Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm C

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. (Lc 16,13)
Suy Niệm 1:
Quan niệm “mới” về tiền của  trong Cựu Ước: của cải vật chất phải tự bộc lộ tính cách phù vân của chúng so với nhiều giá trị khác vững bền hơn, và nhất là đối diện với hạnh phúc thật Thiên Chúa hứa ban.
Trong Tân Ước: Đức Giê-su khuyên nhủ các môn đệ và nhắc nhở các ông hãy cảnh giác đối với chính bản thân hơn là với tiền của. Vì tiền bạc là tên lừa đảo khi nó tiếp tay với sự dối trá luôn ở trong chúng ta. Và tiền bạc lẽ ra nó phải là một thứ công cụ, đã trở nên một ngẫu tượng khiến chúng ta làm nô lệ cho nó. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su yêu cầu chúng ta phải thức tỉnh chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền bạc. (Lc 16,13)

Khi đòi hỏi như vậy, Đức Giê-su không hề muốn đối lập giữa Thiên Chúa và tiền bạc. Vì tiền bạc là một trong các thụ tạo, nó có thể là một công cụ tốt lành, nhưng bởi lòng dạ con người yếu đuối, dễ dàng bị quyến rũ bởi sự chiếm hữu hoặc co cụm lại trên chính mình, nên Đức Giê-su đã dạy: chỉ có việc chọn lựa Thiên Chúa thì mới có thể sử dụng của cải vật chất cho tốt được. (Tân Phúc Âm Hóa Đam Mê Tiền Của, trang 58)

Đời sống con người ngày nay nói chung và với người Ki-tô hữu nói riêng, chắc hẳn ai cũng thích có tiền, thích có thật nhiều tiền… Bởi vì tiền cho ta cảm giác an toàn cho cuộc sống, tiền giúp ta mua được nhiều thứ trên đời, ngay cả tình cảm! Nhiều người nói rằng “có tiền là có tất cả”, “cái gì mua không được bằng tiền thì mua được bằng…rất nhiều tiền!”.
Với nhịp sống hiện đại, đòi hỏi nhiều tiện nghi để cung ứng nhu cầu hưởng thụ của con người. Tuy nhiên, nó cũng là thách đố và cạm bẫy lớn nhất mà người ta phải đối diện. Họ phải suy nghĩ làm bằng cách nào, như thế nào để kiếm tiền nhanh nhất, họ cho rằng: có tiền là có quyền, có địa vị, có sức khỏe, có hạnh phúc, có sắc đẹp, có người yêu..v.v. Nên cố công để làm ra tiền .
Xã hội là vậy, còn đời sống dâng hiến của người Tu sĩ đối với tiền bạc, vật chất như thế nào?
Là người sống đời thánh hiến, người Tu sĩ vẫn là những người yếu đuối, mỏng giòn. Sống trong một xã hội hưởng thụ, đôi lúc họ cũng phải chiến đấu, giằng co, chọn lựa giữa vật chất và lời khấn nghèo. Lề luật, Hiến chương, Nội quy, Lời khấn chính là kim chỉ nam để họ vượt qua những cạm bẫy về tiền của để sống trọn vẹn hơn cho lý tưởng dâng hiến.

Thực tế cho thấy: có tiền, tôi cảm thấy sung sướng, thảnh thơi, bình an không lo nghĩ nhiều. Khi tôi có nhu cầu, tôi không cần phải đắn đo, mình có tiền không? Mình có cần dè dặt trong việc tiêu xài tiền không?

Xem ra, tiền không là vấn đề để đáng lo nghĩ, thế nhưng điều đáng lo nghĩ ở đây là: cung cách của tôi đối với tiền bạc, tôi có xem tiền bạc là thứ an toàn nhất cho tôi không? Tiền bạc có làm cho tôi sai lỗi trong lời khấn khó nghèo không? Tôi có dùng tiền để làm vinh danh Chúa và đáp ứng nhu cầu của anh chị em không? Hay tôi chỉ lo cho chính mình?
Xin Chúa giúp con biết chọn lựa cho mình, biết phân định điều nào là chính, điều nào là phụ, điều nào là tạm bợ và điều nào là vĩnh cửu.
Xin cho con, biết dùng những điều Chúa ban để mỗi ngày nên thánh, để mưu cầu lợi ích cho anh chị em chung quanh con.
Xin cho con đừng bám víu những thứ chóng phai chóng tàn là tiền tài, danh vọng, mà đánh mất Chúa là gia nghiệp đời con. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

HÃY BIẾT LO CHO TƯƠNG LAI

Tin mừng hôm nay, có thể đánh động lòng ta ở nhiều điểm khác nhau và tùy theo cảm nhận riêng của mỗi người. Tuy nhiên có thể có ai đó trong chúng ta, cảm thấy ấn tượng với những suy tính “hay ho” của người quản lý: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (Lc 16, 3-4)

 “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” câu nói này có ý mỉa mai, song nói lại hay và nghĩa. Chính vì thế mà đôi khi trong cuộc sống, ông bà ta cũng hay dùng những lý lẽ thế này để nhắc nhở, khuyên răn, khuyến cáo con cái nên lấy đó làm bài học cho mình, để chăm chỉ học hành, để chuyên chú làm ăn… kẻo lỡ mai cuộc đời mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như thế.

Thật không may cho ông, khi ông bị chủ phát hiện và quyết định đuổi việc: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (Lc 16,2). Tưởng “mất hết” thế nhưng ông vẫn “còn”. Ông “còn” được ông chủ khen ngợi là khôn khéo; và những suy tính khôn khéo của ông cũng được chính Chúa Giêsu dùng làm bài học. Bài học quý giá về sự khôn khéo rất cần thiết cho chúng ta khi chúng ta là “con cái của sự sáng”.

“Trong cái khó ló cái khôn!”. Người quản lý “khôn” khi ông ta biết lấy lòng và tạo bạn hữu bằng việc giảm nợ cho những con nợ. Với cách làm này, ông vừa được tiếng là tốt bụng, lại còn thêm được rất nhiều bạn bè, để khi bị đuổi việc, ông được người ta đón rước mình như một vị đại ân nhân! Và đúng vậy, hành động đó của ông được ông chủ khen!

Phần ta, nếu ta biết mình là con cái sự sáng, với lòng tin tưởng tuyệt đối vào cuộc sống mai sau trên nước Trời, ta phải biết lo cho tương lai của chính mình như người quản lý trong Tin Mừng hôm nay: biết dùng tiền của mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, ta sẽ được đón rước vào nơi ở vĩnh cửu. (Lc 16,9)

Ta dư biết rằng: tiền tài, vật chất rồi sẽ qua đi, và đời ta mong manh hữu hạn. Thế nên, ta phải khôn ngoan khi sống ở đời, và luôn nhớ rằng, chỉ có “Chúa là tồn tại mãi” là người cho ta hạnh phúc đời đời, để ta tỉnh táo, khôn ngoan trong việc sử dụng của cải đời này, làm sao cho tiền trở thành nô lệ, là đầy tớ của ta, chứ không phải ông chủ của ta. (Lc 16,13)

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết ghi nhớ lời thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi Timôthê rằng: con đã không mang gì vào thế gian này, và chắc chắn con cũng sẽ không thể lấy ra được gì. Vì thế trong giây phút hiện tại, xin cho con biết tạ ơn Chúa khi con có cơm ăn, áo mặc, và luôn biết bằng lòng về điều đó.

Lạy Chúa Thánh Thần luôn ở bên con, xin nhắc nhở và thánh hóa con, cho con biết mình là con cái của sự sáng, biết tránh xa những chuyện xấu là lòng tham lam của cải bất chính; và biết theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Xin cho con đủ sức mạnh để chiến đấu trong cuộc chiến của đức tin và cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được Chúa kêu gọi và dành sẵn cho con. Amen.

Hoa Xuân

Để lại một bình luận