Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

Trong những ngày vừa qua, thiên tai mưa bão đã gây tổn hại nặng nề đến đời sống và tài sản của người dân, đặc biệt là ở miền Bắc. Lời kêu gọi trong tinh thần tương thân ái của người Việt Nam đã nhanh chóng được đáp lại. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân từ mọi nơi đã đồng lòng hướng về miền bão lụt, chung tay ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, song song với những nghĩa cử cao đẹp, vẫn tồn tại những hành vi đáng buồn như việc lợi dụng lòng hảo tâm để chiếm đoạt tài sản. Những vụ làm giả sao kê, không chuyển đầy đủ số tiền quyên góp đã làm tổn thương không ít đến niềm tin của mọi người vào công việc thiện nguyện.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ một cách thế để trở thành người phục vụ đích thực: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9 ,35). Lời dạy này có lẽ đã làm cho các môn đệ sượng sùng, bởi vì họ đang nuôi dưỡng trong lòng khát khao quyền lực, danh vọng. Thật khó để chấp nhận rằng người đứng đầu phải trở nên người cuối cùng, phải cúi mình xuống để phục vụ mọi người. Nhưng chính trong sự khiêm tốn ấy, Chúa Giêsu cho ta thấy được phẩm chất thực sự của một người lãnh đạo – người biết hạ mình và yêu thương vô điều kiện.

Trong bão lụt, chúng ta mới hiểu rõ tấm lòng của những người yêu nước, dấn thân phục vụ thực sự. Và đó cũng là lúc để lộ ra những tâm hồn hồn ích kỷ, lợi dụng khó khăn để trục lợi cá nhân. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải sống như những trẻ thơ, đơn sơ, trong sáng và khiêm tốn, hoàn toàn tín thác vào Chúa và luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân. Điều này không phải là sự “ấu trĩ” mà là tinh thần trẻ thơ, không mưu cầu quyền lợi cho mình mà luôn tìm kiếm điều tốt đẹp cho người khác.

Hình ảnh một em nhỏ mà Chúa Giêsu đưa ra để minh họa bài học là một thông điệp sâu sắc. “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9,37). Trẻ thơ không ganh tỵ, không tính toán thiệt hơn, mà sống trong sự đơn giản và chân thành. Đó là bài học lớn lao cho chúng ta. Dù là người lớn, nhưng đôi khi chúng ta lại có hành động “rất trẻ nhỏ” theo nghĩa tiêu cực, vẫn tranh giành, hận thù và ích kỷ. Thánh Giacôbê đã nhấn mạnh trong thư của Ngài rằng: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi việc xấu xa” (Gc 3,16).

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn và chân thành khi phục vụ người khác. Xin cho chúng con hiểu rằng việc phục vụ không phải vì danh lợi, mà chỉ vì tình yêu và mong muốn mọi người có một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Ở đâu có yêu thương, ở đó có Thiên Chúa.” Xin cho chúng con biết từ bỏ những tranh giành, ích kỷ để sống yêu thương và xây dựng một cộng đoàn chan hòa tình bác ái.

Nguyện xin Chúa là Đường dẫn chúng con, để mỗi ngày chúng con trở nên giống Chúa hơn, sống tinh thần phục vụ như Chúa đã dạy. Amen.

 Ephata

Suy Niệm 2:

 Không Sợ Hãi Lúc Gặp Gian Truân

 Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ cảm thấy hoang mang sau khi nghe Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc Thương Khó của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.” Dù các ông không hiểu rõ lời Ngài, nhưng họ lại không dám hỏi thêm. Thật vậy, sự im lặng này phản ánh nỗi sợ hãi của các môn đệ, các ông sợ phải đối diện với sự thật đau đớn mà Thầy của mình sẽ chịu đau khổ và chịu chết.

Thực tế, trong lòng các môn đệ luôn nuôi dưỡng những kỳ vọng rằng Chúa Giêsu sẽ là Đấng Cứu Thế đầy uy quyền, giải thoát dân tộc Israel khỏi ách nô lệ. Nhưng khi đối diện với sự thật ấy con đường của Chúa Cứu Thế không phải là vinh quang lập tức, mà là con đường thập giá, các ông không khỏi chùn bước. Lần này, các ông chọn im lặng, không dám phản ứng như lần đầu khi Phêrô từng kéo riêng Chúa ra và phản đối. Nhưng Phêrô đã bị Chúa Giê-su mắng: “Satan, lui lại đằng sau Thầy!” Vì Phêrô và các môn đệ lúc đó vẫn chưa chấp nhận được sự thật cay đắng: theo Chúa là phải đi qua con đường thập giá.

Cuộc sống của người Kitô hữu, hay đời sống của người tu sĩ cũng giống như các môn đệ ngày xưa. Đôi khi chúng ta phải đối diện với những thử thách, đau khổ mà bản thân không thể hiểu nổi. Chúng ta có thể hoang mang, nhục chí và tự hỏi: “Tôi đã chọn sai khi theo Chúa Giê-su sao? Tại sao theo Chúa mà cuộc sống lại đầy khổ đau và bất hạnh như vậy?” Những thắc mắc đó xuất hiện khi mọi thứ xung quanh chúng ta dường như sụp đổ, khi gia đình, công việc và sức khỏe gặp gian nan. Chúng ta tự chất vất: Chúa ở đâu? Tại sao Ngài lại để những điều này xảy ra với mình?

Tuy nhiên, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đón nhận sự thật với lòng can đảm. Chúa Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, Ngài cũng phải trải qua đau khổ, vì đó là con đường cứu độ mà Chúa Cha đã định sẵn. Chúa Giê-su không đến để tìm vinh quang cho riêng mình, mà là để chia sẻ thân phận con người, chịu mọi đau đớn và thử thách cùng nhân loại. Chính nhờ con đường Thương Khó, Ngài đã biến đổi thế gian và mở ra con đường dẫn đến sự sống đời đời cho tất cả chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng sợ hãi khi đối diện với những gian truân trong cuộc sống. Trong những lúc ấy, xin cho chúng con biết quy hướng về Chúa, tin tưởng rằng Ngài luôn ở bên và sẽ biến mọi khổ đau thành nguồn ơn cứu độ. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

Cám dỗ về quyền lực và chức vị không phải là vấn đề mới mẻ trong đời sống con người, mà luôn là một thách thức xuyên suốt mọi thời đại. Ai trong chúng ta cũng từng đối diện với mong muốn được ngồi ở vị trí cao nhất, được người khác kính trọng, tung hô. Điều này dễ dẫn đến những hành động không xứng đáng, thậm chí là thấp hèn, để đạt được địa vị và quyền lực.

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ngay cả Nhóm Mười Hai Tông đồ của Chúa Giêsu cũng từng bị cám dỗ về quyền lực. Khi Chúa loan báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, các ông lại tưởng rằng ngày Thầy Giêsu lên làm vua Israel đã gần kề. Chính vì thế, họ tranh giành với nhau về địa vị, xem ai sẽ được làm lớn trong vương quốc sắp tới.

Trước tình huống này, Chúa Giêsu đã gọi các ông lại và dạy họ bài học sâu sắc: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy trở nên người rốt hết và làm người phục vụ mọi người.” Với Ngài, quyền lực không phải là phương tiện để thống trị, mà là để phục vụ. Người đứng đầu không phải là người chỉ huy từ trên cao, mà là người sẵn sàng hạ mình để phục vụ với trái tim yêu thương. Chức quyền, đối với Chúa Giêsu, chỉ là một phương tiện để xây dựng và nâng đỡ người khác, chứ không phải để tự nâng cao bản thân.

Lời dạy của Chúa Giê-su hoàn toàn đi ngược lại suy nghĩ tự nhiên của con người. Chúng ta thường khao khát quyền lực, muốn vượt trội hơn người khác về mọi phương diện, nhưng lại không thích phải phục vụ người khác. Thực tế cho thấy, nhiều người đã trở thành nô lệ cho cơn say quyền lực, sẵn sàng sử dụng thủ đoạn để đạt được và duy trì địa vị. Nhiều người còn quên đi phẩm giá Kitô hữu của mình chỉ vì chút lợi ích vật chất hoặc danh vọng.

Trong đời sống gia đình, chúng ta cũng không ít lần chứng kiến cảnh người làm cha mẹ, thay vì yêu thương và phục vụ con cái, lại biến gia đình thành nơi để khẳng định quyền lực. Trong Giáo Hội, đôi khi chúng ta thấy một số linh mục, tu sĩ không muốn từ bỏ nhiệm vụ khi được thuyên chuyển, tìm mọi cách giữ lại địa vị của mình. Đó chính là những biểu hiện của sự ham muốn quyền lực, xa rời tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời về tinh thần khiêm nhường và phục vụ. Ngài là Thiên Chúa nhưng đã tự hạ mình để sống như một con người, đồng hành với những người yếu đuối, tội lỗi. Ngài là Thầy của các môn đệ, nhưng đã cúi xuống rửa chân cho họ. Ngài là Đấng quyền năng, nhưng đã chọn con đường thập giá, hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Tất cả những điều Ngài làm đều khẳng định một chân lý: “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ và hiến mạng sống mình cho nhiều người” (Mt 20,28).

Lời mời gọi của Chúa Giêsu rất rõ ràng: nếu muốn trở nên môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta phải chấp nhận con đường khiêm nhường và phục vụ. Điều này không chỉ giới hạn trong các linh mục hay tu sĩ, mà là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người, trong mọi vai trò, từ gia đình đến xã hội.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ những yếu đuối trong lòng chúng con, đặc biệt là sự ham muốn quyền lực và địa vị. Chúng con thường không muốn hạ mình, nhưng lại muốn được người khác phục vụ. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con, giúp chúng con biết từ bỏ những tham vọng cá nhân để sống khiêm nhường, yêu thương và phục vụ tha nhân theo gương Chúa. Amen.

Anrê Nhật Trường

Để lại một bình luận