WHĐ (18.07.2024) – Những quyết định và phân định luân lý dựa trên lương tâm cần phải được đặt trong bối cảnh của những kinh nghiệm hiện sinh cụ thể mà các cặp vợ chồng thường gặp khi họ không ngừng nỗ lực để đáp lại một cách quảng đại lời mời gọi của Thiên Chúa về tình yêu thương và phục vụ người khác.
Dẫn nhập
Đào tạo lương tâm và sự phân định trong đời sống luân lý Kitô giáo là chủ đề trọng tâm trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia (AL) [“Niềm vui của Tình Yêu”] của Đức thánh cha Phanxicô. Trong bài này, tôi sẽ đi theo dòng suy nghĩ làm nền tảng cho cách tiếp cận mục vụ toàn diện mà Đức thánh cha Phanxicô đã trình bày trong phần tham chiếu đầu tiên của ngài về lương tâm và sự phân định ở chương hai của AL. Ngỏ lời với những người đang tham gia vào sứ vụ chăm sóc mục vụ cho các cặp vợ chồng và các gia đình, Đức thánh cha Phanxicô nhấn mạnh rằng:
“Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng chỉ cần nhấn mạnh các vấn đề giáo thuyết, đạo đức sinh học và luân lý, – không cần khuyến khích sự mở lòng cho ân sủng – cũng đủ cung cấp sự trợ giúp cho các gia đình, củng cố sợi dây hôn nhân và đem lại ý nghĩa cho đời sống hôn nhân. Chúng ta thấy khó trình bày hôn nhân như là một con đường năng động cho sự phát triển và hoàn thiện bản thân, hơn là trình bày nó như một gánh nặng suốt đời. Chúng ta cũng thấy khó tạo không gian cho lương tâm của các tín hữu, họ thường đáp ứng Tin Mừng một cách tốt nhất giữa các giới hạn của họ, và có khả năng tự mình phân định trong những hoàn cảnh phức tạp. Chúng ta được kêu gọi để đào tạo, không phải để thay thế các lương tâm.” (AL 37)
Với lời nhắn nhủ này và dồi dào những tham chiếu khác về khái niệm lương tâm và phân định trong AL, Đức Phanxicô đưa ra một sự nhìn nhận mạnh mẽ hơn về lương tâm của người giáo dân. Đồng thời, ngài nhấn mạnh rằng sự trưởng thành lương tâm của các mục tử là điều kiện cần để đương đầu với tình trạng khó xử hiện sinh của các cặp vợ chồng và để đồng hành với họ trong đời sống luân lý của họ.[1] Lời kêu gọi của Đức thánh cha Phanxicô về việc phục hồi khái niệm lương tâm truyền tải một thông điệp kép. Thứ nhất, ngài chỉ ra một cách dứt khoát rằng những người tham gia mục vụ có vai trò đào tạo chứ không phải thay thế lương tâm của các tín hữu. Vai trò của người mục tử không phải là tước bỏ mà là trao quyền lực cho lương tâm của các tín hữu và thúc đẩy sự phân định của các cá nhân để chính họ có khả năng nhận ra cái gì có thể là sự đáp trả quảng đại nhất đối với tiếng gọi của Thiên Chúa “cho lúc này” (AL 303). Thứ hai, ngài tái khẳng định truyền thống lâu đời về tính ưu việt của lương tâm, vốn có một chỗ đứng trung tâm trong đời sống luân lý của một người.
Lương tâm của một người không thể được hình thành đầy đủ trừ khi người ấy biết coi trọng một cách thoả đáng cả hai mặt của cùng một đồng xu. Các thừa tác viên mục vụ không thể đào tạo lương tâm của các tín hữu bằng cách chỉ đơn thuần tham khảo học thuyết của Hội Thánh trong từng chi tiết. Đức thánh cha Phanxicô nêu lên một số cảnh báo quan trọng về kiểu tiếp cận mục vụ này. Những quyết định và phân định luân lý dựa trên lương tâm cần phải được đặt trong bối cảnh của những kinh nghiệm hiện sinh cụ thể mà các cặp vợ chồng thường gặp khi họ không ngừng nỗ lực để đáp lại một cách quảng đại lời mời gọi của Thiên Chúa về tình yêu thương và phục vụ người khác. Câu trả lời của người tín hữu cho Thiên Chúa bắt đầu tự nơi sâu thẳm của lương tâm họ, lương tâm ấy chính là khả năng cơ bản để nhận định và đưa ra những phán đoán trong ánh sáng của sự thật luân lý, giữa những giới hạn hiện có của họ.
I. Phục hồi Thần học về Ân sủng trong Mục vụ gia đình
Amoris Laetitia đưa ra nhận xét đầu tiên về lương tâm trong chương thứ hai, là chương nói về những kinh nghiệm và thách thức hiện nay của gia đình. Đức thánh cha Phanxicô không kêu gọi một sự thay đổi hệ hình trong mục vụ gia đình một cách vu vơ. Các cặp vợ chồng và gia đình ngày nay phải đối mặt với những tình huống phức tạp và hỗn độn, khác hẳn với những tình huống thường gặp trong quá khứ. Bối cảnh đang thay đổi này của gia đình đòi hỏi một cách tiếp cận mới trong sứ mạng mục vụ, có cơ sở chặt chẽ từ Kinh Thánh, truyền thống và kinh nghiệm con người. Đức Phanxicô kêu gọi một sự thay đổi hay hoán cải triệt để (metanoia) về quan điểm và thái độ mục vụ. Khái niệm trong Kinh thánh về metanoia bao gồm một sự thay đổi trong tâm trí và trái tim, cảm giác hối tiếc về những thất bại trong quá khứ và lòng ăn năn.
Quan niệm mới của AL về việc đào tạo lương tâm và sự phân định cần phải được đặt trong bối cảnh lời kêu gọi của Đức Phanxicô về việc cởi mở đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Mô hình mục vụ gia đình được vạch ra trong AL kêu gọi một sự thay đổi hay hoán cải triệt để (metanoia) trong ba lĩnh vực học thuyết liên quan đến thần học ân sủng.
1. Khoa sư phạm của Thiên Chúa về Ân sủng của Người giữa những điều bất toàn của con người
Đức thánh cha Phanxicô nhận xét rằng thần học về ân sủng cho tới nay chỉ chiếm tầm quan trọng thứ yếu trong sứ vụ mục vụ của Giáo hội đối với các cặp vợ chồng và gia đình. Trong quá khứ, người ta nhấn mạnh quá nhiều đến các vấn đề học thuyết, đạo đức sinh học và luân lý (AL 37) hơn là đề cao ân sủng của Thiên Chúa, vì thế AL kêu gọi các thừa tác viên mục vụ mở to mắt ra trước khoa sư phạm của Thiên Chúa về ân sủng và đào sâu cam kết của mình trong việc tôn trọng ân sủng của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân, đặc biệt trong tiến trình phân định dựa trên lương tâm. Đức thánh cha Phanxicô tin tưởng mạnh mẽ rằng gia đình là nơi ưu việt cho sự tự mặc khải của Thiên Chúa đến nỗi không gì có thể cản trở ân sủng của Thiên Chúa. Phải luôn luôn tin rằng bất cứ khi nào có một gia đình cố gắng sống chung với nhau và yêu thương nhau, thì Thần Khí của Thiên Chúa đã hiện diện ở đó rồi: “Ân sủng của bí tích có mục đích trước hết là ‘hoàn thiện tình yêu vợ chồng’” (AL 89). Công việc của tình yêu bao gồm “một trực giác có thể giúp chúng ta nghe mà không cần âm thanh và thấy được những cái vô hình” (AL 255). Vì vậy, nhiệm vụ của những người chăm sóc mục vụ các gia đình là mở mắt cho họ nhìn thấy ân sủng của Thiên Chúa và giúp họ nhận ra Thiên Chúa đang kêu gọi họ đi đâu. Lương tâm của cả người mục tử lẫn người tín hữu phải luôn tỉnh thức và cởi mở trước sự chuyển động của Chúa Thánh Thần.
Như AL nhấn mạnh, sự hiện diện và hành động của ân sủng Thiên Chúa được bộc lộ không phải chỉ bởi những gia đình “hoàn hảo”, đáp ứng các lý tưởng hôn nhân của Hội Thánh. Trái ngược với những người thích cách tiếp cận mục vụ nghiêm khắc, Đức Phanxicô, trích dẫn EG 4, chân thành tin tưởng “rằng Chúa Giêsu muốn một Hội Thánh chú ý đến sự tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo vào giữa những yếu đuối của con người” (AL 308), và rằng “mỗi tình huống của một cá nhân trước mặt Chúa cũng như đời sống trong ân sủng của họ đều là những mầu nhiệm mà không ai có thể hiểu đầy đủ từ bên ngoài.” (EG 172) Những nỗ lực không hoàn hảo của các cặp vợ chồng để yêu thương và cảm thông, thấm nhuần trong cuộc sống thường ngày của họ (AL 57, 113), cũng có thể mặc khải hành động của Chúa Kitô bởi vì “Sự hiện diện của Chúa trong các gia đình là sự hiện diện thực sự và cụ thể, giữa tất cả những khó khăn và phấn đấu, những niềm vui và hy vọng hằng ngày của họ” (AL 315). Khi các thừa tác viên mục vụ vì thành kiến mà nghĩ rằng cái gì cũng là đen hay là trắng, họ “đóng sập cửa trước con đường ân sủng và tăng trưởng, đồng thời ngăn cản những con đường nên thánh để tôn vinh Thiên Chúa. Đức Phanxicô tin rằng “giữa vô vàn những giới hạn của con người, một bước đi nhỏ có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài có vẻ đúng đắn và cứ trôi qua mỗi ngày mà không phải gặp khó khăn lớn lao nào”. (AL 305)
Tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong một “hôn nhân tự nhiên đích thực” và trong “các hình thức hôn nhân có trong các truyền thống tôn giáo khác, dù đôi khi chỉ lờ mờ thôi” (AL 77). Hơn nữa, ân sủng của Thiên Chúa cũng có thể hiện diện nơi những cặp vợ chồng kết hôn lần thứ hai: “… không thể nói một cách đơn giản rằng tất cả những ai sống trong bất kỳ hoàn cảnh ‘bất thường’ nào đều đang sống trong tình trạng tội trọng và bị mất ơn thánh hóa” (AL 301). Với sự phân định và ân sủng của Thiên Chúa, những điều bất toàn có thể trở thành những cơ hội (AL 294).
Tuyên bố của Đức Phanxicô về việc nhận ra ân sủng của Thiên Chúa giữa những khiếm khuyết của con người phản ánh thần học về ân sủng của Thánh Tôma dựa trên khái niệm “virtus quod est gratia” của Phêrô thành Poitiers.[2] Trong triết học đạo đức của Aristốt, các sinh vật hành động theo mô thể của chúng để đạt mục đích của chúng, và do đó, bản tính mỗi loài được tỏ lộ trong các hành động của nó. Khi Thánh Tôma dùng triết học Aristốt cắt nghĩa thần học về sự thông ban sự sống thần linh, ân sủng trở thành nguyên tắc của nhiều hoạt động và tiềm năng hành động khác nhau. Do đó, ân sủng là một nguồn cơ bản và nội tại của hành động, chứ không chỉ là một lực ngoại tại.[3]
Đi theo triền thần học ân sủng của Thánh Tôma, Đức Phanxicô khuyến khích các thừa tác viên mục vụ hãy nhận ra những “hạt giống Lời Chúa” ngay cả trong những tình huống bất toàn vì ân sủng của Thiên Chúa không hề vắng mặt. “Không thể nói một cách đơn giản rằng tất cả những người ở trong bất kỳ hoàn cảnh ‘bất thường’ nào đều đang sống trong tình trạng tội trọng và bị mất ơn thánh hóa” (AL 301). Vì những người đang sống trong các mối quan hệ hôn nhân bất thường ấy “đã được rửa tội; họ là những người anh em, chị em; Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào lòng họ những hồng ân và đặc sủng vì lợi ích của mọi người” (AL 299). Tất cả những ai thành tâm cầu xin ân sủng của Thiên Chúa đều có thể “cảm nghiệm được… một lòng thương xót ‘được cho không, vô điều kiện’. Không ai có thể bị kết án mãi mãi, bởi vì đây không phải là lôgích của Tin Mừng” (AL 297). Cái nhìn thần học sâu sắc này rất quan trọng trong đời sống luân lý Kitô giáo vì ân sủng Chúa ban thì quan trọng hơn các nghĩa vụ đạo đức.
AL không hề hạ thấp tầm quan trọng của các vấn đề học thuyết, đạo đức sinh học và luân lý. Tuy nhiên, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng nhắc nhở chúng ta rằng đằng sau những vấn đề này có những con người nhiều lần đấu tranh để giải quyết những vấn đề phức tạp của họ và thành thật mong muốn tiếp tục đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa một cách quảng đại nhất có thể. AL vọng lại những gì các nghị phụ Thượng Hội đồng đã tuyên bố, đó là “cần phải tránh những phán đoán mà không lưu tâm đến sự phức tạp của các tình huống khác nhau” và “cần phải quan tâm tới cảnh người ta phải trải qua đau khổ như thế nào vì tình trạng của họ” (AL 296).[4] Chăm sóc mục vụ không chỉ đơn thuần là hỗ trợ các cặp vợ chồng giải quyết các vấn đề đạo đức của họ. Đúng hơn, đó là một sự đồng hành “với lòng trắc ẩn và gần gũi với sự yếu đuối của những cá nhân như người phụ nữ Samari hay người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” (AL 38) để tiếp tục hành trình luân lý của họ một cách tốt nhất có thể trong những hoàn cảnh phức tạp của họ với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa.
Trong Familiaris Consortio (FC) [Tông huấn về Gia Đình], hôn nhân được định nghĩa như một dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh và là “một tiến trình năng động…, tiến triển dần dần cùng với việc đem các ơn của Thiên Chúa … hội nhập vào trong đời sống cá nhân và xã hội của con người” (FC 9). AL làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của “tiến trình năng động” này của hôn nhân và “sự hội nhập dần dần các ân huệ của Thiên Chúa” của cặp vợ chồng qua việc trình bày về hôn nhân không chỉ như một dấu chỉ quý giá về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta (AL 121) mà còn như một sự so sánh không hoàn hảo (AL 122) về sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Tông huấn hậu Thượng Hội đồng phân biệt các tình huống phức tạp khác nhau để không nhầm lẫn các cấp độ khác nhau của dấu chỉ quý giá này: “Một số hình thức kết hợp hoàn toàn trái ngược với lý tưởng này, trong khi những hình thức khác thể hiện nó ít là một phần và theo cách tương tự” (AL 293). Tông huấn kêu gọi các thừa tác viên mục vụ đừng nhắm mắt làm ngơ trước thực tế của những tình huống trong đó bí tích hôn nhân chưa được thể hiện trọn vẹn. Tuy nhiên, trong những tình huống này, “có thể chứng tỏ sự tôn trọng đối với những dấu hiệu yêu thương phản ánh một cách nào đó tình yêu của chính Thiên Chúa” (AL 294). Do đó, “không cần đặt lên vai của hai con người hữu hạn cái gánh nặng to lớn là phải hoạ lại một cách hoàn hảo sự kết hợp hiện có giữa Chúa Kitô và Hội Thánh của Người, vì hôn nhân như một dấu chỉ bao gồm ‘một tiến trình năng động…, tiến triển dần dần cùng với việc đem các ơn của Thiên Chúa … hội nhập vào trong đời sống cá nhân và xã hội của con người” (AL 122). Chủ nghĩa duy tâm cực đoan, nhất là khi Hội Thánh không khơi dậy được niềm tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa, đã không giúp làm cho hôn nhân trở nên đáng ước ao và hấp dẫn hơn, mà hoàn toàn ngược lại.
Tông huấn FC 84 tự giới hạn vào vấn đề làm thế nào để những người sống trong những hoàn cảnh trái luật được hội nhập vào đời sống của Hội Thánh: trong hành động của mình, họ được mời gọi cầu xin Chúa ban ơn cho họ. Ngược lại, tông huấn AL lấy điểm xuất phát là ân sủng đang hoạt động trong cuộc đời họ. Chúa Thánh Thần ban các ân huệ và đặc sủng cho mọi người. Lời khẳng định này cũng liên quan đến những người sống trong những hoàn cảnh bất thường hoặc ‘hoàn cảnh khó khăn’ (AL 291) và những người đã ly dị và tái hôn (AL 299):
“Được soi sáng bởi ánh mắt của Chúa Giêsu Kitô, “Hội Thánh hướng cái nhìn yêu thương đến những anh chị em đang tham dự vào đời sống của Hội Thánh một cách không hoàn hảo, đồng thời nhìn nhận rằng ân sủng của Chúa cũng hoạt động trong cuộc đời của họ bằng cách ban cho họ lòng can đảm để làm điều thiện, chăm sóc cho nhau trong tình yêu thương và phục vụ cộng đoàn nơi họ sinh sống và làm việc” (AL 291).[5]
Như thế, các cặp vợ chồng đang sống trong mối quan hệ bất thường không tự động bị loại trừ khỏi ân sủng của Thiên Chúa. “Do các hình thức bị chi phối và các yếu tố giảm nhẹ, có thể là trong một hoàn cảnh khách quan của tội lỗi – nhưng chủ quan có thể không phạm tội – một người có thể vẫn đang sống trong ân sủng của Thiên Chúa, có thể yêu thương và cũng có thể lớn lên trong đời sống ân sủng và bác ái, đồng thời nhận được sự giúp đỡ của Hội Thánh cho mục đích này” (AL 305). Tất cả những yếu tố này truyền cảm hứng cho một cách tiếp cận mục vụ tích cực và thân thiện, có khả năng giúp các cặp vợ chồng lớn lên trong việc quý trọng những đòi hỏi của Tin Mừng (AL 38). Ngay cả trong những trường hợp phức tạp và khó khăn này, mà về mặt khách quan không thể hiện sự hiểu biết của Hội Thánh về hôn nhân, thì lương tâm và sự phân định vẫn có một vai trò quan trọng (AL 303). Đức thánh cha Phanxicô khuyến khích các thừa tác viên mục vụ thực hiện mọi nỗ lực “để khuyến khích sự phát triển của một lương tâm được soi sáng, được đào luyện và hướng dẫn bởi sự phân định nghiêm túc và có trách nhiệm…, và khích lệ một niềm tin tưởng ngày càng sâu xa hơn vào ân sủng của Thiên Chúa” (AL 303).
2. Mối liên hệ giữa Ân sủng và Luật pháp
Vấn đề thần học thứ hai mà Đức thánh cha Phanxicô đề xuất một sự thay đổi quan điểm là mối liên hệ giữa ân sủng và luật pháp. Rất dễ thấy rõ ở AL những chỉ trích của các luật gia giáo luật và các nhà thần học luân lý, những người thích đưa các luật lệ lên trước con người và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa. Nếu mối liên hệ giữa luật pháp và ân sủng là một thực tại được biểu lộ trong những kinh nghiệm sống cụ thể của các cá nhân, thì thật là sai lầm lớn khi coi hôn nhân như một gánh nặng hay đơn giản như một thể chế áp đặt một loạt nghĩa vụ lên đôi vợ chồng. AL trình bày mối liên hệ giữa luật hôn nhân và ân sủng của Thiên Chúa như sau: “… luật pháp tự nó là một món quà của Thiên Chúa để soi đường chỉ lối, một món quà dành cho tất cả mọi người không trừ một ai; nó có thể được tuân theo với sự trợ giúp của ân sủng, mặc dù mỗi con người “tiến triển dần dần cùng với việc đưa các ơn của Thiên Chúa và những đòi hỏi của tình yêu dứt khoát và tuyệt đối của Người dần dần hội nhập vào trong toàn bộ đời sống cá nhân và xã hội của họ”. (AL 295)
Câu trích dẫn này biểu thị khía cạnh sư phạm của luật luân lý và trình bày hôn nhân chủ yếu như một cuộc hành trình qua đó đôi vợ chồng bộc lộ những tiềm năng của mình và phát triển mối quan hệ hôn nhân của mình. Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta qua luật luân lý. Luật không chỉ là thước đo hành động của con người mà còn là phương hướng, nghĩa là lý tưởng mà con người phải tìm kiếm để trưởng thành về luân lý và thiêng liêng. Ý thức về bổn phận gắn liền với ý muốn và luật pháp của Thiên Chúa tìm thấy ý nghĩa đạo đức thực sự của nó khi được coi như một lời mời gọi phải được lắng nghe khi tìm kiếm lợi ích cho chính mình và cho người khác. Thiên Chúa giống như một giáo viên hơn là một nhà làm luật, cảnh sát hay thẩm phán. Thiên Chúa giống như một người thầy nhân từ, hiểu rõ học trò và mong muốn điều tốt cho họ. Tôn trọng lương tâm của mình không chỉ dựa trên phẩm giá con người mà còn dựa trên niềm tin vào một vị Thiên Chúa giống như một người thầy không những biết chúng ta cần cái gì cho lợi ích riêng và sự hoàn thiện của mình, mà còn biết cách nhẹ nhàng dẫn dắt chúng ta biết vận dụng những tiềm năng cũng như những giới hạn của chính chúng ta trong những tình huống cụ thể. Luật luân lý có ân sủng hỗ trợ đi kèm theo chúng ta trong hành trình đạo đức. Chính nhờ ân sủng mà Thiên Chúa liên hệ với chúng ta. Trong khi luật luân lý chỉ ra rằng chúng ta còn cách xa lý tưởng bao nhiêu, thì lòng thương xót của Thiên Chúa cho thấy Người nhân hậu đến mức nào để liên tục lôi kéo chúng ta tiến từng bước về phía trước với sự trợ giúp của ân sủng Người (AL 292).[6]
Trong AL, Đức Phanxicô đặt câu hỏi tại sao các thừa tác viên mục vụ “thấy khó trình bày hôn nhân như là một con đường năng động cho sự phát triển và hoàn thiện bản thân, hơn là trình bày nó như một gánh nặng suốt đời” (AL 37). Sự nghi ngờ ân sủng của Thiên Chúa khiến các thừa tác viên mục vụ tập trung chủ yếu vào luật luân lý, dẫn đến kết quả là họ không nỗ lực liên tục để duy trì hành trình hôn nhân của các cặp vợ chồng thông qua các sáng kiến mục vụ nhằm thúc đẩy sự hỗ trợ và chung thủy lẫn nhau của họ. Niềm tin vào ân sủng của Thiên Chúa sẽ truyền cảm hứng cho các mục tử giúp đỡ các cặp vợ chồng cam kết với nhau và tham gia vào các sáng kiến mới để nhờ ân sủng của Thiên Chúa, họ có thể xây dựng lại cuộc sống cá nhân và mối quan hệ hôn nhân của họ, những điều đôi khi buộc họ phải làm mới lại một cách thận trọng, đặc biệt khi trong tay họ không còn gì ngoài đống đổ nát của mối quan hệ của họ.
Lấy cảm hứng từ mệnh lệnh cơ bản salus animarum suprema lex, “cứu rỗi các linh hồn là luật tối thượng”, Đức thánh cha Phanxicô phê phán những ai muốn “giải quyết mọi việc bằng cách áp dụng các quy tắc chung hoặc rút ra những kết luận không phù hợp từ những suy tư thần học đặc thù” (AL 2). Luật đạo đức không giống như những viên đá để ném vào cuộc đời của những con người (AL 305). Ngài bác bỏ “quả tim khép kín của… [những người] ẩn mình đằng sau những giáo huấn của Hội Thánh, ‘ngồi trên ngai toà Môsê và đôi khi xét xử một cách trịch thượng và hời hợt những trường hợp khó khăn và những gia đình bị thương tích’” (AL 305). Sẽ là thô thiển khi phán xét hành động hoặc quyết định của một cá nhân mà chỉ căn cứ vào việc họ tuân theo luật hay quy tắc chung, bởi vì điều đó không đủ để phân định và bảo đảm lòng trung thành trọn vẹn với Thiên Chúa trong đời sống cụ thể của một con người (AL 304).
Đức Phanxicô chỉ trích “những người thích một sự chăm sóc mục vụ nghiêm ngặt hơn, không có chỗ cho sự lẫn lộn” (AL 308) vì việc nhấn mạnh quá mức đến luật luân lý mà không liên kết nó với thần học ân sủng sẽ kìm hãm sự phát triển đạo đức và thiêng liêng. Vì hôn nhân “rất phức tạp” (AL 308) nên chúng ta không thể nghĩ rằng cái gì cũng là đen hay là trắng. Khi luật luân lý che khuất thực tại ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có nguy cơ đóng cửa “trước con đường ân sủng và tăng trưởng, đồng thời ngăn cản những con đường nên thánh để tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng ‘một bước đi nhỏ có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài có vẻ đúng đắn và cứ trôi qua mỗi ngày mà không gặp phải khó khăn lớn lao nào’. Việc thi hành chăm sóc mục vụ của các thừa tác viên và các cộng đồng không được phép bỏ qua thực tại này”. (AL 305)
3. Từ tuân phục luật pháp tới vun trồng nhân đức luân lý nhờ ơn Chúa
Dựa theo bối cảnh của hai suy tư thần học trước đó, AL đã kêu gọi thực hiện một sự thay đổi nữa về trí tuệ và tâm hồn trong sứ vụ mục vụ. Khía cạnh thứ ba này liên quan đến điều mà Đức thánh cha Phanxicô tin là một nhiệm vụ khó khăn đối với các thừa tác viên mục vụ. Đó là một nhiệm vụ đầy thách thức vì nó chạm đến quan điểm và thái độ mục vụ từng được Hội Thánh áp dụng trong nhiều thế kỷ. Trong nhiều thế kỷ, nhiều người đã tin rằng vai trò của họ chỉ là dạy cho biết cái gì là tốt và cái gì là xấu, đâu là những nguyên tắc đạo đức và những chuẩn mực luân lý mà các cặp vợ chồng phải tuân theo để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Đã không có nỗ lực nào được thực hiện về phương diện khám phá và phân định để các thừa tác viên mục vụ cùng với các cặp vợ chồng – cả những người ở trong hoàn cảnh bình thường (theo các quy tắc luân lý truyền thống và giáo luật) cũng như những người ở trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp (không theo giáo luật) – có thể giúp họ biết làm thế nào có thể đáp lại một cách quảng đại sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời họ. Cách tiếp cận mục vụ này phản ánh mô hình hôn nhân Kitô giáo như một thể chế tĩnh và pháp lý thay vì là một thực tại năng động và là mối quan hệ giữa các nhân vị. Nó cũng phản ánh một quan điểm hẹp hòi về đời sống luân lý Kitô giáo bị giản lược vào một số lượng các nghĩa vụ khiến cho cái ý thức về nghĩa vụ bị tách rời khỏi những khuynh hướng, thái độ hay nhân đức mà các cặp vợ chồng cần vun trồng để xây dựng các mối quan hệ của họ như một cộng đồng của sự sống và tình yêu thương.
AL phản ánh một sự thay đổi về phương pháp luận đang nổi lên trong đạo đức thần học Công giáo, từ cách tiếp cận tập trung vào luật pháp chuyển sang tập trung vào nhân đức. Việc đào tạo lương tâm đúng đắn không nên chỉ dựa vào luật luân lý và sử dụng sự khôn ngoan luân lý để trả lời câu hỏi đạo đức thực hành, “Tôi phải làm gì?” mà cũng phải trả lời cho câu hỏi đạo đức trước đó, “Tôi phải trở thành loại người nào?” Đào tạo lương tâm đúng nghĩa không chỉ nhằm mục đích tìm hiểu đâu là điều đúng đắn phải làm để đáp ứng những đòi hỏi của luật luân lý. Nó cũng phải bao gồm những suy xét liên quan đến các quyết định đạo đức tác động như thế nào đến tính cách đạo đức của một người: các thái độ của họ, các động cơ, ý định, tình cảm và quan điểm của họ. Đời sống đạo đức là vấn đề liên quan đến việc chúng ta lựa chọn thế nào cũng như việc chúng ta là ai. Chương Một của AL, tập trung vào gia đình và hôn nhân trong Kinh Thánh, đã chỉ ra ngay từ đầu những điểm chuyển đổi ưu tiên theo Đức thánh cha Phanxicô. Chương về quan điểm Kinh Thánh về hôn nhân và gia đình không tập trung vào việc xác định các quy tắc là gì, mà thay vào đó tập trung vào cách mà các cặp vợ chồng sống như thế nào, họ trau dồi nhân đức như thế nào, họ yêu thương nhau như thế nào. Các quy tắc vẽ nên một bức tranh lý tưởng về hôn nhân và gia đình hơn là đưa ra hướng dẫn giúp đỡ mọi người sống trong những hoàn cảnh khó khăn hoặc trong những mối quan hệ phức tạp và khó khăn. Điều chúng ta cần là giúp mọi người mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa để thực hành các nhân đức như tình yêu, lòng trắc ẩn, sự dịu dàng, lòng thương xót, lòng tốt, sự bao dung, sự tha thứ, sự cam kết, sức mạnh, sự chia sẻ và đối thoại trong các mối quan hệ phức tạp. AL cung cấp những cách thức để phục vụ người khác và tránh những thói quen đen tối như ghen tị, khoe khoang, thô lỗ, cáu kỉnh và oán giận, với mục đích làm cho các mối quan hệ phức tạp trở nên tích cực và hoạt động hiệu quả.
II. Nhiệm vụ của ‘Luật tiệm tiến’ trong việc đào tạo lương tâm
Trong AL Đức thánh cha Phanxicô ám chỉ điều được gọi là ‘chủ nghĩa tiệm tiến’ hay ‘luật tiệm tiến’ vốn là một công cụ mục vụ thiết yếu trong việc đào tạo lương tâm và đồng hành với hành trình trưởng thành về đạo đức của một người. Nó cung cấp một con đường cho việc đào tạo lương tâm, nghĩa là cho một hành trình phát triển đạo đức. Việc trưởng thành (tinh thần, đạo đức, nhận thức, tình cảm, xã hội, v.v.) cần có thời gian và nỗ lực liên tục. Mọi người đang trên đường đưa ra những đánh giá và quyết định về mặt đạo đức một cách thận trọng phù hợp với những gì họ hiểu và có khả năng áp dụng vào thực tế vào từng thời điểm – và có thể điều này không hoàn toàn trùng khớp với những yêu cầu khách quan của luật pháp vốn là một món quà của Chúa dành cho mọi người không có ngoại lệ. Vì vậy, điều được gọi là “luật tiệm tiến”, hay sự tiến bộ từng bước trong đời sống đạo đức với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, không nên nhầm lẫn với “sự tiệm tiến của luật” như thể có những mức độ hoặc hình thức khác nhau của những điều răn trong luật pháp của Đức Chúa Trời dành cho những cá nhân và hoàn cảnh khác nhau.
‘Luật tiệm tiến’ tôn trọng cả tính khách quan của quy luật đạo đức lẫn tính khách quan bình đẳng của hoàn cảnh thực tế của một người, điều này có thể ngăn cản sự thay đổi tức thì và hoàn toàn. Chính vì lý do này mà trong EG, Đức thánh cha Phanxicô nhận xét: “Một bước đi nhỏ, giữa muôn vàn những giới hạn to lớn của con người, có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài có vẻ đúng đắn và cứ trôi qua mỗi ngày mà không gặp phải khó khăn lớn lao nào” (EG 44). ‘Luật tiệm tiến’, khi được thực thi với sự phân định, sẽ giúp các tín hữu tuân theo những gì Thiên Chúa muốn, không phải trong tình trạng trừu tượng nhưng trong hoàn cảnh cụ thể và thường có phần hỗn loạn. Vì nhờ sự phân định cẩn thận, chúng ta đã nhận ra được điều Thiên Chúa đang yêu cầu ‘cho lúc này’ (AL 303).
Theo Đức Gioan Phaolô II, không có ‘sự tiệm tiến của luật’. Luật tiệm tiến là một sự đáp ứng mục vụ cho những con người cụ thể đang trải qua những hạn chế và những vấn đề phức tạp, chứ không phải là một sự mềm mỏng của luật. Không có sự thay đổi trong giáo huấn, nhưng trong cách các cá nhân được chăm sóc mục vụ như thế nào. Trong những hoàn cảnh này, một người đang sống trong một mối quan hệ kém hoàn hảo có thể quyết định rước lễ theo lương tâm mình bao lâu họ vẫn đang đấu tranh để sống một cuộc sống tốt nhất hay không? Như Đức Phanxicô nhận xét, rước lễ không phải là phần thưởng dành cho người hoàn hảo, mà là liều thuốc cho người bệnh (EG 47).
III. Đào tạo lương tâm
Đức thánh cha Phanxicô khuyên các thừa tác viên mục vụ hãy đào tạo lương tâm các tín hữu chứ không thay thế nó. Tuy nhiên, ngài cũng kêu gọi các thừa tác viên này đào tạo lương tâm của chính mình “để tránh có những phán đoán mà thiếu suy xét đến sự phức tạp của các tình huống khác nhau, và nếu cần, phải chú ý xem người ta trải nghiệm và chịu đựng tình trạng khó khăn của họ như thế nào” (AL 79).[7]
Việc đào tạo lương tâm không phải là sự hỗ trợ mục vụ để các tín hữu áp dụng quy tắc vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Đúng hơn, đó là tạo sức mạnh cho “việc duyệt xét lương tâm qua những giờ phút suy tư” (AL 300) để nhận ra điều tốt lành có thể có trong thực tế, hoặc điều tốt lành có thể có trong hoàn cảnh nhất định. “Điều tốt có thể có” không phải lúc nào cũng đồng nhất với việc thể hiện lý tưởng một cách đầy đủ nhất (AL 303). Việc đào tạo lương tâm của các tín hữu bao hàm sự tôn trọng không gian luân lý của họ, vun trồng các nhân đức luân lý, giáo dục tinh thần trách nhiệm, có thái độ mục vụ hội nhập hơn là loại trừ khỏi cộng đồng, và thực hành việc phân định mục vụ. Tất cả những yếu tố này đều cần thiết cho việc đào tạo lương tâm đúng đắn.
1. Tôn trọng không gian đạo đức
Không gian đạo đức chỉ về sự tự do của một người trong việc đưa ra những quyết định theo lương tâm mà không bị ép buộc từ bên ngoài hay bên trong. Thuật ngữ này không được hiểu theo nghĩa địa lý mà đúng hơn, theo cách ẩn dụ, là việc trao quyền đạo đức cho một người để họ tự do đưa ra những đánh giá đạo đức phù hợp với một lương tâm sáng suốt.
Theo mô hình lương tâm theo chủ nghĩa nhân vị, việc bảo vệ không gian đạo đức của một người có nghĩa là tôn trọng phán đoán đạo đức khôn ngoan theo lương tâm của đương sự khi giải thích luật luân lý chung cho các tình huống hiện sinh cụ thể. Quy tắc đạo đức có vai trò quan trọng vừa như là một sự hướng dẫn, vừa như là một tiêu chuẩn cho các hành động và quyết định của con người. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi các quy tắc luân lý chung không còn mang tính ràng buộc do thiếu lưu tâm đến tất cả các chi tiết và những sự phức tạp hàm chứa trong những tình huống cụ thể, thì về mặt luân lý, người ta được mời gọi giải thích theo lương tâm những quy tắc luân lý trừu tượng cho những hoàn cảnh cá nhân cụ thể. Thẩm quyền đặc biệt này của lương tâm không phải là mới trong thần học luân lý Công giáo vì Thánh Tôma đã nói đến nó trong các bài viết của ngài. (AL 304)
2. Vun trồng nhân đức
Các nhân đức luân lý là nguồn lực mà các thừa tác viên mục vụ nên hướng tới khi đồng hành cùng các tín hữu trong việc đào tạo lương tâm của họ. Không có sự giáo dục lương tâm thực sự nếu không có vai trò của các nhân đức. Vun trồng nhân đức là một khía cạnh khác của việc đào tạo lương tâm. Các nhân đức con người là những thái độ vững chắc, những khuynh hướng ổn định và những thói quen hoàn thiện của trí tuệ và ý chí, những điều chi phối hành động của chúng ta, điều khiển các đam mê của chúng ta và hướng dẫn hành vi của chúng ta theo lý trí và đức tin. Việc vun trồng nhân đức dẫn tới tiến trình giải phóng lương tâm. Càng có đạo đức thì ý chí của con người càng tự do, tuân theo lương tâm để sống có trách nhiệm, tốt đẹp. Phẩm chất đạo đức của nhân cách con người càng cao thì những quyết định trong lương tâm của con người càng có đạo đức bởi vì nhân cách tốt không thể tách rời khỏi những thói quen, hành động, quyết định, lựa chọn và cảm xúc, tất cả đều thống nhất và hướng tới những điều tốt đẹp về mặt đạo đức. Các quyết định và hành động không chỉ phản ánh tính cách tốt hay xấu của một người, chúng cũng làm thay đổi tính cách của người ấy. Chính vì lý do này mà việc trau dồi những đức tính tốt là điều không thể thiếu trong việc đào tạo lương tâm. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục nhân cách đạo đức trong mục Đào tạo lương tâm (GLCG 1784). Các nhân đức định hình tác nhân đạo đức để đưa ra những quyết định tự do và có trách nhiệm theo lương tâm. Không gian đạo đức của tác nhân đạo đức có được sự tự do khỏi những ảnh hưởng bên trong và bên ngoài thông qua việc trau dồi những đức tính tốt.
Trong thần học cổ điển, chúng ta tìm thấy một cái nhìn thần học sâu sắc và quan trọng liên quan đến việc hình thành lương tâm và các nhân đức luân lý. Vì lương tâm là một phán đoán thực tiễn xuất hiện sau một quá trình phân định, nên việc vun trồng nhân đức khôn ngoan là trọng tâm của một nền thần học đổi mới về đào tạo lương tâm và nhiệm vụ của nó là áp dụng lý trí ngay thẳng vào hành động. Thánh Tôma lập luận rằng đức khôn ngoan phân biệt các nguyên tắc cơ bản của đạo đức, áp dụng chúng vào các tình huống cụ thể và giúp lương tâm đưa ra những phán đoán thực tế là điều đúng phải làm trong một hoàn cảnh cụ thể và với một ý ngay lành cụ thể. Khôn ngoan là một nhân đức cơ bản mà tất cả các nhân đức khác xoay quanh, kết hợp các tác nhân với các hành động của chúng. Thánh Tôma cho rằng không thể sở hữu được nhân đức đạo đức nào nếu không có đức khôn ngoan.[8] Nếu không sở hữu, trau dồi và rèn luyện đức khôn ngoan, thì không một nhân đức nào khác, chẳng hạn như đức sáng suốt, đức can đảm và đức tiết độ, có thể được thể hiện và phát huy đến mức viên mãn.
Tính cách đạo đức của một người không được thể hiện bằng việc hoàn toàn sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của cấp trên một cách mù quáng và tuân theo chữ viết của luật. Vâng phục vẫn là một nhân đức bao lâu nó vẫn giữ được ý nghĩa nguyên thủy của nó, đó là khuynh hướng xem xét cẩn thận mọi yếu tố trong một tình huống cụ thể. Như Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo nói, “khôn ngoan là nhân đức chuẩn bị cho lý trí thực hành biết phân biệt điều thiện đích thực trong mọi hoàn cảnh” và “trực tiếp hướng dẫn sự phán đoán của lương tâm. Nhờ nhân đức này, chúng ta áp dụng một cách không sai lầm các nguyên tắc luân lý vào các trường hợp cụ thể và chúng ta vượt qua được những hoài nghi về điều thiện phải làm và điều ác phải tránh” (CCC1806). Sự phân định khôn ngoan của lương tâm nhằm tìm kiếm, phán đoán và lựa chọn những gì có vẻ thích hợp và đúng đắn trong một tình huống nhất định, rốt cuộc cũng đều phụ thuộc vào tính cách luân lý.
3. Cộng đồng Hội Thánh và sự hội nhập
Người ta có thể có ấn tượng sai lầm rằng lương tâm được hình thành khi người ta sống cô đơn trong không gian đạo đức đóng kín của chính nó. Mặc dù lương tâm là trung tâm và cốt lõi của con người, nhưng nó không mang tính riêng tư hay cá nhân chủ nghĩa. Theo từ nguyên của từ ‘lương tâm’ (conscience trong tiếng Anh và một số ngôn ngữ có gốc latinh), conscience là từ kết hợp bởi cum (“với”) và scientia (“sự hiểu biết”), vì thế nó chỉ về sự hiểu biết mà chúng ta có được từ những người khác. Nó là một tiến trình “biết cùng nhau” và “lớn lên cùng nhau”. Tuy nhiên, mặc dù lương tâm có không gian riêng của nó để quyết định, nhưng nó cần nghe các tiếng nói khác. Con người là một mạng lưới các mối quan hệ và một số mối quan hệ này tạo nên căn tính của con người. Như B. Häring nhận xét, lương tâm có yếu tố thiết yếu là tính hỗ tương.[9] Sự nhận thức đạo đức có tính chất xã hội. Không ai có thể tự mình nhận diện được chân lý luân lý một cách hoàn toàn. Đối với người Kitô hữu, tiếng nói của lương tâm là xác thực miễn là nó bao gồm cả tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của người khác, tiếng nói của những người có thẩm quyền giảng dạy trong Hội Thánh, và cuối cùng là tiếng nói của hoàn cảnh để khám phá ra hành động tốt nhất có thể phù hợp trong một hoàn cảnh cụ thể.
AL kêu gọi cộng đồng Kitô hữu hãy là môi trường đào tạo lương tâm của các tín hữu. Một trong những cống hiến lớn nhất của AL về lương tâm là lời kêu gọi cộng đồng Hội Thánh tạo ra một không gian đạo đức giúp các tín hữu thực thi quyền tự do lương tâm của mình. Việc nuôi dưỡng một môi trường tạo sức mạnh trong cộng đồng Hội Thánh đòi hỏi một cách tiếp cận mục vụ hội nhập thay vì loại trừ, “đồng thời tránh nguy cơ gây gương mù gương xấu” (AL 299). Như Đức Phanxicô đã tuyên bố trong bài giảng ngày 15 tháng 2 năm 2015:
“Có hai lối suy nghĩ luôn lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử của Hội Thánh: loại trừ và tái hoà nhập. Con đường của Hội Thánh, từ thời Công đồng Giêrusalem, luôn luôn là con đường của Chúa Giêsu, con đường của lòng thương xót và sự hoà nhập… Con đường của Hội Thánh không phải là kết án một ai mãi mãi; nhưng là đổ dầu thơm lòng thương xót của Thiên Chúa trên tất cả những ai kêu xin Người với tấm lòng chân thành… Vì lòng bác ái đích thực luôn luôn là vô vị lợi, vô điều kiện, hoàn toàn cho không.”[10]
Lôgích của Hội Thánh trong mục vụ là via caritatis [“Con đường bác ái”] (AL 306) để không ai cảm thấy bị bị loại trừ khỏi Hội Thánh, nhưng luôn cảm thấy mình là một thành viên sống động của Hội Thánh (AL 299). Lôgích hội nhập này tương ứng với lôgích “lòng thương xót và tái hoà nhập” (AL 296), vốn là lòng thương xót của Hội Thánh và của Chúa Giêsu, và rất khác với một lôgích khác cũng xuyên suốt lịch sử của Hội Thánh, đó là, lôgích của sự gạt ra bên lề. Lòng thương xót và sự hoà nhập mời gọi các thừa tác viên mục vụ suy nghĩ lại các chiều kích học thuyết và luân lý của đức tin Kitô giáo. Đúng là điều phân biệt cộng đồng Kitô giáo với các cộng đồng khác chính là niềm tin của mình. Tuy nhiên, cũng đúng là cộng đồng Kitô hữu, vốn đang trong quá trình liên tục hoà nhập các thành viên của mình, được mời gọi thừa nhận rằng giáo thuyết và luân lý không phải là những công cụ loại trừ. Không bao giờ nên loại trừ khỏi cộng đồng Kitô giáo những người không tuyên xưng toàn bộ sự thật và không sống theo chuẩn mực luân lý đầy đủ.
4. Sự phân định mục vụ và cá nhân
Việc đào tạo lương tâm đòi hỏi sự phân định, có thể mang tính mục vụ khi được thực hiện một cách cụ thể bởi các chủ thể của hành động mục vụ (các mục tử) và mang tính cá nhân khi được thực hiện bởi cá nhân (tín hữu với lương tâm của mình).[11] Một mặt, các thừa tác viên mục vụ có trách nhiệm đạo đức là đồng hành cùng các tín hữu, giúp họ biết phán đoán một cách khôn ngoan và có khả năng chọn lựa cẩn thận giữa nhiều sự lựa chọn khác nhau. Theo Đức thánh cha Phanxicô,
“… Các mục tử của Hội Thánh không chỉ có trách nhiệm cổ vũ hôn nhân Kitô giáo, mà còn phải “phân định mục vụ về hoàn cảnh của rất nhiều người không còn sống thực tại này nữa. Cần phải đi vào cuộc đối thoại mục vụ với những người này để phân biệt những yếu tố trong đời sống của họ có thể dẫn đến sự cởi mở hơn đối với Tin Mừng của đời hôn nhân một cách trọn vẹn”. Trong việc phân định mục vụ này, cần phải “nhận ra các yếu tố có thể thúc đẩy việc truyền giáo và phát triển nhân bản và thiêng liêng”. (AL 293)[12]
Mặt khác, trong sự phân định cá nhân của mình, các tín hữu được kêu gọi nhìn nhận sự thật luân lý khách quan cũng như sự phức tạp của các tình huống cá nhân để đi đến quyết định khôn ngoan cho hành động hợp luân lý trong mọi tình huống cụ thể. Tiến trình phân định cả ở cấp mục vụ và ở cấp cá nhân phải được “thực hiện trước sự hiện diện của Chúa, nhìn các dấu chỉ, lắng nghe những điều đang xảy ra, cảm xúc của người dân, đặc biệt là người nghèo”.[13] Các quyết định được thực hiện theo lương tâm sau quá trình phân định cá nhân đều mang tính ràng buộc bởi vì, theo truyền thống thần học luân lý, lương tâm là chuẩn mực chủ quan tối hậu của hành động và không ai có thể thay thế được.
AL đồng thời đề cập đến sự phân định của người mục tử và sự phân định cá nhân của người tín hữu và thiết lập một mối liên kết chặt chẽ giữa hai phương thức phân định này. Khi Đức Phanxicô trong AL nhận xét rằng ‘chúng ta được mời gọi đào tạo lương tâm chứ không phải thay thế nó’ (AL 37), ngài nhấn mạnh rằng cả huấn quyền lẫn các mục tử đều không được thay thế vai trò của sự phân định theo lương tâm của cá nhân. Hội Thánh giảng dạy, giống như mọi người thầy tốt, được kêu gọi lùi lại để tôn trọng không gian đạo đức của các tín hữu để họ thực hiện sự phân định của chính họ. AL nói khá thẳng và rõ ràng về vai trò của việc phân định lương tâm: “Nếu chúng ta xem xét sự đa dạng vô cùng lớn của các tình huống cụ thể…, có thể hiểu được rằng chúng ta không thể mong đợi Thượng Hội đồng cũng như Tông huấn này sẽ cung cấp một bộ quy tắc chung mới, có tính chất giáo luật và áp dụng cho mọi trường hợp. Điều có thể làm được chỉ đơn giản là một sự khích lệ mới cho việc thực hiện sự phân định cá nhân và mục vụ một cách có trách nhiệm đối với những trường hợp cụ thể.” (AL 300) Vì lý do này, “không phải tất cả các cuộc thảo luận về các vấn đề học thuyết, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết bằng sự can thiệp của huấn quyền” (AL 3).
Quá trình phân định cá nhân không chỉ liên quan đến tri thức. Mặc dù cần phải có sự cởi mở thích hợp với các nguồn mạch khôn ngoan (Kinh Thánh, sự khôn ngoan của người khác, lời cầu nguyện, giáo huấn của Hội Thánh) và sự sẵn lòng thay đổi suy nghĩ và hành động của mình, nhưng “sự phức tạp của nhiều tình huống khác nhau” và “cách mà người ta trải nghiệm và chịu đựng đau khổ về tình trạng của họ” (AL79) là những cân nhắc quan trọng không kém trong việc phân định. Nói cách khác, phân định không phải là việc áp dụng đơn điệu các quy tắc chung mà không quan tâm đến các tình huống cụ thể. (AL 304)
AL kêu gọi sự chú ý cẩn thận và nhạy cảm đối với các tình huống cụ thể phức tạp và hỗn độn để các tín hữu “không bị đóng khung hay bị rập khuôn thành những phân loại quá cứng nhắc, không còn chỗ cho sự phân định cá nhân và mục vụ thích hợp” (AL298, FC 84). Các đức tính chăm chú, đồng cảm, yêu thương và cảm nhận về hành động của Chúa Thánh Thần trong những trải nghiệm của con người, cả khi phức tạp và bối rối, đều không thể thiếu trong quá trình phân định. Trong sự phân định, cả giữa những giới hạn, người ta có thể tìm thấy những cách khả thi để đáp lại Thiên Chúa và lớn lên trong đời sống luân lý và thiêng liêng. Khi nghĩ rằng cái gì cũng là đen hay là trắng, người ta “đóng sập cửa trước con đường ân sủng và tăng trưởng, đồng thời ngăn cản những con đường nên thánh để tôn vinh Thiên Chúa” (AL 305). Đây là lý do tại sao quá trình phân định phải hết sức cẩn thận, phân biệt rõ ràng giữa các tình huống khác nhau. Không bao giờ được nhượng bộ trước những giải pháp đơn giản, chung chung.
Trong quá trình phân định, thừa tác viên mục vụ được mời gọi tìm kiếm lôgích của sự hội nhập hơn là lôgích của việc loại trừ ra ngoài lề xã hội, “đồng thời tránh nguy cơ gây gương mù gương xấu” (AL 299). “Lòng thương xót và tái hoà nhập” (AL 296) phải là đặc điểm của cuộc đối thoại mục vụ giữa mục tử và tín hữu, vì không ai sẽ phải bị kết án mãi mãi. Trong cuộc đối thoại mục vụ, người mục tử đưa ra lời khuyên luân lý cho các tín hữu để đánh giá chính xác hành vi trong quá khứ và hiện tại, cũng như những khả năng cho tương lai, tuy nhiên không thay thế quá trình ra quyết định của các tín hữu, vì nhiệm vụ của mục tử chỉ là hỗ trợ chứ không phải thay thế lương tâm. Trong AL, Đức Phanxicô nhận xét rằng “cần thực hiện mọi nỗ lực để khuyến khích sự phát triển của một lương tâm được soi sáng, được đào tạo và hướng dẫn bởi sự phân định có trách nhiệm và nghiêm túc của người mục tử, và khuyến khích niềm tin tưởng lớn hơn bao giờ hết vào ân sủng của Thiên Chúa”. (AL 303) Trong sự phân định cá nhân, với sự hướng dẫn của mục tử, người tín hữu nhận thức được khả năng cụ thể của điều tốt hoặc điều tốt khả dĩ có được trong hoàn cảnh.
Kết luận
Amoris Laetitia tuyên bố rằng, trong quá trình đào tạo và phân định lương tâm, các thừa tác viên mục vụ được mời gọi đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc đánh giá, với ý hướng thương xót và chữa trị, về những điều tốt đẹp hiện diện trong kinh nghiệm đời sống hôn nhân của các tín hữu. Trách nhiệm này càng lớn hơn trong những trải nghiệm hôn nhân phức tạp và mâu thuẫn với quy tắc luân lý khách quan. FC cung cấp một cách tiếp cận mục vụ dựa trên một khung tham chiếu có thẩm quyền, trong đó mục tử là người áp dụng quy tắc. Ngược lại, trong AL vai trò của linh mục hay cố vấn mục vụ là vai trò của người mục tử và người cha để đào tạo chứ không phải để thay thế lương tâm của các tín hữu và đồng hành cùng các tín hữu trong tiến trình phân định và quyết định theo lương tâm của họ. AL đặt lợi ích của con người lên trên các tình huống trái ngược với quy tắc luân lý khách quan, bởi vì xét cho cùng, mục tiêu đích thực của quy tắc luân lý chính là salus animarum, cứu rỗi các linh hồn.
Câu châm ngôn nổi tiếng của Thánh Augustinô tóm tắt động lực của quan điểm thần học mới của AL về lương tâm và sự phân định luân lý: In fide unitas; in dubiis libertas; in omnibus, caritas (“Trong đức tin, hiệp nhất; trong nghi ngờ, tự do; trong mọi sự, bác ái”). Câu trích này vẫn còn là một hướng dẫn quan trọng cho các thừa tác viên mục vụ trong những nỗ lực liên tục của họ trong việc đào tạo lương tâm của các tín hữu một cách chuyên cần và trong quá trình phân định luân lý trong cuộc đối thoại mục vụ. Sự hiệp nhất trong đức tin là điều cốt yếu, chẳng hạn như về tính bất khả phân ly của bí tích hôn nhân. Tuy nhiên, trong những trường hợp có nghi ngờ thực sự về khả năng áp dụng luật luân lý tổng quát vào những tình huống phức tạp cụ thể, tình trạng không có khả năng hiểu luật luân lý và khả năng tuân giữ luật bị hạn chế, có thể có nhiều cách tiếp cận hợp pháp. Sự đa dạng của các phương pháp mục vụ này là kết quả của những quyết định được làm theo lương tâm sau một quá trình phân định cá nhân. Nguyên tắc quan trọng nhất mà người mục tử phải tuân theo trong việc đào tạo lương tâm các tín hữu và trong quá trình phân định mục vụ của họ là luôn giữ vững lập trường bác ái và thương xót đối với mọi người.
Tác giả: Đức Ông, Giáo sư Emmanuel Agius là cựu Khoa trưởng Thần học tại Đại học Malta. Ông là Giáo sư Thần học Luân lý và Đạo đức Triết học tại Đại học Malta. Ông là thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống và là cựu thành viên của Nhóm Đạo đức Châu Âu trong Khoa học và Công nghệ Mới (EGE), một nhóm tư vấn liên ngành và độc lập cấp cao của Ủy ban Châu Âu. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông là: đạo đức sinh học, đạo đức giữa các thế hệ và môi trường, hôn nhân và gia đình, và đạo đức trong các thể chế châu Âu. Một số bài viết của ông về các vấn đề đạo đức sinh học, xã hội và môi trường, hôn nhân và tình dục đã xuất hiện trên một số tạp chí học thuật được bình duyệt quốc tế.
Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên
Thư ký Uỷ ban Loan báo Tin Mừng / Hội đồng Giám mục Việt Nam
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 140 (Tháng 03 & 04 năm 2024)
________
[1] Roberto Dell’Oro, “Discerning the Complexities of Moral Life” in (Thomas P. Rausch and Roberto Dell’Oro), Pope Francis on the Joy of Love. Theological and Pastoral Reflections on Amoris Laetitia, Paulist Press, 2018, 81.
[2] Petrus v. Poitiers, Sententiarum libri V, PL 211, 783-1279 trích dẫn bởi O. Lottin, Tâm lý học và Đạo đức ở các thế kỷ XII và XIII, Louvain-Gembloux 1949, III/1: 102.
[3] Thomas F. O’Meara, “Các Nhân đức trong Thần học Tôma Aquinô”, Theological Studies 58 (1997): 260. 4 AL 296, Relatio finalis (2015) 51.
[4] AL 296, Relatio finalis 2015, 51
[5] Relatio Synodi 2014, 24.
[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et penitentia, [Hoà giải và Sám hối] 14, 19.
[7] Relatio Finalis 2015, 53-54.
[8] Todd A. Salzmann and Michael G. Lawler “Amoris Laetitia: Has Anything changes?” trong Asian Horizons, Vol 11, no 1, March 2017, p 64.
[9] B. Häring, Tự do và Trung thành trong Đức Kitô, Vol I, Midelgreen Slough: St Paul Publication, 1978, 265-282.
[10] AL 296. Bài giảng tại lễ đồng tế với các Tân Hồng Y (15-2-2015): AAS 107 (2015), 257.
[11] Basilio Petra’, “Từ Familiaris Consortio tới Amoris Laetita: Tính liên tục của Thái độ mục vụ và Một Bước tiến tới”, INTAMS review 22, 2016, pp. 204-207.
[12] Relatio Synodi 2014, 24.
[13] A. Spadaro, Một Trái tim lớn mở ra cho Thiên Chúa: Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô, Tháng 9 2013,
https://www.americamagazine.org/faith/2013/09/30/big-heart-open-god-interview-pope-francis