Có lần đọc trong một quyển sách, tôi bắt gặp tư tưởng của Cha GB Phương Đình Toại, MI chia sẻ quan niệm riêng của ngài về cách sống cảm thức, hôm nay tôi cũng muốn dùng góc nhìn đó để tham chiếu và suy tư cho đời sống của mình trong mùa vọng này, như là một lần cho bản thân mình được cảm nghiệm sâu hơn thế nào là sống cảm thức, đồng thời góp thêm phần nhỏ của mình để cầu nguyện trong mùa vọng, hầu mong được ơn biến đổi và bình an trong cuộc sống, nhất là dọn tâm hồn xứng đáng đón mừng Hài Nhi Giê-su hạ sinh trong đêm cực thánh và trong suốt cuộc đời.
Ngài ý niệm rằng: “cảm thức là khả năng nhận biết dấu hiệu của yêu và ghét trong trái tim mình, hiểu được và đối diện với cảm xúc đó trong tâm thức của mình, và có can đảm nói ra nó một cách đúng mực”, hay nói cách khác, đơn giản hơn là sống ‘trung thực với chính mình’ trong mọi cung bậc cảm xúc. Tuy nhiên, trung thực ở đây không có nghĩa là chúng ta có bao nhiêu cảm xúc là “show” ra hết, nhất là cảm xúc tiêu cực, nhưng trung thực là chúng ta biết nhìn nhận mình không đủ sức để đón nhận mọi thứ; trung thực là để bày tỏ những điều chúng ta nghĩ rằng mình cần được giúp đỡ và để ta sống tốt hơn.
Trong cuộc sống, có lẽ ít lần chúng ta nghe ai đó nói với mình rằng: bạn/em/anh không được khóc, không được buồn và không được giận; nếu khóc, buồn và giận thì yếu đuối, là không trưởng thành… thế nên chúng ta đè nén, giấu đi những cảm xúc và tỏ ra cách mạnh mẽ và lạnh lùng, … nhưng thực chất chỉ để che giấu những yếu điểm, và muốn chứng minh cho mọi người thấy là ta hoàn hảo; mà sự thật không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Và như thế, chúng ta càng chứng minh bản thân với những người xung quanh cũng là lúc chúng ta đánh rơi cơ hội để ta sống thật với chính mình.
Qua góc nhìn ấy, trong mùa vọng này tôi được mời gọi chiêm ngắm Đức Maria và Thánh Giu-se, các ngài đã từng sống đúng với những cảm xúc đó trong đời mình khi phải đối diện với sóng gió của cuộc đời. Nơi Đức Maria – Mẹ nhận thức khi thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”. Mẹ cảm thấy bối rối, lo âu vì điều đó thật sự vô lý với Mẹ nên Mẹ nghi vấn sứ thần, nhưng sau cùng Mẹ nhận ra Ý Thiên Chúa, Mẹ biết mình phải làm gì và đối diện cách trung thực trong từng sự việc xảy đến cho cuộc đời mình.
Còn nơi thánh Giu-se, Ngài cũng đã âm thầm sống chân thật với những vấn đề nan giải, để rồi tìm lý do, làm thế nào để giải quyết cách tốt nhất cho Đức Maria khỏi trận “mưa đá” và sự sỉ nhục của người đời: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”.
Thật vậy, cuộc đời của các ngài cũng giống như cuộc đời của mỗi chúng ta, phải đương đầu với biết bao thăng trầm cuộc sống, gặp điều như ý cũng như không được như ý. Thế nhưng, Đức Maria và thánh Giu-se không chạy trốn hay bỏ cuộc, trái lại, dám đối diện với chính thực tại của mình trong ơn Chúa và cảm thức. Nhờ thế, các ngài đã vượt qua tất cả. Với gương sống chân thật của Đức Maria và thánh Giu-se, chúng ta hãy noi gương các ngài biết nhìn nhận mọi vấn đề cuộc sống cách đúng mực, dù đó là cảm xúc vui hay buồn, hạnh phúc hay lẻ loi và u tối, thì chúng ta vẫn xác tin rằng trong mỗi khoảnh khắc yếu đuối và giới hạn đó, Ngôi Hai Thiên Chúa lại âm thầm sinh ra trong cuộc đời chúng ta. Nguyện xin tình yêu của Đức Maria và thánh Giu-se hướng dẫn chúng con sống sốt sắng trong mùa vọng này.
M. Nhị Thơ