ơn Chúa. Tại sao? Còn chín người kia đâu? Họ là những người Do Thái, họ biết Chúa, tin Chúa … chẳng phải tất cả đều được sạch bệnh sao?…

Ngày nay, với các tiến bộ y khoa thì bệnh phong không còn là bệnh nan y nữa. Đó là trên bình diện thể lý. Nếu bước vào trong lãnh vực tâm linh, tinh thần, dường như xuất hiện bệnh phong mới, bệnh phong trong tâm hồn. Khi mà con người mất khả năng tri ân Chúa, tạ ơn đời, cám ơn nhau; khi con người không biết trân trọng với những gì là gần nhất với mình, khi con người quá bận tâm lo lắng cho những gì mình đã mất, mà quên quý trọng những gì đã và đang đến với mình, căn bệnh đó làm biến dạng tâm hồn, nó làm cho người ta chỉ biết đi tìm, đi tìm và tìm, tìm mãi…Một khi con người quên ơn là lúc trở nên xem thường nhau  rồi đến một lúc nào đó là sự lạm dụng, dối trá, tham lam, ác độc, hối lộ, bất công, chèn ép, khai thác bóc lột tha nhân, cướp của giết người…và đánh mất nhau. Tất cả đều là các loại ung thư hoại tử của tâm hồn. Tội lỗi là vi trùng  gặm nhấm và hủy hoại linh hồn con người, và gây ra các vết lở loét, hôi thối không kém ghê tởm.

Mỗi người trong chúng ta cũng là một trong số nhiều người đi tìm. Tìm cho bản thân sự đón nhận của ai đó. Có những lúc chúng ta tiếc nuối khi đứng trước một tiệm vải, một shop quần áo, giầy dép, nón,  một nhà hàng sang trọng và ước ao được những thứ mà giới trẻ ngày nay gọi là “xịn”, là “sang”, là “thời trang”, có lúc lại tiếc khi từ chối những lời mời gọi của bạn bè đi chơi…ước gì mình được tự do giống họ. Có lúc lại so bì sao không được như người này người kia, an phận thảnh thơi, …Thế đó, chúng ta cũng từng đứng núi này trông núi nọ, “được voi đòi tiên”, và vẫn thường quên tạ ơn Chúa, quên cám ơn những người đã yêu thương đã làm ơn cho mình. Chúng ta dễ dàng than thân trách phận, tiếc nuối những cơ hội mà mình không có. Và chúng ta quên rằng cho dù tội lỗi, cho dù thương tổn thì chúng ta vẫn được lành. Cho dù như thế nào đi nữa thì Chúa luôn bên cạnh, luôn yêu thương dang tay đón nhận chúng ta.

Vậy tại sao chúng ta mãi đi tìm mà không quay đầu lại, cúi mình tạ ơn? chắc chắn Chúa không đòi, không bắt chúng ta phải tạ ơn Ngài như trong Lời Tiền Tụng Chung IV chúng ta vẫn nghe đọc trong Thánh Lễ: “Lạy Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời…”.

Tạ ơn Thiên Chúa mỗi ngày,

Vì muôn ân huệ sớm chiều Ngài ban.

Cho dù kiếp sống gian nan,

Tạ ơn Thiên Chúa từng giây từng ngày.

(Đinh Công Huỳnh)

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (TV 117). Xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Amen.

Fiat

Suy niệm 3:

Nơi biên giới của Samari và Galilêa năm nào, có mười người phong hủi kêu xin lòng thương xót, và cả mười đều được xót thương. Niềm vui được thay da đổi thịt bên ngoài, hạnh phúc được hòa nhập cộng đồng, tất cả thật lớn lao, kỳ diệu! Thiết tưởng, ta cũng sẽ hạnh phúc như họ, sẽ la lên, hay hét lên thật to để thể hiện niềm vui, hạnh phúc ấy!

Mười người phong hủi thật có phúc và may mắn khi gặp được Chúa Giêsu, một lần gặp gỡ để muôn thuở được chữa lành. Thế nhưng xem ra chín người Israen kia, họ chẳng ấn tượng gì cuộc gặp gỡ ấy; cuộc gặp gỡ với một người mang tên Giêsu đã chữa lành cho họ. Và ngược lại, ấn tượng đó để dành cho một người Samari – không cùng dân tộc.

Tin Mừng cho thấy: chín người Israen, khi được lành họ tiếp tục hành trình đến gặp các tư tế để được nhìn nhận sự lành sạch; với họ gặp tư tế là điều quan trọng hơn. Còn người Samari kia, ông cũng tin, cũng vâng lời như bao người, phép lạ chữa lành đã thật sự xảy ra, và lập tức, ông quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Lòng ông mừng vui khôn tả. Ông nhận ra chính Chúa Giêsu là người đã thương xót và chữa lành cho kẻ ngoại bang như mình. Ông tin, ông mến Đức Giêsu và nhanh chóng trở lại để tìm gặp Người, sấp mặt trước Người để tạ ơn.

Đó là một thái độ, hành động, cử chỉ được nhắc đến trong Tin Mừng, qua lời của Chúa Giêsu: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18). Thái độ đó là một xúc cảm ngẫu nhiên, chẳng đáng gì nhưng đó là hành động xuất phát trái tim của một con người chẳng biết phải làm gì để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với vị Đại Ân Nhân, vị Lương Y tài giỏi và quyền năng đã thương xót mình. Thái độ đó gợi lên và lắng đọng trong ta những dòng suy nghĩ.

Suy nghĩ về thái độ của ta khi đón nhận những ơn lành của Cha trên trời. Thái độ của một người con mà có lúc đã hoài nghi ngờ vực: liệu mình có được Thiên Chúa yêu thương không? Lúc thì nghĩ rằng có, có lúc lại suy nghĩ, không! Chắc chắc lúc không cảm nhận được Chúa yêu thương thì không dễ dàng gì để tỏ lòng biết ơn. Đời ta nhiều lần vô ơn và thiếu xót. Rồi chưa kể đến những lần thất bại trong cuộc đời, hay mòn mỏi trong cầu nguyện, ta có ấn tượng gì với một Thiên Chúa yêu thương nữa không?

Càng tiến lại gần Chúa trong cầu nguyện và suy ngẫm về thái độ của mình, sẽ có lúc ta cảm nhận rõ nét đời ta giống như lời nhạc của linh mục Thái Nguyên: “Chúa chính là Cha rất ư nhân từ trong cuộc đời con. Ví dẫu cha mẹ cho con mọi điều thương con rất nhiều, thì đây lòng Chúa thương yêu còn cao trăm ngàn lần hơn, Chúa hứa ban cho đời con Thánh Thần suối nguồn hồng ân. Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho …”.Thử hỏi cha mẹ dưới đất còn yêu thương và lo cho mình rất nhiều còn Cha trên trời không yêu thương mình hơn thế sao?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Cha của chúng con, xin cho chúng con luôn cảm nhận được Chúa yêu thương chúng con, để chúng con không phải nhiều lần vong ơn, bội nghĩa với Chúa. Lạy Chúa, cách nuôi dưỡng lòng biết ơn duy nhất của chúng con đối với Chúa là chúng con ý thức mình không xứng đáng, để con khiêm tốn đón nhận tất cả những buồn vui, khó khăn trong cuộc sống mà không chút kiêu ca, hay phàn nàn. Và xin cho con biết sống thực tế hơn khi nhận biết rằng chúng con luôn cần người khác để chúng con sống biết ơn Chúa và biết ơn nhau. Amen.

Hoa Xuân

Để lại một bình luận