Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B – Kính Trọng Thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Suy Niệm 1:

 Ân Nghĩa Thiên Chúa

“Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa” (Lc 1, 30). Câu nói của sứ thần Gabriel vang lên như lời bảo đảm, vừa trấn an Đức Maria, vừa khẳng định ân nghĩa mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Ân nghĩa ấy không chỉ là niềm vui, mà còn là mệnh danh cao cả, gắn liền với sứ vụ quan trọng: cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ thế gian.

Trong khoảnh khắc ấy, Đức Maria hẳn đã cảm nhận được hạnh phúc sâu sắc. Mẹ biết rằng mình đang sống trong ân phúc vô biên của Thiên Chúa. Tuy nhiên, cùng với niềm vui ấy là một trọng trách lớn lao. Sứ thần đã trấn an Mẹ: “Đừng sợ,” vì ân nghĩa này không chỉ mang lại niềm vinh dự mà còn đồng nghĩa với những thử thách khôn lường mà Mẹ sẽ phải đối diện.

Nhìn lại cuộc đời của Đức Maria, từ khi thưa tiếng “Xin vâng” đến khi đứng dưới chân thập giá, ta thấy hành trình của Mẹ luôn tràn đầy ân nghĩa của Thiên Chúa, dù không thiếu những thách đố. Từ niềm vui khi nhìn thấy Hài Nhi Giê-su chào đời, đến những giây phút hạnh phúc khi Con Mẹ lớn lên và thành công trong sứ vụ của Người, đến đỉnh đểm là nỗi đau tột cùng khi chứng kiến Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, tất cả đều đan xen.

Trong những khoảnh khắc ấy, Đức Maria không hề phản kháng. Mẹ không tìm cách chống lại thánh ý Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn phó thác cho Người. Điều mà Mẹ luôn nhận ra là: “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1, 37). Với niềm tin ấy, Mẹ đã để cho uy quyền của Thiên Chúa làm chủ hoàn toàn cuộc đời mình. Đức Maria sống tự nguyện, phó thác trong tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ không chỉ nhận ra ân nghĩa của Thiên Chúa vượt quá mọi mong đợi của mình, mà còn hiểu rằng ngay từ khi còn trong lòng mẹ, mình đã được Thiên Chúa ân ban và chọn gọi.

Những gì Đức Maria đã sống là lời nhắc nhở cho chúng ta hôm nay, đặc biệt trong ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi. Ta được mời gọi chiêm ngắm và noi gương Mẹ bằng cách sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa qua đời sống hằng ngày. Điều này không có nghĩa là ta sẽ không gặp khó khăn. Đôi khi, trước những nghịch cảnh trong gia đình, công việc, hoặc các mối tương quan, chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi và bất lực. Nhưng như Đức Maria, chúng ta được mời gọi bình tâm và không để lòng mình xao động. Đừng cho rằng Thiên Chúa chẳng ban ơn gì khi ta đã cầu xin hết sức. Thay vào đó, hãy học từ Mẹ cách sống trong ân tình của Thiên Chúa, tin rằng ân sủng và tình yêu của Người sẽ giúp ta vượt qua mọi khó khăn.

Nhờ sống trong ân nghĩa Thiên Chúa, Đức Maria đã vượt qua mọi thách đố với lòng cảm tạ và tin tưởng sâu sắc. Chúng ta cũng hãy dâng lên Mẹ lời cầu nguyện, xin Mẹ đồng hành và hướng dẫn chúng ta biết sống trong ân nghĩa ấy, để đời ta luôn đầy ắp tình yêu và sự phó thác nơi Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con luôn hướng về Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xin cho chúng con biết sống trong ân nghĩa với Người, như Mẹ đã sống, để cuộc đời chúng con trở nên nguồn mạch tình yêu và phó thác. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đối diện với vô vàn tin tức, có tin mang lại niềm vui, có tin gieo rắc nỗi buồn, sự mong chờ hay hy vọng. Nhưng có lẽ ít ai có thể hình dung được sức nặng của một thông điệp thần linh, như lời truyền tin mà Đức Maria nhận từ sứ thần Gáp-ri-en trong Tin Mừng hôm nay (Lc 1,26-38). Biến cố ấy không chỉ mang theo sự hoang mang mà còn chất chứa nỗi sợ.

Đối với Đức Maria, một thiếu nữ đơn sơ, tin báo ấy thực sự là một sứ điệp khiến tâm hồn Mẹ run rẩy. Nỗi sợ không chỉ đơn thuần xuất phát từ việc đối diện với một sứ thần, mà còn vì sứ mạng trọng đại và không tưởng mà Mẹ được giao phó: làm Mẹ Thiên Chúa. Câu hỏi của Mẹ “Việc ấy xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” (Lc 1,34) phản ánh rõ nỗi băn khoăn trước giới hạn con người. Nỗi lo ngại này không chỉ về mặt sinh học, nhưng còn về tương lai đầy bất trắc khi trở thành người mẹ mà không có chồng, phải đối mặt với ánh mắt dèm pha và nguy cơ bị kết án tử hình theo luật thời đó.

Nhưng điều đặc biệt nơi Đức Maria chính là cách Mẹ đối diện với nỗi sợ ấy. Mẹ không dừng lại ở việc tự mình tìm cách tháo gỡ, không quy hướng về bản thân, không cho phép nỗi lo ngự trị trong lòng. Thay vào đó, Mẹ hướng lòng về Thiên Chúa, tin tưởng vào kế hoạch của Ngài. Mẹ đón nhận sứ điệp trong đức tin, bằng cả trái tim phó thác. Chính lời đáp “Xin vâng” đã trở thành biểu tượng của lòng can đảm, dám vượt qua mọi lo lắng cá nhân để bước theo ý định của Thiên Chúa.

Đặt mình vào hoàn cảnh của Đức Maria, liệu tôi có thể can đảm như Mẹ không? Thường khi đối diện với những thử thách, tôi dễ dàng đắm mình trong nỗi lo lắng về tương lai, về cái nhìn của người đời, về những hệ quả không lường trước. Con người yếu đuối thường có xu hướng quy mọi sự về bản thân, tìm cách bảo vệ mình khỏi những nguy cơ. Nhưng Đức Maria đã không làm thế. Thái độ yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa của Mẹ đã xóa tan mọi lo âu, để lòng Mẹ được bình an trong tay Chúa.

Ngày hôm nay, khi mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta hãy xin Mẹ hướng dẫn mỗi người chúng ta. Hãy học nơi Mẹ sự phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, để dù đối diện với những thử thách, ta vẫn có thể giữ lòng vững tin, nói lời “Xin vâng” với ý định của Ngài.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn biết quy hướng về Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Để dù đối diện với bao nhiêu sóng gió của cuộc đời, chúng con vẫn giữ được lòng tin vững vàng, phó thác đời mình vào tay Chúa, như Mẹ đã làm. Xin Mẹ hướng dẫn chúng con, giúp chúng con biết sống trọn từng giây phút với niềm tin yêu nơi Chúa, để sẵn sàng thưa lên lời “Xin vâng” mỗi ngày. Amen.

Ysave Đinh Thị Quế Phương

Suy Niệm 3:

Kinh Thánh cho biết, trong việc tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dựng nên Ađam từ bùn đất. Sau đó, Ngài phán: “Người nam ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Từ chiếc xương sườn của Ađam, Thiên Chúa đã tạo nên Eva, người nữ đầu tiên, để làm bạn đời với Ađam. Chính Thiên Chúa đã tác hợp họ, và cả hai trở thành một xương một thịt, tương trợ và bổ sung cho nhau.

Trong Tân Ước, khi các người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu về việc ly dị, Ngài trả lời: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly.” Điều này nhấn mạnh rằng hôn nhân không chỉ là sự kết hợp giữa hai cá nhân, mà là một giao ước thiêng liêng trước mặt Thiên Chúa, không thể bị phá vỡ.

Giáo lý Công Giáo dạy rằng hôn nhân là một bí tích do Chúa Giêsu thiết lập, kết hợp một người nam và một người nữ thành vợ chồng, sống chung thủy suốt đời. Hai đặc tính căn bản của hôn nhân Công giáo là: tính duy nhất (một vợ một chồng) và tính bất khả phân ly (không thể ly dị). Qua bí tích này, người chồng và người vợ kết hợp không chỉ để yêu thương nhau, mà còn để xây dựng một gia đình, sinh con đẻ cái, và giáo dục chúng theo đường lối Chúa.

Gia đình là nền tảng của xã hội, một xã hội thu nhỏ, nơi mỗi thành viên đóng vai trò riêng biệt: ông bà, cha mẹ, con cái. Tuy nhiên, đời sống gia đình không phải lúc nào cũng êm ấm. Những khác biệt về tính cách, giáo dục, tâm lý, hay kinh tế đôi khi làm nảy sinh mâu thuẫn. Khi mới yêu, người chồng coi vợ như “công chúa,” và người vợ nhìn chồng như “hoàng tử.” Nhưng thời gian qua đi, sự lãng mạn phai nhạt, và những tật xấu dần lộ ra. Mâu thuẫn xảy ra, cãi vã trở nên thường xuyên, và khi đó, cả hai dễ tìm kiếm sự an ủi từ người khác ngoài hôn nhân.

Khi tình yêu vợ chồng nhạt dần, nhiều người bắt đầu tìm kiếm những mối tình vụng trộm bên ngoài để tìm lại cảm giác mới lạ. Người chồng có thể tìm kiếm một cô gái trẻ, trong khi người vợ có thể cặp kè với trai trẻ hoặc những người đàn ông giàu có. Hiện tượng ngoại tình ngày càng phổ biến, và nếu tình trạng này tiếp diễn, nguy cơ gia đình tan vỡ không còn xa. Ly dị không chỉ phá vỡ mối dây liên kết giữa vợ chồng, mà còn làm tổn thương sâu sắc con cái. Những lời thề hứa trong lễ hôn phối trở nên vô nghĩa, và gia đình, nền tảng của xã hội, cũng sụp đổ.

Để gia đình được bền vững, vợ chồng cần ghi nhớ lời Chúa Giêsu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly.” Bên cạnh đó, cần phải thực hiện những lời thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Sự kiên nhẫn, lòng tha thứ, và tình yêu chân thành là chìa khóa giúp vợ chồng vượt qua mọi thử thách.

Hơn nữa, các gia đình Công giáo được mời gọi noi gương Thánh Gia, nơi mà mỗi thành viên đều cố gắng chu toàn trách nhiệm của mình. Người chồng phải làm tròn bổn phận làm cha, người vợ phải chu toàn trách nhiệm làm mẹ, và cả hai phải cùng nhau hướng dẫn con cái trong tình yêu thương và đức tin.

Lạy Chúa Giêsu, trong xã hội ngày nay, nhiều gia đình đang đối diện với những khủng hoảng nghiêm trọng. Ly thân, ly dị trở nên phổ biến, để lại những vết thương sâu sắc cho con cái và xã hội. Xin Chúa ban ơn cho những ai đang sống đời hôn nhân, để họ luôn trung thành yêu thương nhau, vượt qua mọi khó khăn trong đời sống gia đình. Xin Chúa cũng giúp các bạn trẻ chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào đời sống hôn nhân, để họ hiểu và trân trọng giá trị của sự chung thủy và tình yêu chân thành. Amen.

Anrê Nhật Trường

Để lại một bình luận