Suy niệm 1:
Khiêm Tốn
Lời của Thiên Chúa trong Kinh Thánh luôn là một điều gì đó tuy không còn quá xa lạ với nhân loại nhưng cũng không bao giờ trở nên lỗi thời. Vì những gì được ghi chép trong Kinh Thánh, nhất là những lời Đức Giêsu giảng dạy được các thánh sử viết lại trong 4 sách Tin Mừng, không chỉ phù hợp hay dành cách riêng cho con người thời đó nhưng đúng với cả con người qua mọi thời, nhất là đối với những người luôn xem “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.
Thế nhưng không phải bất cứ lời nào Đức Giêsu giảng dạy cũng mang cung điệu trầm ấm, nhẹ nhàng hay những dụ ngôn đậm tính biểu tượng dễ đi vào lòng người. Nếu để ý một điều, chúng ta thấy rằng nhiều lần Đức Giêsu đã không ngại “nặng lời” với những phe phái thuộc tầng lớp cai trị trong dân Israel cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo. Nếu xét theo khía cạnh con người, thì việc một mình Đức Giêsu dám đứng ra chỉ trích lối sống giả hình, hám danh lợi từ lâu đã gọi là “truyền thống của tiền nhân để lại” thì quả thật giống như câu tục ngữ của Việt Nam là: “châu chấu đá xe”. Tuy biết rằng, những lời nói và hành động chống lại những thế lực ấy sẽ đưa Ngài đến cái chết, nhưng cái giá mà Đức Giêsu bỏ ra để tìm lại chân lý đích thật, vạch ra con đường đưa con người đến sự thật toàn vẹn và sự sống bất diệt thì không uống phí chút nào.
Như trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nhìn vào lối sống và cách giảng dạy của các kinh sư và người Pharisêu không đi đôi với nhau, Đức Giêsu đã mạnh dạn nói với dân chúng: “những gì họ nói hãy nghe nhưng những gì họ làm thì đừng làm theo”. Khi nói như thế, chẳng khác gì Ngài đã lên tiếng chỉ trích những “bậc vị vọng” ấy là “nói một đàng mà làm một nẻo”.
Người đời có câu: “nhất thế nhì thân”, nghĩa là muốn công việc được trôi chảy hay có một địa vị nhất định trong xã hội thì trước nhất chính bản thân phải có quyền thế, nếu không thì phải có những mối tương quan quen biết rộng rãi. Với quyền phép tỏ tường của Đức Giêsu trước mắt toàn dân, nếu Ngài muốn đứng lên để xây dựng cho mình một danh tiếng, một vị trí trong xã hội thì chẳng có gì là khó khăn. Vì qua Tin Mừng chúng ta biết được rằng dân chúng vẫn xem Đức Giêsu là một người có quyền năng và tiếng tăm lừng lẫy.
Thế nhưng, qua việc chỉ ra lối sống chuộng hình thức, giả hình, ham danh lợi của những người kinh sư và biệt phái trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu của Ngài sống thật với con người, với vị trí và khả năng của mình trong tất cả môi trường mà mình hiện diện. Sống thật cũng là cách thể hiện sự khiêm tốn đúng mực đối với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân mình.
- Với Thiên Chúa, khiêm tốn là nhận biết Ngài là Đấng tạo hoá, là chủ muôn loài muôn vật và là chủ cả cuộc đời mình, khi đó chúng ta sẽ dễ dàng quy hướng tất cả về Ngài, đón nhận tất cả những gì Ngài trao ban và dâng lại cho Ngài những gì là của Ngài.
- Với tha nhân, khiêm tốn là nhận ra mọi người đều là anh em con cùng một Cha trên trời để chúng ta không kiêu ngạo, ganh tỵ, đố kỵ hay loại trừ nhau, nhưng yêu thương, nâng đỡ và dìu dắt nhau trên con đường về với Thiên Chúa
- Với chính mình, khiêm tốn là biết nhận ra con người yếu đuối, đầy thiếu sót của mình để khiêm nhường, phó thác, tin cậy hơn nơi Thiên Chúa, quảng đại hơn với tha nhân và nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân từng ngày.
Lạy Chúa, thật không dễ dàng chút nào để sống một cuộc đời bé nhỏ, khiêm nhường phục vụ, vì trong sâu thẳm con người chúng con vẫn chuộng danh vọng, tiền tài, địa vị. Thích nhìn lên hơn là phải cúi xuống, thích chỉ đạo hơn là phải vâng lời, nhưng xin Chúa thêm sức mạnh để chúng con can đảm vượt lên những tầm thường của bản năng con người mà sống theo lời mời gọi của Chúa. Amen.
Bảo Bảo
Suy niệm 2:
Lý do Chúa Giêsu nặng lời với các kinh sư và các Pharisêu.
Nhìn vào hoạt động rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, có nhiều đoạn Phúc Âm cho thấy Người rất dễ cảm thông với những người tội lỗi, chạnh lòng thương với những người bị bỏ rơi, bệnh hoạn tật nguyền. Nhưng hễ có đoạn nào nhắc đến các kinh sư và Pharisêu thì Chúa hay có thái độ chẳng mấy thân thiện gì cả, thậm chí còn nặng lời với họ như đoạn Phúc Âm hôm nay chúng ta vừa nghe. Lý do các kinh sư và các Pharisêu là những người lãnh đạo tôn giáo thì Chúa phải tôn trọng họ hơn những người tội lỗi, bệnh tật chứ, sao Chúa có thái độ ngược lại như vậy? Có phải Chúa Giêsu có thành kiến vì họ hay soi mói, gài bẫy Chúa Giêsu không? Thưa không phải thế đâu, Chúa Giêsu nặng lời với họ là vì ba lý do này: Một là vì họ cứng lòng tin, hai là vì họ gây gương mù gương xấu, ba là vì yêu thương họ.
- Vì họ cứng lòng tin
Trước đó Chúa Giêsu đã nhiều lần gặp gỡ họ và đã cho họ thấy những phép lạ Chúa làm để họ tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế. Chẳng hạn như phép lạ Chúa Giêsu chữa một người bị bại tay được khỏi vào một ngày sabat (Mt 12,9-14), hay như phép lạ Chúa Giêsu chữa một người bị quỷ ám vừa câm vừa điếc được khỏi và khiến anh nói được và nghe được. Tất cả những phép lạ đó họ đều có mặt chứng kiến. Song họ chẳng chịu tin vào quyền năng của Chúa Giêsu, rồi còn bàn bạc tìm cách giết Chúa, vu khống cho Chúa dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ. Hơn nữa, nhiều lần họ đặt ra những câu hỏi chất vấn Chúa Giêsu nhằm gài bẫy Người lỡ lời mà bắt tội. Nhưng Chúa Giêsu đều trả lời cho họ một cách rất khôn ngoan và thấu đáo đến nỗi khiến họ phải im tiếng bỏ đi. Thế mà họ cũng chẳng chịu tin và nhận ra dấu chỉ sự khôn ngoan của Thiên Chúa ở nơi Chúa Giêsu. Vì họ cứng lòng tin như thế nên lần này Chúa Giêsu tỏ ra thái độ nghiêm khắc và nặng lời với họ.
- Vì họ gây gương mù gương xấu
Họ không tin Chúa Giêsu thì thôi, vì họ có tự do và chịu trách nhiệm về mình mà, cớ gì Chúa phải nặng lời với họ. Không đơn giản như thế đâu. Dĩ nhiên họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đức tin của họ, nhưng đàng này họ còn lôi kéo người khác không tin vào Chúa qua chính lối sống gương mù gương xấu của họ nữa. Họ cho mình là mẫu mực của thiên hạ, “họ làm mọi việc tốt để cho thiên hạ thấy”. Họ tìm vinh quang cho chính mình qua những lớp vỏ bên ngoài của việc đạo đức và địa vị xã hội: “Họ đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy”. Lối sống này của họ khiến người khác thần tượng con người họ hơn là thờ phượng Thiên Chúa, đặt niềm tin nơi con người hơn là đặt niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Họ là những người lãnh đạo tinh thần nên ảnh hưởng của họ lên lối sống của người khác là không nhỏ. Vì sự nghiêm trọng này mà Chúa Giêsu nặng lời vạch ra những gương xấu của họ để cảnh báo các môn đệ và dân chúng đừng noi theo.
- Vì yêu thương họ
Làm sao nói Chúa Giêsu yêu thương họ trong khi đó Người lại nghiêm khắc nặng lời với họ. Yêu thương thì phải dùng lời nhẹ nhàng chứ. Kinh nghiệm dạy con cho thấy không phải người con nào cũng được dạy giống nhau. Có đứa dễ dạy chỉ cần nói nhỏ nhẹ thì nó đã nghe rồi. Còn có những đứa hơi cứng đầu thì phải nói mạnh nói nặng nó mới nghe. Chúa Giêsu cũng thế, vì thấy họ cứng lòng tin nên Người nặng lời với họ, hy vọng họ sẽ nghe mà sửa đổi. Nếu như Chúa Giêsu không yêu thương họ thì hẳn Người đã im lặng mặc kệ họ phải hư mất trước những lầm lỗi của họ rồi. Và nếu như vậy thì Chúa Giêsu cũng chẳng cần phải xuống thế mặc lấy thân phận yếu đuối và phải chết của con người để làm gì. Nhưng vì yêu thương con người tội lỗi, Người đã tự nguyện làm thế để cứu con người thoát khỏi sự chết và đem lại cho họ sự sống đời đời. Người không im lặng trước sự dữ, Người sẵn sàng lên tiếng mạnh mẽ cho dù phải mang tiếng. Chúa Giêsu nghiêm minh với thói hư của họ nhưng Người nghiêng mình kêu gọi họ trở về với những điều thiện hảo của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nặng lời với tật xấu của họ nhưng Người rất nặng lòng vì yêu thương họ. Chúa Giêsu loại trừ gương xấu của họ nhưng không loại trừ phẩm giá con người của họ.
Đó là ba lý do Chúa Giêsu nặng lời với các kinh sư và các Pharisêu. Lý do cốt yếu là vì Chúa Giêsu yêu thương họ, muốn giúp họ nhận ra và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất mà từ bỏ lối sống giả hình gây gương mù gương xấu cho người khác. Vì vậy, khi nghe đoạn này hay những đoạn khác trong Thánh Kinh chúng ta đừng ngạc nhiên. Thay vì thế, chúng ta hãy khiêm tốn xét mình có khi Chúa đang nặng lời với lối sống của mỗi người chúng ta như vậy đó. Có thể là một lối sống cứng lòng tin, thờ ơ lãnh nhận Lời Chúa và các bí tích của Người được cử hành trong Giáo hội. Có thể là một lối sống gây gương mù gương xấu khi cổ võ hay khuyến khích người khác sống hưởng thụ, tìm hư danh, thần tượng và tin con người hơn là thờ phượng và tin vào Chúa.
TYM