TGPSG / Aleteia — Trong một đất nước Indonesia mà phần lớn dân chúng theo Hồi giáo, đảo Florès lại tập trung đông đảo người dân theo Công giáo và nhiệt thành sống đạo. Đây là nơi có nhiều ơn gọi linh mục tu sĩ đến nỗi người ta gọi nó là một “tiểu Vatican”.
Đảo Florès có một đặc điểm hiếm có trên bản đồ tôn giáo của Indonesia. Trong lúc 85% dân số Indonesia theo Hồi giáo, thì người Công giáo lại chiếm đa số trên đảo Florès, với 70% dân số. Họ đã phát triển những cách hành đạo rất riêng như khi cử hành “Semana Santa (Tuần Thánh)”, có cuộc rước kiệu hoành tráng những pho tượng Tuan Ma (Đức Mẹ Maria) và Tuan Ana (Chúa Giêsu), mà đỉnh cao là vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Tập tục này đã có từ 500 năm nay. Theo truyền thuyết, một người nam đã gặp một người nữ đang nhặt ốc trên bãi biển. Người nam tên Resiona. Khi Resiona hỏi tên người nữ và nàng từ đâu tới, người này chỉ viết ba từ trên bãi biển như sau: Reinha Rosario Maria. Ngay tức thì, người nữ biến thành một bức tượng gỗ. Chính bức tượng này ngày nay vẫn còn được kiệu đi giữa đám đông ăn mặc toàn màu đen như để tang trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Đức cha Ewaldus Martinus Sedu – giám mục Maumere, một giáo phận nhỏ ở trung tâm đảo Florès, Indonesia – vui vẻ tiết lộ: “Giáo hội non trẻ của chúng tôi là một Giáo hội truyền giáo. Chúng tôi gởi 500 linh mục và tu sĩ đi khắp thế giới.” Đâu là bí quyết của sự thành công này? Chỉ đơn giản là nhờ vườn ươm trong gia đình, đó là theo lời của Đức Giám mục Sedu. Đức cha mô tả: Những gia đình Công giáo ở Florès, khi lãnh nhận các bí tích và làm việc bác ái, đã tạo ra một “môi trường nơi Thiên Chúa có thể gieo hạt”. Đáng chú ý là chủng viện Hội Truyền Giáo Verbites – nơi đang đào tạo 1200 chủng sinh – được xem là chủng viện lớn nhất thế giới, theo OPM (Công trình Giáo hoàng Truyền Giáo). Theo thống kê của gcatholic.org thì chỉ nguyên 5 giáo phận trên đảo thôi đã có tới 847 linh mục và 646 chủng sinh người địa phương.
Một chứng tá linh mục
Cha Patrick Suryadi – thụ phong linh mục ngày 10.10.2017 – đã được sinh ra trong bầu không khí nhiệt thành đó. Ngài vui mừng vì Hội Thánh nắm giữ vai trò nhà giáo dục và kiến tạo hòa bình trên hòn đảo nguyên quán của ngài. Nơi đây chung sống 6 sắc dân rất khác biệt, với những cách sống và ngôn ngữ khác nhau, thường sống biệt lập. Vị linh mục này rất vui khi thấy những nỗ lực được thực hiện trong chủng viện để những người thuộc các sắc dân đa dạng học cách hiểu biết nhau. Trong quá trình đào tạo, ngài đã học cách cảm nhận sự đa dạng đó, mà ngay cả người dân trên đảo Florès cũng thường không nắm bắt được, do lối sống biệt lập giữa các nhóm sắc tộc.
Thách thức lớn nhất mà ngài phải đối mặt, trong tư cách linh mục, là sự túng nghèo của giáo dân nơi đây, vì đảo Florès là một trong những đảo nghèo nhất Indonesia. Dân đảo chủ yếu làm nghề nông. Nhưng vị linh mục nhận thấy đã có sự thay đổi trong tâm thức của người dân đồng hương, họ ngày càng quan tâm đến việc giáo dục con cái: “Họ bắt đầu ý thức rằng câu khẩu hiệu ‘dempul wuku tela toni’ (làm nông là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ND) không còn đảm bảo đạt được cuộc sống sung túc, nhưng một công việc thông minh, hiệu quả và sinh lợi sẽ bảo đảm được sự sung túc này, và điều đó chỉ đạt được nhờ giáo dục.”
Làm linh mục là làm đầy tớ
Thế mà Giáo hội lại đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực giáo dục. Tất cả trẻ em Indonesia từ nay đều được đi học, nhưng trình độ của trường công lại không tốt. Tại đây đã có những trường công giáo và từ năm 2019, có một đại học công giáo cho phép tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng hơn. Giáo hội ý thức được vai trò xã hội của mình, nên không ngạc nhiên khi Giáo hội có được danh tiếng tốt đối với dân chúng, nhưng chiếc mề đay này lại có mặt trái của nó – cha Suryadi cảnh báo.
Cha mô tả: “Người dân Florès coi linh mục như đại diện của Chúa Kitô và là một người thánh thiện. Do đó, các linh mục tại Florès được coi như thuộc địa vị cao hơn”. Vị thế này có thể tạo ra những lệch lạc trong ơn gọi linh mục. Trái lại, “làm linh mục là làm đầy tớ”, cha Patrick Suryadi nhắc nhớ như thế và trông cậy vào công tác đào tạo tại chủng viện để, theo lời ngài, “xác định lại các ơn gọi linh mục”.